Chuyện VinFast

Lê Nguyễn Duy Hậu

6-5-2021

Tất nhiên Vinfast không có gì sai cả khi yêu cầu công an điều tra, làm rõ việc có người đăng tải nói xấu sản phẩm của mình. Công an sẽ làm gì đối với yêu cầu này mới là câu hỏi đáng để mổ xẻ.

Về pháp lý, công an có thể tiến hành điều tra nếu thấy có dấu hiệu tội phạm (chưa rõ là tội gì, vu khống?), nếu thấy đơn giản là vi phạm hành chính thì sẽ chuyển cho Sở Thông tin Truyền thông xem xét, hoặc thậm chí là bỏ qua một bên nếu thấy đây là quan hệ dân sự thông thường (lúc này thì toà sẽ giải quyết nếu Vinfast kiện).

Công an nên làm gì thì lại là một câu chuyện khác nữa. Hình sự hoá các quan hệ dân sự chưa bao giờ là điều được khuyến khích cả, đặc biệt là khi chưa rõ hành vi này là tội gì, thiệt hại của doanh nghiệp là bao nhiêu và mối quan hệ nhân quả có thật không (sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người ngay lập tức bày tỏ ủng hộ Vinfast và sản phẩm của Vinfast, như vậy thì… khó nói thiệt hại về uy tín đã xảy ra, và giá là bao nhiêu). Nhưng tất nhiên, nếu cái uy của công an vẫn “được việc” thì có khi hình sự hoá các quan hệ dân sự lại là một lựa chọn không vì mục tiêu chính sách công. Trên thực tế công an sẽ làm gì thì khó ai chắc được.

Vì vậy, câu hỏi không phải là Vinfast có nên báo công an không, mà là công an có nên xử lý vụ này không.

Nhân đây thì có thể bàn một chút về việc Vinfast ứng xử tương tự khi ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Khác với các quốc gia Châu Âu và Châu Á, hành vi vu khống ở Mỹ tuy có thể bị hình sự hoá, nhưng toà án Mỹ thường suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo/bị đơn hơn là cho “nạn nhân”.

Đầu tiên là “nạn nhân” phải chứng minh là có thiệt hại. Thứ hai, “nạn nhân” phải chỉ ra cụ thể phát ngôn nào bị coi là vu khống (chứ không nói chung chung là cái clip này hay bài viết kia). Và cuối cùng là phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và phát ngôn.

Thực tế thì luật Việt Nam cũng vậy, nhưng cái khác là toà Mỹ thường có xu hướng bảo vệ phát ngôn. Chẳng hạn, nếu toà nhận thấy bị cáo/bị đơn cung cấp thông tin tuy có sai sự thật (untruthful) nhưng “chân thành” (honest) thì ngôn luận của họ vẫn sẽ được bảo vệ, không bị coi là vu khống. Cụ thể, theo một án lệ ở bang Missouri gần đây (Bigfoot on Strip, LLC v. Winchester), toà đưa ra lập luận rằng ngay cả khi bị cáo/bị đơn nói trong một review post trên Yelp rằng họ trả tiền chỉ để được cho thú ăn trong 5′, trong khi thực tế là 10′, hay họ phải chờ cả ngày trời để được vào tham quan, trong khi họ chỉ phải chờ 2 tiếng… thì cũng phải xét xem các thông tin không chính xác đó có làm ảnh hưởng đến bản chất của lời phàn nàn hay không, và nếu có thì có làm suy giảm uy tín của “nạn nhân” không?

Nếu bản chất của lời phàn nàn là trải nghiệm người dùng không xứng đáng với giá tiền (hoặc xe có hư hỏng) thì 5′ hay 10′ cũng không quá quan trọng, và ngôn luận khi này vẫn được coi là đủ “chân thành”. Tư duy này dựa trên quan điểm rằng nếu vạch lá tìm sâu các thông tin không chính xác cốt chỉ để quy kết người phát ngôn tội vu khống thì không chỉ hạn chế quyền tự do ngôn luận, mà còn rất khó để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa phát ngôn và thiệt hại uy tín (những khách hàng tương lai liệu có thấy việc phải đi sửa 5 lần hay 10 lần một cái máy tính giá 1.000 usd là khác nhau?).

Ngoài ra, từ năm 2016, một đạo luật liên bang ra đời có tên là Consumer Fair Review Act (CFRA), theo đó cấm doanh nghiệp có hành vi đe doạ hay ép buộc khách hàng phải gỡ bỏ hoặc không đăng các review tiêu cực về sản phẩm hay doanh nghiệp của mình. Ngay cả khi việc đe doạ hay ép buộc đó được thực hiện thông qua thoả thuận mặc định giữa khách hàng và doanh nghiệp thì thoả thuận đó cũng bị cấm thực hiện. Năm 2018 thì Uỷ Ban Thương Mại Liên Bang tiến hành phạt một doanh nghiệp dựa trên CFRA. Tất nhiên, CFRA là luật liên bang và việc áp dụng nó đối với các vụ việc chỉ có tính chất tiểu bang cũng là một vấn đề để tranh cãi.

Như vậy, khi Vinfast ra thị trường nước ngoài thì những tập tục họ đang làm ở thị trường Việt Nam chắc chắn phải thay đổi. Họ cũng sẽ mất đi sự hậu thuẫn của người dùng Việt trung thành đang ra sức bảo vệ họ trên mạng xã hội mấy ngày nay nếu một vụ việc tương tự xảy ra ở nước ngoài. Đây cũng là điều mà Financial Times đã cảnh báo hồi năm kia khi họ viết một phóng sự về sự trỗi dậy của Vingroup nói chung.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Luật pháp ở VN không chỉ “bênh vực” người có “tiền”, người có “quyền” qua côn an và toà án ! Mà,
    Luật pháp VN sẵn sàng làm “tay sai” cho kẻ có “nhiều tiền”, và dĩ nhiên người có “quyền lực cao” !

  2. Chúng sẽ dùng luật của tao: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 331 luật hình sự tu chính thay đổi) để xử tất cả những ai đụng đến bọn chó má TƯ BẢN ĐẢNG dày phong bì nuôi đấng cán bộ đảng.
    Công an điều tra? rồi thanh tra? tất cả hệ thống ăn bẩn này sẽ đứng về lũ Group in tiền.

  3. Chẳng hiểu tác giả nói gì: quyền của công an trong những quan hệ dân sự (cụ thể là quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm của những nhà sản xuất ấy)? Hay quyền của người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm bị hỏng/lỗi (defected)? hay quyền và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng về những sản phẩm của mình?
    Tác giả nên nêu lên từng vấn đề (issue) và có thể viết trong nhiều kỳ để công chúng/người đọc thưởng lãm thay vì ôm đồm nhiều vấn đề trong một bài viết ngắn. Ví dụ: quyền của người tiêu dùng đối với sản phẩm đặc biệt là sản phẩm hỏng không an toàn. Hoặc quyền của công an khi người tiêu dùng than phiền/khiếu nại về sản phẩm, họ có misuse nó không có ý defame nhà sản xuất không (libel/slander)?
    Tuy về hưu đã lâu nhưng tôi sẵn sàng góp ý với tác giả về chủ đề này.
    Góp ý với lòng kính trọng.
    Khoi Phan

  4. Cái uy của công an ?
    Hãy xem cái khí chất hiên ngang của mẹ con bà Cấn Thị Thêu trước tòa án cộng sản .

Comments are closed.