Tranh chấp giữa Facebook với chính phủ Australia

Dương Quốc Chính

21-2-2021

Mấy hôm trước Facebook unfriend người dân và chính phủ Úc do phía Úc muốn Facebook phải trả tiền cho các công ty truyền thông Úc vì đã chia sẻ các thông tin của truyền thông trên Facebook. Để đáp trả, Facebook chặn luôn các thông tin của truyền thông Úc trên Facebook. Vụ này khiến nhiều người chửi Facebook do ghét Big Tech sẵn. Nhưng xem xét kỹ thì mình thấy chính phủ Úc mới sai hoặc ít ra là độc đoán khi áp đặt Facebook.

Việc chia sẻ các đường link báo chí trên mạng xã hội đa số là do người dùng. Facebook chỉ là nền tảng để hiển thị các đường link cũng như thông tin được copy từ báo chí bởi người dùng. Thực ra Facebook chỉ là cái chợ bày bán các món hàng do người dùng đem tới chứ họ không trực tiếp bán hàng. Họ chỉ thu được tiền quảng cáo.

Như vậy, Facebook rất khó chấp nhận việc phải trả tiền cho giới truyền thông bởi những việc mà họ không làm. Ngay cả việc người dùng share tin giả mà họ cũng chỉ dán nhãn một cách hạn chế được (nhãn chưa chắc đúng 100%) như hồi bầu cử Tổng thống Mỹ. Nói chung là Facebook không thể kiểm soát nguồn tin mà người dùng chia sẻ trên mạng xã hội này.

Quay sang chuyện tương tự ở Việt Nam. Giới truyền thông cũng như các nhà báo hiện đang phải ăn theo Facebook. Ví dụ, để một bài báo được nhiều người biết tới thì nhà báo viết bài và page của tờ báo phải đăng link lên Facebook. Thậm chí họ phải nhờ/thuê các KOLs chia sẻ link đó. Khi có nhiều lượt click link thì tờ báo mới nhận được tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp đặt link ở tờ báo đó.

Đối với giới truyền thông, nguy hiểm nhất là người dùng không đăng link mà chỉ chụp ảnh bài báo hoặc/và copy text rồi post Facebook. Điều đó khiến không tăng page view của bài báo và coi như họ bị mất trắng thông tin! Tất nhiên với một tin hot thì ngay việc chụp ảnh bài báo cũng gây sự tò mò khiến một số người sẽ tìm tới đường link để xem bản gốc, nhưng hạn chế hơn.

Như vậy, giới truyền thông và Facebook hoàn toàn có thể có sự thoả thuận để sống chung, ví dụ như Facebook bắt buộc người dùng phải đăng kèm link gốc của bài báo khi chia sẻ tin tức như một sự chứng thực nguồn tin. Thế là hai bên cùng có lợi, có thể cộng sinh.

Mình nghĩ là báo bên Úc cơ bản cũng giống Việt Nam. Có thể khác biệt chủ yếu là có một số tờ không free (bản chất là sống nhờ quảng cáo) mà bán tin tức, khi đó họ sẽ bị thất thu nếu thông tin đó bị người dùng chia sẻ công khai trên Facebook. Nhưng việc đó lẽ ra phải phạt người dùng và Facebook hợp tác bằng cách tự động ẩn đi và cảnh báo hoặc xoá tin vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng (bản quyền báo chí) giống Youtube đang làm.

Việc Facebook trả đũa phía Úc cũng là dễ hiểu, nếu họ chịu thua ngay thì tất cả các nước khác cũng chơi bài giống Úc thì họ sẽ thiệt hại rất nặng. Việc các chính phủ đòi Facebook chia sẻ tiền quảng cáo thông qua thuế thì mình rất ủng hộ.

Cần nhắc lại là mình không có động cơ bảo vệ Facebook và cũng chẳng ưa sự độc đoán dựa trên sự dốt nát của cái gọi là AI của Facebook. Ví dụ gần đây nhất là Facebook gắn nhãn bán hàng cho một stt về Trung Quốc của mình mà không cho mình khiếu nại, rất nhảm, chắc để tìm cách đòi tiền mình. Nhưng việc nào ra việc ấy. Đánh giá phải suy xét và công tâm, cái gì cũng có tính hai mặt.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. fB kinh doanh chứ không ban phát, sẵn sàng nghe lệnh csvn để có tiền, nhổ cỏ vài ngàn cái trang bất lợi cho chế độ có đáng là bao. Một ngày đẹp trời nào đó nó cũng chặn luôn các thông tin của truyền thông Việt trên Facebook nếu bị vơi hầu bao.

Comments are closed.