BTV Tiếng Dân
Zing đưa tin: Trung Quốc tập trận ném bom trên không sau tuyên bố của Mỹ – Nhật. South China Morning Post dẫn tin từ Đài Truyền hình TƯ TQ (CCTV) tiết lộ, Chiến khu Đông bộ của Quân đội TQ (PLA) vừa triển khai hàng chục máy bay ném bom H-6K trong cuộc diễn tập bắn đạn thật, diễn ra ngay sau khi Mỹ – Nhật ra tuyên bố chung về Biển Hoa Đông và Biển Đông.
CCTV đưa tin, các máy bay ném bom cất cánh từ một sân bay quân sự ở miền Đông TQ trong điều kiện tầm nhìn thấp, hướng tới một “trường bắn không xác định”. Trong cuộc tập trận, máy bay ném bom H-6K, với tải trọng tối đa 15 tấn, diễn tập tác chiến điện tử nhằm vượt qua các đơn vị tên lửa phòng không. Khi vào được không phận mục tiêu, máy bay thả bom rơi tự do từ các độ cao khác nhau.
VietNamNet có bài: Trung Quốc diễn tập không kích sau tuyên bố chung Mỹ – Nhật về Đài Loan. Bài báo có clip từ CCTV, ghi lại một số khoảnh khắc chính trong cuộc diễn tập kéo dài 9 tiếng của đội máy bay ném bom H-6K thuộc Chiến khu Đông bộ của TQ, diễn ra với mục đích “tăng cường khả năng tấn công của lực lượng không quân và cải thiện các khả năng chiến đấu thực tế”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng quanh Đài Loan:
Hãng tin CNN có clip: AFP thừa nhận có thách thức trong vấn đề tuần tra khu vực biển Tây Philippines.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte: Sẽ cử tàu quân sự ra Biển Đông nếu TQ khoan dầu. Trong bài phát biểu hôm qua, TT Duterte cho biết, ông đã trực tiếp bày tỏ với chính quyền TQ, rằng Manila “muốn vẫn là bạn” với Bắc Kinh. Về vụ tàu “dân quân biển” TQ án ngữ ở Đá Ba Đầu khiến ngư dân Philippines không hành nghề ở đó được, ông Duterte nói rằng, ông “không quan tâm nhiều tới việc đánh bắt cá”, tranh chấp về nghề cá không phải vấn đề đủ lớn để tranh cãi với TQ.
Nhưng Duterte đe dọa, sẽ điều “tàu vỏ xám”, là tàu quân sự được ngụy trang, đến ngăn chặn nếu TQ khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Ông nói: “Khi chúng tôi bắt đầu khai thác, khi chúng tôi bắt đầu lấy được thứ gì đó – bất kể là gì – từ lòng Biển Đông, tới thời điểm đó tôi sẽ gửi các tàu vỏ xám của mình đến để đưa ra yêu sách (chủ quyền)”.
VTC có clip về lực lượng dân quân biển: “Công cụ” đắc lực của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông?
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: EU tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nói ‘Biển Đông cần tự do và cởi mở’. Cuối tuần qua, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua “Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Hôm nay, phái đoàn EU tại VN ra thông cáo, khẳng định kết luận của Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cam kết củng cố vai trò của EU trong hợp tác với các đối tác tại đây.
Thông cáo của EU có đoạn: “Những biến động hiện tại ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã làm nảy sinh sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt… Tính phổ quát của quyền con người cũng đang bị thách thức. 60% thương mại đường biển thế giới đi qua các đại dương của khu vực, trong đó một phần ba là đi qua Biển Đông. Các tuyến đường của khu vực này cần phải được duy trì sự tự do và cởi mở”.
VnExpress đưa tin: Tàu ngầm Pháp bí mật đi qua Biển Đông. Ngày 17/4, phóng viên của Naval News phỏng vấn đại tá Antoine Delaveau, hạm trưởng tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude, về chuyến hành trình đi qua Biển Đông hồi tháng 2/2021.
Hạm trưởng Delaveau cho biết: “Thủy thủ đoàn điều khiển tàu ngầm hạt nhân Emeraude di chuyển gần như âm thầm, chỉ nổi lên ở eo biển Sunda để tự do đi lại theo những gì các hiệp ước hàng hải cho phép và được các tàu mặt nước của Pháp hộ tống”. Tàu ngầm hạt nhân Emeraude vượt qua quãng đường gần 55.600 km trong 199 ngày trên biển, tham gia diễn tập với hải quân các nước “Bộ Tứ” và Indonesia.
VnExpress đưa tin: Việt Nam đề cao ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Myanmar. Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ lẽ ra là cơ hội để VN đưa vấn đề căng thẳng Biển Đông ra công luận quốc tế, vạch trần âm mưu và chiến lược thu tóm Biển Đông của bá quyền TQ, nhưng ông Phúc lại chỉ nói vô thưởng vô phạt:
“ASEAN đang cùng Trung Quốc nỗ lực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”. Là người đại diện quốc gia để phát biểu trước quốc tế, nhưng ông Phúc không hiểu rằng TQ đang bày trò “chia để trị” với ASEAN. Cách làm của phía Mỹ là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, để các nước phương Tây cùng gây áp lực với TQ, thì ông Phúc lại phớt lờ.
Báo Người Lao Động có bài: Trung Quốc muốn phá liên minh của Mỹ. Chuyên gia Li Mingjiang của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore lưu ý, chỉ vài ngày sau cuộc họp cấp cao với giới chức Mỹ ở bang Alaska hồi tháng 3/2021, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đã tiếp đón người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, rồi cùng Iran ký thỏa thuận hợp tác kinh tế 25 năm.
GĐ điều hành Frederick Kempe của Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council ở Mỹ, cảnh báo, Tổng thống Biden đang đối mặt với một thách thức mang tính quyết định: Hai chế độ độc tài Nga – Trung tăng cường hợp tác chiến lược nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ cũng như chính sách ngoại giao chú trọng đồng minh của ông Biden.
____
Mời đọc thêm: Trung Quốc rầm rộ tập trận sau tuyên bố chung Mỹ – Nhật về Đài Loan (VTC). – Tổng thống Philippines lần đầu lên tiếng sau vụ hàng trăm tàu Trung Quốc ở Biển Đông, dọa điều tàu chiến (TG&VN). – Philippines tuyên bố sẽ hành động nếu Trung Quốc khoan dầu trên Biển Đông (GT). – “Sẽ rất đẫm máu”: Tổng thống Philippines Duterte dọa cử tàu chiến tới Biển Đông đối phó Trung Quốc (VietTimes).
– EU công bố kế hoạch ‘xoay trục’ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Zing). – Hải trình bí mật của tàu ngầm Pháp ở Biển Đông (VTC). – Dàn tên lửa trên tiêm kích F-16 Mỹ ở Biển Đông (VNE). – Mỹ sắp bán lô vũ khí đầu tiên cho Đài Loan dưới thời ông Biden, báo Trung Quốc cảnh báo (TT). – Mỹ cùng lúc đối mặt Nga và Trung Quốc (TN). – Bức ảnh hạm trưởng và vai trò của Mỹ ở Biển Đông (DĐDN). – Trung Quốc tìm cách phá vỡ liên minh của Tổng thống Mỹ Joe Biden (VOV).