9-4-2021
Báo chí và hệ thống truyền thông quốc doanh đang thỏa sức ca ngợi sự “thành công tốt đẹp” của kỳ họp quốc hội, tán tụng bộ máy mới, những gương mặt “mới mà cũ” đầy phẩm chất, thậm chí còn khảo cổ khai thác những vỉa xưa thời chăn trâu cắt cỏ, học trường làng, đi kiếm củi, làm thuê làm mướn của đương sự. Tất cả chỉ nhằm rằng kỳ này đã “sáng suốt lựa chọn” được những nhân tài, mở ra thời kỳ mới, tương lai tươi sáng cho xã hội, cho đất nước. Nó giống như một cuộc cách mạng, thay đổi mạnh mẽ bộ máy, và mọi ước mơ đang biến thành hiện thực.
Nhưng, nếu ta chịu khó để ý, thì hầu như đại hội đảng hoặc kỳ họp quốc hội nào cũng cái phom (form) như thế, không có đại hội/kỳ họp nào dở xấu tồi kém cả, không có sự lựa chọn nào không chính xác cả. Mọi thứ mặt trái chỉ được phơi bày khi bộ máy và những con người ấy hoạt động. Lúc đảng tiến hành đại hội 11, đại hội 12, đại hội 13, lúc quốc hội 12, 13, 14 ra đời, có ai dám nói đảng và quốc hội kém sáng suốt đâu, chọn nhân sự sai đâu. Cuối cùng vẫn tòi ra hàng xâu hàng lũ mọt nước hại dân như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Phan Văn Vĩnh, Trần Việt Tân, Nguyễn Văn Hiến, Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang… vốn một thời hét ra lửa, đường đường ngôi phụ mẫu chi dân.
Muốn biết những gương mặt mới thực chất thế nào, tốt nhất là phải đợi các vị ấy làm được cái gì, thay đổi được gì, tạo dấu ấn tốt đẹp gì, có lợi gì cho xã hội, cho dân cho nước, chứ đừng vội vàng ca tụng tung hô. Họ là người chứ không phải thánh. Chủ nghĩa duy vật cho rằng vật chất quyết định ý thức, vậy hãy cứ chờ đợi chiêm quan thứ họ làm, rồi hãy đánh giá cũng chưa muộn. Chính vì vậy, dạng người được việc, chứng minh khả năng cầm quyền, lãnh đạo hiệu quả như ông Lê Văn Thành ở Hải Phòng rất ít.
Mà đã thực sự chọn đúng người chưa? Một ông làm bộ trưởng giao thông suốt mấy năm, đó là chưa kể đóng vai thứ trưởng bộ ấy mấy năm trước, nhưng trong bao nhiêu năm ổng tại vị, hệ thống đường giao thông, nhất là đường cao tốc ở khu vực chiến lược đồng bằng sông Cửu Long vẫn cực kỳ lạc hậu, đi từ Sài Gòn về Cà Mau chỉ tròm trèm 300 cây số phải mất hơn nửa ngày (6 – 8 tiếng đồng hồ), có cái BOT trấn lột Cai Lậy vô lý chặn huyết mạch nuôi sống cả nước mà suốt bao nhiêu năm không giải quyết nổi, có con rắn xi moong Cát Linh – Hà Đông vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, để lại biết bao nhiêu tai tiếng, tới giờ vẫn chưa dám đưa vào hoạt động… Tất cả đều xảy ra trong nhiệm kỳ của ông ta, vậy vẫn được đôn lên, vẫn đương kim bộ trưởng. Không hiểu ông ta có cái bùa hộ mệnh gì.
Một phụ nữ đã 63 tuổi, cũng chửa rõ tài năng xuất chúng gì, nhưng ở tuổi ấy, cả đàn bà lẫn đàn ông khi vượt qua lục thập hoa giáp đều trở nên chậm chạp, đầu óc kém minh mẫn dần, nhưng vẫn được giao việc quan trọng nhất trong những việc trọng là công tác tổ chức, lựa chọn con người để chèo lái quốc gia. Cứ cho là có tài nhất định đi, không vướng bận gia đình đi, nhưng sao có thể tài giỏi bằng những người trẻ hơn, học thức cao hơn.
Một bà khác nữa, khi xảy ra vụ Đồng Tâm giữ chức Trưởng ban dân vận của TP.Hà Nội. Bà không những không vận được dân “một lòng theo đảng” mà ngược lại còn “góp phần” vào vụ việc đầy tai tiếng, cuối cùng vẫn được sáng suốt lựa chọn làm Phó bí thư thường trực Thành ủy thủ đô.
Rất nhiều ông bà quan chức cấp cao cả trung ương lẫn địa phương, mở ngó lý lịch của họ, nào là cao cấp chính trị, nào là giáo sư tiến sĩ lý luận Mác – Lê, cứ lấy đó làm bậc thang thăng tiến, chả hiểu họ sẽ đóng góp gì được cho đất nước này… Khi chính trị độc đoán còn lấn át kỹ trị, chi phối tài năng, lấy tư tưởng làm thống soái, quyết định mọi hoạt động, nhất là vận hành bộ máy kinh tế và giáo dục, thì đừng mơ này nọ xa xôi chi cho mệt.
Nhà văn Lỗ Tấn từng viết về chú AQ và cuộc cách mạng ở làng Mùi (chỗ này nói thêm tí cho rõ: nhiều người không biết, cho rằng chuyện ở một làng có gì đáng nói, họ cứ nghĩ cái làng Mùi ấy cũng na ná như làng Vũ Đại của Nam Cao, làng Chợ Dầu của Kim Lân. Không phải vậy, làng (hương) ở bên Tàu là đơn vị hành chính to ngang một huyện ở ta. Thập niên 1960 có làng Đại Trại được Mao Trạch Đông xây dựng trở thành công xã, tay chủ nhiệm công xã là Trần Vĩnh Quý về sau còn được đôn lên làm phó thủ tướng chứ đùa). Làng Mùi làm cách mạng, nhộn nhạo một dạo, thay người này, hạ kẻ khác, cuối cùng thì lão Tây giả vẫn là lão Tây giả, cụ cố họ Triệu, cụ cố họ Tiền vẫn thét lác quát nạt, bộ máy cai trị làng Mùi vẫn chết chóc u ám, gần như chả có gì thay đổi sau cơn biến động.
Cách mạng làng Mùi ở An Nam cũng chả khác gì, chả có gì để hy vọng, nhất là khi con người ta vẫn đầy tham lam, khư khư ôm chặt quyền lực để “vì tương lai con em chúng ta”.
– Dám cá với bác là dù bác có nói khan cả tiếng thì họ cũng chẳng biết cái làng Mùi nó ở đâu, lão Tây giả hay cụ cố họ Triệu, họ Tiền là những ai ?
– Báo chí xứ ta, ngoài chuyện tình, tiền, tù , tội và ca ngợi, tâng bốc hết lời thì còn biết viết gì nữa hả bác ? Thôi cứ để họ dùng ngòi bút mà kiếm sống qua ngày vậy. Cảm ơn bác , nhờ bác nêu ra, em mới biết báo chí đang ca tụng cuộc “cách mạng ở làng Mùi” .
Nịnh quá trơ trẽn chẳng khác nào giới thiệu bộ sậu chăn trâu mới của ông Trọng, tài lãnh đạo của cáo già hẳn có khác người, nhân tài thì rũ tù và chăn trâu, moóc bọc lên làm bộ trưởng, cách mạng là phải vậy, như thần thiến Đỗ 10 đã từng chỉ đạo đám nhân sỹ thổ tả là phải đào tạo bọn bần cố nông trong 3 ngày để đưa lên làm lãnh đạo. Bọn cuồng sản với đầu óc tư duy của kẻ đổ thùng đâu thể biết khác hơn ngoài việc trọng dụng đám thất phu. Ngày nào còn đám chăn trâu, moóc bọc cầm quyền thì ngày đó dân tộc còn tả tơi.