Bản tin ngày 8-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin chính trường

Hôm qua, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trình QH phê chuẩn danh sách bổ nhiệm 12 ứng cử viên Bộ trưởng, trưởng ngành, thì hôm nay, đã có kết quả phê chuẩn 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của Chính phủ, báo Thanh Niên đưa tin.

Toàn bộ danh sách 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng của ông Chính đều được QH bỏ phiếu thông qua. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhận được số phiếu chuẩn thuận cao nhất, với 474 phiếu thuận, chiếm 99,37%. Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận được số phiếu thấp nhất, chỉ có 402 phiếu thuận, chiếm 84,28%.

Về cậu cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, VietNamNet có bài: Tân Bộ trưởng trẻ nhất nước Nguyễn Thanh Nghị. Ông Nghị được chuẩn thuận cái ghế Bộ trưởng Xây dựng, thay cho người tiền nhiệm là ông Phạm Hồng Hà. Ông Nghị từng là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước hồi năm 2015, khi mới 39 tuổi. Nay, ông Nghị trở thành Bộ trưởng trẻ tuổi nhất, 45 tuổi. 

Tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VNN

RFA đặt câu hỏi về hiện tượng, cán bộ đầy tỳ vết lên làm lãnh đạo lớn: trắng trợn chà đạp luật pháp? Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Thanh Nghị, “từng bị kỷ luật vì sai phạm đất đai tại Kiên Giang” khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng rồi lại lên làm Bí thư tỉnh này. Thời điểm ông Nghị được đưa khỏi Kiên Giang, về lại Bộ Xây Dựng, báo “lề phải” có nhắc lại sai phạm về đất của cậu ấm nhà Ba Dũng. Bây giờ cậu cả nhà 3X ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, không thấy báo “lề phải” nhắc lại vụ đó nữa.

Trường hợp khác là cựu Bí thư tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Cường, vừa nhậm chức Tổng thư ký QH. Ông Cường bị TS Phạm Đình Quý tố cáo đạo văn, sau đó bị dư luận cho rằng, ông ta đứng sau vụ bắt cóc TS Quý và học trò TS Quý là ông Hoàng Minh Tuấn. Trong khi các vụ bê bối này chưa được làm sáng tỏ, thì ông Cường được “quy hoạch” vào một trong các vị trí quyền lực nhất ở Quốc hội. 

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Cơ cấu tổ chức Chính phủ đương nhiệm (sau kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV)

Trong khi dư luận cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc vừa bị “phế truất”, khi bị đẩy khỏi ghế Thủ tướng và nhận ghế Chủ tịch nước, VnExpress có bài trấn an của cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng: Quyền lực mềm của Chủ tịch nước. Tác giả thừa nhận, “trong bốn vị lãnh đạo tứ trụ của đất nước, có lẽ ít ai thấy Chủ tịch nước thể hiện quyền lực của mình trên thực tế”.

Nhưng ông Dũng vẫn tìm cách diễn giải, cho rằng vị trí Chủ tịch nước vẫn có “quyền lực mềm”, bằng những lập luận mơ hồ, như “các giá trị đạo đức được ông thể hiện qua hình ảnh công chúng của mình”. Dạng bài viết “chữa cháy” thế này, càng góp phần xác nhận sự nghi ngờ của công chúng về tình hình của ông Phúc. 

Trong mô hình chế độ đảng trị như VN, TQ, Tổng bí thư là người nắm thực quyền cao nhất vì kiểm soát đảng, vị trí tiếp theo là Thủ tướng, nắm các Bộ, ngành và có quyền chỉ định các Bộ trưởng. Chức Chủ tịch nước chênh vênh giữa hai chức vụ kia, hầu như không có thực quyền lực, chủ yếu phụ trách lễ nghi và ngoại giao, điều mà ông Phúc đã làm khi còn làm Thủ tướng.

Cũng bởi vì tính chất “hữu danh vô thực” của cái ghế Chủ tịch nước, nên ĐCS Trung Quốc đã quyết định hợp nhất chức danh này với chức danh Tổng Bí thư. Phía Việt Nam cũng đã làm tương tự, khi ông Trần Đại Quang qua đời hồi tháng 9/2018, đảng CSVN không chỉ định người làm Chủ tịch nước, mà TBT Nguyễn Phú Trọng nắm luôn chức đó hơn 2 năm rưỡi qua. Bây giờ ông Trọng bỏ ghế đó, ông Phúc ngồi vào.

BBC đặt câu hỏi về chính trường Việt Nam: Ba lý do khiến ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng là ‘bất ngờ’? Các lý do khiến giới quan sát bất ngờ trước sự kiện ông Chính được đưa vào cái ghế quyền lực thứ 2 của chế độ: 1. “Lý do chủ yếu là ông Chính trước khi trở thành Thủ tướng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng, một vị trí thường không được cất nhắc lên vị trí Thủ tướng”; 2. “Ông Chính chưa từng có kinh nghiệm quản lý kinh tế ở cấp quốc gia”; 3. “Ông Phạm Minh Chính trước đây có gốc là an ninh, nên có thể không phù hợp với vị trí Thủ tướng chính phủ”.

So sánh vụ ông Trọng bám ghế Tổng bí thư với chuyện bên Singapore, BBC có bài: Người được “quy hoạch” làm Thủ tướng tương lai Singapore đã tự rút vì cho là mình “già rồi”.  Đó là Phó Thủ tướng Heng Swee Keat, là người sẽ có sinh nhật lần thứ 60 vào tháng 11/2021.

Ông Heng là trợ lý tổng thư ký thứ nhất của đảng cầm quyền Hành động Nhân dân từ tháng 11/2018, khiến ông là ứng viên số một để kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long. Nhưng ông thông báo, sẽ không nhận cái ghế Thủ tướng. Ông nói: “Năm nay tôi 60 rồi. Khi tôi cân nhắc độ tuổi của ba thủ tướng đầu tiên, tôi sẽ có đoạn đường ngắn quá nếu tôi thành thủ tướng”.

Mời đọc thêm: Công bố kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (Tin Tức). – Chân dung các thành viên chính phủ đương nhiệm (VNN). – Nhân sự Chính phủ có gì mới? (VNE). – Chính phủ có 12 bộ trưởng, trưởng ngành mới, ông Nguyễn Thanh Nghị trẻ tuổi nhất (Thanh Tra). – Ông Nguyễn Thanh Nghị là Bộ trưởng trẻ nhất của Chính phủ sau kiện toàn (NLĐ).

Bà Trương Thị Mai làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (TT). – Bà Trương Thị Mai trở thành nữ Trưởng ban Tổ chức T.Ư đầu tiên của Đảng (TN). – Báo Giao Thông gỡ bài tâng bốc Phạm Minh Chính ‘con nhà nghèo, học giỏi’ (NV). – Phó ban Tuyên giáo trở thành Bộ trưởng Công thương sau khi ca ngợi Nguyễn Phú Trọng (RFA). 

Miến Điện: Thêm người bị giết, bị bắt

VOA cập nhật tình hình Myanmar: Dân biểu tình dùng súng tự chế, bom xăng chống trả, 11 người bị giết. Theo nguồn tin từ báo Myanmar Now và Irrawaddy, có 6 xe tải chở binh sĩ đã được triển khai tới thị trấn Taze ở vùng tây bắc Miến Điện, nhằm đàn áp cuộc biểu tình tại đây. Những người biểu tình đã chống trả bằng một số loại vũ khí tự chế, có thêm 5 xe tải chở binh sĩ khác được gửi tới tăng viện.

Kết quả của cuộc giao tranh không cân sức: Ít nhất 11 người biểu tình bị giết chết, không có tin tức về bất cứ thương vong nào bên phía các binh sĩ chính phủ quân phiệt. Số người dân bị lực lượng an ninh Miến Điện bắn chết đã vượt quá con số 600, tính từ ngày đảo chính 1/2, theo Hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP). 

BBC đưa tin: Đại sứ Myanmar ở Anh Quốc nói tùy viên quân sự ‘chiếm’ tòa đại sứ. Đại sứ Kyaw Zwar Minn kể với hãng tin Reuters, ông được tùy viên quân sự Miến Điện yêu cầu rời khỏi tòa nhà và ông không còn là đại diện của nước mình nữa: “Tôi đã bị nhốt bên ngoài”. Ông Kyaw Zwar Minn bình luận, sự kiện này giống như “một dạng đảo chính, ngay giữa lòng London”“Dạng đảo chính này sẽ không thể xảy ra”.

Hành động đáp trả của chính phủ dân cử Miến Điện: Đối lập gửi đến LHQ hồ sơ vi phạm nhân quyền của tập đoàn quân sự, theo RFI. BS Sasa, người được chỉ định là đại sứ Miến Điện bên cạnh LHQ của Ủy ban đại diện Quốc Hội – CRPH cho biết các luật sư của CRPH đã tập hợp được 180.000 bằng chứng về những hành động vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn của tập đoàn quân phiệt Miến Điện, trao cho các nhà điều tra của LHQ hôm qua 7/4.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình tại TP Yangon, Miến Điện. Ảnh: Reuters/RFI

Mời đọc thêm: Chính biến tại Myanmar: Gần 600 người thiệt mạng, quân đội chỉ trích phong trào bất tuân dân sự (KTĐT). – Hoa hậu Hòa bình Myanmar tiết lộ “gây sốc” sau khi bị quân đội truy nã (GT). – ‘Sư thầy’ đẹp trai của Myanmar bị bắt vì phản đối chính quyền (PLTP). – Chính quyền quân sự Myanmar sa thải Đại sứ tại Anh (VTC). – Đại sứ Myanmar tại London lên tiếng sau khi bị nhốt ngoài cửa cơ quan (Zing). – Các dự án lớn của Viettel và công ty VN ở Myanmar sẽ ra sao? (BBC).

***

Thêm một số tin: Trung Quốc ngưng mua, ớt rớt giá 50 lần, nông dân Bình Định điêu đứng (NV). – Đánh cấp trên và đồng đội, 6 quân nhân ở Kiên Giang lĩnh án tù (VTC). – Tuần hành chống kỳ thị, người Việt đụng độ nhau (VOA). – Mỹ thông qua hai gói trừng phạt Nord Stream 2 (TĐ). – Vaccine Covid-19 đang bị vũ khí hóa trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu (VOV). 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây