Nguyễn Hữu Đang – Thủ lĩnh của một cuộc cách mạng (Phần 2)

Thái Kế Toại

3-4-2021

Tiếp theo Phần 1

Ông Đang tự khai ông 1949 làm Chánh thanh tra Bình dân học vụ. Có thể đó là một công việc quan trọng đối với kháng chiến nhưng ông đang không viết về việc này.

Cũng lại một quyết định quan trọng đối với cuộc đời Nguyễn Hữu Đang, ông không lên chiến khu Việt Bắc mà vào Thanh Hóa, vùng tự do kháng chiến có chính quyền do nhà văn hóa Đặng Thai Mai làm chủ tịch. Được biết là ông giúp cho người bạn cùng quê là Trần Thiếu Bảo mở nhà xuất bản tư nhân có tên là Xây dựng xuất bản sách phục vụ đời sống văn hóa kháng chiến của Thanh Hóa. Mặc nhiên nhiều người coi hành động của ông như là sự ly khai, bỏ hàng ngũ.

Đến 1954 Trần Thiếu Bảo mang nhà xuất bản về Hà Nội lấy lại tên cũ Minh Đức từ thời kỳ 1946. Như là định mệnh, NXB Minh Đức gắn bó và chia sẻ số phận với Nguyễn Hữu Đang, Minh Đức trở thành bà đỡ cho Nhân Văn Giai Phẩm và cùng chịu án tù với Nguyễn Hữu Đang. Về Trần Thiếu Bảo tôi đã có bài có bài viết riêng.

Căn cứ vào thư mục sách chưa đầy đủ của NXB Minh Đức thấy rằng chương trình xuất bản sách trong các năm 1946 đên 1957 mặc dù có 9 năm kháng chiến nhưng vẫn cho thấy một tầm vóc bao quát về văn hóa rộng rãi nhất là với mục tiêu chấn hưng dân trí, tuyên truyền chủ nghĩa Mác và pháp luật cho xã hội mới. Minh Đức đã cho in sớm các tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Tiếu sơn tráng sỹ của Khái Hưng, Vỡ đê, Giông tố của Vũ Trọng Phụng trong lúc dư luận còn chưa tán đồng.

Gây dựng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là sự nghiệp hiển hách của Nguyễn Hữu Đang. Thực chất đây là cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất ở Việt Nam. Tất cả nguyên nhân nguồn gốc, con người đều là sản phẩm của chính hệ thống Đảng và chế độ xã hội miền Bắc Việt Nam sau 1954, giai đoạn giao thời chuyển từ thời chiến sang thời bình, sau sai lầm rất nghiêm trọng của Đảng CSVN là chỉnh huấn và cải cách ruộng đất. Nguyễn Hữu Đang và các bạn của ông hy vọng vào một đời sống mới tốt đẹp hơn đời sống chiến khu, hy vọng ở chính quyền mới sẽ xây dựng được một xã hội văn hóa, văn minh, dân chủ, họ sẽ xây dựng một nền văn nghệ nhân bản và văn minh như các nền văn nghệ tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên đường biên ý thức hệ cộng sản trong vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa Mao đã không cho phép ông và các bạn ông thực hiện điều đó bằng con đường góp ý phê bình trong nội bộ. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng và Trần Dần đã phản ánh thái độ căng thẳng, quyết liệt của Nguyễn Hữu Đang. Ông nung nấu ý chí phải có một quyền lực để cải tạo bộ máy chuyên chế. Đó là báo chí, văn nghệ và quần chúng nhân dân, vốn là sở trường của Đang và bè bạn.

Tổng cộng toàn bộ phong trào có 6 số báo Nhân Văn, 5 tập Giai phẩm, 13 số Trăm Hoa bộ mới, 2 số Sáng Tạo, 1 số Đất Mới, 1 số Tự do diễn đàn, 1 số Sách Tết 1957, sách Vũ Trọng Phụng của chúng ta, một số vở kịch, một số phim hiện thực mới, một số Câu lạc bộ…

Cần phải nói thêm: Sau khi báo Nhân Văn chết, Hội nhà văn lập diễn đàn mới là báo Văn. Trên báo Văn tiếp tục có các bài của một số người trong Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như Thụy An với hai truyện ngắn Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm và Bicxura, Phùng Quán với Lời mẹ dặn, Trần Dần với Hãy đi mãi, Phan Khôi với Ông Năm Chuột…

Đến số 37 tháng 1-1958 báo Văn cũng bị đóng cửa. Chỉ từng ấy nhưng tư tưởng của Nhân Văn Giai Phẩm đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tạo nên sự chấn động mạnh mẽ trong lòng xã hội miền Bắc.

Nguyễn Hữu Đang còn viết sách tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mác và luật pháp mới: Quyền lợi công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa NXB Minh Đức 1955, Nhiệm vụ công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng do Minh Đức 1955.

Cùng với phát ngôn của những trí thức lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ… ba bài báo Cần phải chính quy hơn nữa, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào, Từ Pơ-rô-lê-kuyn đến trăm hoa đua nở của Nguyễn Hữu Đang cũng thể hiện rõ tư tưởng dân chủ của ông:

Một là phải bảo vệ giá trị của Hiến pháp 1946

Hai là phải bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng và quyền độc lập sáng tạo của trí thức văn nghệ sĩ.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê ông nói: “Thực chất phong trào Nhân văn Giai phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống – không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống – cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông”.

Heinz Schutte giải thích: “Tuy nhiên tình thế năm 1954 lại khác. Mục đích mà người ta hằng khao khát bấy nay giờ đã đạt được. Song cái nửa tinh thần khác – nửa tinh thần của di sản giáo dục Pháp, của những giá trị vô chính phủ từ truyền thống nông nghiệp, những giá trị Phật, Lão dân gian, vốn chống lại sự khắc nghiệt của Khổng giáo và chế độ chuyên quyền – vốn bị đè nén suốt 8 năm, giờ mới có dịp trỗi dậy.

Thắng Pháp, chủ nghĩa Mác đã chứng minh được tính khả tín của nó như một ý thức hệ (công cụ) trong kháng chiến, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, nó đã không thể thành công trong việc tiêu diệt những giá trị của các huyền thoại và văn hóa tinh hoa cũng như văn hóa bình dân Việt Nam – bao gồm cả các giá trị của di sản thuộc địa nơi các trí thức Pháp học. Nhiều trí thức đã phản đối sự can thiệp chuyên chế của Đảng, những can thiệp khiến họ gần như ngạt thở.

Trước kháng chiến họ đã có dịp đọc Từ Liên Xô trở về (Retour de l´URSS) của André Gide xuất bản năm 1936, và thậm chí vài người còn đọc được Trại súc vật (Animal Farm) của George Orwell xuất bản năm 1945. Thông điệp của những cuốn sách này hẳn không phải không để lại dấu vết nào trong họ.”

***

Toàn bộ diễn biến và hậu NVGP cho đến 2010 tôi đã trình bày trong chuyên luận Vụ Nhân Văn Giai Phẩm Một trào lưu dân chủ Một cuộc cách mạng văn học không thành. Nay nói rõ thêm một điểm quan trọng vì có thêm tư liệu mới.

Bản chuyên luận của tôi viết rằng Bộ Công an lúc đó đã kết luận nhóm Nhân Văn Giai Phẩm không phải là một tổ chức, không có mục đích phản động, không hoạt động gián điệp, không nhận tiền của nước ngoài. Nó là một nhóm văn nghệ sĩ bất mãn cần phải phân hóa và giáo dục.

Thế nhưng sau khi đọc báo cáo của Bộ Công an, những người chỉ đạo vụ án ở trung ương đã chỉ đạo Tòa án Hà Nội làm ra một bản án khác hẳn. Ngay gần đây nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân công bố một tài liệu mà nhà nghiên cứu Mỹ Peter Zinoman tìm được trong kho lưu trữ quốc gia.

Ông Lại Nguyên Ân cho biết: “Mùa hè năm 2014, trong khi đọc tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III ở Hà Nội, GS.TS. Peter Zinoman, hiện là trưởng khoa Lịch sử của Đại học California ở Berkeley, Hoa Kỳ, đã tìm thấy một văn bản liên quan đến phiên tòa năm 1960 kể trên. Đó là một bản tổng kết kinh nghiệm đánh án của viên chánh án tòa án Hà Nội nhiệm kỳ 1955-1965 Nguyễn Xuân Dương, người đã ngồi ghế chánh án tại phiên tòa ngày 19.1.1960, nêu kinh nghiệm triển khai vụ án, từ lúc tiếp nhận hồ sơ do công an chuyển giao, đến các công đoạn bổ sung hồ sơ, xét hỏi các bị cáo, lên kế hoạch phiên tòa, rồi tiến hành phiên tòa, và cuối cùng sơ bộ nhận xét về kết quả phiên tòa.

Đây là một tài liệu hiếm về phiên tòa 19.1.1960. Tuy không phải là văn bản luật pháp chính quy, mà chỉ thuộc loại tài liệu nghiệp vụ trong ngành tòa án, song tài liệu này cũng rất đáng kể có thể giúp người ta hiểu thêm về vụ án mà tòa Hà Nội đã xử ngày 19.1.1960, hiểu thêm về việc giới lãnh đạo thời ấy xử lý vụ Nhân văn – Giai phẩm.”

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Phông: Giáo sư Nhà Nghiên cứu Văn học Đặng Thai Mai

Hồ sơ 237, gồm 145 tờ Tài liệu của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân văn-Giai phẩm” trên mặt trận Văn nghệ năm 1958

VĂN BẢN: Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội

GIỚI THIỆU KINH NGHIỆM CÔNG TÁC CỦA TÒA ÁN VỀ VỤ GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH NGUYỄN HỮU ĐANG VÀ THỤY AN

Một vài đoạn trong tài liệu nói trên:

“…Sau khi nghiên cứu hồ sơ và kinh nghiệm hoạt động gián điệp quốc tế như vụ phiến loạn Hungari, Trung-ương vạch rõ cho thấy tính chất âm mưu hoạt động của bọn bị can này là âm mưu và hoạt động của bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành, thực hiện kế hoạch chiến tranh tâm lý của đế quốc bên ngoài để lũng đoạn tư tưởng và kích động quần chúng gây phiến loạn, không phải là một bọn phản cách mạng thường. Nếu đem xử theo như nhận-định và đề nghị của công-an, Tòa-án và Viện Công-tố Hà Nội thì không đánh đúng tội, không vạch được toàn bộ âm mưu và thủ đoạn của địch để nâng cao cảnh giác của quần chúng và có thể còn có những người hoài nghi đường lối và chính sách của ta là đem xử những người đối lập với ta về quan điểm, tư tưởng, và cho ta là hẹp hòi.

…Trước nhận định của Trung-ương, lúc đầu, một số trong cán bộ của Tòa-án và Viện Công-tố chưa được thông suốt và thấy nhiều khó khăn do khi thẩm cung đã vấp phải sự kiên trì ngoan cố của các bị can, nhất là Đang và Thụy-An. Nhưng đi sâu vào nghiên cứu lại hồ sơ và tài liệu, Viện Công-tố và Tòa-án dần dần thấy nhận định của Trung-ương vạch ra càng ngày càng sáng tỏ, nên củng cố được nhận thức, thêm được tin tưởng và có sự nhất-trí và quyết tâm bổ sung cuộc điều tra, vạch cho được thực chất của vụ án như Trung-ương đã nhận định.

…Nói một cách khác, là Công-tố và Tòa-án thường lệ thuộc vào nhận xét của Công-an, như trong vụ này, lúc đầu Công-tố và Tòa-án đã rập theo nhận định của Công-an, không phát hiện được tính chất của vụ án. Đây cũng phần vì nhận thức còn kém nhưng cũng phần vì quen nề nếp cũ, chỉ thụ động không có nhận xét mới và như thế là không làm được nhiệm vụ giám sát, kiềm chế lẫn nhau theo đúng với chức năng của Công-tố và của Tòa-án.”

Như vậy vai trò của tòa án thời kỳ đó rất quan trọng để tạo ra một vụ án điển hình như Nhân Văn Giai Phẩm với cái mũ ít động chạm tới văn nghệ sỹ hơn là Vụ án gián điệp phản động. Tất nhiên là vụ xét xử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị nhưng nó cũng mang lại bao nỗi oan khiên cho nhiều văn nghệ sĩ và cả gia đình của họ.

***

Không chỉ làm báo sắc sảo Nguyễn Hữu Đang còn có khả năng sáng tác phê bình văn học, nghệ thuật. Nhà thơ Hoàng Cầm cho biết trước cách mạng trên báo Ngày mới Nguyễn Hữu Đang đã có mấy bài phê bình. Bài phê bình Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan (dưới bút danh Nguyễn An Pha), tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng dưới bút danh Cô Kim Anh. Ông cũng tranh luận về thơ, nhất là thơ mới trên tờ Tin văn.

Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng 11-7-1944 ghi nhận xét của ông Đang về tiểu thuyết An Tư:

“Anh vẫn ít tả cảnh, mà chịu khó làm cho câu văn linh động. Anh thiên về kể chuyện, nhưng một cách tầm thường (plat). Tựu trung có mấy điểm này.

– Không nên để cho nhân vật tiểu thuyết nói những lời của tác giả, vì thế không nên có những câu dài, mà nói có vẻ tuồng. Phải xen vào những lời, những nét của đối phương người nói để rút ngắn đoạn nói ấy đi.

– Phải chịu khó tìm những tình, những cảnh (ngọai vật), nét mặt dáng đi, cảnh chung quanh, để làm bật tình cảnh, chứ đừng nói mà sinh nhạt nhéo, như mình vẫn thường làm. Nghĩa là phải tả, chứ không ghi một cách vội vã, tầm thường.

Thực là những lời vàng ngọc… Sẽ thay đổi cách viết, và viết thận trọng. Mà viết ít thôi, cố làm sống chứ không cố văn hay.”

Ông có mấy bài tiểu luận về hội họa: Nhớ tiếc Tô Ngọc vân, Một bức vẽ “Chị cốt cán”, Nguyễn Hiêm họa sĩ của nhân dân.

Ông có truyện ngắn Chiếc vòng Xơ men trên báo Lao Động, Viết lại cổ tích mới trên Sách Tết 1957, Bài phê bình thơ Con người Phùng Cung và những bài thơ trong tập Xem Đêm.

Cho đến cuối đời Nguyên Hữu Đang vẫn không tỏ ra nghi ngờ chủ nghĩa Mác Lenin. Ông còn cố dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô qua bản tiếng Pháp. Có thể ông nghi ngờ những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc đó đã hiểu sai tinh thần của chủ nghĩa Mác do sức ép của Stalin và Mao Trạch Đông. Còn với ông cái chủ nghĩa Mác mà ông đi theo từ hồi trẻ là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản nhân đạo Pháp. Có lẽ ở Nguyễn Hữu Đang có một chút gì đó ở nguồn gốc văn hóa Pháp như Hồ Chí Minh nên trong giai đoạn trước 1954 ông đã được Hồ Chí Minh chú ý.

***

Một vài người bạn viết về ông:

Vũ Đình Hòe…

Trong thời gian báo Độc Lập phát biểu về vấn đề Sai và Sửa sai, cũng như Trung ương Dân chủ nêu quan điểm của mình trong các cuộc họp Mặt trận, đòi sửa sai đến tận gốc rễ tư tưởng và đòi dân chủ hoá tổ chức và lề lối lãnh đạo, thì anh Nguyễn Hữu Đang, vốn quen biết các anh Đỗ Đức Dục và Hoàng Văn Đức (tôi thì cũng có quan hệ công tác trước đây với anh trong Hội Truyền bá Quốc ngữ), đến gặp gỡ chúng tôi nhiều lần. Hai lần đầu tôi có mặt, một lần ở Trụ sở Trung ương Dân chủ, một lần ở trên lầu một nhà tư của bạn anh ở phố Phan Bội Châu. Trong hai cuộc họp anh Đang có ý muốn dò ý kiến chúng tôi về một vấn đề rất quan trọng do anh đặt ra.

Đại khái anh nói:

“Để sửa sai đến tận gốc, để dân chủ hoá triệt để đời sống xã hội, phải chăng nên từ bỏ chế độ độc đảng. Nếu chỉ có một đảng toàn quyền, độc quyền làm mưa làm gió, thì làm sao bảo đảm cho những sai lầm nghiêm trọng, gây tác hại khủng khiếp cho nhân dân như hiện nay, không có thể xảy ra lần thứ hai, lần thứ ba… Nên chăng cần có hai đảng mác xít cả, cùng theo đường lối đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, để giám sát lẫn nhau, đấu tranh và hợp tác lẫn nhau; có phải hơn không?

Theo anh, trong hoàn cảnh nước ta, có điều kiện thuận lợi là sẵn có hai đảng Dân chủ và Xã hội bên cạnh đảng Cộng sản rồi. Hai đảng Dân chủ và Xã hội có thể thống nhất làm một rồi đấu tranh đòi vị trí bình đẳng, thật thà bình đẳng chứ không phải chỉ nói đầu lưỡi để cùng lãnh đạo Mặt trận và đất nước. Như thế có tốt hơn không?

Anh đề nghị Trung ương Dân chủ nên suy nghĩ bàn bạc rồi trao đổi thêm ý kiến với nhóm đảng viên Cộng sản chân chính mà anh đại diện.

Câu chuyện mới đến đây, ít nhất là đối với tôi. Có điều chắc chắn là chưa bao giờ vấn đề được đặt ra trong Trung ương Dân chủ”.

Toàn bộ những bài viết của ông trước cách mạng 8-1945 hiện chưa được tìm thấy. Chắc phải có số lượng rất lớn vì ông cộng tác với nhiều báo và có sức làm việc rất khỏe. Do hệ lụy vụ NVGP rất ít người bạn cũ khi viết về hoạt động của Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Báo chí của Đảng thời Mặt trận bình dân, Hội Văn hóa Cứu quốc, Mặt trận Liên Việt trước đổi mới đều không nhắc tới ông. Toàn bộ cuốn Một chặng đường văn hóa , hồi ức và tư liệu về Hội Văn hóa Cứu quốc NXB Tác phẩm mới 1986 không hề một lần nhắc tên Nguyễn Hữu Đang.

Khi viết về sự kiện cùng bị bắt với ông Nguyễn Hữu Đang giữa năm 1944 ông Như Phong viết: “Giữa năm 1944 anh Vũ Quốc Uy bị bắt ở Nam Định về một công tác không liên quan gì đến Văn hóa Cứu quốc cả… Ít lâu sau chúng tôi, bốn người trong Văn hóa Cứu quốc: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, tôi và một người nữa, bị bắt giải xuống Nam Định.”

Các tác phẩm viết về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm và Nguyễn Hữu Đang đã xuất bản cũng không ít. Trăm hoa đua nở trên đất bắc của Hoàng Văn Chí một trí thức từ Pháp về, đã từng ở chiến khu Việt Bắc, anh em cọc chèo với Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Sơn, xuất bản ở Sài Gòn năm 1959. Cent Fleurs Ecloses Dans Lanuit Du Vietnam (Trăm hoa nở trong đêm tối Việt nam) của Georges Boudarel một cựu hàng binh Pháp đã làm việc ở Việt Nam từ 1948-1965 xuất bản ở Pháp năm 1991. Ghi, Nhật ký của Trần Dần 1954-1956, xuất bản ở Pháp…

Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khuê xuất bản ở Mỹ năm 2012. Năm mươi năm sau: trăm hoa đua nở ở Việt Nam của Heinz Schutte xuất bản ở Đức năm 2009. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng. Trại giam Cổng trời của Kiều Duy Vĩnh… Mới nhất có cuốn Nguyễn Hữu Đang- Trang viết Trang đời của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng in năm 2018 dày 550 trang. Những cuốn sách trên rất ít người được đọc. Rất tiếc những năm tháng cuối đời tuổi già, bệnh tật, những lần bị bắt, những cuộc khám xét, ông không để lại một di cảo nào để cho hậu thế có thể đánh giá tương đối đầy đủ một chân dung tinh thần sự nghiệp của ông.

Võ Bá Cường là người sớm bỏ ra nhiều thì giờ tiếp xúc tìm hiểu cuộc đời ông Đang và đã viết xong bản thảo truyện kí Người đeo lục lạc. Đây là cuốn sách tương đối đầy đủ về đời tư ông Đang từ lúc trẻ đến những phút lâm chung cuối đời. Anh Cường đã cho tôi đọc và góp ý bản thảo từ năm 2009 nhưng đến nay không được nhà xuất bản nào nhận in. Năm 2015 nhà văn Nguyễn Thành Phong, một người bạn đồng hương, Tổng biên tập báo điện tử Dân Sinh đã trích đăng 2 chương đầu . Ngay sau đó anh Phong phải đình bản và bị kỷ luật. Nhưng rất may trang web Vanviet.net và Vandoanviet blogspot.com đã đăng được trọn vẹn toàn bộ cuốn truyện.

Cuốn truyện của Võ Bá Cường cho biết sau khi có án và thời gian đầu những năm 1960 Nguyễn Hữu Đang cùng Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại bị giam ở trại Mai Côi- Tân Lập. Đó là một nơi hiểm yếu. “Đi Mai côi thôi đường về”. Họ được giam vào những buồng kiên cố nhất cùng với những phạm nhân loại A1, B1. Ngày 11-6-1965 máy bay Mỹ bắn phá trại ở dốc Bằng Mo làm nhiều phạm nhân chết và bị thương. Bộ Công an đã cho chuyển trại lên Hà Giang. Thế là Nguyễn Hữu Đang cùng 3000 tù nhân và hơn 500 cán bộ làm cuộc đi bộ thiên di trong ba tháng ngược đường Cổng trời lên trại giam mới còn hiểm trở, hoang sơ, khắc nghiệt hơn nhiều lần trại Tân Lập. “Muỗi Pắc Sum, hùm làng Đán, dốc Cán Tỉ, phỉ Đồng Văn”.

Tại đây ông Đang có một người bạn mà sau gắn bó với ông đến cuối đời. Nguyễn Hữu Đang có nhiều chỗ thấp thoáng trong những trang hồi ký hiếm hoi của người đó.

Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo.”

“Gần ba tháng sau, Nguyễn Hữu Ðang, “tên cầm đầu bọn Nhân Văn Giai Phẩm” đến gần cửa sổ khu tôi ở. Anh là người độc nhất ở đây được đưa cơm vào xà lim, được đi lại tự do trong bốn bức tường, anh là người được ăn no, đủ muối mắm, thậm chí được mua cả thịt trâu và được hái hoa rừng cài vào cửa sổ. Có lần anh cầm một bó hoa nghệ và bảo tôi: Này Vĩnh, cậu ngửi mà xem có đúng mùi nước hoa Bain de Champagne không.

Tôi vốn không ưa cái mùi ung ủng của thứ nước hoa thượng hảo hạng đó. Nhưng anh Nguyễn Hữu Ðang thì anh rất thích cái mùi nước hoa Bain de Champagne đó. Lại có lần qua cửa sổ vào buổi sáng sớm, anh dúi cho tôi một cái bánh sắn to có nhân thịt trâu.

Chao ôi là chao ôi.

…Thỉnh thoảng lúc vắng quản giáo và lính canh anh đứng cạnh cửa sổ nói với tôi dăm ba câu chuyện tào lao. Anh được thả lỏng, được ưu đãi có lẽ do cái người cắp cái cặp đen hôm đưa đoàn tù lên. Anh bảo với tôi rằng ông ta tên là Vệ, hình như làm cục phó Cục Quản Lý trại giam. Hồi xưa trước năm 1945, khi anh làm tổng thư ký Hội Truyền Bá Quốc Ngữ với cụ Nguyễn Văn Tố, anh có làm ơn cho ông ta một điều gì đó. Ðến giờ ông ta tử tế đáp lệ lại. Chắc là thế.

Anh luôn bảo, anh không có tội gì cả. Nếu có – theo anh – thì đó chỉ là một sự hiểu lầm về thời gian và không gian trong triết học mà thôi. Anh nói ấm ớ lững lờ và khó hiểu như vậy.

…Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ tháng Năm; mùa rét từ đầu tháng Chín. Nóng ít hơn rét. Tuy là nóng nhưng đêm vẫn phải đắp chăn vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Nguyễn Hữu Đang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: “Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu chả sao hết.”

Anh Đang đúng quá đi chứ. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân tôi mới thấm câu: Đói cho sạch, rách cho thơm. Đói thì làm sao mà sạch cho được. Đói rét, nhúng tay vào nước còn ngại nữa là tắm. Còn đã rách mà còn đòi thơm nữa. Các cụ nhà mình thật quá khe khắt với con cháu.

Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh Nguyễn Hữu Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lõm bõm.

“Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm… Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi…”

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễn Hữu Đang.

“Không có gì cho các anh hết cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì… Cho thế nào ăn thế…”

Rồi Quỷ Sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì. Không có gì hơn.”

Nghệ sĩ nhân dân- Đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa trong Hồi ký in năm 2010 có viết rằng ông rất thân với Nguyễn Hữu Đang trong Hội truyền bá Quốc ngữ. Nguyễn Hữu Đang rất tháo vát và có trình độ nhưng có khuyết điểm rất lớn là không phục ai cả. Nói đến phong trào Truyền bá Quốc ngữ mà không nhắc đến Nguyễn Hữu Đang thì như thiếu sót.

Trong cuốn Trần Quốc Hương Người thày của những nhà tình báo huyền thoại Nguyễn Thị Ngọc Hải viết rằng : Trần Quốc Hương từng nhận xét và tin tưởng hai người bị đánh giá không đúng, bị hàm oan. Đến nay qua một chặng đường dài ngoảnh lại, mới thấy lòng tin của ông đúng. Đó là Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Tài.

“ Ngay khi nghe báo lại rằng Đang theo Thụy An tôi không tin. Đang bị tù 18 năm, rồi đưa về quản chế ở Thái Bình. Mà tôi biết Đang tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản từ năm 1929.Tôi sống với anh , biết anh không phải là người xấu. Tôi viết thư lên Ban Tổ chức trung ương, quan điểm tôi cho rằng 18 năm tù là quá đủ rồi, nay ra tù đưa về quê, mở đó đâu còn gì cho người ta sống.”

Vậy có phải nhà tù đã tạo nên triết lý sống cuối đời của Nguyễn Hữu Đang?

Nguyễn Hữu Đang: Chính xác! Với tôi, trong tù, với tư tưởng của tôi, mọi hình thái sống, mọi cấp độ của văn minh trong mỗi sự sống, thật đa dạng – có hàng ngàn cách sống. Nhưng mọi cách sống đều giống nhau về bản chất. Tôi sống ở nhà mình, tôi sống với tư cách ông thứ trưởng, với tư cách nhà xuất bản, với tư cách nhà giàu, nhà nghèo – mọi hình thái sống. Với tôi chân lý ở trong Đạo học chứ không ở trong chủ nghĩa Marx.

Ngay khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết. Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm – các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết. Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. Vì lòng khoan dung, độ lượng, nhân đạo, mà chính phủ để cho các anh được sống, nhưng trả tự do cho các anh – không bao giờ! Trả tự do cho các anh là trả tự do cho hùm beo – các anh sẽ ở đây cho đến chết.

Heinz Schütte: Đó là diễn từ của Tố Hữu…

Nguyễn Hữu Đang: Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận… Tôi biết và được thông tin rõ về thái độ cuồng tín, cực kỳ chuyên chế, tàn bạo, bất nhân của Tố Hữu. Ông ta có mối đại thù với nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Chính Nhân văn – Giai phẩm đối với Tố Hữu là một kẻ thù không đội trời chung, nói như một thành ngữ Việt Nam… Tố Hữu và những người nhân văn và các giai phẩm không thể đội trời chung – là kẻ thù của nhau… Tố Hữu và Trường Chinh đầy thù hận.

Heinz Schütte: Ông đã tìm cách chạy vào Nam?

Nguyễn Hữu Đang: Chạy ra nước ngoài, không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện: Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù – tôi từ chối. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài – tôi đã nói thẳng với Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi.

Câu hỏi thứ nhất mà Trường Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe đế quốc, anh nói tôi nghe (ông ta cười).

Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: Tôi rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp, và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản, tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản. Thế là người ta đã sửa soạn…

Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi đến được một nước khác, nhưng không phải là vào Nam! Anh ấy đã hứa, nhưng chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác – hoặc là phe tư bản, hoặc là phe xã hội chủ nghĩa – nhưng nhất định không phải miền Nam là nơi tôi nhắm! Tôi đã nói, hoặc là vượt qua biên giới Việt Nam – Lào, rồi qua Lào tôi đến Thái Lan, đó là lộ trình mà tôi mơ ước, nhưng không bao giờ tôi đi qua ngả miền Nam, dù chỉ một ngày – không! Nhưng để tô vẽ bản cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam.

Khi đó tôi trả lời toà án: Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài. Và người ta hỏi tôi: Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì?

“Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam.”

Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… phiên toà bao gồm những người ủng hộ chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau – thế là, vì tất cả bọn họ đều phản nhân văn, họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi: Nhưng người ta chỉ có thể đấu tranh cho thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng – mà anh, anh đi ra nước ngoài và lại hòng đấu tranh cho thống nhất đất nước, thật lố bịch! Người ta phá lên cười – tôi mặc kệ sự mỉa mai của những người ấy.

Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…

Phải nói rằng chế độ nhà tù dành cho tù chính trị dưới ách thống trị thực dân nhân đạo hơn chế độ nhà tù cộng sản rất nhiều. Vì sao? Vì chế độ nhà tù thực dân ít nhiều cũng được kiểm soát bởi chính phủ chính quốc Pháp, tức là dưới sự kiểm soát của dư luận, tức là một bộ phận của sự kiểm soát ấy thuộc về công chúng và các tổ chức dân chủ, thí dụ như Liên đoàn Bảo vệ Quyền con người và Quyền công dân, và các tờ báo…

Thật phi lý, nhưng là thực tế! Và chế độ tù chính trị trong các nhà tù cộng sản thì khắc nghiệt hơn chế độ dành cho thường phạm. Trong tù tôi đã tuyên bố với những người bên cạnh rằng nếu tôi biết có sự phân biệt ấy, tức là tù thường phạm (những người lầm đường lạc lối trong quần chúng) với tù chính trị (kẻ thù của nhân dân), nếu tôi biết có sự khác biệt ấy, thì tôi đã biến mình thành trộm cắp, lưu manh, sát nhân chứ không phải người cách mạng. Tôi sẽ không tham gia cách mạng mà tham gia các hoạt động của những kẻ phản xã hội kia. Tôi có khá đủ khả năng sống trong các nhà tù (ông cười).

Trước hết, nét chủ yếu là thiếu lương thực. Có thể nói rằng trong nhà tù khắc nghiệt nhất, tù chính trị bị kết án phải chịu đói và rét triền miên. Chính cái đói, cái rét và bệnh tật – ba tác nhân làm suy kiệt sức khoẻ của những người tù chính trị. Tức là những người tù chính trị bị kết án phải chết từ từ. Kiệt sức vì đói, rét, bệnh tật, đó là một cái chết chậm – người ta chỉ chờ có cái chết.

Theo quan điểm văn hoá tối thiểu trong tương lai hay trong cuộc sống thông thường của mọi người, những người tù chính trị của nhà tù, nhà tù của tôi, không có một tý thông tin nào, dù là qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, dù là qua báo chí, suốt trong 15 năm – không gì hết, không gì hết. Mỗi tuần lễ, toàn bộ thông tin là ông tổng giám thị tổ chức một cuộc họp tất cả tù nhân. Trong cuộc họp ấy tổng giám thị đưa ra những thông tin về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, những thắng lợi giành được đối với các lực lượng quân viễn chinh Mỹ – đó là thông tin duy nhất qua tiếng nói của tổng giám thị.

Và tất cả là thế. Gia đình các tù nhân chính trị không biết số phận của con cái, anh em mình. Các thành viên gia đình còn sống hay đã chết – người ta không biết. Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ tưởng anh đã chết lâu rồi. Không tiếp xúc tí nào với bên ngoài. không tiếp xúc tí nào với gia đình, với bạn bè, với bất kỳ ai… Thế giới đối với chúng tôi là tập họp 200 tù nhân trong một vòng vây bằng tường đá, một bức tường thành bằng đá cao bên trên có dây thép gai – đó là thế giới của chúng tôi; không có thế giới nào khác.

Heinz Schütte: Trong làng ông, từ năm 1970, ông có liên lạc với “thế giới”?

Nguyễn Hữu Đang: Có, một chút thôi, một chút liên lạc – không cả sách báo, không có những cuộc họp mặt, chuyện trò, tiếp xúc… một chút liên lạc với thế giới, không nhiều và không đáng kể gì.

Heinz Schütte: Ông có nghĩ rằng chế độ đã coi ông như thủ lĩnh chính trị của nhóm ly khai?

Nguyễn Hữu Đang: Tôi không bao giờ chối bỏ hay giấu giếm trách nhiệm ấy.

***

Thật là bi hài khi khen ông cuối đời đã sáng suốt lựa chọn triết lý sống Lão Trang. Thử hỏi đòi hỏi thế nào được với một ông già như thế, đã rơi vào hoàn cảnh như thế.

Ai có thể cứu ông lúc xảy ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Không có ai.

Ông Nguyễn Hữu Thoan anh của ông Đang làm lái xe ở Bệnh viện Việt Đức kể với nhà văn Võ Bá Cường như sau:

“Ông Đang bị bắt rồi bác cả Ruông đang làm ở Ty Hải sản Hải Phòng cũng bị đẩy ra Bạch Long Vĩ, còn Nguyễn Hữu Thoan đẩy xuống làm anh lao công quét vôi bệnh viện Phủ Doãn thật là khổ thân ông. Sau đêm ấy vợ con ông Thoan quấn túm chạy lên rừng khai hoang sinh sống (Cuộc chạy trốn này chú Đang đã linh tính từ trước).

Đó là làng Cổi thuộc Châu Lạng Sơn, ở đấy toàn người Mường. Lúc đầu mẹ con đi làm thuê sau vào HTX nông nghiệp ờ đó. Anh Hà chữ nghĩa khơ khớ xoay ra dạy trẻ con học kiếm thêm tiền sinh sống. Năm 1960 ông Thoan phát bệnh được nằm lại bệnh viện Phủ Doãn. Có lần cụ Hồ vào thăm, Cụ mặc áo bệnh viện, đi sau cụ biết bao người, nào là bảo vệ, bác sĩ, y tá, rồi cán bộ đi theo đông lắm. Ông Thoan nghĩ nhân cơ hội này muốn đem lòng thành của người anh ruột kêu với Cụ. Ông lăn xuống đất lết lối đi hai bên giường bệnh nhân mà Cụ Hồ đang tới.

Thấy vậy bảo vệ chạy đến lôi ông Thoan nhưng còn cách quãng rất ngắn Cụ đã nhìn thấy, giơ tay ngăn lại. Cụ đi tới, ông Thoan ra dập đầu kêu: “Thưa cụ! Thằng Nguyễn Hữu Đang em tôi có tội gì mà bắt nó?”

Cụ đứng lại nhìn ông Thoan không nói gì, lúc ấy bảo vệ đã bê xốc ông lên giường. Lúc quay ra cụ vẫy ông Thoan lại gần bảo: “Nguyễn Hữu Đang có tội thì phải chịu tội với nhân dân”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. KÍNH CHÚC những Đứa con Tinh hoa của MẸ VIỆT NAM YÊN NGHỈ BÊN NHAU quên những buồn phiền lúc SINH THỜI NƠI ĐẤT MẸ cùng với TỔ TIÊN ĐOÀN TỤ BÊN ĐỀN HÙNG !
    — NHV —

    Xin Vĩnh Biệt Cánh Hạc Hồng .. ..
    ******************************

    Để tưởng niệm Nhà Cách mạng Văn hóa Nhân bản Nguyễn Hữu Đang – Cánh Hạc đầu đàn Nhân Văn Giai Phẩm .. ..

    Chiều cuối năm bao Tết ly hương
    Bàng hoàng Én khuất trời viễn phương
    Tháp Bút chậm ghi vào Thanh Sử
    Con yêu bất khuất vừa Lên đường .. ..
    Đời Anh: Bản Trường ca Bi tráng
    Sĩ phu nhân chứng Thời nhiễu nhương
    Kính chúc Hành trình xuôi Miên viễn
    Đền Hùng Tổ tiên chờ Yêu thương .. ..

    Nguyễn Hữu Viện

    Paris 11/02/2007

    Xin ngàn lời Vĩnh biệt Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh !!!
    ********************************************

    https://www.youtube.com/wat
    Lotus Secret Garden

    Như Đóa Sen sinh sống tận ao đen
    Khí phách không như bọn tướng hèn
    Chỉ trung với Đảng hại Dân bán Nước
    Bài học Sống cho Giới Trẻ đứng lên
    Vì Dân quyền Dân chủ Tự do Hạnh phúc
    Chúc Lão Tướng về Lòng Đất Mẹ Việt
    Mai sau còn nhớ Tấm lòng cùng Họ tên ….

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    ANH HÙNG LÝ TỐNG : Thần Phong Đại Việt vừa về lại Đền Hùng ! …
    ****************************************************

    谷村 新司さん
    https://www.youtube.com/watch?time_continue=73&v=svVsV6hUqd4&feature=emb_logo

    Giờ triệu triệu Cánh Đào Mai tàn Xuân
    Rơi khắp Quê Mẹ .. .. Anh Hùng lìa trần !
    Đời Lý Tống như Thần Phong Đại Việt
    Hương gió thơm ngát tận đến Muôn Năm
    Về lại Sài Gòn Cánh Tự do tung gió
    Thủ đô Cu Ba in mãi dấu Vĩnh hằng
    Gió Thánh về tăng tốc triệu vó ngựa
    Đánh thức lúa nở đồng xanh đồng bằng
    Thần Phong cùng Hưng Đạo Nguyễn Huệ
    Vào trận Biển Đông lập lại Bạch Đằng
    Đêm Cali Ó Đen hóa thân Câu Trắng
    Tinh Hoa về Đền Hùng lệ huyết Trăng

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11501

    Cảm tác xin tiễn đưa Anh Hùng LÝ TỐNG Lê Văn Tống về lại ĐẾN HÙNG cùng Tổ tiên …

    30 bài thơ về LÝ TỐNG bằng Việt , Anh và Pháp ngữ

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11501

    09 giờ 16 phút Tối 5/4/2019, giờ Cali – 06 giờ 16 phút Sáng 6/4, giờ Paris


    Một Vòng Hoa cho Nhà Cách mạng Chân chính & Nhà Văn hoá Nhân bản NGUYỄN HỮU ĐANG (1913-2007) /
    Xin Vĩnh Biệt Cánh Hạc Hồng .. ..
    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=26&idpoeme=1377

    Thấm thoát đã gần 18 NĂM Lão Tướng TRẦN ĐỘ đã về LÒNG ĐẤT MẸ VIỆT NAM !!!

    Cành Hoa Nguyệt Quế
    *********************

    Kỷ niệm 30 ngày từ trần của Nhà Dân Chủ và Lão Tướng TRẦN ĐỘ (23 tháng 9 năm 1923 – 9 tháng 8 năm 2002).. ..

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=12&idpoeme=147

    Anh về yên nghỉ gần ba Mẹ (1)
    Ngọc thể hóa thân hàng dương che
    Hơn nằm Mai Dịch (2) hồn ân hận
    Một lần sống thác đâu ngựa xe
    Trường chinh Anh nguyện theo vận nước
    Chung thủy một lòng Anh lắng nghe
    Ngàn sao vĩnh cửu trời lấp lánh
    Hồn thiêng Sông Núi Nguyệt Quế che .. ..

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    (1) : ba Mẹ : Ba người Mẹ của Anh Trần Độ:

    1. Mẹ : Mẹ Quê Hương Thái Bình — Việt Nam
    2. Mẹ : Mẹ ruột sinh ra
    3. Mẹ : Mẹ nuôi thời hoạt động Cách Mạng

    (2) Mai Dịch: nghĩa trang gần Hà Nội dành cho các cụ «cận thị» thiếu viễn kiến và tình yêu đồng bào nằm trong guồng máy Đảng bảo thủ, thủ cựu và độc đoán


    Xuân Bách bạt ngàn Bách Xuân .. ..
    ***************************

    Để tưởng niệm Nhà Canh tân Trần Xuân Bách vừa qua đời ngày 01/01/2006 tại Thủ đô Hà Nội .. ..

    Xuân nhật phương Tây khóc Bách Xuân .. ..
    Hạc hồng vừa từ giã cõi trần!
    Sao không đợi chờ Ngày Xuân tiết ?
    Trống trận Hà Hồi vọng xuân phân !
    Lung linh nước Hồ Gươm xuân sắc
    Xuân phong vút cánh đàn sâm cầm
    Phân hận Xuân Thu phai tàn mất:
    Nụ tầm xuân Đào nở lập xuân

    * * *

    Anh hiện hữu như cây bách bệnh
    Bách chiết thiên ma “tôi” kiệu kênh
    Ý chí trung kiên thân tùng bách
    Độc lập Thống nhất đường mông mênh
    Bách chiến bách thắng thêm đại lộ
    Dân chủ Pháp quyền Anh tiến lên
    Cổ vũ đa nguyên đa đảng trị
    Bảo thủ biển người thế bấp bênh !

    * * *

    Thanh trừng tội bách niên đại kế
    Viễn kiến dâng hiến Quê chẳng nề
    Anh tôn trọng bách nhân bách khẩu
    Luận bách khoa chính văn kinh tế
    Trong ngoài Nước bách xuyên quy hải
    Cùng chung sức vượt hồn trận mê
    Xin bách linh hồn thiêng Sông Núi !
    Tâm xuân Sinh & Tử tiếp tuyến kề .. ..

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
    Paris 02/01/2005

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=46&idpoeme=3275

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poesie2&idfam=30
    Tưởng Niệm các Nhà Dân Chủ Việt Nam

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11449
    Lý Tống’s Spirit is Immortal ! Lê Văn Tống’s High-Mindednessis Eternal !

    THÀNH THẬT cáo lỗi quý bạn đọc Trang nhà cá nhân http://www.hanoiparis.com hiên hữu trên Tân Lục địa thứ 6 INTERNET từ đầu năm 2004 của tôi bị nhiều lần tấn công mạnh … Lần này khá nặng với địa chỉ tin tặc từ Trung C..uốc vì quá bận với BỘ BA trang mạng về ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH SỐ HÓA TRỰC TUYẾN ưu tiên số 1 HIỆN NAY

    NHƯNG 3 TRANG về Đại học PHAN CHÂU TRINH một khi vào HOẠT ĐỘNG MẠNH sẽ phải thuê bao PHẦN AN NINH đắt nhất để bảo vệ sinh mạng của Đại học PHAN CHÂU TRINH …

    Tôi không có Thời gian sửa chữa lại và hơn nữa TRANG http://www.hanoiparis.com NÀY sáng tạo và thiết kế trước cả FACEBOOK đã dùng kỹ thuật FLASH nên có nhiều khe hở kẽ hở gót Achille kỹ thuật mà nay đa số các công cụ du mạng navigator đã bỏ kỹ thuật FLASH cho dù RẤT ĐẸP nhưng NGƯỜI ĐẸP lại thiếu AN TOÀN AN NINH nên có lẽ tôi tạm dừng TRANG http://www.hanoiparis.com một thời gian lâu

    Mong bạn đọc chung thủy nhất là từ Âu Mỹ THÔNG CẢM

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

Comments are closed.