Anh Hoài Nam

Mai Quốc Ấn

3-4-2021

Phóng viên Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: FB Nguyễn Hoài Nam

Ở cái xứ “văn mình, vợ người” này, phàm là người cầm bút ít ai nể trọng ai thực sự. Kể cả là nể miệng chứ nói chi nể trọng trong lòng.

Tôi nể trọng anh Hoài Nam – cựu phóng viên Thanh Niên và Pháp luật Tp.HCM!

Nếu có nhà báo “khoe” đề tài nào đó sẽ đạt giải quốc gia dù… chưa đăng, Hoài Nam là một trong vài cái tên nói điều đó kiểu… đương nhiên nó thế. Và tôi tin! Đúng là sau mấy lần khoe, anh đều có giải cả.

Mà ảnh giỏi thiệt! Điều tra nhập vai đều, nhiều, ra được sản phẩm gây chấn động như Hoài Nam ở nước mình hình như chưa ai bằng. Ngay cả phóng sự hồ sơ Hoài Nam cũng giỏi. Nói về phóng sự hồ sơ mà “nhặt kim cương” trong một văn bản lướt qua tưởng vô thưởng vô phạt thì ở Việt Nam có một người nữa giỏi như anh. Người đó tôi cũng rất nể phục!

Có nhiều người không ưa Hoài Nam. Thậm chí rất rất không ưa. Vì Hoài Nam giỏi và vì cả Hoài Nam thẳng. Thẳng đến mức đúng như câu anh từng nói với tôi: “Anh đúng nên anh đ*o sợ bố con thằng nào!”

Một tờ báo Đảng đã viết bài “Phóng viên Hoài Nam – Mang “lửa nghề” sưởi ấm cuộc sống!”. Tôi nhớ trong bài đó có nói Hoài Nam như là khắc tinh của tham nhũng, tiêu cực.

Tự nhiên nhớ cái lần Hoài Nam qua phòng trọ nhỏ của tôi uống rượu. Rồi cũng nhớ cái lần tôi chạy xe qua nhà ảnh uống rượu. Hoài Nam tửu lượng dở ẹc nhưng ngồi uống rượu lấy chuyện điều tra Hoài Nam kể làm “mồi” thì thật thú vị vô cùng.

Có nhiều người khuyên đừng chơi với Hoài Nam. Tôi vẫn chơi. Dù anh em gặp nhau cực ít, nhưng sự nể trọng tôi dành cho Hoài Nam giờ còn nguyên đó.

“Răng cứng nên gãy, lưỡi mềm mà còn”. Đó có thể là cách ngôn của nhiều người thức thời. Nhưng mai này da thịt tiêu tan, trước khi xương cốt rồi cũng thành bụi đất. Chỉ thấy hàm răng hãy còn chứ lưỡi có còn đâu?

Ở cái xứ “văn mình, vợ người” này, phàm là người cầm bút; nếu không nói được một câu chua xót cho nghề, cảm thương cho người; thì cũng đừng nên thêm máu vào trong câu chữ khi thấy người gặp nạn.

Đọc cách đưa tin của các tờ báo, cách viết caption của một số nhà báo; có thể thấy rất nhiều điều phía sau đó…

Có một phóng sự tên Lửa nghề từng có tên Hoài Nam bên cạnh những nhà báo điều tra lẫy lừng khác. Và như tờ báo Đảng từng đưa bài “Phóng viên Hoài Nam – Mang “lửa nghề” sưởi ấm cuộc sống!”; vậy thì cuộc sống sẽ lạnh lẽo hơn, nghề báo cũng sẽ nguội đi nhiều vì vắng những người giỏi và thẳng như Hoài Nam.

P/s: Hồi Hoài Nam khoe với tôi cái phóng sự về rau tưới nhớt với giấy chứng nhận rau VietGap được bán như… rau. Thấy cái ảnh này còn trêu ảnh: “Douma! Vừa già, vừa xấu nên nhập vai chở rau hợp nè!”

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Có phải tác giả vừa nhắc đến” Đu ma ” trong ” Ba người lính ngự lâm”?
    Tôi cho rằng ‘lãng mạn thăng hoa’ trong phim ảnh là khoảng khắc hồi ức trong khung cảnh lý tưởng, còn trong văn học thì lại là lãng mạn trong hư cấu (hoặc trinh thám thăng hoa, hoăc hài hước thăng hoa…), nếu lấy tỷ lệ của đại lượng trên với phần hiện thực còn lại thì có thể cho ra một đặc trưng của mỗi tác phẩm, gọi là “tỷ lệ thăng hoa”!

  2. Không có gì chua xót
    Bằng chúng ta, ngươi dân,
    Nuôi công an, quân đội
    Để chúng đàn áp dân.

    Càng chua xót gấp bội,
    Được sinh ra làm người
    Mà ta không được nói,
    Được khóc và được cười.

    Chính xác hơn, được nói,
    Rất “dân chủ”, “tự do”,
    Kiểu con chim được hót
    Theo giọng của con bò.

    Nỗi sợ to lớn nhất
    Của chế độ độc tài
    Là khi ta, dân chúng,
    Không sợ bọn độc tài
    ….
    trích thơ Thái Bá Tân

  3. Tập thơ “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
    ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ Tự do,
    giam giữ những trái tim khao khát Sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
    giam giữ kẻ ngủ hoang
    để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức.

    bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
    bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thơ tứ Con người.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,

    bởi vì tôi khao khát Tự do.

  4. “Chanh kiệt nước rồi, vứt luôn cái vỏ”: bản chất của lũ "đại nghịch bất đạo"! “Chanh kiệt nước rồi, vứt luôn cái vỏ”: bản chất của lũ "đại nghịch bất đạo"!

    Thiết nghĩ, đã tới lúc các Vị Nhà báo Yêu Nước như Anh Lê Hoài Nam, như Phạm Chí Dũng, … cần phải điều chỉnh chiến lược để không những hạn chế được những tổn thất của dân mà còn không trở thành ‘trái banh’ để lũ “đại nghịch bất đạo” dùng trong việc tranh giành quyền lực!

    • Người bất đồng chính kiến,
      Chỉ trích nhà nước mình
      Là những người yêu nước,
      Dám chấp nhận hy sinh.

      Lên tiếng nói phản biện
      Là biểu hiện tối cao
      Của tinh thần yêu nước,
      Yêu quốc dân đồng bào.

      Khi chính quyền sai trái,
      Mà người ta lặng thinh,
      Tức người ta đồng lõa
      Phản bội đất nước mình Thơ Thái Bá Tân

Comments are closed.