Đại hội 13: Giới thiệu “tứ trụ” mới liệu có được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15?

RFA

TS. Phạm Quý Thọ

14-1-2021

Hình minh hoạ. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tại Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 12/11/2020. Nguồn: AFP

Hội nghị Trung ương 15 liệu sẽ là cuối cùng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 cận kề, được chính thức thông báo sẽ tổ chức vào ngày 25/1 đến 2/2/2021? Đây là câu hỏi được giới quan sát chính trị quan tâm bởi những tiền lệ thay đổi vào “phút chót”.

Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị là “chốt” được “các trường hợp đặc biệt” để trình Đại hội. Danh sách các nhân sự này là “tuyệt mật”, nhưng có nguồn tin đồn đoán rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là hai trường hợp đặc biệt, quá tuổi theo quy định, sẽ tiếp tục ở lại với tư cách “tứ trụ” mới được Bộ Chính trị giới thiệu.

Rối loạn chức năng độc đoán

Khi chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” vẫn đang được đẩy mạnh, nhiều người cho rằng chế độ độc đảng của Việt Nam chưa thể ngăn chặn được mức độ nghiêm trọng của tình hình khủng hoảng chế độ. Việc khởi tố ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, được coi là “phức tạp”, chỉ được tiến hành sau khi ông Nguyễn Văn Nên, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Thành uỷ thay ông Nguyễn Thiện Nhân.

Trước đó, cuối năm 2019, ông Tất Thành Cang bị kỷ luật cách chức Uỷ viên Trung ương đảng khóa 12 và Phó bí thư thường trực Thành uỷ tại Hội nghị trung ương 9, nhưng vẫn là Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình lịch sử TP.HCM. Hơn thế, đến tháng 8/2020 ông này chỉ bị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM “thống nhất kết luận phê bình”.

Trường hợp kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang có thể được coi là biểu tượng của rối loạn chức năng độc đoán. Ở đây, sự phân quyền cho các địa phương đáp ứng nhu cầu chuyển đổi kinh tế sang thị trường đã tạo ra nguy cơ bất ổn cho chế độ.

“Tập thể lãnh đạo” đang bị lung lay

Tập thể lãnh đạo là một hình thức chính trị lý tưởng của một đảng cộng sản độc quyền. Nhiệm vụ chính của nó là để phân phối quyền hạn và chức năng từ cá nhân đến một nhóm duy nhất. Tại Việt Nam nguyên tắc tập thể lãnh đạo còn được gọi là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng CS VN, theo đó, hầu như không có một lãnh đạo tối cao bởi quyền lực được san sẻ tập trung cho bốn vị trí cao nhất trong chính quyền là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng với các tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương.

Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 từng giải thích rằng “một người dù khôn ngoan đến đâu, cũng chỉ trông thấy một số mặt của vấn đề; vì vậy cần tổng hợp sự xem xét của nhiều người để xét rõ mọi mặt của vấn đề, cho nên mới cần lãnh đạo tập thể. Không lãnh đạo tập thể sẽ dẫn đến “bao biện, độc đoán, chủ quan”… Tuy nhiên, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, sinh ra sự “bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải đi kèm với nhau.

Nguyên tắc này đang bị lung lay trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đỉnh điểm là nhiệm kỳ 2011-2015, khi “một bộ phận không nhỏ” quan chức “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một trong những dấu hiệu là Ban Chấp hành TƯ đã “làm trái ý” của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị TƯ 7 năm 2013 hai ông Nguyễn Bá Thanh, cố Trưởng ban Nội chính TƯ và Vương Đình Huệ, nguyên Trưởng ban Kinh tế TƯ, mặc dù được Bộ Chính trị giới thiệu, đã không được Ban chấp hành TƯ khoá 11 bầu bổ sung vào Bộ chính trị.

Một sự kiện “đình đám” khác cũng diễn ra tương tự về việc kỷ luật nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế. Ông Dũng trước Quốc hội ngày 20/10/2012, đã xin lỗi với tư cách người đứng đầu vì tình trạng “bất ổn kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, ông đã không bị bất cứ hình thức kỷ luật nào, và trái lại ông lại được số phiếu tín nhiệm cao trong đợt lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội. Mặc dù, ông đã về làm “người tử tế”, nhưng không ít Uỷ viên Trung ương trong Ban Chấp hành khoá 12 đã từng ủng hộ ông vẫn chịu ảnh hưởng.

Ai mới được giới thiệu là “Tứ trụ”?

Như đã nêu ở trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một phương án “trường hợp đặc biệt” được Bộ Chính trị giới thiệu trình Hội nghị TƯ 15 khoá 12 sẽ họp trong nay mai. Những kết quả về chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng “không vùng cấm” do ông trực tiếp chỉ đạo đã tăng cường quá trình tập trung quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng hiện nắm giữ quyền tối cao, như Bí thư Quân uỷ Trung ương, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng… đồng thời là Trưởng tiểu ban nhân sự cho Đại hội 13.

Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực tối cao đang gặp khó khăn. Sự giới thiệu người kế nhiệm của ông đã không đạt được sự đồng thuận của tập thể Bộ Chính trị và tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương 14. Bởi vậy, theo các nhà quan sát, ông có thể tiếp tục ở lại để tìm người kế vị để bàn giao nhằm duy trì chế độ độc đảng. Ngoài ra, nếu ở lại, ông chắc sẽ còn nhiều việc phải làm để nội bộ đảng trong sạch. Dư luận băn khoăn về sự bình phục sức khoẻ của ông sau cơn đột quỵ cuối năm 2018.

“Trường hợp đặc biệt thứ hai” là đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu Chính phủ kiến tạo với chính sách phù hợp thực tế, điều hành nền kinh tế thành công mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng gần 3% vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Ngoài ra, những kết quả chống thiên tai bão lũ tại miền Trung cũng để lại dấu ấn tích cực… Ông được giới thiệu với cương vị chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới. Giới phân tích chính trị băn khoăn rằng với thành tích như vậy tại sao ông không được bố trí tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Thủ tướng Chính phủ?

Đồng thời với hai trường hợp đặc biệt trên, trong “tứ trụ” còn hai nhân vật còn đủ tiêu chuẩn được giới thiệu là Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ. Ông Chính, từng là thứ trưởng Bộ Công an, đã trải thực tế thành công với tư cách là Bí thư tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 11. Ngoài ra, ông có kinh nghiệm đối với việc áp dụng mô hình đặc khu hành chính kinh tế còn vướng mắc trong nhiệm kỳ 12.

Ông Huệ, giáo sư kinh tế, trải qua nhiều chức vụ như Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng tài chính và Trưởng ban kinh tế TƯ. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế chỉ đạo tại địa phương chỉ được tích luỹ khi ông là Bí thư Hà Nội năm 2019. Hai ông được giới thiệu với cương vị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội với hai phương án đảo vị trí cho nhau.

Sau “đồng thuận” dự kiến sắp xếp các vị trí quyền lực khác trong Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ban Chấp hành TƯ, các nhà quan sát hy vọng sự giới thiệu “tứ trụ” như trên có thể sẽ nhận được sự “nhất trí” tại Hội nghị TƯ 15 theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo.

Liệu đó sẽ là hội nghị cuối cùng trước thềm Đại hội 13 cận kề? Dù thế nào đi chăng nữa, câu hỏi vẫn đeo đuổi các nhà cải cách rằng tại sao chuyển giao quyền lực tối cao của đảng ngày càng khó khăn?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguyễn phú trọng là mầm mống hoang tưởng cuối cùng của triều đại cs ho chi minh, hắn không thể để cho sự nghiệp vĩ đại hcm bị đống củi khô của chính cái đảng này hủy hoại, hắn không tin vào bất cứ ai có thể thay hắn hoàn thành sứ mệnh của tên thái thú trước thiên triều Hán cẩu, trước vong linh mả tổ Ba đình.
    Dù có liệt giường bò lê bò lết nhưng đại hội XIII phải thành công rực rỡ, có thể hắn tái nhiệm vì phép màu quyền lực độc tài đảng trị, nhưng tương lai đảng cs không lấy gì để đảm bảo.
    Sau đợt diễn tập lưu manh chống nhân dân khủng bố đại hội, hệ thống ra sức cổ vũ răn đe, 14/1 VTV mất dạy có phóng sự:
    Vận động toàn dân giao nộp (vũ khí) VK – VLN – CCHT và pháo để hướng tới đảm bảo an toàn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
    Một lũ hèn giặc, ác dân thực sự lên cơn động kinh, chỗ nào cũng thấy thế lực nhân dân thù địch, để thấy nguyễn phú trọng là tên đặc sệt cọng sản đời đầu.

Comments are closed.