Bản tin ngày 1-2-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài dẫn lời ông Gregory Poling, GĐ Chương trình AMTI, thuộc Trung tâm CSIS, Mỹ: Chuyện gia cảnh báo nguy cơ hải cảnh Trung Quốc tận dụng luật mới lộng hành ở Biển Đông. Ông Poling cảnh báo: “Luật này không chỉ không thay đổi tình trạng đó mà còn trở thành công cụ mới trong bộ công cụ. Và luật mới sẽ tạo thêm cớ mà Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ dùng trong thời gian tới để đâm chìm tàu nước ngoài hoặc ít nhất gây ra nguy cơ đụng độ với mưu đồ ngăn chặn các hoạt động dầu khí”.

Chiến lược của Chính quyền Biden nhằm kiềm chế tham vọng bá quyền của TQ: Mỹ muốn lập ‘dàn hợp xướng’ ở Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, thông báo, Tổng thống Joe Biden sẽ chung tay với các đồng minh cùng chí hướng để hình thành một “dàn hợp xướng” gồm nhiều tiếng nói có thể đẩy lùi TQ trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Trong 10 ngày qua, Tổng thống Biden “cùng các quan chức an ninh hàng đầu của ông đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và đảo Đài Loan, đồng thời bắn tín hiệu sẽ bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp”.

RFI đặt câu hỏi: Trung Quốc lại thăm dò phản ứng Mỹ tại eo biển Đài Loan?  Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, tổng cộng có 7 máy bay của TQ, gồm 2 máy bay chiến đấu J-10, 4 chiếc J-11 và một máy bay trinh sát Y-8 đã đi vào vùng nhận dạng phòng không gần đảo Pratas hôm qua 31/1. Cùng thời điểm, một máy bay trinh sát nhận dạng từ tàu sân bay của Mỹ cũng đi vào góc tây nam của quần đảo.  

Cuộc đua quân sự ở Biển Đông tiếp tục căng thẳng: Cuộc đua tác chiến điện tử ở bầu trời bắc Biển Đông, theo báo Thanh Niên. TS Satoru Nagao từ Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ, bình luận về hiện tượng máy bay trinh sát Mỹ và TQ thường “đụng độ” nhau ở vùng trời Đài Loan:

“Đối với Trung Quốc, việc sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự thì một trong các yếu tố tiên quyết là phải nắm rõ thông tin tại khu vực mục tiêu. Cách thức này cũng giúp Bắc Kinh thu thập thông tin các lực lượng của Mỹ hoạt động ở khu vực này. Số lượng thông tin liên lạc và tần suất hoạt động của máy bay tác chiến điện tử ngày càng tăng cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng có kế hoạch cho hoạt động lớn”.

Mời đọc thêm: Mỹ trong mục tiêu ngăn cản Trung Quốc thống trị Biển Đông (TN). – Chuyên gia Mỹ kêu gọi trừng phạt Trung Quốc vì biển Đông (NLĐ). – Mỹ có chấp nhận rủi ro khi nhảy vào “điểm nóng” Biển Đông? (GT). – Chính quyền Biden và liên minh chống Trung Quốc (DĐDN). – Làm cách nào để quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ thời TT Biden vững như bàn thạch? (RFI). – Báo Trung Quốc đe dọa: không thể trì hoãn giải quyết vấn đề Đài Loan nữa! (VietTimes).  

Tin nhân quyền

BBC có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13. Sự kiện một người bảo thủ như Tổng Trọng tiếp tục nắm quyền báo hiệu xấu cho phong trào dân chủ ở VN. Ông Thayer nhận định:

“Họ tìm cách bảo tồn chế độ độc đảng và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ hạn chế các lĩnh vực sẵn sàng hợp tác với chính quyền Biden nếu chính quyền này nhắc lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không có lợi cho những người bất đồng chính kiến trực tuyến cũng như các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác”.

RFA có bài tổng hợp nhận định của 2 tổ chức nhân quyền FIDH và VCHR: Đại hội Đảng Cộng sản VN củng cố luật đàn áp và ủng hộ lãnh đạo vi phạm nhân quyền. Thông cáo của hai tổ chức này cho rằng, Đại hội đảng 13 “củng cố chế độ toàn trị và bước vào 5 năm mới đàn áp cũng như vi phạm nhân quyền”. Ông Adilur Rahman Khan, Tổng thư ký FIDH (Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế), nói rằng, cộng đồng quốc tế khen VN trong phản ứng trước dịch Covid-19, nhưng thất bại trong việc lên án nước này về tình trạng nhân quyền.

Ông Khan cho rằng, cộng đồng quốc tế “hoàn toàn thất bại trong lên án Hà Nội về tình trạng cấm đoán hà khắc nhất đối với giới đối lập ôn hòa trong những năm gần đây. Sự im tiếng của cộng đồng quốc tế đối với biện pháp đàn áp các tiếng nói đối lập ôn hòa đã khích lệ Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng thưởng cho những lãnh đạo toàn trị”

Mời đọc thêm: Các tổ chức đấu tranh cho VN và hướng hoạt động thời chính quyền Joe Biden (RFA). – CSVN tiếp tục ‘đu dây’ giữa Mỹ, Trung Quốc và siết nhân quyền (NV). – Nga huy động đông đảo cảnh sát, ngăn chặn biểu tình ủng hộ Navalny (RFI). 

Tin môi trường

Diễn biến xâm nhập mặn ở Kiên Giang: đắp đập chống xâm nhập mặn vì TQ ngừng xả thủy điện, RFA đưa tin. Vụ TQ ngưng xả đập thủy điện Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mekong, tỉnh Kiên Giang phải ứng phó bằng cách đắp, gia cố 340 đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt,  phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 33 tỉ đồng. “Tính đến đầu tháng 2/2021, tỉnh Kiên Giang cho biết đã đắp hơn 100 đập ở các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng như Giang Thành, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Gò Quao”. Nếu nguồn nước ngọt tiếp tục khan hiếm thì việc đắp đập chỉ là giải pháp tình thế.

Báo Nikkei Asia của Nhật đưa tin: Greta Thunberg tham gia phụ trách châu Á chống lại nhà máy điện than Việt Nam. Cô Thunberg và những người ủng hộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu chính quyền và những tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, VN tuân theo những gì họ ký kết vào Hiệp định Khí hậu Paris 2016, chấm dứt việc xây dựng nhà máy điện than Vũng Áng 2.

Thunberg phát biểu trong một video trên Twitter: “Xin chào, tôi tên là Greta Thunberg, tôi là một nhà hoạt động môi trường và khí hậu đến từ Thụy Điển. Và tôi muốn gửi sự ủng hộ hết mình đến chiến dịch Nói Không Với Than Vì Tương Lai Chúng Ta, với mục đích ngừng dòng hỗ trợ tài chính cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2… Bạn thật dũng cảm và hãy tiếp tục. Bạn có sự ủng hộ hết mình của tôi và chúng tôi từ đây”.

Cô Thunberg nói như vậy trong một chương trình đối thoại trực tuyến của chiến dịch “Nói Không Với Than Vì Tương Lai Chúng Ta”, diễn ra vào ngày 5/1/2021 giữa các bạn trẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và VN. Cô Thunberg thực hiện phần phát biểu nói trên bằng tiếng Anh, bắt đầu từ phút 1:38 đến hết video:

Quần thể cá mập, cá đuối giảm 70% trong nửa thế kỷ, theo VnExpress. Nhà sinh vật học Nicholas Dulvy cho biết, quần thể cá mập và cá đuối đã giảm tới 70% kể từ năm 1970, với tốc độ suy giảm này, nhiều loài có thể tuyệt chủng chỉ sau một đến 2 thập niên nữa, điển hình là cá mập vây trắng đại dương: “Khi thu thập số liệu về Carcharhinus longimanus, một loài cá mập phổ biến vào trước năm 1970, chúng tôi im lặng đến choáng váng”.

Mời đọc thêm: Ô nhiễm không khí tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam (RFA). – Nguy cơ mù vì ô nhiễm không khí (TN). – Greta Thunberg ủng hộ chiến dịch phản đối xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 của Việt Nam (FB Hành Tinh Titanic). – Những chất thải khiến ôtô điện không sạch như quảng cáo (VNE). – Chỉ trong 50 năm, 70% số lượng cá mập trên toàn thế giới đã biến mất (VietTimes). – Video khối bọt biển khổng lồ xâm chiếm bờ biển Ireland (VNN).  – Các hạt sol khí làm mát khí hậu ít hơn chúng ta nghĩ (TS). 

Đảo chính ở Myanmar

Bắt chước ông Trump, Myanmar chơi trò đảo chánh: Quân đội Miến Điện đảo chính, bắt bà Aung San Suu Kyi, RFI đưa tin. Cầu cử ở Miến Điện diễn ra hồi tháng 1/2020. Phe đối lập nói gian lận bầu cử, sáng sớm nay đã làm cuộc đảo chính, bắt bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo khác.

Lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Ảnh: NewsBytes

Tin từ hiện trường cho biết tình hình rạng sáng 1/2: “Vẫn có rất ít hình ảnh về đêm đảo chính ở Miến Điện. Đó là vì từ 3 giờ sáng nay (giờ địa phương), mạng internet đã sụp đổ… Cuộc đảo chính của quân đội đã bắt đầu. Người ta thấy sự hiện diện của quân nhân trên các đường phố tại Naypyidaw và ở Rangoon. Phát ngôn viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ xác nhận bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Miến Điện đã bị quân đội bắt giữ”

VOA dẫn tin từ Reuters, cho biết: Các nước lên tiếng về cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Nhiều lãnh đạo các quốc gia lên án vụ đảo chính ở Miến Điện do quân đội lãnh đạo, chống lại chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Bà Suu Kyi đã bị bắt giữ cùng với các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Nhà báo Mặc Lâm bình luận về bà Aung San Suu Kyi: “Thế giới từng tôn vinh bà rồi thế giới cũng từng lột vương miện đã đội cho bà vì tội thông đồng với thế lực muốn diệt chủng người Rohingya. Giờ đây bà trở về với quá khứ của gần 15 năm biệt giam. Lúc đó bà được thế giới yêu mến. Bây giờ bà bị thế giới khinh bỉ và ném đá. Không còn ai phía sau lưng liệu bà có an bình trong lúc tuổi già và bóng tối đè nặng?”

Mời đọc thêm: Quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Myanmar (Zing).Đảo chính Miến Điện hay mối căng thẳng dai dẳng giữa quân đội và chính phủ dân sự? (RFI). – Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau khi bắt bà Aung San Suu Kyi (BBC). – Quân đội Myanmar nắm chính quyền, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm (PLVN).

Đảo chính Myanmar: Người bị bắt và tướng chiếm quyền là ai? (GT). – Hình ảnh thủ đô Myanmar dày đặc xe quân sự sau chính biến (VNN). – Myanmar: Người dân ồ ạt rút tiền, ngân hàng đóng cửa hàng loạt (VNF). – Người Việt trong tâm điểm cuộc đảo chính ở Myanmar (VTC). Mời đọc lại: Cái giá của sự sùng bái (VOA). 

***

Thêm một số tin: Quyền lực của khảo thí (TS). – TT Biden gặp gỡ các nhà lập pháp Cộng hòa để thảo luận về gói cứu trợ COVID (VOA). – Dân Biểu Kinzinger: ‘Đảng Cộng Hòa tự đánh mất chính mình’ (NV). – Công ty Xiaomi của Trung Quốc kiện lệnh cấm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính Mỹ (VOA).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu ông Trump cũng hành động lúc ba giờ sáng như quân đội Miến Điện hay công an Việt Nam ở Đồng Tâm, thì tình hình có thể sẽ khác.

  2. Thật tệ hại, “Chơi trò đảo chánh “bắt chước TRUMP , ở đâu ! Tiếng dân đã lộ mặt thật , tôi tệ , Có dám đăng ý kiến này không ? hay ” ý kiến của bạn đang chờ kiểm duyệt ?” Vì hèn nên không đăng, đúng không ??

Comments are closed.