Bản tin ngày 24-2-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VOV đưa tin: Chính quyền Biden gia tăng sức ép “tứ bề” với Trung Quốc trên Biển Đông. Các hành động cho thấy Mỹ đang gia tăng áp lực xung quanh tham vọng bá quyền của TQ: “Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chính quyền mới của Mỹ cũng giữ vững quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh gây tranh cãi mà Bắc Kinh vừa thông qua”.

Chỉ trong một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Mỹ đã “tiến hành ít nhất 3 hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có cả màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong một thập kỷ qua”. Mỹ còn tập hợp lại đồng minh để cùng gây sức ép lên TQ. 

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tàu sân bay Anh đến Biển Đông sẽ đối mặt thách thức gì từ Trung Quốc? Chuyên gia Meia Nouwens của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh lưu ý, các thiết bị lặn và tàu lặn không người lái của TQ sẽ làm gia tăng các thách thức khi tàu sân bay của Anh đến Biển Đông: “Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang phát triển các năng lực này. Đó sẽ là thách thức thêm nữa khi chúng ta đối phó với chiến thuật vùng xám”.

VTC đưa tin: Trung Quốc và Singapore bắt đầu tập trận hải quân chung. Bộ Quốc phòng TQ thông báo, nước này bắt đầu cuộc diễn tập với hải quân Singapore, gồm các nội dung tìm kiếm, cứu nạn chung và các bài tập liên lạc. Gao Xiucheng, người phát ngôn hải quân TQ, nói: “Cuộc tập trận này diễn ra trên cơ sở đồng thuận của hải quân hai nước trong nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác và xây dựng cộng đồng hàng hải chung trong tương lai”.

Chuyên gia Collin Koh, ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, lưu ý, cuộc tập trận giữa TQ và Singapore chỉ bao gồm các nội dung cơ bản, thường thấy trong các cuộc tập trận giữa Mỹ và các đối tác khác, nhưng vẫn là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang củng cố, tăng cường quan hệ về quốc phòng với các nước Đông Nam Á.

Mời đọc thêm: Hải cảnh Trung Quốc áp sát Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ thẳng thừng bênh Nhật Bản (NLĐ). – Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa tàu hải cảnh vào vùng biển Nhật Bản (TN). – Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc (VOA). – 2021 có thể là năm khó khăn với quân đội Trung Quốc (PT). 

Tin nhân quyền

TAND cấp cao TP Hà Nội thông báo, ngày 8/3 xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Ngày 8/3, tức 12 ngày nữa, TAND cấp cao TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với 6 người có đơn kháng cáo trong vụ án với cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, có 29 người dân Đồng Tâm đã bị tuyên án, trong đó có 5 người gửi đơn kháng cáo đề nghị giảm nhẹ hình phạt, gồm các ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến. Còn bà Bùi Thị Nối không đồng ý với toàn bộ bản án sơ thẩm nên làm đơn đề nghị HĐXX xem xét lại. Phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8/3 đến hết ngày 10/3/2021.

Người dân Đồng Tâm trong ngày tuyên án của phiên tòa sơ thẩm, ngày 14/9/2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

RFA dẫn lời luật sư: Tòa Hà Nội có thể giảm ít nhất 1 án tử hình trong vụ Đồng Tâm. LS Lê Văn Hòa nhận định: “Về nhận định thì cũng hơi khó thế nhưng tôi dự đoán rằng là cũng có thể rằng là cái mức án đối với hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức ấy…, vì đây là hai người con trai của ông Lê Đình Kình có thể tòa án người ta sẽ sẽ đưa một người xuống mức án chung thân, nhiều khả năng để xoa dịu cái tình hình. Đó là quan điểm cá nhân của tôi”

Đi bộ đội, rồi học làm cán bộ cho chế độ để rồi đánh mất cả tuổi trẻ, cuối cùng, người đàn ông được ‘giải oan’ sau 32 năm khiếu nại, VnExpress đưa tin. Đó là trường hợp ông Nguyễn Ngọc Lợi, là cựu quân nhân, từng vào chiến trường miền Nam, sau năm 1975 được điều động về tỉnh Vĩnh Phú, trở lại học văn hoá lớp 10. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Lợi được chuyển về học tại Phân hiệu ĐH Y khoa miền núi, tốt nghiệp năm 1988. 

Nhưng “do việc bàn giao hồ sơ của trường Đại học với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng, nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định pháp luật”. Từ năm 1989 đến 2019, suốt 30 năm, ông Lợi gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, đến cả Chính phủ và Viện KSND tối cao nhưng không được giải quyết. 

Ông Nguyễn Ngọc Lợi tại trụ sở Thanh Tra Chính phủ ngày 24/2/2021. Ảnh: Phương Sơn/VNE

Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Giải oan’ cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi sau 32 năm khiếu nại. Mãi đến tháng 10/2020, vụ việc của ông Lợi mới bắt đầu được Thanh tra Chính phủ, cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế giải quyết: “Kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc cho thấy các nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở giải quyết”. Nhưng có cách nào “giải quyết” được 32 năm cuộc đời đã mất, 32 năm không được làm đúng chuyên ngành đào tạo và, phải vác đơn từ cửa này sang cửa khác?

Báo Tiền Phong dẫn lời người trong cuộc vụ cán bộ đi B 32 năm ‘cõng’ đơn khiếu nại: ‘Tôi như được hồi sinh’. Ông Lợi kể: “Việc trường Đại học Y khoa Bắc Thái lúc đó giam giữ hồ sơ gốc của tôi không khác gì tuyên cho tôi một bản án, gạt tôi ra khỏi xã hội… Tôi đã phải làm rất nhiều công việc để kiếm sống và theo đuổi khiếu nại từ khi còn trai trẻ cho đến lúc tuổi đã xế chiều… Bây giờ tôi rất phấn khởi, cảm giác như hồi sinh”. Khi được hỏi, liệu có yếu tố trù dập trong vụ giấu hồ sơ này, đại diện TTCP chỉ trả lời chung chung. 

Diễn biến mới vụ khiếu nại kéo dài 32 năm: Xử lý trách nhiệm 2 bộ và 1 địa phương, theo báo Thanh Niên. TTCP chỉ ra,  Sở Y tế Vĩnh Phú đã làm thất lạc hồ sơ do Trường ĐH Y Dược bàn giao trong biên bản ngày 13/8/1991. Bộ Y tế cũng chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết vụ việc và kết luận thanh tra năm 1991 đối với các khiếu nại của ông Lợi. Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm tương tự. Còn trong giai đoạn 1992 – 2019, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược đã thiếu trách nhiệm với các kiến nghị của ông Lợi. 

RFA có bài: Việt Nam không xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. GS Nguyễn Đình Cống nói về tình hình đàn áp nhân quyền ở VN: “Nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên chống đối nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ vu cáo những người đã thực hiện tự do ngôn luận là vi phạm pháp luật, phạm tội chống phá nhà nước, đã bắt người ta chịu những án tù rất nặng. Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-16 với mục đích chính là để tuyên truyền lừa bịp, rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền, rất mong muốn đóng góp cho hoạt động vì nhân quyền”.

BBC đặt câu hỏi: Các nhà hoạt động Việt Nam bị nhóm hacker khét tiếng nhắm tới? Hôm nay, tổ chức nhân quyền Amnesty Tech cho biết, họ đã tìm thấy bằng chứng kỹ thuật trong các email lừa đảo được gửi đến hai nhà hoạt động nhân quyền của VN, một người sống ở Đức và một tổ chức phi chính phủ VN có trụ sở tại Philippines, cho thấy Ocean Lotus phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công từ năm 2018 đến tháng 11/2020. Ocean Lotus được cho là một nhóm tin tặc do chính quyền VN “bao nuôi”. 

Mời đọc thêm: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ 3 chiến sĩ bị sát hại ở Đồng Tâm (VNN). – Dự kiến ngày 8/3 xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Đồng Tâm (PLVN). – Lê Đình Công và Lê Đình Chức xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án Đồng Tâm (NLĐ). – 32 năm khiếu nại, phải đến Thủ tướng mới quyết được (PLTP). – Vụ khiếu kiện 32 năm của một cán bộ đi B: Yêu cầu xử lý trách nhiệm liên quan (TN). – Ông Nguyễn Ngọc Lợi được đề nghị đền bù thiệt hại theo từng giai đoạn (Thanh Tra).

 – Điều tra vụ người tố cáo đến xã làm việc nghi bị hành hung nhập viện (TT). – Mai con lớn (FB Nhân Quyền Đất Việt). – Mỹ chi hàng trăm triệu đô cho VN nhưng nhân quyền chỉ là phần nhỏ (BBC). – CSVN ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, dù đàn áp mạnh hơn (NV). – Việt Nam vẫn không theo luật quốc tế dù là thành viên LHQ (RFA). – Hồng Kông: Trưởng đặc khu ủng hộ sửa đổi luật bầu cử nhằm loại đối lập (RFI). 

Tin môi trường

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc lại giữ nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Tin từ báo Chiang Rai Times, cho biết, “mối quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á đang căng thẳng sau khi Bắc Kinh giữ nước tại thượng nguồn sông Mê Kông giữa mùa khô hạn”. Hành động của TQ gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia hạ nguồn sông Mekong, nhất là trong tình hình bắt đầu mùa hạn mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Đập thủy điện Cảnh Hồng của TQ trên thượng nguồn sông Mê Kông. Ảnh: AFP/TN

Bà Pianporn Deetes, GĐ chiến dịch tại Thái Lan của tổ chức International Rivers, chỉ trích, TQ xem dòng sông như một dòng nước do họ quyết định quyền sử dụng: “Nhưng đó không phải chỉ riêng của Trung Quốc, vì cần có sự điều hành với khả năng ghi nhận giá trị sinh thái và nhiều công dụng cho hàng triệu người dân địa phương”.

Tình hình ở Cao Bằng: Người dân “tố” Xí nghiệp luyện Feromangan gây ô nhiễm môi trường, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Một người dân TP Cao Bằng cho biết: “Dạo gần đây thấy Xí nghiệp luyện Feromangan bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngày nào cũng thấy 2 ống khói liên tục xả khí thải ra môi trường, khí thải màu vàng đục bay tứ tung, thậm chí có những lúc gió cuốn xuống làm khí thải bay vào mắt, mũi, ngửi mùi rất khó chịu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”

Ảnh chụp lúc 15h chiều 22/2/2021 cho thấy khí thải thải ra môi trường từ Xí nghiệp luyện Feromangan khiến cả một vùng trở nên khói bụi mù mịt. Ảnh: TN&MT

Báo Nông Nghiệp VN đặt câu hỏi: Đến bao giờ người dân xã Cát Thành mới có nước sạch? Bí thư Đảng ủy xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định nói về lời hứa của Công ty TNHH Cấp thoát nước miền Trung, rằng người dân xã này sẽ có nước sạch từ tháng 4/2021:

“Nghe thông tin nói trên, người dân 4 thôn Chánh Thiện, Hóa Lạc, Phú Trung và Chánh Hóa vui mừng vô kể, bởi từ xưa đến nay hàng ngàn hộ dân của 4 thôn nói trên rất khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng đến nay đã gần hết tháng 2/2021 mà chưa thấy Công ty TNHH Cấp thoát nước miền Trung triển khai thi công”.

RFI đưa tin: Hội Đồng Bảo An thảo luận về chủ đề Khí hậu và an ninh toàn cầu. Thông tín viên Carrie Nooten cho biết: “Biến đổi khí hậu khiến khoảng 16 triệu người phải sơ tán mỗi năm, và như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm khủng bố, các đường dây buôn người và tội phạm có tổ chức tuyển mộ thêm thành viên. Cho dù, châu Phi là nạn nhân hàng đầu của tình trạng này, nhưng các hậu quả về mặt này có thể thấy ở khắp nơi”.  

Mời đọc thêm: ĐBSCL đối diện hạn mặn khốc liệt, người dân chủ động nhiều biện pháp thích ứng (TN). – Tia cực tím đạt cực đại tại TPHCM (LĐ). – Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường(VTV). – Sương mù buổi sáng khiến không khí ở Bắc Bộ tiếp tục ô nhiễm (Tin Tức). – Bộ TN&MT triển khai Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó tình trạng khẩn cấp về BĐKH, ô nhiễm môi trường (TNMT). – Chỉ 14% sông trên thế giới chưa bị tàn phá (KH&PT). – Cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu (NN).

Tình hình Myanmar

RFI có bài: Miến Điện trở lại chế độ độc tài quân sự: Ác mộng đối với người Rohingya. Một tuần sau vụ đảo chính, ông Not Aung, một trong số hơn 100.000 người Rohingya tị nạn tại Malaysia cho biết, có tới 600.000 người Rongya còn ở lại Myanmar, nếu xảy ra đàn áp, họ không có hy vọng chạy ra bên ngoài, bởi biên giới Myanmar – Bangladesh đã bị kiểm soát chặt.

Nỗi lo khi kẻ bạo quyền nắm quyền toàn trị: “Ám ảnh đối với người Rohingya là, một khi nắm trọn vẹn quyền lực trong tay, quân đội Miến Điện sẽ thẳng tay đàn áp cộng đồng thiểu số này. Những người sống sót sau đợt đàn áp quân sự năm 2017 đều không thể quên việc rất nhiều làng mạc của người Rohingya đã bị tàn phá. Quân đội Miến Điện bị tố cáo tiến hành các vụ hành quyết, cưỡng hiếp, cướp bóc trên quy mô lớn”

Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc và Myanmar ấp úng về 5 chuyến bay bí ẩn mỗi đêm. Trang News.com.au ở Úc cho biết, hơn một tuần qua, mỗi đêm lại có những chuyến bay không được đăng ký chở theo người và hàng hóa bí ẩn đã đi qua lại giữa TQ và Myanmar. Chuyên gia Susan Hutchinson từ ĐH Quốc gia Úc cho rằng, TQ không chỉ biết về cuộc đảo chính, mà còn đưa binh sĩ tới hỗ trợ quân đội Myanmar.

GĐ điều hành Mạng lưới nhân quyền Myanmar Kyaw Win cho biết, các chuyến bay từ Côn Minh (TQ) tới Yangon (Myanmar) vẫn diễn ra hằng ngày. Ảnh chụp màn hình của báo Tuổi Trẻ.

Đại diện chính quyền quân sự Myanmar tới Thái Lan, theo Zing. Hôm nay, ông Wunna Maung Lwin, tân ngoại trưởng của chính quyền quân phiệt Myanmar đã đến thủ đô Bangkok của Thái Lan và có cuộc gặp không chính thức với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-​ocha. “Hiện chưa rõ nội dung chi tiết, cũng như kết quả cuộc gặp giữa ngoại trưởng Myanmar với các quan chức Thái Lan và Indonesia”.

Mời đọc thêm: Myanmar: Hàng triệu người dân xuống đường dù bị đe dọa ‘có thêm người chết’ (TT). – Phương Tây áp trừng phạt, Tổng Tư lệnh Myanmar lên tiếng (PLTP). – Đại diện quân đội Myanmar đến Thái Lan họp giải quyết khủng hoảng (VNN). – Người Myanmar chật vật rút tiền khỏi ngân hàng (VNE). – ASEAN tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện (RFI). – Indonesia “né” Myanmar vì tình hình căng thẳng (NLĐ). 

***

Thêm một số tin: Việc sử dụng “đất vàng” tại 3 tập đoàn, tổng công ty: Chuyển Bộ Công an điều tra (SKĐS). – Khách sạn ở Đà Nẵng ‘vỡ trận’: Thi nhau bán tháo, cắt lỗ hàng chục tỷ đồng (VTC). – Sau bữa ăn trưa ở trường, hàng chục học sinh tiểu học nhập viện (NLĐ). – Cộng đồng Việt ở Houston vẫn còn chật vật sau bão tuyết (NV). 

Bình Luận từ Facebook