Tina Hà Giang
14-4-2021
”Cút về xứ mày đi! Mày không phải người ở đây.” Người đàn bà nhổ vào mặt anh và la lên. Đó là hôm 6/3/2020, người đàn bà lạ mặt ấy công khai sỉ nhục anh tại phi trường Quốc tế Reno-Tahoe.
Nước bọt chảy dài trên má. Anh choáng váng, nhìn quanh chỉ để thấy hàng chục nhân chứng quay mặt đi, như với họ, chuyện vừa xảy ra chưa bao giờ xảy ra.
Theo phản xạ tự nhiên, anh gượng cười rồi bỏ đi. Đây không phải là lần đầu chuyện như thế này xảy ra với anh. Xét cho cùng, anh là một người Mỹ gốc Việt.
Việc vô cớ bị tấn công và sỉ nhục hôm ấy Jeff Le chôn kín trong lòng. Nhưng nỗi buồn âm ỉ thì hơn một năm sau cuồn cuộn tuôn ra theo ngòi bút…
Một người Mỹ gốc Việt tiêu biểu
Jeff Le sinh ra và lớn lên ở Nam California năm 1982, một năm sau khi cha mẹ anh đến Mỹ từ những năm dài lăn lóc ở các trại tị nạn.
Năm 2000, cha mẹ anh dọn đến tiểu bang Georgia để gầy dựng một trại nuôi gà đi bộ, và tại đây, theo anh, cùng ở tuổi 64, cả hai vẫn tiếp tục làm việc ’18 tiếng một ngày.”
Như nhiều người Mỹ gốc Việt đến Mỹ định cư, họ làm việc vất vả để con cái có điều kiện chọn con đường mình yêu thích. Sự nghiệp của anh là giao lộ giữa chính sách và chính trị – giữa chính quyền tiểu bang, Quốc hội, các tổ chức đa phương và những tổ chức phi lợi nhuận quốc tế.
Năm nay 39 tuổi, Jeff Le là một đối tác chính trị của Dự án An ninh Quốc gia Truman. Anh từng là Phó Giám đốc Đối ngoại và Quốc tế, cũng từng là Phó Thư ký Nội các cho cựu Thống đốc California Jerry Brown từ năm 2014-2019.
Với thành quả đó, Jeff nghĩ mình đã nắm được bí quyết để thành công như một người gốc Á trong chính trị Hoa Kỳ. Nhưng sau nhiều trải nghiệm, anh thấy mình đã sai.
Nhận thức đó chính là tựa đề bài viết dài 3,500 chữ của anh được đăng trên tờ Politico, tạp chí chính trị có hạng của Washington DC.
Được Politio đăng bài không dễ. Được đăng nguyên một bài dài gấp 4 lần những bài bình luận tiêu biểu là điều gần như không tưởng. Jeff Le cũng có lẽ là tác giả người Mỹ gốc Việt đầu tiên có bài trên tạp chí này.
Bài viết của anh có gì đặc biệt?
Trong bài, Jeff Le giải thích tại sao đã không phản ứng gì về hành động thóa mạ của người đàn bà lạ ấy. Về nỗi đau khi thấy những người chứng kiến việc anh vô cớ bị sỉ nhục ngó lơ. Về nỗ lực nhiều năm để leo nấc thang nghề nghiệp luôn bị cản lại bằng một lực vô hình, bằng bức trần bằng kính, dù so với người khác, anh thấy rõ ràng mình học giỏi hơn, đạt nhiều thành tích hơn, và xứng đáng hơn. Tất cả chỉ vì anh là một người Mỹ gốc Á.
”Trong đời tôi, đây là một nhận thức lâu dài và đau đớn, học được sau nhiều năm tìm cách leo lên các nấc thang của chính sách Hoa Kỳ và chính trị toàn cầu. Bất kể tôi đạt điểm cao mức nào, có nhiều kinh nghiệm thực tập, nghiên cứu, bất kể những công việc có uy tín mà tôi đã đảm nhiệm; hy sinh cá nhân và gia đình cho nhóm, tổ chức và sứ mệnh. Tôi cũng vẫn bị kẹt lại, không thể đạt được vai trò lãnh đạo mà những người khác được đề bạt. Tôi không đang bước trên một cái thang mà đang chạy trên một máy chạy bộ, làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đi đến đâu. Giống như cộng đồng người Mỹ gốc Á rộng lớn hơn, tôi đang ẩn mình trong những cấu trúc không thuận lợi cho mình — không coi trọng mình.” Jeff Le viết.
Anh nhận định:
”Thách thức với tôi — và đối với cộng đồng chính trị rộng lớn hơn mà tôi là thành viên — là tìm ra thời điểm và cách nói “đủ quá rồi”, và thay vì lặng thinh, tìm cách chống lại những cấu trúc đó.”
Giải pháp, với anh, là thay vì ẩn mình, im lặng, nhẫn nhịn theo văn hóa Á đông, mọi người phải lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của mình. Anh viết:
”Trong gần hai thập niên, tôi đã làm việc trong chính phủ và trong lãnh vực tư nhân. Và điều tôi nhận ra là chúng ta cần phải làm điều gì đó khác đi — điều gì đó có thể không làm chúng ta thoải mái, nhưng lẽ ra đã phải làm từ lâu. Chúng ta cần ngừng giả vờ rằng sân chơi công bằng và tất cả chúng ta được đối xử bình đẳng, cần ngừng hy vọng rằng một ngày nào đó thành quả sẽ được ghi nhận. Hãy ngừng chấp nhận mức đền đáp quá ít sau khi cật lực làm việc. Hãy ngừng xin lỗi thực tế mình là người gốc Á, và bắt đầu giành lấy quyền chính đáng của mình.”
Chia sẻ tâm tư với BBC News Tiếng Việt, Jeff Le nói:
”Sau những thành quả ban đầu, chúng ta dễ bị mắc vào cái bẫy ‘Thiểu số Gương mẫu’. Đó là một cái bẫy, đặc biệt khi chúng ta được dạy rằng cách tốt nhất để thành công ở Mỹ là tránh tạo sự chú ý, tránh gây rắc rối. Chỉ cần im lặng, nhẫn nhịn, chỉ cần cắm cúi làm việc thật chăm chỉ, cứ mãi thế là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề (không phải là người bản xứ), và rồi sẽ được công nhận. Điều đó không đúng. Hãy nhìn cho rõ. Chúng ta không phải là người da trắng.”
BBC: Anh đã rất nhịn nhục khi bị người đàn bà đó tấn công. Vậy điều gì đã khiến anh yên lặng hơn một năm rồi quyết định lên tiếng qua bài viết này?
Jeff Le: Tôi vẫn còn buồn khi nghĩ lại việc bị đối xử mất nhân tính như thế. Nhưng thói quen và văn hóa của mình khiến tôi phản ứng như vậy. Vả lại đây cũng không phải là điều gì mới. Nạn kỳ thị thù hằn với người gốc Á chỉ khiến nhiều người bây giờ bận tâm vì thảm kịch tại Atlanta, cũng như khúc phim ghi cảnh một phụ nữ gốc Á chống lại kẻ hành hung. Một phần trong tôi cảm thấy bất lực. Nhưng sau vụ Atlanta, tôi thấy đây là lúc để chúng ta phải cùng nhau sát cánh, tố cáo những hành vi bạo lực và thù hận, và khuyến khích những cộng đồng khác cùng hợp lực với chúng ta để giải quyết vấn đề.
2px presentational grey line
BBC: ‘Một sự nhịn chín sự lành’ là quán tính đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, và người Á châu nói chung thường ngại lên tiếng khi bị tấn công. Anh nghĩ sao về việc này?
Jeff Le: Theo văn hóa Á đông, chúng ta không nói về những đau khổ hay thất bại, hoặc khi bị áp bức. Người Mỹ gốc Việt là một ví dụ điển hình của điều đó. Bạn rời khỏi đất nước. Bạn bỏ tất cả mà đi. Bạn chặn đi phần đau thương đó của đời mình, bạn không nói về nó và bạn không bao giờ đối mặt với cuộc sống cũ. Vì vậy, khi bị những hành động kỳ thị thù ghét nhắm vào, bạn nhớ lại cuộc sống cũ và cảm giác bạn không là gì quan trọng ở đất nước này. Văn hóa chúng ta dạy rằng nếu bạn im lặng hơn, ẩn mình đi hơn, thì những điều này sẽ không xảy ra. Và vì vậy khi bị hành hung, hiếp đáp, bạn tự trách mình đã không nhẫn nhịn đủ, hay im lặng đủ, và bạn nín thinh.
2px presentational grey line
BBC:Trong bài viết anh đề nghị mọi người không thể thu mình và thụ động. Vậy điều gì khiến anh chợt nhận ra rằng nhẫn nhịn không phải là giải pháp?
Jeff Le: Nhận thức của tôi nó đến từ từ. Nhưng nếu muốn nêu rõ một thời điểm hay biến cố khiến tôi phản ứng, thì là vì tôi có đứa con gái tám tháng. Cháu sinh ra vào tháng Bảy năm ngoái.
Khoảng thời gian con mới sinh, tôi luôn băn khoăn với ý nghĩ con mình là người châu Á, con mình là người Việt. Mai sau liệu con có sẽ được tôn trọng không, liệu con có sẽ được xem như một người ngang hàng không, liệu con có được đối xử bình đẳng không?
Càng nghĩ thì tôi càng biết chắc là nếu tôi không lên tiếng, nếu tôi không làm tất cả những gì có thể làm từ bây giờ, thì không chắc là con tôi sẽ đạt được những điều bình thường đó. Nhìn từ góc độ giữa các thế hệ, chúng ta có trách nhiệm giải quyết việc này, giống như cha mẹ chúng ta đã cật lực làm việc để cho chúng ta điều kiện tìm cơ hội thích hợp cho mình. Khi đến đây, thế hệ đầu tiên thực sự không có nhiều lựa chọn, phải không? Nhưng thế hệ thứ hai, thứ ba đang nhờ vào nỗ lực của những thế hệ trước mà vươn lên. Nạn kỳ thị cũng thế.
BBC: Ngoài việc sinh con, còn có điều gì đã thôi thúc anh phải lên tiếng?
Jeff Le: Còn. Tháng Tám năm ngoái, một tháng sau khi con tôi sinh ra, thì một hôm ba mẹ tôi gọi phôn báo rằng hàng xóm hai bên đổ lỗi cho họ (người Á châu) mang Covid vào nước Mỹ và không muốn giao du với họ nữa. Thú thật cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ viết gì cả. Viết lách với tôi là một thế giới mới.
Lý do tôi viết? Người Việt chúng ta rất mạnh mẽ phải không? Chúng ta không để lộ nỗi buồn. Nhưng khi nói chuyện với ba mẹ, tôi có thể nghe được nỗi buồn của họ, và tim tôi đau nhói. Bởi vì trong suốt hai mươi năm ở Georgia, ba mẹ tôi chăm chỉ làm việc, tích cực tham gia mọi sinh hoạt để trở thành một phần của cộng đồng. Rồi hàng xóm của họ đột nhiên nói ‘xin lỗi, bạn không phải là chúng tôi’. Tình giao hảo hai mươi năm, nhưng rất tiếc, bạn vẫn không phải là chúng tôi.
Bố mẹ tôi sẽ không bao giờ thừa nhận rằng họ buồn như thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn của họ. Đó là lý do tại sao tôi viết bài xã luận đầu tiên.
Bài viết đầu tay của tôi được đăng trên Albany Herald, một tờ báo địa phương. Tôi viết về sự đóng góp của người di dân cho tiểu bang Georgia. Về những y tá người Philippines chết vì Covid sau những ngày dài săn sóc bệnh nhân. Sau bài viết đó hàng xóm xin lỗi ba mẹ tôi.
Từ đó tôi viết liên tục, về đủ mọi đề tài, đa số là ở góc nhìn chính sách. Tôi viết có lẽ đã được hơn 20 bài, đăng ở những diễn đàn thích hợp.
BBC: Riêng bài viết trên Politico này anh viết bao lâu mới xong?
Jeff Le: Suốt cuộc đời tôi (cười lớn). Thật ra tôi may mắn. Viết về những việc này với tôi không dễ. Không phải là đột nhiên tôi muốn kể cho thế giới nghe toàn bộ đời mình, về việc tôi bị phỉ nhổ, hay phơi bày mọi chi tiết về bản thân trên một trong những tạp chí quan trọng nhất ở Washington. Nhưng đêm đó, tôi viết một lèo hơn 6 tiếng đồng hồ, gửi bản thảo cho Politico, họ bảo bài dài nhưng họ muốn đầu tư vào đề tài đó, thế là tôi tốn thời gian biên tập, rồi bài được đăng.
Tôi phấn khởi là đã nhận được rất nhiều biểu đồng tình gửi về từ các quan chức nhà nước, những người ủng hộ, những người đấu tranh cho cộng đồng, các nhà báo và cả những người hoàn toàn xa lạ. Tôi nhận được nhiều tin nhắn trong đó người đọc chia sẻ những chuyện cá nhân của họ. Tôi có cảm tưởng rằng những gì tôi nói lên chứng thực được kinh nghiệm mà nhiều người khác cũng đã trải qua. Còn ba mẹ tôi lúc đó mới biết tôi đã từng bị nhổ vào mặt và bảo phải xéo khỏi nước Mỹ.
2px presentational grey line
BBC: Theo anh thì người Mỹ gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng cần phải làm gì?
Jeff Le: Trước tiên là phải nhận thức rằng sẽ không ai khác giúp chúng ta, mà chúng ta phải tự giúp mình. Điều đó có nghĩa là các cộng đồng gốc Á phải xích lại gần nhau để chia sẻ nguồn lực, đầu tư vào các ứng cử viên dân cử, đòi được ở cùng vị thế và sức mạnh như các cộng đồng khác trong tiến trình chính trị. Điều này gồm tranh đấu cho quyền bỏ phiếu, thúc đẩy cải cách luật chống nạn kỳ thị thù hằn nhắm vào người gốc Á.
Về mặt cá nhân, những ai từng là nạn nhân của sự thù hằn vì kỳ thị không nên giấu kín mà nên kể ra câu chuyện của mình. Kể với bạn bè, với người thân, với những người mình cùng sinh hoạt. Trong văn hóa của chúng ta, đi kèm với những thất bại, sự đau lòng và thất vọng là nỗi xấu hổ lớn. Thói quen này cần thay đổi.
Bài học tôi rút ra được là khi cố gắng ẩn mình và nhịn nhục, người gốc Á đã tự biến mình thành vô hình, tự từ bỏ quyền lợi và quyền hạn của mình, thay vì phải là giành lấy những quyền hạn chính đáng. Lặng thinh và nhẫn nhịn không phải là giải pháp, mà ngược lại.