Từ đạo mẫu đến đạo văn

Chu Mộng Long

25-4-2021

Một giáo sư tiến sỹ, thầy của các thầy, từng tham gia biên soạn rồi thẩm định chương trình, sách giáo khoa, cho đến lúc này vẫn viết một status khẳng định: việc cho học sinh viết theo văn mẫu là cần thiết.

Tôi hiểu, ông đang bào chữa cho những quyển sách “văn mẫu” của ông và học trò ông. Ông không nhìn ra được, khi những quyển sách gọi là “văn mẫu” đó ra đời, cả thầy lẫn trò ở các cấp học đã xem như là kinh điển. Và như vậy, giáo dục các ông gọi là hiện đại có khác gì truyền thống “thuật nhi bất tác” của Nho giáo? Và có khác gì các tôn giáo truyền bá các loại kinh cho các tín đồ cắm đầu tụng niệm như cái máy, điều ông Marx gọi là “thứ trật tự của tinh thần không có tinh thần”?

Sản xuất “văn mẫu” cho học sinh học tập và làm theo thì chỉ có thể là các ông tự phong thánh cho mình. Trong khi các sách văn mẫu đó chẳng có gì chuẩn mực, nếu không nói, trong đó toàn sao đi chép lại những giáo điều cũ rích. Đó là chưa nói tư cách của nhiều ông viết văn mẫu chỉ là một loại con buôn trong cái chợ xổm chộp giật gọi giáo dục.

Tôi cứ hình dung cái tệ nạn đạo văn có gốc từ học tập và làm theo văn mẫu. Viết theo mẫu, gọi là “đạo mẫu”, lâu dần thành thói quen, đến khi thành giáo sư, tiến sỹ vẫn không thoát ra được, gọi là “đạo văn”. Nghe giống như tôn giáo, nhưng đúng là tôn giáo thật, vì cái gì đã đưa vào giáo đường theo cách ấy, giáo đường sẽ thành thánh đường.

Với cái vòng lẩn quẩn: giáo sư tiến sỹ đạo văn thành sách, sách lại dạy học sinh đạo mẫu, thì các ông đòi cải cách làm gì nữa?

Vụ đạo văn của giáo sư tiến sỹ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn kéo dài gần 20 năm với các hội đồng thẩm định, thanh tra, kết quả thế nào? Đến lượt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo giải quyết vẫn không xong! Kẻ đạo văn vẫn nhân danh giáo sư tiến sỹ đứng trên giảng đường để rao giảng và hướng dẫn cho các tín đồ của mình.

Nhiều người đề nghị giải quyết rốt ráo. Tôi bảo không thể. Bởi các hội đồng với các giáo sư tiến sỹ đứng ra thanh tra, thẩm định sự vụ chắc gì đã cao hơn đối tượng bị thẩm định, thanh tra?

Cuối cùng, tôi chỉ cười, rằng không làm ra ngô ra khoai lại có cái hay của nó. Tự nó vạch trần cái cối xay lẩn quẩn của giáo dục, dù có trăm cuộc đổi mới, cải cách. Và tự nó xác định “đạo mẫu”, “đạo văn” là một tôn giáo, trong đó mỗi giáo sư, tiến sỹ viết bài mẫu là một ông thánh trong thế giới tin ngưỡng đa thần. Đa thần nhưng ông nào cũng giống ông nào nên thành ra chỉ là tôn giáo độc thần!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đẹp mặt quá!

    Đó là mặt của bà Hoàng Xuân Phương và ông Vũ Mộng Lân. Cả hai đều là giảng viên đại học, có cả ngàn học trò. Họ đã chôm chỉa phần lớn (85%) nội dung dịch từ bài báo của giáo sư Jim Macnamara (Úc), đã đăng trên tạp chí quốc tế uy tín Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.

    Chôm xong họ in thành giáo trình, rồi xuất bản sách để dạy cho sinh viên và bán kiếm danh. (…)

    https://thuymyrfi.blogspot.com/2021/04/nguyen-inh-bon-ep-mat-qua.html

  2. Khi nghe các bài diễn văn do các CB từ thấp đến chóp bu đọc trong các buổi lễ hay các báo cáo chính trị quan trọng đều toát ra một văn mẫu từ mấy chục năm nay…Vậy trách chi thầy trò không chịu bỏ đi lối học bài mẫu

  3. Chắc chắn các thứ đạo văn, đạo mẫu này phải có trước Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ta.

Comments are closed.