BTV Tiếng Dân
Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Sáng hôm qua, tàu hải cảnh TQ CCG 5304 đã thực hiện lần xâm nhập thứ 15 vào khu vực lô khai thác dầu khí 05.03, đi qua cả lô khai thác 06.01 và 05-1B, đều là các lô khai thác nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Đến khoảng 9h13’ sáng qua, tàu CCG 5304 đổi hướng di chuyển, chạy xuống theo hướng Đông Nam và dừng lại ở chỗ chỉ cách Côn Đảo khoảng 165 hải lý.
Cũng theo ông Nam, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi Bahao) quay lại Biển Đông. Đây là tàu đã từng xâm phạm EEZ của VN suốt gần 4 tháng, từ ngày 3/7 đến ngày 24/10/2019.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Mỹ và Trung Quốc cùng điều tàu chiến vào Biển Đông, Biển Hoa Đông. Theo tin từ báo South China Morning Post, Mỹ và TQ đã điều tàu chiến vào Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phía Mỹ triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông từ ngày 4/4. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và di chuyển gần sông Dương Tử của TQ.
Về phía TQ, tàu sân bay Liêu Ninh, được hộ tống bởi tàu khu trục hạng nặng Type 055 và các tàu khác, đi qua eo biển Miyako ở phía tây nam Nhật Bản để vào Thái Bình Dương, bắt đầu cuộc tập trận gần đảo Đài Loan. GS Ben Schreer của ĐH Macquarie ở Úc bình luận, hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông nhằm chứng minh tham vọng của TQ trong việc sử dụng hàng không mẫu hạm để bảo vệ “lợi ích lãnh thổ cốt lõi”.
VTC đặt câu hỏi: Đồng loạt điều tàu sân bay vào Biển Đông và Hoa Đông, Mỹ – Trung muốn gì? TS Swee Lean Collin Koh, nhà nghiên cứu từ ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, sự kiện TQ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh qua eo biển Miyako để tập trận ở Thái Bình Dương: “Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay mặc dù vẫn chưa đạt được điều này ở hiện tại”.
Về phía Mỹ, sự kiện tàu sân bay USS Theodore Roosevelt quay lại Biển Đông cho thấy, Washington phát đi tín hiệu cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực với các đồng minh, đồng thời tìm cách ngăn cản Bắc Kinh có thêm “bất kỳ hành động quyết liệt nào” ở khu vực đá Ba Đầu.
Báo Người Lao Động có bài: Trung Quốc thăm dò Tổng thống Biden bằng “phép thử” biển Đông. Ông Carl Schuster, cựu quan chức cấp cao của Trung tâm Tình báo, thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định về sự kiện TQ triển khai hàng trăm tàu dân binh ở Đá Ba Đầu: “Nếu mục đích của bạn là chiếm đóng một không gian biển và một rạn san hô mà không cần phải chiến đấu, đây là một chiến thuật xảo trá tuyệt vời”. Theo ông Schuster, Bắc Kinh muốn tìm hiểu xem chính quyền Tổng thống Biden cứng rắn đến đâu, trước khi đưa ra các phép thử khác.
VnExpress có bài: Mỹ tiết lộ hoạt động của tàu sân bay trên Biển Đông. Thiếu tá hải quân Jackie Pau, người phát ngôn Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt, cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông qua eo biển Malacca hôm 4/4 để thực hiện các nhiệm vụ thường kỳ”.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay này phát biểu: “Chúng tôi đã thể hiện cam kết với trật tự thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách phối hợp với những người bạn từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Ấn-Úc-Pháp gửi tín hiệu gì tới Trung Quốc? Sự kiện các tàu chiến của Pháp và 4 nước thuộc “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn, tham gia cuộc tập trận chung La Perouse ở vịnh Bengal từ ngày 5 đến 7/4, TS Collin Koh nhận định, cuộc tập trận này có thể trở thành dấu hiệu khích lệ các quốc gia khu vực không thuộc “Bộ Tứ kim cương” tham gia vào các hoạt động gây sức ép và răn đe TQ.
Cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ R.S. Vasan lưu ý, đây là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia tập trận, cho thấy nước này sẵn sàng tham gia những hoạt động đa phương, gây áp lực với Bắc Kinh. “New Delhi cảm thấy bị Bắc Kinh làm cho thất vọng… Trong một cách nào đó, Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ tham gia những liên minh này”.
Philippines cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc không rút tàu khỏi Đá Ba Đầu, VOV đưa tin. Bộ Ngoại giao Philippines chính thức đưa ra cảnh báo, TQ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối ngoại giao nếu nước này không cho rút các tàu “dân quân biển” rời khỏi khu vực Đá Ba Đầu.
Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố: “Cứ mỗi một ngày Trung Quốc trì hoãn rút tàu, Philippines sẽ đưa ra công hàm phản đối ngoại giao”. Tuyên bố cũng nhắc lại yêu cầu TQ ngay lập tức rút các tàu và cả các thiết bị hàng hải ra khỏi Đá Ba Đầu. Còn Bộ Ngoại giao VN sau khi phản đối TQ xâm phạm chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa vào ngày 25/3 thì im lặng từ đó tới nay.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có bài dịch từ báo National Interest: Lời hăm dọa của Trung Quốc về “chiến tranh nhân dân” ở Biển Đông có ý nghĩa gì? Bài viết nhắc đến lời kêu gọi chuẩn bị “chiến tranh nhân dân” trên biển của cựu Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn, ý tưởng đã được hiện thực hóa bởi lực lượng “dân quân biển” của TQ đang tràn ngập Biển Đông:
“Hồng quân của Mao Trạch Đông đã sử dụng chiến tranh nhân dân để giành lại những vùng đất bị chiếm đóng từ quân xâm lược Nhật Bản và Quốc Dân đảng. Có vẻ như Trung Quốc cũng đang nhìn nhận Biển Đông với con mắt tương tự – một chiến trường trên biển, nơi chỉ có vũ lực mới chiến thắng được kẻ thù”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đài Loan thấy bất thường vì nhiều tàu, máy bay Trung Quốc xuất hiện ngày 5-4. Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo, họ vừa phát hiện một đợt xâm nhập mới của không quân TQ vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của lãnh thổ này hôm qua 5/4, với số lượng nhiều bất thường.
Cụ thể, có 10 máy bay TQ xâm nhập ADIZ của Đài Loan, gồm 4 tiêm kích J-16, 4 tiêm kích J-10, một máy bay cảnh báo sớm và một máy bay săn ngầm. Riêng máy bay săn ngầm đã bay qua eo biển Ba Sĩ, nối liền Biển Đông với Thái Bình Dương. Hãng tin CNA của Đài Loan lưu ý: “Không rõ tại sao Bắc Kinh triển khai rất nhiều máy bay quân sự tới khu vực trên ngày 5-4”.
Trong cuộc điện đàm tối qua giữa 2 Ngoại trưởng Nhật – TQ, Nhật Bản quan ngại sâu sắc về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Ngoại trưởng Nhật, Motegi Toshimitsu nói chuyện với người đồng cấp TQ Vương Nghị và bày tỏ sự quan ngại của phía Nhật về các hành động của TQ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, gồm vụ tàu hải cảnh TQ liên tục xâm nhập vùng biển thuộc quần đảo Senkaku và vụ TQ thực thi Luật hải cảnh mới.
VnExpress đưa tin: Tàu hộ vệ Việt Nam diễn tập ở Trường Sa. Tin cho biết, tàu hộ vệ Quang Trung đã tổ chức diễn tập các tình huống chiến đấu, phối hợp với trực thăng săn ngầm tại quần đảo Trường Sa: “Tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung là loại tàu chiến có chức năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến”.
VOA có bài về phong trào phản đối bản đồ ‘đường lưỡi bò’: Người Việt cần tẩy chay Baidu mới trúng đích? Một nhà báo giấu tên trong nước chỉ ra, Baidu mới là thế lực đứng sau các bản đồ có “đường lưỡi bò” mà doanh nghiệp quốc tế bắt buộc phải sử dụng nếu muốn kinh doanh ở TQ.
Nhà báo này nói: “Cái nguồn cơn, cái thủ phạm chính ở đây mà mình nên chống chính là Baidu, hoặc lớn hơn nữa đó là chính quyền Trung Quốc, với những chủ trương và đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở Biển Đông. Xử lý về gốc, ít nhất là phía Việt Nam phải ngăn chặn Baidu, ngăn chặn những bản đồ của họ phương hại đến chủ quyền của Việt Nam”.
VOA có clip: H&M gây phẫn nộ tại Việt Nam vì bản đồ đường lưỡi bò.
_____
Mời đọc thêm: Thủ đoạn ‘đường lưỡi bò’ (TN). – Ông Vương Nghị: Trung Quốc không lùi bước, ‘bình tĩnh đối phó, không sợ hãi’ (TT). – Căng thẳng đột biến: Mỹ, Trung Quốc rầm rộ điều quân trên 2 vùng biển “nóng” (VietTimes). – Mỹ, Trung Quốc đưa tàu sân bay vào biển Đông và Hoa Đông (NLĐ). – Mỹ đưa tàu sân bay vào phá thế cờ Trung Quốc giăng tại Biển Đông (ANTĐ).
– Ngoại trưởng Nhật nói gì về Biển Đông với ngoại trưởng Trung Quốc? (TN). – Điện đàm Trung-Nhật: Nhật Bản chẳng ‘ngán’ đề cập tình hình Biển Đông và loạt vấn đề nóng, Trung Quốc thế nào? (TG&VN). – Nhật tính điều F-35B đối phó Trung Quốc ở Hoa Đông (VNE). – Trung Quốc nhắc nhở Nhật Bản trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Nhật (TP). – Philippines gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu tàu Trung Quốc chưa rời đá Ba Đầu (VTC).
– Các nước phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông (TTXVN). – Nhóm Bộ Tứ tập trận chung với Pháp: Hé lộ kế hoạch đối phó Trung Quốc? (VOV). – Kịch bản Canada gia nhập Bộ tứ chỉ còn là vấn đề thời gian? (TG&VN). – Mô hình ‘Bộ Tứ mở rộng’ đối phó Trung Quốc dần hình thành (Zing). – Đức và Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức hội đàm “2+2” thảo luận hợp tác đối phó Trung Quốc (VietTimes). – Người Việt trên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay H&M (BBC).