Chút tâm tình về ngày 30 tháng 4

Lê Nguyễn

25-4-2021

46 năm đủ cho sự ra đời và trưởng thành của hai thế hệ. Song đối với những người miền Nam đã chứng kiến cái ngày 30.4.1975 và những ngày tháng tiếp sau đó, nhiều hình ảnh cứ “mới như ngày hôm qua”. Bởi vì chúng vẫn còn đậm nét quá, chúng hằn sâu vào ký ức, dẫu cho có những lúc ta muốn quên chúng đi, nhưng nào có được.

Sau cái ngày 30.4 ấy, người ta nhắc nhiều đến 2 chữ “đổi đời”, thật khó có từ nào chính xác đến thế. Nó là cuộc đổi đời của hàng triệu người thua cuộc, nếu không chịu đựng cảnh tử biệt sinh ly thì cũng giương cặp mắt thất thần nhìn khối tài sản tích cóp bằng cả mồ hôi và nước mắt tan biến thành mây, thành khói. Nó là những phận người bắt đầu ngụp lặn trong bể khổ trần ai, giữa những vùng kinh tế mới hoang vu thiếu thốn trăm bề, trong những trại “học tập cải tạo” giữa hun hút rừng sâu.

Nhưng sự đổi đời cũng có nghĩa tích cực của nó. Nó tạo điều kiện cho hàng chục triệu đồng bào miền Bắc nhìn thấy cái thực tại sống động của một Sài Gòn, của một miền Nam dưới vĩ tuyến 17 mà họ chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra được như thế. Nó kết nối dần tình cảm và tâm tư của đồng bào Nam-Bắc, khi họ nhìn thấy nhau, tiếp xúc với nhau và nhận chân ra rằng cả hai khối đồng bào ruột thịt chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Ngày 30.4, nhớ nghĩ đến những “giai thoại” đã tồn tại hơn 40 năm qua về những cái “đổng” có nhiều cửa sổ, về những “tivi chạy đầy đường”, về những “cái nồi ngồi trên cái cốc” …, chúng ta không cười cợt trên sự ngu ngơ của đồng bào chúng ta, mà từ trong đáy lòng của mỗi chúng ta dâng lên niềm thương cảm về những phận người ruột thịt chung một dòng máu, chung một tổ tiên, đã không có được những năm tháng tương đối đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần như chúng ta.

Khi có thể nghĩ được rằng sự trả giá của chúng ta với tính cách là người thua cuộc được bù đắp phần nào bởi sự cải thiện cuộc sống của rất nhiều đồng bào phía Bắc, ta sẽ cảm thấy lòng thanh thản hơn, đỡ ray rứt hơn mỗi khi cái ngày 30.4 lại trở về trong tâm trạng ngổn ngang của hàng triệu triệu người.

Chúng ta cũng sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi rất nhiều đồng bào phía Bắc đã thay đổi hẳn cảm nghĩ về những người từng sống dưới vĩ tuyến 17, những cảm nghĩ từng bị định khuôn, che chắn bởi một bức màn sắt khổng lồ không để lọt qua bất cứ một sự thật nhỏ nhoi nào.

Ngày 30.4, ta nghĩ về tình tự dân tộc và sự hòa hợp không đến từ bàn tay ban phát của người cầm quyền, mà từ sự hiểu biết lẫn nhau, cảm thông nhau khi nhìn về quá khứ bi thương và một hiện tại còn đầy rẫy cam go trước mắt.

Đọc hồi ức về ngày 30.4.1975 và những ngày tháng sau đó của một số bạn trưởng thành bên trên vĩ tuyến 17, nhiều hình ành, cảm nghĩ khiến lòng ta không khỏi bùi ngùi. Đó là hình ảnh những cậu học sinh mười tám, đôi mươi, lần đầu tiên thấy cây bút nguyên tử (bút bi) và tròn xoe mắt nhìn, hỏi nhau sao viết hoài mà không hết mực. Đó là sự kinh ngạc và thích thú của những cô cậu thiếu niên lần đầu tiên thấy gói mì tôm, chỉ cần bóc bao ra, chế nước sôi vào là mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Đó cũng là lần đầu tiên họ có thể nói vào cái “đài” cassette và nghe lại được giọng nói của mình.

Không bùi ngùi sao được, hóa ra trong những tháng năm dài chia cách, nhiều đồng bào ruột thịt của chúng ta đã phải sống trong sự tăm tối và kham khổ đến chừng nào! Sau ngày 30.4.1975, với họ, bên cạnh sự thay đổi ít nhiều về cuộc sống vật chất, đổi đời còn là sự nhận chân được một thực tại rất khác, về những người thua cuộc, những đồng bào miền Nam rất khác so với những gì họ đã hình dung trong trí tưởng của họ, một trí tưởng là sản phẩm của sách giáo khoa và những bài báo mà họ đọc hàng ngày.

Sau ngày 30.4.1975, họ dừng chân ở một cửa hàng tại Sài Gòn, ngạc nhiên nhìn thấy bà bán hàng vui vẻ, gói hàng cẩn thận cho họ, không lạnh lùng, nhìn họ bằng “đôi mắt hình viên đạn” như các cô mậu dịch viên ở quê họ. Họ còn nhìn thấy những con hẻm đầy sách vở, có cả sách nghiên cứu về triết học Marx-Lenine mà chính quyền bên thua cuộc đã cho phép biên soạn và phổ biến trong những năm tháng chia cách hai miền.

46 năm là đã gần nửa thế kỷ, so với nhiều bạn đồng hành quanh ta, ta đã có những bước tiến … rùa bò. Bởi vì sau 46 năm, vẫn còn đây đó những chia rẽ, nghị kỵ, thậm chí cả hận thù. Chính sự ly tán của lòng người vẫn còn tiếp tục kéo dài trên một đất nước thống nhất về mặt địa lý từ 46 năm qua đã góp phần làm nên một xã hội trì trệ hôm nay.

Những ngày tháng 4, nhìn về một quá khứ đã xa nhưng cũng thật gần gũi, nhiều hình ảnh trở về trong ký ức và ta vẫn còn xúc động khi nhớ lại một Dương Thu Hương ngồi ôm mặt khóc bên hè phố Sài Gòn, vẫn nghe lòng rộn lên niềm thương cảm đối với đồng bào miền Bắc ruột thịt khi đọc lại tâm tình rất thật của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết về một Sài Gòn của những người thua cuộc từng gây nhiều ấn tượng lạ lẫm và tốt đẹp trong anh.

Xin mời các bạn đọc lại những tâm tình dưới đây của nhà văn họ Nguyễn về ngày 30.4.1975 và những ngày tháng sau đó.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Vết thương lòng của những người công dân Miền Nam dưới chính thể VNCH đến bao giờ mới thật sự lành lặn ?! Trong khi đảng csVN vẫn còn cho ngày này là ngày chiến thắng vinh quang của họ, và cờ phướng vẫn đỏ rực khắp nẻo đường đất nước từ Bắc vào Nam mỗi dịp cuối tháng tư hàng năm !

  2. Ngày này đã xảy ra 2 sự “giải phóng”.

    * giải phóng những cánh cửa bảo vệ tư sản, kho bạc, bất động sản, kho hàng…tự do chiếm đoạt để giàu có lên, hưởng thụ sướng hơn, áp đặt quyền lực quy mô hơn lên con người, thoả mãn quyền lực và kiêu ngạo. Và giải phóng được ẩn ức mặc cảm thua kém tự ti, trả được nợ thù xương máu và lòng tự tôn tự ái!

    * Được giải phóng khỏi nghèo nàn, lạc hậu, u tối ngu dốt. Và được giải phóng khỏi sự thiếu thốn tình cảm, khao khát văn hoá, nhu cầu mỹ học và tình yêu khai phóng nhân văn.

    Giải phóng 2 chiều là thế…

  3. “Khi có thể nghĩ được rằng sự trả giá của chúng ta với tính cách là người thua cuộc được bù đắp phần nào bởi sự cải thiện cuộc sống của rất nhiều đồng bào phía Bắc”

    Cho cừ cái, Hahahahahaha. Đồng bào phía Bắc bi giờ hối lộ cho nhau toàn triệu đô hông, ngừ thua cuộc nên lấy lý do đó để coi đó là sự bù đắp . Nucking Futs!

    “khi rất nhiều đồng bào phía Bắc đã thay đổi hẳn cảm nghĩ về những người từng sống dưới vĩ tuyến 17, những cảm nghĩ từng bị định khuôn, che chắn bởi một bức màn sắt khổng lồ không để lọt qua bất cứ một sự thật nhỏ nhoi nào”

    Đọc Mạc Văn Trang chiện trò với Thiều Thị Tân thì công cuộc kháng chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” vưỡn còn nguyên vẹn tính đúng đắn, heck, được nâng lên thành thánh thiện lun . “những cảm nghĩ từng bị định khuôn” bi giờ được trang trí hoa lá cành, nhìn cũng xôm tụ lém, nhứt là từ mồm mấy bác trí thức xã hội chủ nghĩa .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây