Trân Văn
15-4-2021
Đến giờ, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn chỉ làm hai chuyện sau vụ đấu giá mỏ cát trên sông Tiền ở đoạn chảy qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang: Thứ nhất, kiểm tra xem tại sao giá khởi điểm (7,2 tỉ đồng), thấp hơn giá thắng thầu khoảng… 390 lần (2.811 tỉ đồng). Thứ hai, kiểm tra năng lực tài chính của Công T-S.HOME (doanh nghiệp thắng thầu – toàn quyền khai thác mỏ cát).
Chẳng riêng công chúng mà báo chí, doanh giới đã cũng như đang thảo luận sôi nổi về vụ đấu giá – tranh quyền khai thác mỏ cát này. Một số ủng hộ ý tưởng cần điều tra về việc tổ chức đấu giá (1), một số bảo rằng chính quyền tỉnh An Giang – nơi tổ chức đấu giá – không có gì sai khi đưa ra giá khởi điểm là 7,2 tỉ (2), một số công bố hàng loạt yếu tố bất thường về Công ty T-S. HOME (3)…
Rất ít người, rất ít nơi, đặc biệt là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bận tâm đến chuyện, tại sao An Giang lại tổ chức đấu giá khai thác mỏ cát trên sông Tiền khi đủ thứ thảm nạn (hạn hán, sông rạch và ruộng vườn nhiễm mặn, sạt lở, sụt lún) đang hủy diệt đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)? Tổ chức đấu giá – cho phép khai thác 2,4 triệu khối cát có ảnh hưởng gì đến tương lai ĐBSCL không?
***
Tờ Công an TP.HCM vừa có một phóng sự về đoạn sông Tiền ở đoạn chảy qua xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Theo đó, dân chúng đang lo bạc mặt trước tin chính quyền tỉnh An Giang tổ chức đấu giá – cấp quyền khai thác cát ở khu vực đã và đang sạt lở bởi trước giờ, cả chính quyền tỉnh An Giang lẫn chính quyền tỉnh Đồng Tháp (phía bờ bên kia) thi nhau cho phép khai thác cát (4).
Tờ Công an TP.HCM xem đó là điều… bất ngờ nhưng các chuyên gia thì không. Trò chuyện với tờ Thanh Niên, ba chuyên gia: Ông Lê Anh Tuấn – Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ, ông Lê Xuân Thuyên – Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ông Nguyễn Thế Chinh – làm việc tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường đều đề cập đến việc cần phải khảo sát toàn bộ khu vực ĐBSCL để tính toán xem có thể khai thác cát nữa không, khai thác ở đâu, mức độ khai thác,… để không làm biến đổi dòng chảy, duy trì mức độ ổn định, bền vững của môi trường. Khi hoạt động xây dựng phụ thuộc vào cát thì phải làm như thiên hạ: Khuyến khích sản xuất và sử dụng cát nhân tạo. Đặt định những yêu cầu mới trong quy hoạch – thi công công trình để giảm sự phụ thuộc vào cát.
Những chuyên gia vừa kể đều cho rằng, việc chính phủ… nhường cho chính quyền từng địa phương đơn phương soạn, lập và quyết định về khai thác cát, thiếu kế hoạch tổng thể cho toàn vùng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng mình tự hại mình và hại cả những tỉnh khác, khu vực khác. Thực trạng này là điều bất cập trên phạm vi toàn quốc chứ chẳng riêng gì ĐBSCL (5).
Chẳng phải đến bây giờ các chuyên gia mới lên tiếng. Họ đã cảnh báo từ lâu, rằng khai thác cát vô tội vạ sẽ làm ĐBSCL biến dạng và phân rã, một nửa diện tích sẽ mất dạng vào cuối thế kỷ này nhưng hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL vẫn thế. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ, trước, thiên hạ không rõ vì sao lại cấp giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp nào đó, còn giờ thì tổ chức… đấu giá!
Xưa nay, Việt Nam không thiếu chuyên gia và vẫn có… chính phủ nhưng chính phủ do đảng lãnh đạo mà đảng lại… tài tình, sáng suốt nên không cần tham khảo và cũng chẳng cần bận tâm đến ý kiến của các chuyên gia. Hoạch định chính sách, quản trị điều hành ở cấp vĩ mô đã có Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đảng, cấp vi mô thì đã có Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các đảng bộ.
Thiên nhiên bồi đắp cả trăm năm mới tạo ra một mỏ cát. Chỉ cần có nghị quyết của đảng hoặc của các hội đồng thay mặt nhân dân mà đa số đại biểu là đảng viên thì trong vòng vài năm là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền có thể dọn xong một mỏ cát hay bất kỳ mỏ nào chứa loại tài nguyên khác. Đó cũng là lý do ứng cử viên vào hệ thống chính trị các cấp phải do đảng cử và họa là lỗi của dân, dân phải gánh bởi họ… bầu!
Chú thích
(4) http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/bat-ngo-o-khu-vuc-mo-cat-gan-3000-ty-dong_110363.html
Một nhà cầm quyền độc tài, đảng trị do hầu hết những kẻ ngu dốt, tham lam, cơ hội… làm lãnh đạo. Nhân dân sẽ là nạn nhân và phải gánh chịu tất cả những hậu quả do cái ncq này nó đem đến cho toàn dân !
Cầm quyền tặc thì đẻ ra tất cả các loại lãnh đạo tặc, lâm tặc, cát tặc, ghế tặc, lộ tặc…nguy hiểm nhất là đất tặc và quốc hội tặc. Càng làm lớn càng làm láo.