Không quan tâm đến chính trị, chỉ thích bóng đá – Maradona và Menotti

Nguyễn Thọ

12-3-2021

Tượng Maradona tại Buenos Aires. Ảnh trên mạng

Ngày 25.11.2020, danh thủ bóng đá Maradona qua đời trong sự thương tiếc của cả nước Argenina cũng như của hàng hàng trăm triệu người hâm mộ toàn cầu. Người Argentina tôn sùng anh không chỉ vì anh đã đưa bóng đá xứ họ lên đỉnh cao của nghệ thuật thứ 8, mà còn giúp họ rửa nỗi nhục bị mất đảo Malvinas vào tay nước Anh [1].

Người dân thành phố Napoli nghèo nàn của nước Ý đã tạc tượng vị thánh sống của họ, vì anh đã dẫn câu lạc bộ SSC Napoli lên chức vô địch Ý, rồi từ đó đến nay không bao giờ nằm ở nửa dưới của Seri A nữa.

Nhưng vì sao người Ấn Độ, nơi mà bóng đá ít được biết đến lại tạc tượng Maradona ở Kolka? Vì sao nhiều người Việt Nam, dù không biết cả Ác-Giăng-Tin và Á-Căn-Đình đều là quê anh, vẫn yêu mến anh?

Khai trương tượng Maradona tại Kolka, Ấn Độ. Ảnh trên mạng

Vì sao người Châu Âu kỷ cương và nghiêm khắc trong cuôc sống lại bỏ qua cho Maradona những sai lầm trong sinh hoạt, từ “Bàn tay của chúa“, đến các vụ chập mạch trên sân, hoặc các vụ tai tiếng về ma túy?

Người ta yêu Maradona không chỉ vì tài năng bóng đá bẩm sinh, mà là ở sự chân thực, ở cuộc đời không hề tô vẽ của một cậu bé con nhà nghèo, ít học, vụng về. Maradona cứ như vậy, biết xấu hổ với cả các thói xấu, tật hư của mình, nhưng không có đủ nghị lực vượt qua. Ở tuổi 60 anh vẫn dại dột như thuở thiếu thời, nhưng không bội bạc, đểu cáng.

Một người như bạn hay tôi sẽ bị phê phán về những lỗi lầm trên, nhưng Maradona thì không. Người ta tha thứ anh vì anh là biểu tượng của “bóng đá nghệ thuật“ và hơn thế nữa, là đại diện của người nghèo châu Mỹ La tinh. Nhiều người phê phán Maradona kết bạn với Fidel Castro, mặc áo mang hình Che Guevara, chơi với Chavez vì họ không hiểu được sức hấp dẫn của các phong trào cách mạng khuynh tả ở các nước bị bóc lột bởi CNTB hoang dã.

Cách đây hai năm, khi nhiều người Việt tung hô rằng CNXH đã bị tiêu diệt ở Venezuela, tôi vẫn khẳng định rằng Chavez còn lâu mới đổ. Lý do là có hàng chục triệu người nghèo ở đó đứng sau ông ta.

Trọng tâm của bài này không phải Chủ nghĩa dân túy Chavez hay chế độ XHCN chuyên chế ở Cuba, mà là con người chính trị hình thành trong cậu bé bóng đá đường phố Maradona.

Maradona không phải là kẻ bội bạc, anh thường nhớ đến người thầy của anh, huấn luyện viên Luis César Menotti [2]. Không có Menotti, chưa chắc Maradona đã đến được với hào quang sau này.

Cesar Luis Menotti và Diego Maradona, thầy và trò, cha và con 1979. Ảnh trên mạng

Menotti đã phát hiện ra Maradona khi ông còn là huấn luyện viên trưởng đội U20 của Argentina. Năm 1979 ông đã đưa Maradona thành nòng cốt đội tuyển, giành chức vô địch thế giới U20 tại Nhật Bản. Từ đó về sau, Menotti và Maradona như hai thầy trò, hai cha con.

Một trong những đấu pháp quan trọng của Menotti là “Thông Qua Maradona“, biến chàng trai 1m65 vừa là bản lề, là cái cầu trung tuyến của đội bóng, vừa là mũi nhọn. Khi Maradona giơ cao chiếc World cup 1986 tại sân Azteca ở Mexico thì ông Menotti đã không còn là huấn luyện viên trưởng, nhưng chiến thuật “Thông qua Maradona“ vẫn được người kế nhiệm là Bilardo áp dụng.

Nhưng dấu ấn quan trọng nhất mà Menotti để lại ở người học trò Maradona chính là các tư tưởng chính trị khuynh tả mà ông đại diện. Menotti là một trong những tiếng nói lên án mạnh mẽ chế độ độc tài quân sự ở Argentina thời đó. Menotti không chỉ là bậc thầy về chiến thuật bóng đá, mà còn tìm cách chắp cánh cho những cầu thủ có tư tưởng tự do. Ông nói:

“Bóng đá cũng có cánh hữu và cánh tả. Bóng đá cánh hữu muốn gợi ý rằng cuộc sống là cuộc đấu tranh. Nó đòi hỏi sự hy sinh. Chúng ta phải trở thành thép và giành chiến thắng bằng mọi phương pháp… Nghe lời và hành động, đó là những gì những người có quyền lực muốn từ các cầu thủ. Đó là cách họ tạo ra những kẻ trì độn, những thằng ngốc hữu dụng cho hệ thống.“

“There’s a right-wing football and a left-wing football. Right-wing football wants to suggest that life is struggle. It demands sacrifices. We have to become of steel and win by any method… obey and function, that’s what those with power want from the players. That’s how they create retards, useful idiots that go with the system”.

Chính vì vậy Menotti đã tạo ra những cầu thủ như Maradona, không bao giờ là cái máy.

Máy đá bóng, máy viết, máy nói… đều đáng sợ.

Các tranh cãi quanh cái chết của một vài nghệ sỹ sân khấu, điện ảnh Việt Nam gần đây cho thấy, họ đã mất đi sự ngưỡng mộ của người dân, chỉ vì muốn sống bên lề những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Vài hôm nay, khi trên một số diễn đàn xuất hiện bài viết về phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, có một số người khuyên là không nên “nói đến chính trị”.

Cậu bé bóng đá đường phố khi xưa, ít được học hành Maradona sống dậy sẽ tức điên khi nghe những lời khuyên như vậy.

_____

[1] Tại Wolrd Cup 1986 ở Mexico, ngày 22.6 đã có trận tứ kết nảy lửa giữa Argentina và Anh ở sân Azteca. Trước đó, năm 1982 Argentina thua Anh trong cuộc chiến tranh 70 ngày giành đảo Malvinas (Tiếng Anh = Falkland). Maradona đã dùng “nắm tay của chúa“ ghi bàn thắng 1:0 và sau đó một mình rê bóng 60m đá thủng lưới đội Anh, nâng tỷ số lên 2:0. Người Argentina coi trận này là trả thù cho thất bại Malvinas.

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/C%C3%A9sar_Luis_Menotti

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đồng chí Sống Thọ trách trẻ em à. Thía thì cho tớ hỏi thời của các Lông chí quan tâm chính chị chính em mà sao cứ tù mù như tuổi 18+. Hãy vả vào mõm mình khi mình trách cứ. Nhất nà mình nà bậc cha chú đã có nồi cơm đầy+ đùi gà.
    Chân mình dẫm cứt dề dề
    Lại mang đuốc sáng đi soi chân người ( mà lại chân trẻ em. Thía mới nhục)
    Bọn Trí Khắm chỉ biết đổ lỗi

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây