Ngoại giao và tuyên giáo Việt Nam qua câu chuyện Miến Điện

Jackhammer Nguyễn

12-3-2021

Ngày 9/3/2021, hãng tin Reuters của Anh quốc loan tin, rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không ra được một tuyên bố mạnh mẽ để lên án các hành động bạo lực của giới quân nhân Miến Điện bắn giết người biểu tình.

Reuters cho biết, ban đầu bản tuyên bố được Anh soạn thảo, lên án mạnh mẽ giới quân nhân Miến Điện và dọa sẽ có những biện pháp (trừng phạt) tiếp theo. Thế nhưng có bốn quốc gia đã đề nghị sửa lại câu chữ và xóa đi phần đe dọa.

Bốn nước đó là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó hai nước đầu là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, Việt Nam và Ấn Độ là hai thành viên không thường trực, không có quyền phủ quyết.

Thế nhưng những bản tin quốc tế trên báo chí Việt Nam về Myanmar (nếu có) lại lờ đi chi tiết quan trọng, rằng Việt Nam có tham gia vào việc cản trở thông điệp mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc về tình hình Miến Điện. Trang Vnexpress cho biết, Việt Nam có tham gia vào việc soạn thảo bản tuyên bố, nhưng không đề cập đến việc nó bị sửa đổi cho nhẹ nhàng.

Thú vị nhất là báo Tuổi Trẻ, trong bài nói về chuyện Trung Quốc kêu gọi xuống thang bạo lực ở Miến Điện, lại tiết lộ cho dân chúng trong nước biết rằng, chính Bắc Kinh là nước can thiệp để thay đổi những câu chữ lên án mạnh mẽ trong bản nháp đầu tiên do nước Anh soạn thảo. Báo Tuổi Trẻ giấu mất Nga, Ấn Độ, và chính… Việt Nam, đều là … đồng phạm!

Phải nói cho công bằng, rằng báo chí Việt Nam đưa tin khá đầy đủ về Miến Điện, nhưng ít có bài phân tích và bình luận. Qua những bản tin đó, người đọc trong nước chắc chắn hình dung được sự tàn ác của quân đội Miến Điện. Điều đó có lẽ làm cho cơ quan tuyên giáo Việt Nam lo ngại về một sự so sánh cuộc thảm sát Miến Điện với thảm sát Đồng Tâm (nơi nửa đêm có khoảng 3.000 công an Việt Nam kéo vào làng, hạ sát một nông dân, làm bị thương nhiều người khác)?

Hãy so sánh vụ đưa tin về các cuộc biểu tình khổng lồ ở Hồng Kông vào mùa thu năm 2019, có vẻ như tầng suất các bài viết về Miến Điện nhiều hơn những bài về Hồng Kông. Phải chăng có sự lo ngại trong việc đưa tin về Hồng Kông vì chính quyền Hoa Lục, nguồn cơn của các cuộc đàn áp, có cùng ý thức hệ như cộng sản Hà Nội? Còn Miến Điện là một thế giới khá xa lạ với người dân trong nước?

Trở lại câu chuyện ngoại giao, Việt Nam cản trở câu chữ mạnh mẽ ở Hội đồng Bảo an LHQ, và việc giấu nhẹm điều đó đi của báo chí dưới sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo Việt Nam, đặt ra cho chúng ta một vấn đề hết sức thú vị.

Một mặt, hành động ngoại giao đó của Việt Nam không khác gì kiểu cách “dĩ hòa vi quý” của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), núp dưới danh nghĩa không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. Đó dường như cũng là kiểu hành xử của Ấn Độ, quốc gia cũng “dĩ hòa vi quý” và mong muốn mở rộng ảnh hưởng khối ASEAN.

Mặt khác, tại sao báo Tuổi Trẻ lại “trăm dâu đổ đầu” … Trung Quốc như vậy? Cũng có thể do Bắc Kinh đầu têu chuyện này, nhưng có lẽ thái độ của tuyên giáo Việt Nam (báo chí) có thay đổi trong thời gian gần đây, khi những bài báo khá mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này giúp cho Hà Nội giữ sự ủng hộ của dân chúng (với điều kiện là đừng đi biểu tình) vốn có tâm lý chống Bắc Kinh rất mạnh. Nên bây giờ đổ thêm cho Bắc Kinh một tội chung, cũng không sao.

Trong khi đó, thái độ của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đối với lãnh đạo quân phiệt Miến Điện, lại là một chuyện khác. Nó giống như một nỗi mặc cảm vừa nhìn xuống vừa nhìn lên. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng lên tiếng “kẻ cả” dạy bảo lãnh đạo Miến Điện về dân chủ, bầu cử tự do… từng dùng những mỹ từ như ‘lãnh tụ dân chủ’ để chỉ bà Aung San Suu Kyi, trong khi các tờ báo thuộc loại “bảo vệ đường lối” như Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân,… lại hay dùng từ dân chủ để biếm nhẽ những người đấu tranh cho xã hội dân sự trong nước.

Mặc khác các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ cũng cảm thông với các tướng lĩnh độc tài Miến Điện, muốn độc quyền cai trị, dưới chiêu bài “giữ vững ổn định”, có khác gì với Đảng Cộng sản Việt Nam đâu?

Thái độ đối với Miến Điện của Việt Nam có nhiều mặc cảm như thế, cộng với không gian văn hóa xa xôi cách trở, sự quan tâm không nhiều của dân chúng trong nước, làm cho tuyên giáo của đảng khá thoải mái trong việc cho phép đưa tin về Miến Điện.

Nhưng đôi khi sự thoải mái này lại vượt rào, làm cho tuyên giáo bị hố, như báo Tuổi Trẻ từng trích lời ngoại trưởng Singapore, lên án hành động bắn giết dân thường Miến Điện: “Cầm súng bắn người dân của mình là đỉnh cao nỗi ô nhục quốc gia“. Vài giờ sau, bài báo này biến mất, chứ nếu còn, độc giả lại so sánh với vụ Đồng Tâm thì nguy!

Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ ngày 5/3/2021, hiện đã bị gỡ bỏ.
Bình Luận từ Facebook