Nhã Duy
25-1-2021
Người ta thường bảo, âm nhạc không có biên giới hay phân biệt chủng tộc và mỗi người có thể nghe hay thích bất cứ loại nhạc nào. Nhưng nhìn nhận trên góc cạnh lịch sử, xã hội, thì thật ra mỗi thể loại âm nhạc vẫn gắn liền vào từng văn hóa, tôn giáo và sắc tộc khác nhau.
Như với người Mỹ trắng, Country music, mà người Việt vẫn quen được gọi là “nhạc đồng quê”, là một loại “Thánh nhạc” của họ. Các thống kê cho thấy, Country music được phát nhiều nhất trên radio vào các giờ cao điểm người dân đi làm hay về nhà tại Mỹ. Đây là một kỹ nghệ vào khoảng hơn 20 tỉ đô la mỗi năm.
Country music ra đời tại miền Nam nước Mỹ vào đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, đến nay cũng đã trên dưới 100 năm và thịnh hành khắp nước Mỹ. Gọi là “Country music” vì nó được chuyển từ loại nhạc “hillbilly”, tức cụm từ chỉ sự liên quan đến nông thôn và núi đồi nên nhạc này vốn gắn liền người dân quê nước Mỹ. Country music ra đời sau các loại nhạc Blues, Jazz của người Mỹ Châu Phi nên nguồn gốc ban đầu cũng mang âm hưởng của Blues.
Pha trộn thêm nhạc cổ, dân ca Mỹ, phát triển theo các thời kỳ, thêm cả Western music, tức loại nhạc cao-bồi khi Hollywood sử dụng vào các phim cao-bồi miền viễn Tây của mình từ thập niên 40s, Country music đã định hình thành dòng nhạc riêng biệt của mình như hiện nay.
Nhạc đồng quê này hầu như được thống trị bởi các ca sĩ Mỹ trắng và người thưởng ngoạn cũng đa phần là Mỹ trắng, đặc biệt tại miền Nam và Trung Nam Hoa Kỳ, những tiểu bang có nhóm cử tri trung kiên của đảng Cộng Hòa. Và tất nhiên, là các thần dân cuồng nhiệt của cựu TT Donald Trump.
Nhắc sơ về nhạc đồng quê này vì sự xuất hiện của huyền thoại Garth Brooks, một ca sĩ nhạc đồng quê hàng đầu của Mỹ tại lễ nhậm chức tổng thống Joe Biden vừa qua. Nhận mình là một người Cộng Hòa, Garth Brooks từ chối ca trong lễ nhậm chức của TT Donald Trump với lý do lịch trình không cho phép. Nên việc nhận lời trình diễn tại chương trình nhậm chức lần này, giữa bối cảnh xung đột gay gắt giữa hai bên là một chọn lựa vô cùng khó khăn, cũng như là một cú sốc lớn cho người hâm mộ anh, vốn ủng hộ cuồng nhiệt TT Trump như nói trên.
Garth Brooks đã ca. Ca rất hay. Là một trong những khoảnh khắc đầy quyền năng của lễ nhậm chức với thông điệp tha thứ và hàn gắn qua bài hát “Amazing Grace”. Những người theo dõi lễ nhậm chức hẳn còn thấy rằng, sau màn trình diễn để đi vào hậu trường, Garth đã bắt tay với các vợ chồng tổng thống Joe Biden, Phó TT Kamala Harris, Mike Pence, cũng như ôm hôn thân thiết với các vợ chồng tổng thống tiền nhiệm Bush, Clinton, Obama, như một sự mừng rỡ với những người bạn thân tình gặp lại. Đó là một “địa vị” và mối quan hệ không phải ca sĩ nổi tiếng nào cũng có được. Nhưng những hình ảnh thân ái đó càng làm người hâm mộ Garth giận dữ hơn.
Lady Gaga, Jenniper Lopez cùng tài tử Tom Hanks và hàng chục ca sĩ thượng thặng của nền âm nhạc Hoa Kỳ tham dự trong đêm nhạc tôn vinh nước Mỹ “Celebrating America” ngày nhậm chức, không hề thua kém Garth Brooks bất cứ điều gì. Nhưng việc xuất hiện của họ không là điều khó khăn vì phần lớn là những người từng lên tiếng ủng hộ TT Biden, từng bày tỏ thái độ chính trị của mình. Họ không ở trong tình cảnh như Garth Brooks, một ca sĩ Cộng Hòa và thần tượng của nhóm cử tri Mỹ trắng Cộng Hòa trung kiên.
Garth Brooks đã mở cuộc họp qua mạng để giải thích với người hâm mộ về lý do tại sao anh tham gia chương trình nhậm chức trước ngày trình diễn. Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden đã đích thân gọi mời anh. Garth bảo đây là lúc phục vụ quốc gia, nó không có nghĩa là một thái độ chính trị mà là một thái độ của đoàn kết, hàn gắn. Và Garth đã chọn quốc gia lên trên hết mọi chuyện: Sự nghiệp, uy tín, tiền bạc… của mình.
Tinh thần ái quốc là gì? Thì đây, câu chuyện của ca sĩ Garth Brooks là câu chuyện sống thực và ý nghĩa nhất về lòng ái quốc của một người Mỹ chân chính. Bằng hành động và chọn lựa của mình.