Trân Văn
26-2-2021
Bà Angela D. Merkel vừa khẳng định rằng bà sẽ “xếp hàng”, chờ đến lượt để được chích vaccine ngừa COVID-19. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) với bà Merkel (1) đã được cô Võ Thu Phương lược dịch sang tiếng Việt để người Việt không rành tiếng Đức tham khảo (2).
Tuy đã 67 tuổi nhưng theo qui định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức, bà Merkel không nằm trong nhóm được ưu tiên chích ngừa. Đức bắt đầu tổ chức chích ngừa từ cuối tháng 12 năm ngoái nhưng do không đủ vaccine, đến giờ, chỉ có những người đang làm các công việc thiết yếu như nhân viên y tế hoặc đã trên 80 mới được chích ngừa (3)…
Theo bà Merkel, quyết định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức – tổ chức chích ngừa cho những người dễ bị tổn thương vì tính chất công việc khiến họ không thể duy trì khoảng cách an toàn – là hoàn toàn đúng đắn. Dù là Thủ tướng nhưng Merkel vẫn “xếp hàng” vì giáo viên (mẫu giáo, tiểu học,…) cần được ưu tiên hơn những người như bà!
***
Dẫu đa số người Đức xem lựa chọn “xếp hàng” của bà Merkel là đương nhiên nhưng lựa chọn ấy lại làm nhiều người Việt ngậm ngùi vì rõ ràng “công bộc” Đức khác xa “công bộc” Việt Nam. Cùng phục vụ công chúng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức không dành cho “công bộc” Đức bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào, còn “công bộc” Đức thì không tìm cách giành, giữ tư thế “ăn trên, ngồi trước”…
Chính quyền Đức do bà Merkel lãnh đạo không ban hành bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hay dùng công quỹ thiết lập một hệ thống riêng nhằm bảo vệ từ uy tín tới sức khỏe của… Ban Chấp hành Trung ương Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) – đảng cầm quyền ở Đức – mà trước nay, bà Merkel vẫn là một trong các thủ lĩnh.
Cho dù đảm nhận trọng trách quản trị – điều hành nước Đức nhưng Merkel nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức nói chung luôn tôn trọng hiểu biết, khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ. “Công bộc” Đức giữ đúng… phận, không đưa ra bất kỳ… chỉ đạo nào cho những cơ quan thuần túy chuyên môn như Ủy ban đặc trách Tiêm chủng!
***
Tuần trước, Reuters công bố một video clip khiến nhiều người bật cười bởi được thấy bà Merkel cuống quít do nhận ra đã quên khẩu trang ở bục phát biểu. Sau khi quay về chỗ của mình và đã ngồi xuống, Thủ tướng Đức mới nhận ra điều đó, bà vội vàng đứng dậy, chạy đến bục phát biểu xin nhận lại khẩu trang và mang vào ngay lập tức (3).
Đức là một trong những quốc gia ráo riết thực thi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn và phòng ngừa COVID – 19 lây lan. Trước nay, Merkel là một trong những người luôn chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc thực thi các yêu cầu phòng – chống COVID 19 như phải mang khẩu trang ở những nơi công cộng nhằm bảo vệ cả bà lẫn cộng đồng.
Đức không phải là quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. CDU tuy là đảng cầm quyền nhưng không nuôi tham vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội để trở thành tổ chức chính trị duy nhất vĩnh viễn cầm quyền tại Đức, thành ra Đức không thực thi dân chủ XHCN như Việt Nam.
Cũng vì vậy bà Merkel – tuy được đa số dân Đức tin yêu – vẫn không dám “nói một đằng, làm một nẻo”. Hệ thống công quyền Đức buộc toàn dân phải mang khẩu trang khi hiện diện ở nơi công cộng thì Thủ tướng – thủ lĩnh đảng cầm quyền – cũng phải như thế. Nếu không thì khó mà yên thân với dân Đức.
Từ khi đợt dịch thứ ba bùng lên ở Đức hồi tháng 11 năm ngoái, để ngăn ngừa lây lan, các tiệm cắt tóc của Đức bị buộc phải tạm ngưng hoạt động. Thế rồi một số người Đức nhận ra và nêu thắc mắc: Tại sao tóc của Merkel vẫn ngắn và gọn? Phải chăng Thủ tướng Đức đã đến tiệm cắt tóc nào đó, vi phạm lệnh cấm của hệ thống công quyền Đức?
Đức không xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nên lực lượng an ninh Đức không săn tìm, hệ thống tư pháp Đức không truy tố, đưa ra xét xử – quyết định tống giam những người thắc mắc vì… chống chính quyền nhân dân. Hệ thống truyền thông của Đức không những không lên án những người nêu thắc mắc là… tự diễn biến, tự chuyển hóa, bị các thế lực thù địch, phản động tác động mà còn giới thiệu rộng rãi những thắc mắc ấy. Cũng vì vậy, Thư ký báo chí của Merkel phải soạn – phát hành một thông cáo báo chí nhấn mạnh: Merkel không vi phạm các khuyến cáo của Viện Robert Koch – cơ quan nghiên cứu và tư vấn cho hệ thống công quyền Đức về phòng, chống COVID 19 (5).
Chú thích
(1) https://www.tagesschau.de/inland/merkel-impfung-corona-101.html
(2) https://baotiengdan.com/2021/02/25/thu-tuong-merkel-toi-se-tiem-chung-khi-den-luot-minh/
(3) https://www.dw.com/en/covid-no-special-freedoms-for-the-vaccinated-in-germany/a-56454942
(4) https://www.youtube.com/watch?v=IEqKO0inTB8
(5) https://thegreatminute.com/merkel-told-who-cuts-her-hair-in-quarantine.html
Công bộc ở các nước dân chủ thực ra bị phê phán chê bai suốt ngày – và cả bà Merkel cũng vậy. Chỉ số được dân tín nhiệm không đồng nghĩa với từ “tin yêu”, mà theo tôi dùng từ dân vẫn tín nhiệm công việc của bà ta thì sát nghĩa hơn. Thực ra các chính khách các nước này họ có thuận lợi là nhận “thuốc đắng” (phê phán) thường xuyên từ các đảng đối lập. Cũng có những phê phán, chỉ trích quá đáng, nhưng nói chung dù quá đáng thì giới chính trị gia xứ dân chủ cũng đã tôi luyện cho bản thân không dễ nổi cáu để phát ngôn lung tung, cục cằn như 1 số chính trị gia các nước độc tài như Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Thậm chí ngay trong đảng họ cũng phê phán, nhắc nhở nhau như vụ phó tổng thống Mỹ nhấc Biden đeo khẩu trang khi Ông này quên. Còn ở ta ông Trọng có quên khẩu trang thì hỏi có ai dám nhắc?
Nước Đức, bị tàn phá nặng nề trong thế chiến II, đã trỗi dậy mạnh mẽ, thống nhất quốc gia không tổn hại một giọt máu nào, vươn lên thành nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Âu.
Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng cộng sản Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm chiến tranh, đã vươn lên thành con rồng của bán đảo Đông Dương.
Tác giả chỉ bì phấn với vôi.