Quốc hội và những khác thường xảy ra định kỳ tại Việt Nam

Blog VOA

Trân Văn

1-4-2021

Quốc hội Việt Nam khóa 14 vừa có tân Chủ tịch (1) và ba tân Phó Chủ tịch (2). Nhất trí cao đối với việc miễn nhiệm cùng lúc cả Chủ tịch lẫn ba Phó Chủ tịch của Quốc hội là chuyện khác thường, rất hiếm thấy và dường như chỉ xảy ra theo… định kỳ tại Việt Nam.

Tuy nhiên sự kiện thuộc loại… cổ lai hi đó vẫn chưa khôi hài và đáng ngán bằng việc tân Chủ tịch và ba tân Phó Chủ tịch vừa đắc cử ở Quốc hội khóa này (2016 – 2021) chắc chắn sẽ là… Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của… Quốc hội khóa sau (2021 – 2026).

Về… lý thuyết, trước hết, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội phải được đa số dân chúng khu vực nào đó tín nhiệm, đồng tâm chọn làm những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của họ tại Quốc hội, nên mới dồn phiếu nhằm chọn những cá nhân ấy làm đại biểu, rồi những cá nhân ấy tiếp tục được đa số đại biểu Quốc hội – đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân trong giai đoạn mới, lựa chọn – giao cho trọng trách lãnh đạo Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội).

Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam lại rất khác. Kể từ khóa trước, các đại biểu Quốc hội sắp mãn nhiệm đã bắt đầu tập… nhất trí miễn nhiệm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch đương nhiệm cho dù những nhân vật này không có bất kỳ lỗi lầm nào đến mức phải tổ chức cho Quốc hội miễn nhiệm! Tại sao có thể đối xử với những người mà về… lý thuyết là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân một cách tùy tiện và càn rỡ, bất kể Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội minh định thế nào – như vậy?

Dẫu là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội, tuy Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội không qui định phải bị… miễn nhiệm trước khi nhiệm kỳ kết thúc nhưng những cá nhân lãnh đạo Quốc hội vừa bị miễn nhiệm không hề có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại nào.

Tại sao? Ai cũng biết, được bổ nhiệm hay bị miễn nhiệm trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đều phụ thuộc hoàn toàn vào… sự sắp đặt của đảng. Khi những cá nhân lãnh đạo Quốc hội vừa bị miễn nhiệm cũng xem ý chí của đảng là tối thượng, nguyện vọng của nhân dân, hiến pháp, luật pháp chỉ là… thứ yếu thì có cần cái gọi là… Quốc hội? Có cần những đại biểu sắp mãn nhiệm, bất chấp mọi thứ… nhất trí… theo lệnh đảng, thay dân chọn Chủ tịch và các Phó Chủ tịch cho Quốc hội khóa mới?

Đến cuối tháng 5, dân mới lựa chọn – bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa mới, nếu đã biết chắc ông Vương Đình Huệ sẽ trúng cử và sẽ được các tân đại biểu Quốc hội cử làm Chủ tịch Quốc hội khóa 15… Nếu đã biết chắc các ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải cũng trúng cử và cũng sẽ được các tân đại biểu Quốc hội cử làm các Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 15… Nếu đã biết các tân đại biểu Quốc hội cũng sẽ như các cá nhân sắp trở thành cựu đại biểu Quốc hội, luôn luôn nhất trí với tất cả những chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ đảng, bất kể nhân tâm, dân ý ra sao… thì tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp làm gì cho tốn kém?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/ong-vuong-dinh-hue-tro-thanh-tan-chu-tich-quoc-hoi-20210330201934679.htm

(2) https://tuoitre.vn/quoc-hoi-co-3-pho-chu-tich-moi-2021040109452909.htm

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Quốc hội khóa 14 lại thành lập chính phủ, nhưng theo hiến pháp , nhiệm kỳ của chính phủ theo nhiệm kỳ của quốc hội, tức là quốc hội khóa 15 phải tổ chức bầu lại, tuyên thệ lại. Vậy tại sao đảng phải làm cái chuyện thừa thải này, ắt phải có lý do của nó. Đó là do đại hội đảng với việc tranh giành quyền lực đã kết thúc nhưng chưa ngã ngũ, chắc chắn, sợ rằng đêm dài lắm mộng nên phải đưa vào thế gạo đã nấu thành cơm. Đểu.

  2. “thì tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp làm gì cho tốn kém?”

    Ậy, thì cũng như thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có đa đảng thui . Tổ chức bầu cử này nọ để trí thức nhà mềnh có tiên bố rằng thì là mà Việt Nam có dân chủ, bầu cử này nọ thì cũng có chứng cớ hẳn hòi .

    Biết bao trí thức mình vẫn còn tiếc nuối thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chừng 3 chục năm nữa thế hệ trí thức mới sẽ hoài cảm zìa chiện bầu cử quốc hội bi giờ, lại ước gì được như ngày hôm nay . Ad infinitum e ad nauseam.

  3. Dân có cần quốc hội hay không thì cũng mặc dân.
    Người ta cần sân khấu cho năm trăm con rối nhảy múa hát hò.
    Có sân khấu thì phải có kịch bản.
    Thế nên mới có miễn nhiệm, bầu bán, mới có đầu bạc hiên ngang gánh sơn hà xã tắc.
    Kịch bản dẫu có nhạt, nhưng có cái để cho lũ bồi bút tung hô.

Comments are closed.