“Tôi là người độc nhất còn lại để kể chuyện cho quý vị” (Phần 5)

Tác giả: Larry Engelmann

Người dịch: Nguyễn Bá Trạc

12-4-2021

Tiếp theo Phần 1 – Phần 2 – Phần 3Phần 4

Tôi tập hợp sĩ quan, binh sĩ vào năm cái xe jeep. Làm gì được bây giờ? Ai nấy đều đã bỏ đi. Người ta bảo có người thấy tướng Phú ngoài phi trường. Chúng tôi lái ra phi trường. Đầu tiên, quân cảnh không chịu cho tôi vào. Sau, họ mở cổng. Khắp chung quanh tôi là lính không quân, tôi gặp cả ông tướng không quân cũng đang dáo dác tìm tướng Phú. Ông ta bảo: “Ông Phú đã đi, rồi ông Lý cũng đi thì tại sao chúng tôi còn ở lại đây. Đi thôi!” Nhưng lúc ấy tôi nào có đi đâu. Tôi chỉ đi tìm người chỉ huy của tôi thôi!

Rồi tôi nhận điện thoại của đại tướng Cao Văn Viên tại phi trường. Ông bảo: “Tướng Phú đâu?” Tôi nói “Tôi không được rõ, chính tôi cũng đang tìm ông ấy!” Ông nói: “Vậy anh cứ ở lại phi trường để kiếm ông ấy cho tôi.” Tôi bảo: “Vâng, tôi sẽ ở đây.”

Chúng tôi đợi chờ trông ngóng mãi vẫn chẳng thấy tướng Phú đâu. Sau bảy ngày không ăn không ngủ, tôi qụy xuống vì suy nhược. Lính và các sĩ quan của tôi bèn đẩy tôi vào một chiếc máy bay trong khi các toán lính khác rút đi. Chiếc máy bay thay vì đi Phan Rang để thiết lập bộ chỉ huy ở đấy, đã bay thẳng về Sàigòn. Khi tôi tới Sàigòn thì tướng Phú đã ở đấy rồi. Tôi về nhà. Hôm sau đi tiểu ra máu, sức khoẻ sa sút. Tôi đi khám bệnh. Bác sĩ cho thuốc, bắt tôi nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn đi làm.

Một lần nữa tôi cố liên lạc tướng Phú để xem phải làm gì. Câu đầu tiên ông ấy bảo tôi là: “Lý ơi, chúng ta bị phản bội rồi.” Tôi hỏi: “Bởi ai vậy?” Ông ta nói: “Bởi Thiệu. Thiệu đã cho chúng ta vào bẫy. Ông ta đã đẩy mọi chuyện cho chúng ta. Ông ta bảo tất cả là lỗi chúng ta. Chính ông ấy ra lệnh cho chúng ta rút quân, bây giờ ông ấy lại tuyên bố mọi sự đều do lỗi chúng ta cả!” Ông Phú muốn chuẩn bị một tờ trình để chứng minh chúng tôi chẳng có tội lỗi gì, để giải thích rõ chúng tôi đã điều khiển các chiến dịch ấy như thế nào, tại sao chúng tôi không lấy lại Ban Mê Thuột, tại sao chúng tôi triệt thoái.

Vì thế tôi sửa soạn một tờ trình dầy cộm cho tướng Phú.

Tôi đến thăm tướng Phú và tướng Trưởng, Tư lệnh vùng 1, bấy giờ đang ở trong bịnh viện. Tướng Trưởng ôm lấy tôi mà khóc. Ông bảo: “Lý ơi, chúng ta mất hết fôi!” Tướng Trưởng yêu đất nước, yêu đồng đội và yêu Quân đoàn I của ông. Nhưng bây giờ, tất cả không còn gì nữa.
Khi gặp lại tướng Phú, tôi thấy ông đang giận dữ. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến ông giận dữ tổng thống. Sau khi trao cho ông tập báo cáo tôi đã soạn xong, ông ký tên, tôi đi gặp tướng Khuyên để đưa tờ trình này cho ông Thiệu và ông Cao Văn Viên. Nhưng sau đó, không bao giờ tôi nghe nói gì về tờ trình này nữa.

Tôi hỏi tướng Khuyên: “Chúng ta phải làm gì bây giờ. Chúng ta đã mất tất cả chưa?”. Ông nói: “Không. Chúng ta sẽ tập trung lại, vạch lại ranh giới, ông sẽ nắm lại Quân đoàn II.”

Nhưng tôi tự nghĩ ông tướng này không nói hết sự thật. Bây giờ chúng tôi không còn có thể làm như vậy được nữa. Nếu ông ấy bảo thế từ lúc tôi còn ở Pleiku, thì còn có thể được. Bây giờ tôi chỉ huy được ai. Lính thì không, địch đầy rẫy, chỗ nào cũng có địch quân.

Tướng Khuyên hỏi: “Nếu ông ở địa vị tôi, ông sẽ làm gì?” Câu hỏi đột ngột làm tôi chấn động, vì tôi nhận ra rằng tôi không còn có thể nghĩ được bất cứ giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn đề của chúng tôi lúc này nữa.

Khi vê nhà, vợ tôi và tôi nghe tiếng phi cơ liên tục cất cánh mỗi đêm. Chúng tôi biết văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ đang di tản người ra khỏi xứ. Tin tức đưa đến chúng tôi mỗi ngày do đó chúng tôi đều biết những ai đã ra đi. Tôi đến gặp một người bạn là Tư lệnh Sư đoàn 2(?) Ông ta và tôi vẫn cố gắng thu thập lại lính tráng để tái tổ chức Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23.(?) ()

Nhưng bỗng lúc ấy, chúng tôi lại nhận được những tin tức toàn là tin tổn thất. Tôi đi gặp tướng Hiếu một cấp chỉ huy cũ của tôi và là một tướng lãnh hết sức lương thiện trong quân đội.

Tôi hỏi tướng Hiếu tình hình Quân khu III ra sao. Ông trả lời: “Chúng ta phải tái tổ chức và nỗ lực mà chặn những cuộc tiến công chiến xa của địch quân”. Vài ngày sau, ông bị giết.

Tôi đi ra đi vào từ Vũng Tàu đến Sàigòn nhiều lần, cuối cùng liên lạc được một số bạn hữu của tôi bên tòa Đại sứ Mỹ. Họ điện thoại bảo tên tôi đã có trên danh sách những người ra đi. Tôi đến tòa Đại sứ Mỹ, vào bằng cổng hậu vì người ta quá đông, họ đã để cho tôi vào. Tôi gặp tướng Charles Timmes, một bạn rất tốt của tôi. Ông bảo ông đã nhận được lệnh Hoa Thịnh Đốn đưa Cao Văn Viên đi, tên tôi được sắp kế tên ông Cao Văn Viên, vì tôi đã cứu được nhiều người Mỹ trên cao nguyên.

Do đó tôi đưa gia đình trực hệ, gồm vợ và các con đến đợi ở điểm hẹn, rồi được đón vào Tân Sơn Nhứt bằng xe buýt tòa Đại sứ. Chúng tôi chờ ở phi trường cho đến hôm sau.

Chúng tôi rời Việt Nam bằng chiếc máy bay C-130, bay đến trại tỵ nạn ở Guam. Đó là ngày 25 tháng Tư.

Khi rời đi, tôi biết tất cả đã mất. Trước kia tôi nghĩ có thể Cộng sản và Mỹ có thỏa thuận, nhưng điều ấy sai. Chúng tôi nghe nói người Mỹ đã bán đứng chúng tôi để kiếm những đồng minh khác.

Tôi nghĩ khi Kissinger đi Trung Quốc bắt tay với Mao Trạch Đông, đấy đã là chung cuộc của Việt Nam. Tôi biết sau đó Việt Nam chẳng còn hy vọng gì. Sau khi người Mỹ đi Bắc Kinh bắt tay với Trung Cộng, họ không cần Việt Nam nữa.

Đối với tôi, đấy là chuyện người ta đã bán đứng chúng tôi. Chúng tôi chẳng có gì để nói về chuyện ấy cả. Tôi nghĩ đáng lẽ Tổng thống Thiệu phải thấy được điều này mà chuẩn bị từ trước. Nhưng ông đã không thấy, do đó đối với tôi, Thiệu không phải là một lãnh tụ giỏi.

Bây giờ đây quý ông thử nghĩ: Nếu quý ông là người Việt Nam và quý ông yêu quê hương xứ sở mình, tất nhiên sẽ phải hỏi tại sao người Mỹ hành xử như thế? Đây chính là câu hỏi mà tôi đặt ra cho người Mỹ: Tại sao người Mỹ đã đối xử với bạn hữu của mình như thế?

Nhiều người bảo chúng tôi đã bị bán đứng. Tôi đành phải buồn bã mà đồng ý đúng là như vậy.

(Còn tiếp)

Nguồn: Blog Phan Ba

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

    • Nhưng đây là thời điểm cả thế giới tử tế đang suy yếu vì đòn chiến tranh sinh học khiến trụ cột của nó ở thế suy nhược. Tung loạt bài nầy ra không thể là vô tư, dù đã cũ.

  1. Phải chăng loạt bài nầy được tung ra theo ý đồ của kẻ nào đó muốn rằng VN 2021 đừng bao giờ nên dựa vào Mỹ để độc lập và xa lánh ai? Và thông điệp nó muốn nhắn gửi: con đường duy nhất đáng tin cậy để đi…là hãy về với nó, lệ thuộc nó, nhập vào nó?!

    Người thức giả yêu nước và yêu những giá trị nhân bản phải nhận thấy ai tốt và cái gì tốt để biết con đường chân chính mình cùng dân tộc nên chọn mà đi, cho dù quá khứ có thể sai lầm, thất bại. Không để bị rơi vào vòng xoáy của thủ đoạn tuyên truyền, lèo lái, cưỡng ép, và phải đầu hàng, mất nước!

    Toute vérité n’est pas bonne à dire
    Có những sự thật đáng tiếc không nên nói ra,
    vì quá khứ là không thể sửa chữa.
    Đừng để bị lợi dụng. Đừng trao cho quỉ sứ bất cứ cơ hội nào để chúng tiếp tục biện hộ cho sự dối trá và tô son trát phấn nguỵ trang cho bản chất phi nhân của nó!
    Cái thiện có những lúc dại dột, yếu thế, thất bại. Nhưng lịch sử đã và sẽ chứng nhận rằng nó là thiện.
    Cái ác dù lúc nào đó đã thành công trong nói dối, lừa đảo và nhờ thế có thể đã chiến thắng nhất thời…nhưng không bao giờ thay đổi bản chất của nó là kẻ bóp chết tự do, thống trị và nô lệ hoá.

    Hãy giữ vững niềm tin ở cái thiện. Cái thiện phải gắn liền với tự do, tự nguyện và tình thương.
    Hạnh phúc phải được đi kèm với tự do, tự nguyện và tình thương. Đó là những đặc tính mà độc tài áp bức không bao giờ có được. Đó là lửa thử vàng.

Comments are closed.