Danh sách các dự án có số phận như Cát Linh – Hà Đông dài… như sợi dây kinh nghiệm

Hoàng Tư Giang

2-4-2021

Một lần, đầu những năm 80 tại một nhà máy công nghiệp rất lớn ở miền Bắc xảy ra một cuộc đình công vô tiền khoáng hậu của đoàn chuyên gia Liên Xô.

Theo kế hoạch, đến giờ đó, ngày đó nhà máy lẽ ra phải vận hành thử, nhưng vì chưa đủ hồ sơ, giấy tờ nên phía Việt Nam chưa đồng ý.

Các lãnh đạo phía Việt Nam, từ nhà máy đến tỉnh rất hốt hoảng. Họ cử một kỹ sư trẻ tuổi đến làm việc với phía chuyên gia Liên Xô. Vị trưởng đoàn đáp: “Chúng tao sang đây giúp chúng mày xây dựng nhà máy, vận hành nó chứ không phải để tuân thủ thủ tục của chúng mày”.

Vị kỹ sư trẻ báo cáo lại với các sếp và đề nghị họ để các chuyên Liên Xô gia vận hành nhà máy ngay. Đề nghị được chấp nhận và nhà máy chạy ngon lành. Cuộc đình công, vì thế, chấm dứt. Nhiều tháng sau, hồ sơ, giấy tờ mới được hoàn thiện.

Vị kỹ sư trẻ sau này trở thành một trong những lãnh đạo, để lại nhiều công trình trên khắp đất nước. Nếu ông ấy không có bản lĩnh và hiểu biết lúc đó, nếu các sếp cũng không có bản lĩnh tiếp thu, chấp thuận thì chắc chắn xảy ra vụ scandal to, nhà máy phải mất nhiều tháng, nhiều năm sau mới được hoạt động, hay đen đủi hơn, có khi lại bị “đắp chiếu” chỉ vì thủ tục.

Vì sao có thời lại có những lớp cán bộ dám làm, dám chịu như vậy?

Vì sao giờ tinh thần đó leo lét, kiệt quệ?

Vì sao giờ ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mất chức?

Vì sao giờ không ai dám quyết cái gì để đến nỗi trong mấy năm qua không xây được công trình gì hoành tráng?

Có điều gì đó rất bất thường làm lớp cán bộ ngày nay ra nông nỗi này?

Ví dụ, đường Cát Linh – Hà Đông. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 31.3 là thời hạn chót để Bộ GTVT hoàn thiện tất cả các bước để bàn giao dự án về UBND TP.Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT, sau 20 ngày vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Tổng thầu EPC Trung Quốc thực hiện đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập ACT của Pháp,…

Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Để chính thức đi vào khai thác thương mại, Bộ GTVT và Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc hoàn thiện các thủ tục, các công việc còn lại để đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng”.

Như vậy sớm nhất phải đến tháng 5.2021, đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới có thể đi vào khai thác thương mại.

Vâng, nó đã chậm gần 2 thập kỷ, chậm thêm một tháng nữa để “hoàn thiện thủ tục “ là cái đinh gỉ. Bộ trưởng Thể thậm chí còn không xuất hiện.

Mà danh sách các dự án có số phận như Cát Linh – Hà Đông dài… như sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đến cẩn thận như Nhật mà đến lúc động đất, sóng thần mới thấy được hậu quả của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sát biển và hậu quả bây giờ còn đang lúng túng không biết xử lý thế nào với khối lượng nước nhiễm cực lớn. Và nhắc đến vụ này để không quên tai nạn lớn hơn xảy ra ở Chernobyl – nơi „ông anh cả Liên Xô“ của tác giả (TG) đã một mặt có trình độ, nhưng mặt khác chỉ có thể coi là đã cẩu thả nên mới xảy ra tai nạn kinh khủng đó, khiến sau đó loài người khiếp hãi với những cái QUYẾT CỦA LÃNH ĐẠO! Còn thời đại ngày nay nó khác với thời TG kể câu chuyện về anh cả LX – Cơ quan xác nhận an toàn Pháp phải là 1 cơ quan có uy tín về lĩnh vực tàu chạy trên cao (trong TP), và ngoài ông Phúc của TG thì còn Tổng thầu trung Quốc (là công ty rất yếu kém về lĩnh vực này) thúc giục việc vận hành đường tàu, và ý tác giả cần làm theo những ý kiến đó và Việt Nam làm theo thì đúng là ĐẠI HẠN – vì cả Thế giới „tiến bộ“ bây giờ họ phải làm trên cơ sở PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA GIÁM ĐỊNH KỸ THUẬT, chứ không được phép duy ý chí như suy nghĩ của TG bài viết trên!

Comments are closed.