Tác giả: Helmut P. Müller
Dịch giả: Phan Ba
19-1-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 và Phần 10
Chuyến đi đến Sứ quán Đức đầy chướng ngại: Tài xế taxi ở Sài Gòn – một sự pha trộn lôi cuốn từ lợi dụng lấy giá cắt cổ và lái xe liều mạng – về cơ bản là hiểu hết tất cả và không hiểu gì hết. Họ luôn gật đầu tỏ vẻ hiểu biết, trông như thế – nhưng rồi không biết gì cả. “German Embassy”, người ta nói thật rõ ràng, rồi còn thêm vào “l’ambassade d’Allemagne”. Một cái gật đầu và một nụ cười tươi sáng – anh ấy đã hiểu, chàng nghệ sĩ đằng sau tay lái.
Tiếp theo sau đó là chuyến mạo hiểm “Sài Gòn trong chiếc taxi”… Đầu tiên là phanh hoạt động không tốt. Nó đã như thế từ nhiều tháng nay rồi. Rồi cửa xe bật ra và gạt ngã một người đi xe đạp. Cửa này không có khóa và sợi dây giữ nó lại đã bị đứt ngang. Người đi xe đạp phủi quần và không nói gì – dường như anh ấy đã quen với những cú đập vào gáy như vậy, thậm chí là những cú đập từ cửa xe. Ở bùng binh kế đến, còi xe không hoạt động. Thật ra thì nó đã luôn như thế, và bởi vì vậy mà cái chắn bùn trông giống như bị búa đập. Nhưng có ai cảm thấy phiền hà kia chứ? Người ta đã quen với việc va chạm và vẫn có một nét mặt bình thản.
“Đi taxi thì nhiều lắm là mười phút sẽ đến sứ quán”, ai đó đã nói vậy. Nhưng anh chàng cười luôn miệng với chiếc xe tăng nhỏ của anh ta đã chạy đến 25 phút rồi. “L’Ambassade d’Allemagne”, người ta giải thích cho anh tài thêm lần nữa. Anh ấy lại cười chỉ tới phía trước, nơi có một trạm xăng hiện ra. “No, nein, njet”, người ta kêu rên bất lực – và rồi may mắn là anh ấy lái xa chạy ngang qua trạm xăng.
Và dần dần thì người ta có cảm giác: Nếu anh ta không ngừng lại thì chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ ở bên Campuchia. Ôi, Sài Gòn, nơi chốn của tội lỗi, có lẽ con người này là một Việt Cộng, nhận những tên ngu đần vô hại lên taxi để rồi…
Đừng sợ – tài xế taxi Sài Gòn không bắt cóc du khách. Họ chỉ là moneymaker, lợi dụng cơ hội và không hiểu gì cả – tất cả họ đều tuân theo một châm ngôn: Cứ chạy, và chạy, và chạy. Và cuối cùng rồi thì anh ta cũng dừng lại – một cú xoay xe thật cừ khôi, một nụ cười thân thiện: “Tran Van Cao zin zack Duc” – hay giống như thế. “Cả thảy 150 đồng.”
Nhưng cả với số tiền đó thì người ta cũng không ở tại Sứ quán Đức, mà trước một cửa hàng xúc xích của người Hoa. Ngay giữa Chợ Lớn…
“Thật ra thì tôi nghĩ anh sẽ đến sớm hơn”, ông đại sứ Đức nói nhiểu giờ sau đó, người không biết những tấn bi kịch như thế. Nhưng Tiến sĩ Wilhelm Kopf là một con người với những đức tính không thể thiếu được ở Sài Gòn – rất thông cảm, không theo lề lối thông thường, thích tiếp xúc. Một người biết quan sát, ứng phó và quyết định.
Nói chung, những người Đức ấy ở Sài Gòn: một nhóm người trẻ tuổi, hết mình cống hiến cho một nhiệm vụ mà chỉ với những công việc ngoại giao thường ngày thì không thể giải quyết được – đại diện và hoạt động có hiệu quả nhưng đồng thời không bị lôi cuốn vào trong “vụ việc ấy”…
“Sự giúp đỡ của Đức cho Việt Nam không phải là hoàn toàn không có vấn đề”, như đại sứ Tiến sĩ Kopf diễn đạt, “tiêu chí quyết định là: nó phải mang lại lợi ích cho mọi người cũng như kích hoạt sự quan tâm và cộng tác của người nhận. Quà tặng phi cá nhân hay những thí nghiệm theo kiểu phân chia đồng đều cho tất cả đều không đúng chỗ và cuối cùng thì chỉ có hại thôi. Dù làm bất cứ việc gì – người ta phải đối mặt với sự biếng nhác và lề mề. Và chúng ta phải biết rằng – giúp đỡ bất cứ lúc nào nhưng: chúng ta không tham gia vào cuộc chiến…”
Một tượng trưng cho sự giúp đỡ của nước Đức rõ ràng là chiếc tàu bệnh viện “Helgoland”. Ai cũng biết nó, ai cũng nhìn thấy nó – nơi nó thả neo, bến tàu “Quai de Belgique” là nơi phô diễn của Sài Gòn. Nhưng bên cạnh con tàu bệnh viện ấy cũng có những sự giúp đỡ khác – không gây nhiều sự chú ý như thế, nhưng rất có chủ đích và chính vì vậy mà rất có hiệu quả.
Từ 1958 nước Cộng hòa Liên bang Đức vận hành một trường kỹ thuật Đức-Việt mà vài trăm người trẻ tuổi đã được đào tạo ở đây.
Nhiều sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng kéo dài nhiều năm tại các trường đại học Đức.
Nước Cộng hòa Liên bang Đức đã đầu tư 20 triệu DM vào công cuộc xây dựng một nhà máy chế biến thịt.
Cùng với người Pháp, nước Cộng hòa Liên bang Đức xây dựng một nhà máy phân bón lớn ở phía tây nam Đà Nẵng.
Cho việc xây dựng các trại tỵ nạn, trên 25 triệu DM đã được chi ra cho đến nay, đồng thời, 870 tấn gạo cũng đã được cung cấp cho những người tỵ nạn đang gặp khó khăn ở phía bắc của đất nước này.
Số tiền quyên góp 16 triệu DM sẽ góp phần giúp giải quyết tình trạng thiếu thốn các loại thuốc chữa bệnh đang rất cần kíp.
“Và khi nói về sự giúp đỡ của nước Đức”, đại sứ Tiến sĩ Kopf nói, “thì cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng – tôi còn muốn nói là đầu tiên – phải nhắc đến đội ngũ tuyệt vời ấy, đang tiến hành những công việc gương mẫu ở Đà Nẵng, An Hòa và Hội An. Tôi muốn nói đến những người của Dòng tu Malta…”
“Họ là những người Phương Tây duy nhất đối xử thân thiện chân thật và nhân ái chân thật với những người Việt nhỏ bé, dễ bị tổn thương”, như Mary McCarthy, người có sách bán chạy ở Mỹ và cũng là người đã đi thăm Việt Nam, nhận định trong tác phẩm mà ngoài ra thì nặng phần chỉ trích của bà.
Phần lớn đều đến Hội An bằng trực thăng. Đó là đường đi an toàn nhất. Chỉ những người của Dòng tu Malta – với chiếc thánh giá huy hiệu của dòng tu và chữ “Đức” trên áo – là thản nhiên lái xe Jeep tinh tươm qua đồng quê. “Ở đây mọi thứ đều là rủi ro”, Franz Freiherr von Loé, 31 tuổi, từ gần một năm nay là trưởng đội của Dòng tu Malta tại sự hẻo lánh khốn khổ của Hội An này. “Ngay từ ngày đầu tiên, Việt Cộng đã biết chúng tôi có mặt ở đây. Nếu như họ muốn bắt cóc chúng tôi thì họ đã có thể làm việc ấy từ lâu rồi…”
Con đường đi, mà chúng tôi cực nhọc lắc lư từ ổ gà này qua ổ gà khác, chỉ “thông” được có 10 kilômét. Mười kilômét này nằm trong “vùng an ninh” bao quanh phi trường Đà Nẵng. Ai đi ra ngoài vùng ấy thì giống như thú bị săn bắn tự do. Vì cũng giống như người Mỹ, Việt Cộng cũng có những luật chơi không thành văn của họ. Và thuộc vào trong số đó là việc người ta không nên xuất hiện trong vùng đất của họ mà không đi theo đoàn xe. Ngoại trừ những người của Dòng tu Malta – ngay từ đầu, họ đã làm như họ hoàn toàn không biết gì cả. “Chúng tôi muốn giúp đỡ người dân gặp bất hạnh ở đây”, ông nam tước nói, người trước đây một năm còn là nhân viên trong Bộ Nông nghiệp ở Düsseldorf, “và chúng tôi mặc kệ việc họ theo tôn giáo nào hay đường hướng chính trị nào. Chúng tôi không phải là chiến binh, chúng tôi là những người đi cứu giúp.”
Ý tưởng ấy thành hình năm 1966. Lúc ấy, người đứng đầu tổ chức từ thiện Malteser-Hilfsdienst, bá tước Landsberg-Velen, bay sang Việt Nam. Ông tin rằng có thể tìm thấy một lĩnh vực làm việc ở đây cho dòng tu. Ông bá tước không nhầm…
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ một cách khiêm tốn”, ông nói. “Ngay từ đó là chúng tôi khác biệt với nhiều dự án khác. Nhiệm vụ của chúng tôi là: đi đến nơi mà sự khốn khổ lớn nhất, trước hết là mang sự giúp đỡ cá nhân đến và thực hiện nó sao cho người nhận phải tham gia phần của mình vào trong đó. Nó cần phải là một sự giúp đỡ để rồi người ta tự giúp lấy chính mình.”
Ý định ấy – ngày nay có thể nói như vậy – thành công, vì tình cảnh thật đau buồn đã kêu gọi một sự giúp đỡ như vậy: Ở Việt Nam, nơi có 15 triệu người sinh sống, có 1000 bác sĩ được phép hành nghề! Nhưng cần ít nhất là 5000 người để tạm xóa bỏ bệnh tật, đau khổ và khốn cùng. Hàng trăm ngàn bệnh nhân chen chúc nhau mỗi năm trước vài bệnh viện, phòng khám và phòng thuốc, những nơi dẫu sao thì cũng đã quá tải. Vì chỉ riêng trong năm vừa qua thì đã có 34.000 người dân thường bị thương tích, một phần là bị thương nặng, vì tác động của chiến tranh. Thí dụ như tỉnh Quảng Nam, nơi những người của Dòng tu Malta hoạt động: có 800.000 người sống ở đây. Chỉ có duy nhất một bệnh viện với tròn 220 giường cho họ – nếu như người ta không tính căn cứ quân sự Đà Nẵng. Một bệnh viện cho hàng trăm ngàn người!
“Lúc đó, ở Sài Gòn người ta đã nói với tôi”, ông bá tước nhớ lại, “ông muốn làm gì ở tỉnh Quảng Nam? Với ít người như vậy. Đó không phải là giúp đỡ – đó là tự sát.” Mặc dù vậy, bá tước Landsberg vẫn bay đến Đà Nẵng, Huế, Hội An và An Hòa – vào giữa một vùng được cho là thành trì của Việt Cộng. Và ông ấy đã quyết định: “Chúng ta sẽ đến đúng nơi đây!”
Quyết định đó là đúng đắn: Sự giúp đỡ của những người thuộc Dòng tu Malta hiện giờ đã chứng tỏ là thành công hơn những hành động gây nhiều sự chú ý tương tự, được thực hiện theo cách phân bố đồng đều rộng khắp như trong một hệ thống tưới nước.
Đối với Việt Nam, nó không chỉ là một sự giúp đỡ – nó là một hành động lớn lao…
Nó là một hành động lớn lao, bởi vì nó chỉ dựa trên lý tưởng: chiếc cầu nối với những người đang chịu đựng đau khổ không phải được xây bằng tiền và vật chất, mà là bằng sự hy sinh cá nhân, tính sẵn sàng, lòng nhân đạo và cống hiến cho nhiệm vụ. Đó là còn chưa nói đến lòng can đảm gắn liền trong đó…
“Thật ra thì tôi chỉ muốn làm một chuyến đi xa”, Luise Drahts 23 tuổi, nhân viên phòng thí nghiệm của Dòng Mata ở Hội An thú nhận, người đã tình nguyện đăng ký đi sang Việt Nam cũng như tất cả những người khác. Cho tới lúc đó, cô là y tá ở Köln. “Khi tôi xin thôi việc và nói rằng tôi muốn đến Việt Nam, sếp tôi nói: ‘Ai cũng có lần muốn trở thành người tàn phế.’ Nhưng tôi vẫn quyết tâm – và cho tới ngày nay tôi vẫn không hối hận, mặc dù người ta nhìn thấy những sự việc thật đáng sợ ở đây mỗi ngày.”
Klaus Tschoepe, 22 tuổi, nhân viên hành chánh từ Münster, cũng tường thuật tương tự. “Lúc đầu rất tệ – lúc nào cũng có bắn nhau, cảm thấy không an toàn, hình ảnh thật đáng sợ ấy, khi trẻ con hay những người không thể tự bảo vệ bị trọng thương nằm ngay trước mặt mình. Nhưng chúng tôi đã cắn răng chịu đựng và cố gắng hết sức mình.”
Điều ấy rõ ràng là đã lan truyền đi xa. Khi Việt Cộng bắn súng cối hai lần liên tiếp nhau vào Hội An, đã có tử vong và nhiều người bị thương. Ngay trong lúc cuộc pháo kích vẫn còn diễn ra, người của Dòng tu Malta đã nhảy xuống giường và chạy đến những nơi xảy ra thảm họa. Họ là những người đến giúp đỡ đầu tiên. “Tôi tin rằng người Việt không quên chúng tôi”, Tschoepe nói, “bắt đầu từ ngày đó hầu như ai trong số họ cũng chào chúng tôi. Và những người bản địa giúp chúng tôi đã làm việc một ngày không công cho chúng tôi.”
Ngay cả Việt Cộng cũng thể hiện lòng khoan dung. Cách nơi trú ngụ được bảo vệ bởi những lô cốt bằng bao cát của người Dòng Malta chỉ chừng một trăm mét có một trại tù với hơn 1000 Việt Cộng. Hồi cuối tháng 7, hai tiểu đoàn Việt Cộng tấn công vào Hội An và giải phóng các tù nhân.
Những người của Dòng tu Malta không bị sao cả – Việt Cộng chỉ chạy ngang qua chỗ họ…
Đáng ngạc nhiên là họ đều hết sức trẻ, những người mà đã tạo cho mình thiện cảm và sự kính trọng ở nước Việt Nam xa xôi.
Tối tối – khi không ai ở Việt Nam (ngoại trừ trong các thành phố) có thể rời nhà – họ ngồi trên nóc các lô cốt của họ và vừa chơi đàn ghi ta vừa hát. Ai lắng nghe họ và nhìn những gương mặt thì sẽ biết rằng thật ra thì họ đang hát để chống lại nỗi nhớ nhà và sự khốn khổ khủng khiếp ở xung quanh. Nhưng không ai trong số họ sẽ thừa nhận điều đó. Họ có nhiệm vụ của họ ở đây – và họ cố gắng hoàn thành nó.
Thỉnh thoảng, họ ngồi trên nóc của cái tháp nước nhỏ và quan sát cuộc chiến. Vì từ khi người của Dòng tu Malta đến Hội An, họ có hậu cảnh ấy không mất tiền: những trận chiến bằng pháo và súng cối, những cuộc đấu tay đôi của đại liên, những lần ném bom. Họ đã trở thành những chuyên gia của cuộc chiến. Nhưng tất nhiên rồi thỉnh thoảng cũng có lúc một quả đạn lớn nổ thật gần. Thế rồi họ phải tuột theo cái thang sắt của chiếc tháp xuống, nhanh nhẹn như những con chồn, vì: “Mẹ đã nói rồi – con ạ, không tham gia vào trong đó…”
Mỗi sáng, họ phải đi ra vùng nông thôn – từng nhóm hai người, túi xách đầy thuốc men. Những gì là tiền đồn của giới quân đội thì lại là trạm xá đối với người của Dòng tu Malta – một ngôi nhà nhỏ bằng tre mà trước đó có hàng trăm bệnh nhân và người đang tìm sự giúp đỡ chen nhau đứng. Trẻ con, người già, Việt Cộng.
“Một nhóm chúng tôi đi đến Cham Chau”, một trong những người trẻ tuổi giải thích kế hoạch hoạt động, “ở làng đó có rất nhiều người bị ghẻ lở. Một nhóm khác lái xe Jeep đi xa 50 km để đến Dai Loc, nơi có hàng chục ngàn người tỵ nạn. Cho tới nay chúng tôi vẫn không biết đó là 15.000 hay 60.000.” Cũng giống như ở những trại tỵ nạn khác mà người Dòng tu Malta làm việc ở đó: Không bao giờ họ biết có bao nhiêu người cần sự giúp đỡ của họ – vì họ không hỏi, họ giúp đỡ.
“Đó chỉ là một sự giúp đỡ đầu tiên”, Freiherr von Loé nói, “điều quan trọng nhất là người dân tự mình muốn cộng tác – sống vệ sinh hơn, rửa ráy, chống lại cái dơ bẩn. Thuốc của chúng tôi chỉ là một điểm khởi đầu.” Họ có thể cần rất nhiều thuốc men, những người của Dòng tu Malta. Nhưng ngân sách của họ rất hạn hẹp. Vì vậy mà họ phải dựa vào những quyên góp đến Việt Nam từ nước Đức xa xôi – thuốc mẫu cho bác sĩ.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi rất ngạc nhiên” – trong giọng nói của Freiherr có một ít sự thất vọng – “với những thứ thuốc chúng tôi đôi lúc nhận được. Thuốc mẫu cho bác sĩ từ hồi Đệ nhị Thế chiến. Thậm chí có một lô được dán nhãn ‘1934’.”
Người ta phải xấu hổ về những nhà cung cấp như vậy. Giúp đỡ cho Việt Nam…