Tác giả: Helmut P. Müller
Dịch giả: Phan Ba
03-2-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 — Phần 10 — Phần 11 và Phần 12
“Allright, Sir – được rồi!” Đại úy Hải quân Blaisdell thuộc “Naval Support Activity” [“Hoạt động Hỗ trợ Hải quân”] ở Đà Nẵng đặt ống nghe của chiếc điện thoại bàn xuống giá và hài lòng gật đầu. Trên nguyên tắc, ông không tiến hành những cuộc trao đổi như vậy qua mạng điện thoại địa phương mà dùng chiếc điện thoại thứ hai. Được nối kết vào máy đó chỉ là các cơ sở quân đội.
Một thiết bị sẽ tự động loại những kẻ nghe lén ra ngoài. Nó làm việc tốt cho tới mức Blaisdell cần đến ba phút để đánh vần hai từ “West-failisch Nacktrickten” [“Tin tức Westfalen” (viết sai chính tả)]. Người ở đầu bên kia, nhờ thiết bị nhiễu ấy mà chỉ còn hiểu được “Westfailisch Nackt” [“Sự trần truồng Westfalen”], việc dẫn tới một sự hiểu lầm rằng đó là một tạp chí…
“Anh có biết không, nếu như anh không đi thăm ‘Yankee Station’ – thì anh muốn viết gì về Việt Nam kia chứ?” Blaisdell tin chắc rằng “cuộc chiến tranh trong bụi rậm ở phía Nam” không thể mang lại một quyết định – đối với ông, mang tính quyết định chính là hoạt động của “Task Force 77”, tức Hạm đội 7 với 5 chiếc hàng không mẫu hạm, 14 khu trục hạm, 400 máy bay, 25 tàu tiếp tế và một số tàu ngầm được giữ bí mật, “cây búa của Mỹ”, theo Blaisdell. Pháo đài nổi này ở Vịnh Bắc bộ luôn di chuyển – một điểm tưởng tượng trên tấm bản đồ hàng hải.
“Chúng tôi sẽ mang anh ra đó”, Blaisdel nói. “Tôi vừa sắp xếp xong qua điện thoại. Sáng sớm mai anh sẽ bay đi. Một giờ rưỡi sau đó anh sẽ đáp xuống chiếc hàng không mẫu hạm ‘Constellation’. Tôi tin chắc rằng anh sẽ có cùng một ý kiến với tôi: ‘Yankee Station’ chính là chiếc chìa khóa của cuộc chiến. Từ đó, chúng tôi có thể buộc Bắc Việt Nam đầu hàng. Nhất định là có thể…”
Những câu nói như thế không phải là mới. Những “con chim diều hâu” đã có cùng một ý kiến đó từ lâu rồi. Vì từ “Yankee Station”, người ta đã hoạt động chống Bắc Việt Nam từ hơn hai năm nay: hằng tháng có hơn 5000 phi vụ mà qua đó có tròn 10.000 tấn bom được ném xuống. Nhưng mặc dù hiện nay bom rơi xuống Bắc Việt Nam nhiều hơn là xuống nước Đức trong Đệ nhị Thế chiến – vũ khí tấn công có cường lực lớn nhất của Mỹ đã không thể ép buộc được đất nước ở phía bắc vĩ tuyến 17 đầu hàng. Còn ngược lại: công cuộc tiếp tế vũ khí và con người cho lực lượng Việt Cộng đang chiến đấu ở miền Nam vẫn tiếp tục lăn đi – mặc cho nhà máy phát điện, cầu đường và hãng xưởng bị phá hủy.
“Anh vẫn còn tin vào một chiến thắng từ trên không à, Commander?” Blaisdell suy nghĩ trong giây phút trước khi trả lời. “Câu hỏi này anh nên hỏi Tổng thống là tốt nhất”, anh trả lời. “Ở đây, chúng tôi chỉ thi hành mệnh lệnh. Và khi người ta chỉ giao cho chúng tôi 300 trong số 2000 mục tiêu, thì chúng tôi sẽ chỉ chiến đấu chống 300 mục tiêu ấy. Ngay cả khi chúng chỉ là những hạt nho khô trong một cái bánh…”
Vào ngày ấy, “Yankee Station” nằm ở 19 vĩ độ Bắc và 108 kinh độ Đông. Ba trong số năm chiếc hàng không mẫu hạm đang đi hết tốc độ trên đường chiến đấu: chiếc “Forrestal”, chiếc “Constellation” và chiếc “Kitty Hawk” – trong một vòng tròn trên Vịnh Bắc bộ. Nhìn từ trên không, hạm đội nổi tiếng của Mỹ trông giống như bức ảnh bìa của một hộp đồ chơi ráp tàu thủy. Ai có thể tin được rằng chỉ riêng việc sơn một chiếc hàng không mẫu hạm thôi là đã cần đến 1,3 triệu lít sơn – nhiều như cho 30.000 ngôi nhà gia đình nhỏ!
Không chỉ những chiếc hàng không mẫu hạm, những con tàu khác cũng tụ tập lại – những “con chó săn” (khu trục hạm), những “con bò sữa” (tàu chở dầu, đạn dược và tiếp tế) và tất nhiên là con tàu được ưa thích nhất hạm đội – “con gấu”. Nó thản nhiên đi lại giữa những chiến binh khổng lồ kia – không có đại bác, nhưng được gắn đầy ăng-ten, ra-đa, mi-crô dưới nước và sonar (máy định vị). Nó kéo theo sau nhiều chiếc lưới, nhưng chúng lúc nào cũng trốn – “con gấu” không đánh cá, nó do thám. Vì “con gấu” – được ngụy trang như là một chiếc tàu đánh cá vô hại – không phải là một chiếc thuyền, mà là một ngôi nhà kỹ thuật nổi, đầy điện tử và máy tính.
Cái làm cho nó trở thành nhãn cầu của hạm đội là lá cờ ở đuôi tàu – lá cờ đỏ với huy hiệu của Liên bang Xô viết…
“Cài dây lại!” viên sĩ quan chief petty officer [thượng sĩ] ra lệnh từ buồng lái. Chiếc Grumman Trader hai động cơ đã hạ càng đáp. “Hạ cánh trong vài phút nữa!”
Cài dây ở bên hải quân có nghĩa là: kéo dây an toàn đôi của ghế ngồi cho chặt lại – và thêm vào đó là hai dây an toàn ở vai, kẹp chặt toàn thể thân trên lại. Xin ép đầu vào lưng ghế cao. Và đừng quên: cái van khí của chiếc áo phao phải lòi sẵn ra ngoài ở bên phải. Bị kẹp chặt trong bộ quân phục, áo phao và dây an toàn, ngườt ta đánh mất mọi cảm xúc của con người. Và mọi tầm nhìn: người ta ngồi quay lưng lại với chiều bay. Điều này được cho là sẽ làm giảm cú dập mạnh. Một con cá mòi đứng thẳng có lẽ còn cảm thấy tốt hơn.
“Còn 20 giây”, viên phi công nói và tăng tốc độ. Vì trên hàng không mẫu hạm thì người ta vẫn còn phải có tốc độ khi đáp xuống – cho trường hợp cái móc ở dưới thân chiếc máy bay trượt mất sợi dây. Bốn sợi dây căng qua boong đáp. Ai móc vào được sợi dây thứ ba thì đã thực hiện được một lần hạ cánh mẫu mực – không quá ngắn, không quá dài.
Những giây cuối cùng dài vô tận – thời gian để hy vọng, thời gian để sợ run. Với mũi hơi chếch lên trời, chiếc máy bay lao với tốc độ gần 200 km/h xuống cái boong tàu dài chưa tới 50 mét. Nếu cái móc chợp được thì chiếc máy bay đứng lại sau bảy mét! Được phanh lại từ 200 km/h xuống 0! Nó là một cú đập mà người ta không có được ở bất cứ hội chợ nào trên thế giới: ầm rầm rắc! Ầm: Bị ép vào ghế ngồi, cho tới mức người ta tưởng chừng như mắt sẽ lòi ra khỏi đầu. Rầm: hai cái va li không được chằng dây lao đi như tên lửa vào bức tường đằng trước và mất mọi hình dáng. Rắc: Cái đầu, gặt mạnh xuống lúc dừng hẳn lại, giống như một con búp bê đã hỏng bộ cơ học…
“Hê! – Chào mừng lên tàu!” Ở đâu đó cạnh cửa trước có một viên thiếu úy thân thiện nhe răng ra cười. Anh ta đưa tay ra vì biết rằng người ta cần đến nó. Trong khi ấy, anh ta vờ như như những giọt mồ hôi ấy chỉ vì chiếc áo phao quá chật.
Lieutenant junior [thiếu úy] James L. Roberts là một trong các “strike pilot”: mỗi ngày một phi vụ ném bom xuống Bắc Việt Nam. Robert 25 tuổi, có 491 giờ bay máy bay phản lực và ở trên chiếc “Constellation” từ 12 ngày nay. Cho tới nay, anh ấy đã bay trên Bắc Việt Nam 11 lần. Lần cuối cùng trước đây 2 giờ…
“Mục tiêu là sân bay Kép”, Roberts nói, “khoảng 50 km phía bắc Hà Nội. Khi chúng tôi bay đến thì họ đang sửa chữa đường băng mà chúng tôi vừa mới đánh bom mgày hôm qua. Cứ như thế đã bốn ngày nay rồi. Đó là một trò chơi kiên nhẫn: Chúng tôi ném bom làm hỏng đường băng của họ – họ lại sửa chữa nó. Hai bên luân phiên nhau…”
Đối với Roberts, “strike” đã là công việc thường ngày. Đứng ở đằng sau anh ấy là cơ chế tự động khổng lồ của cỗ máy: những người không thám, cung cấp những hình ảnh mới nhất, được “bắn” trước đó 40 phút trên vùng mục tiêu từ những máy chụp được điều khiển bằng máy tính, trắng đen, màu cũng như stereo – điện tử, điều khiển cuộc tấn công từ giây phút cất cánh cho tới lần ném bom cuối cùng – máy tính, xác định và chuyển tiếp trong tíc tắc mọi giá trị muốn có.
“Chúng tôi chỉ còn phải bay cùng”, Roberts nói, “để ít nhất là có mặt trong lúc đó…”
“Constellation”là chiếc hàng không mẫu hạm lớn thứ sáu của Mỹ. Con tàu có cũng những quy định như trên những sân bay nổi khác của Hải quân Mỹ. Việc đào tạo mỗi một phi công tốn mất hàng trăm ngàn, mỗi một chiếc máy bay ném bom hàng triệu và mỗi một chiếc hàng không mẫu hạm hàng tỉ…
“Chúng tôi chỉ là một viên gạch trong kết cấu của Hải quân”, viên chỉ huy của hải đội trong Vịnh Bắc bộ, Chuẩn Đô đốc Roger W. Mehle nói, và đưa ra một cái nhìn tổng quan về chiếc soái hạm của Hạm đội 7:
Con tàu 84.000 tấn “Constellation” dài 357 mét. Nó rộng cho tới mức có đủ chỗ cho hai chiếc tàu chở khách hạng sang “United States” và “America” nằm cạnh nhau trên boong. 3007 gian phòng rộng lớn khác nhau được phân bổ trên 10 tầng lầu. 5000 thủy thủ sống và làm việc ở trong đó. Để cung cấp cho họ và cho con tàu, bốn cỗ máy lọc nước phải sản xuất mỗi ngày 1,2 triệu lít nước, trong khi máy phát điện sản xuất ba triệu Watt điện. Trong các gian làm lạnh của con tàu có 2,1 triệu phần ăn khô, 487.000 cân rau quả và trái cây, 394000 cân thịt và 51.000 cân các sản phẩm sửa. Thang máy, thang cuốn, trung tâm mua sắm, bệnh viện, nơi chơi thể thao cũng như studio phát thanh và truyền hình với chương trình hàng tuần 50 giờ tạo thành một thành phố từ con tàu mà trong đó mỗi một xăng-ti-mét vuông đều được sử dụng đúng theo kế hoạch.
“Về mặt quân sự của con tàu thì có rất ít để nói”, viên Đô đốc kết thúc bài nói chuyện của ông ấy, “chúng tôi có tròn 80 chiếc máy bay ném bom, máy bay tiếp liệu, trinh sát và trực thăng trên tàu trong tình trạng trực chiến luân phiên tám giờ (cùng với hai chiếc hàng không mẫu hạm khác) và trong thời gian đó tiến hành hai đến ba vụ tấn công Bắc Việt Nam. Những chiếc máy bay ném bom thông thường mang mười quả bom 125 và 250 cân cũng như hỏa tiển để chống máy bay tiêm kích của địch. Nhờ thiết bị điện tử của chúng tôi mà chúng tôi có khả năng cất cánh trong mọi thời tiết và bất cứ vào thời điểm nào. Bốn máy đẩy hoạt động bằng hơi nước bắn bốn chiếc máy bay ném bom lên không trung trong vòng một phút.”
Tất cả những điều khác được giữ bí mật. Ví dụ như Đô đốc Mehle chỉ cần ấn một cái nút là trong vòng 20 giây sẽ được kết nối với vị tổng chỉ huy Hải Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Hạm đội Ulysses S. Gran Sharp – chỉ huy 779.000 người lính, 6100 máy bay và 562 con tàu cũng như một lực lượng hạt nhân không biết là bao nhiêu. Và khi Sharp trong sở chỉ huy của ông ấy ấn một cái nút thì ông ấy có thể nhìn thấy trực tiếp bờ biển Bắc Việt Nam: Một tấm hình radar của Hạm đội 7 dưới quyền của ông do một vệ tinh Samos truyền đi hiện ra trong giây phút trên một màn chiếu khổng lồ!
Cỗ máy Hoa Kỳ phải hoạt động như vậy – chỉ để giữ cho du kích quân và lính trong rừng rậm của Việt Nam trong thế ẩn náu. Trong khi đó thì không còn nói về chiến thắng quân sự nữa: Những năm ở Việt Nam đã trở nên quá dài…
“Hạm đội 7 chưa từng bao giờ nhận nhiệm vụ chiến thắng Bắc Việt Nam từ trên không”, Đô đốc Mehle giải thích. “Nếu như người ta giao cho chúng tôi nhiệm vụ ấy – thì chúng tôi sẽ làm tròn nó. Tôi nghĩ là chúng tôi có phi công, máy bay ném bom và cũng có cả vũ khí cho việc đó. Có thể là thế giới cho rằng chúng tôi tiến hành một cuộc chiến tranh không giới hạn từ trên không. Điều này không đúng. Anh hãy hỏi các phi công: Sự cản trở lớn nhất của họ là cuộc không chiến bị giới hạn. Họ phải đánh liều tất cả để tiếp cận đến con số ít các mục tiêu ấy. Họ với chiếc máy bay của họ phải bay thẳng đến đấy – vì vậy mà có tổn thất cao. Vì lực lượng phòng không chen chúc nhau ở quanh các mục tiêu ấy. Hà Nội và Hải Phòng được trang bị pháo phòng không nhiều hơn là Berlin trong Đệ nhị Thế chiến…”
Nhiệm vụ mà các phi công của Hạm đội 7 được giao cho bị hạn chế rất nhiều: tạo áp lực lên Bắc Việt Nam cho tới mức sản xuất phục vụ chiến tranh bị ngưng trệ và dòng tiếp tế cho Việt Cộng đang chiến đấu ở miền Nam bị phá rối. “Đó là một cuộc chiến trong vòng tròn”, như một phi công nói, “chúng tôi ném bom – và rồi vào ngày hôm sau đó lại bắt đầu ở nơi chúng tôi chấm dứt vào ngày hôm trước. Vì phần lớn các hư hại được sửa chữa qua đêm. Thành công duy nhất có để kể ra của chúng tôi là chúng tôi trói buộc hơn 300.000 người đàn ông trong độ tuổi quân dịch ở lại miền Bắc, để tu bổ và sửa chữa những gì bom của chúng tôi phá hỏng…”
Trên hai ngàn năm trăm mục tiêu có tầm quan trọng về quân sự đã được các phi công không thám – mà đối với họ, Bắc Việt Nam là một đất nước từ 60.000 tấm ảnh trắng đen – xác định. Tròn 1900 bị ném bom từ khi cuộc chiến tranh ném bom bắt đầu – nhưng không thường xuyên. Trong bảy tháng đầu tiên của năm 1967, máy bay ném bom của Không quân và của Hạm đội 7 trung bình tiến hành 13.000 vụ không kích mỗi tháng ở Bắc Việt Nam. Theo thông tin của Mỹ, trong lúc đó họ phá hủy 4100 xe tải, 7400 xe chở nước, 57 cây cầu cũng như 50 tuyến đường sắt và một số đường bộ mà con số không được nêu ra.
Dù vậy, cả việc tiếp tế lẫn Bắc Việt Nam đều không tê liệt: Hằng ngày – theo ước lượng của tình báo – người cộng sản mang an toàn 100 tấn hàng hóa tiếp tế vào miền Nam. Đồng thời, Bắc Việt Nam bị phong tỏa từ biển và từ trên không nhận hằng ngày 5800 tấn hàng hóa tiếp tế và thiết yếu qua ba cảng lớn là Cẩm Phả, Hòn Gai và Hải Phòng.
Chỉ riêng ở cảng Hải Phòng đã có 4700 tấn hàng hóa đi qua đó mỗi ngày. Nhưng không được phép tấn công Hải Phòng – thả neo ở đó chủ yếu là tàu của Xô Viết và Trung Quốc. Thế là nước Mỹ tự giới hạn mình ở 427 mục tiêu đó, những mục tiêu mà trong danh sách chính thức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân được xem như là quan trọng. 68 trong số đó được dẫn ra là “not recommended” [“không khuyến khích”], 57 mục tiêu khác không được cho phép. Vì vậy mà bom chỉ rơi xuống 302 mục tiêu còn lại.
Họ có nhiệm vụ phá rối dòng tiếp tế. Nhưng dòng tiếp tế này cứ lăn đi tự do quan các cảng của Bắc Việt Nam. Vì không có cảng nào nằm trong 302 mục tiêu đã được cho phép đó…
***
Vì vậy mà cuộc chiến cứ xoay vòng. Nó bị hạn chế vì người ta phải lo ngại sự lan rộng. Ngày nay thì chỉ là vì không ai muốn mất mặt.
Nhưng những người phải chết trong địa ngục xanh ở Việt Nam thì đã trở thành những nạn nhân vô nghĩa: Cuộc chiến không bao giờ có thể quyết định những việc dành riêng cho lý trí quyết định – tìm con đường đi đến hòa bình. Nhưng con đường này chỉ có thề bắt đầu khi vũ khí im lặng.
Vì vậy mà chỉ có một niềm hy vọng duy nhất cho đất nước Việt Nam – và không phải là mới ngày hôm nay: rằng các địch thủ nhận biết được tình trạng bế tắc và hành động. Thương lượng.
Vì mỗi một người lính còn phải hy sinh là một cái chết quá nhiều.