26-5-2021
Khi sống trong một xã hội thiếu minh bạch và không làm sao để có thể có được điều ấy, con người ta sẽ tự thèm khát nó. Nỗi thèm khát ”Sự thật” là phản ứng hiển nhiên như khát nước, đói ăn. Bởi lẽ xã hội con người được xây dựng nên bởi mối quan hệ và niềm tin, chứ không đơn thuần chỉ bằng của cải vật chất.
Chính vì thế người ta mới “hóng hớt”. Điều này không phải là phản ánh dân trí thấp hay cao. Mọi xã hội đều như vậy. Xã hội phát triển có kiểu “hóng hớt” của xã hội phát triển. Xã hội kém phát triển cũng có kiểu “hóng hớt” của riêng mình. Tất nhiên ở chiều ngược lại, các xã hội cũng có cách phản ứng riêng để lấp đầy nhu cầu thông tin của con người.
Ở phương Tây, đó có thể là một vụ phanh phui rúng động như Watergate, được chủ trì bởi một hệ thống báo chí với nghiệp vụ hạng nhất. Còn ở những nơi khác, nền báo chí thông tin kém phát triển thì tự xã hội ấy cũng sẽ phải tạo ra những cách để lấp đầy cơn đói thông tin. Nó có thể chưa đẹp mắt, chưa chuyên nghiệp, chưa “xịn”, nhưng nó ắt sẽ xảy ra như lẽ hiển nhiên.
Khi chứng kiến người ta đói khát thông tin, thèm muốn sự minh bạch, rồi biểu hiện ra bằng “đu trend” hay “hóng hớt”, cá nhân tôi cảm thấy bình thường. Nó là phản ứng tất yếu để giữ cho một xã hội vận động theo cách riêng của nó – khi mà trên thực tế là nó chưa bao giờ được thỏa mãn một cách chính danh. Do đó, người ta tự phải giải quyết điều đó một cách thiếu chính danh. Nếu như thông tin từ nguồn thiếu chính danh có đủ độ tin cậy theo đánh giá logic chủ quan, hiển nhiên nó sẽ là một vụ nổ về thông tin.
Chắc chắn rằng, khi ta nói đến xã hội là ta nói tới muôn mặt của cuộc sống, tốt có, xấu có, dễ nhìn có, khó nhìn cũng có, những thành phần ấy sẽ có các phản ứng đa dạng trước thực tiễn. Mặc dù thế, cá nhân tôi khi nhìn vào sự đói khát thông tin minh bạch, tôi chỉ thấy cảm thương chứ không thấy có gì phải khinh hay phải xấu hổ. Bởi vì có thể cho đến cuối đời con người ta cũng không thể lí giải nổi tình cảm ấy, mối bận tâm ấy khởi nguồn từ đâu. Giống như đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ, luôn thấy thiếu vắng một điều gì đó và có thể đến chết vẫn không biết đời mình thiếu mất điều gì. Thế là rất cần cảm thông.
Nếu con người ta phải “hóng hớt” để thỏa mãn cơn đói trong xã hội thiếu minh bạch, thì những ai tự cho rằng mình đứng trên đám đông, uyên bác hơn đám đông lại phải nhìn vào đó như sự cảnh báo cho một xã hội hoàn toàn thiếu vắng các giá trị nền tảng.
Sự “hóng hớt” ở các xã hội phát triển là nền móng của sự hoài nghi, và nó cũng là nền tảng để xã hội ấy tiến lên, chứ không phải là một nền “dân trí cao” hay một dạng văn hóa đám đông đặc thù nào. Sự hoài nghi mới là thứ giúp xã hội tiến bộ, điều này đúng cho cả những xã hội đã phát triển và những xã hội đang phát triển. Chúng ta tiến lên bằng một chuỗi các phép thử.
Nói tóm lại là biểu hiện của phản ứng có thể chưa “chuẩn”, nhưng nó không có gì là đáng khinh hay đáng coi thường cả. Nó là thực tiễn bình thường.