BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về kế hoạch mới liên quan đến Biển Đông của Mỹ, báo Người Lao Động đưa tin. Đại diện hãng tin Sputnik của Nga đề nghị phía VN bình luận về sự kiện Mỹ công bố kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thuỷ quân lục chiến và tuần duyên, nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời, lập trường nhất quán của VN là “các quốc gia trong và ngoài khu vực đều cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982”.
Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh sáng kiến liên kết và kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo báo Thế Giới và VN. Khi được hỏi về vụ tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ được giải mật, bà Hằng nói, VN “mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết và kết nối ở khu vực, góp phần vào hợp tác và phát triển dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước”.
Vẫn là thủ thuật “chia để trị” nhắm vào khối ASEAN: Trung Quốc tìm cách thắt chặt quan hệ với Philippines, theo báo Tuổi Trẻ. Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị sẽ đến Manila ngày mai 15/1. Bộ Ngoại giao Philippines thông báo, ông Vương và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin sẽ thảo luận cách thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng và đối phó với dịch Covid-19.
Mời đọc thêm: Việt Nam bình luận về ‘chiến lược mới’ của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông (TN). – Bộ Ngoại giao nói về thông tin Ấn Độ bán tên lửa cho Việt Nam (PLTP). – Ấn Độ-Việt Nam củng cố hợp tác quân sự-quốc phòng (VOA). – Việt Nam nói gì về tài liệu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ mới giải mật? (VOV). – Giải mật chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (PLTP).
Tin chính trường
Chỉ còn 11 ngày nữa là đến Đại hội 13, báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhân sự Đại hội XIII và vấn đề tính đại diện. Bài viết đề cập vấn đề các ứng viên cho “tứ trụ” lãnh đạo chế độ mà dân tình đang bàn tán xôn xao. Trong bài có đoạn ngầm thừa nhận những lời đồn đoán rằng phe miền Nam đang thất thế trong cuộc cạnh tranh lần này, nghĩa là cơ cấu “tứ trụ” vẫn không bảo đảm 3 miền Bắc – Trung – Nam:
“Dùng cơ cấu để đáp ứng yêu cầu đại diện mang tính địa phương chỉ được đặt ra với nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc và nhân sự cấp ủy các cấp cùng Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải là một đòi hỏi, yêu cầu nào đó mang tính bắt buộc, cho dù ở Bộ Chính trị, Ban bí thư hay ‘tứ trụ’.”
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng cho biết: Facebook và Youtube tăng cường kiểm duyệt về Phạm Minh Chính. Theo đó, “thời gian gần đây những bài viết/ video về ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương liên tục bị hai mạng xã hội Facebook và YouTube ngăn chặn phát tán”. Hình thức ngăn chặn thông tin thường dựa trên lý do “vi phạm pháp luật địa phương” hoặc “theo yêu cầu của một cơ quan chính phủ”.
Vụ Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận, ngay cả ông cũng phải “kiêng nể” quan chức đảng, RFA đặt câu hỏi: Sao kiểm sát viên phải ‘nể’ lãnh đạo địa phương? LS Đặng Trọng Dũng bình luận: “Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân”.
LS Hà Huy Sơn đề xuất: “Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện”. Ngày nào hệ thống độc đảng còn kiểm soát cả 3 nhánh quyền lực, thì ngày đó còn có những đảng viên ngồi trên pháp luật.
Mời đọc thêm: Sẽ khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội XIII của Đảng vào ngày 22/1 (Tin Tức). – Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và hình ảnh ‘người cộng sản cuối cùng’ — GS Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’ (BBC). – “Chống tham nhũng của MTTQ chỉ là tuyên truyền”, cựu tướng Công an thừa nhận! (RFA).
Vụ điều tra sân sau của Chung “con”
Hôm nay, các báo “lề đảng” tiếp tục có tin, bài về thủ thuật buôn hàng lậu của ông chủ Công ty Nhật Cường. Báo Tiền Phong đưa tin: Công ty Nhật Cường tập kết hàng nghìn điện thoại lậu ở cảng Nội Bài. Theo đó, vào ngày 21/9/2018, Công ty TNHH VAK đã mở 3 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan, Cửa khẩu sân bay Nội Bài, hàng hóa khai báo là thiết bị chuyển đổi quang điện, mới 100%.
Nhưng đến ngày 15/10/2018, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc đã cùng Hải quan sân bay Nội Bài kiểm tra toàn bộ 3 lô hàng nói trên của Công ty TNHH VAK. Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng hóa thực tế gồm: 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại, có 190 chiếc iPhone 7 Plus cũ, là hàng cấm nhập khẩu và 967 điện thoại iPhone Xs, Xs Max các loại, còn mới 100%, tất cả đều bị thu giữ.
Zing đặt câu hỏi: Công ty Nhật Cường tuồn hàng lậu qua sân bay như thế nào? Theo đó, ông Bùi Quang Huy, cựu Tổng GĐ Công ty Nhật Cường đã thuê 3 đường dây để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài, lần lượt do 2 bị can Nguyễn Bảo Trung, Đoàn Mạnh Phong và người tên Yến, chưa rõ lai lịch, cầm đầu.
Từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2017, đường dây của Trung đã lập khống hồ sơ hải quan, vận chuyển trót lọt hơn 40.000 sản phẩm, tổng trị giá gần 550 tỷ đồng, từ Hồng Kông về VN qua sân bay Nội Bài. Trung đã được Huy và đồng phạm thanh toán gần 14 tỉ phí vận chuyển.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Phần mềm bí mật giúp Công ty Nhật Cường buôn lậu 3.000 tỉ đồng. Đó là hệ thống phần mềm quản lý nội bộ ERP, được dùng để ghi chép, hạch toán toàn bộ hoạt động buôn lậu của Huy và đồng phạm, ký hiệu là “hàng nhập khẩu không VAT”.
Về phân công công việc cụ thể, “Huy giao cho Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng) và Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính) ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường tại hai hệ thống sổ sách trên phần mềm ERP và MISA”.
Diễn biến bên lề đại án Nhật Cường: Tiếp tục điều tra vụ án liên quan vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung, theo báo Thanh Niên. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan để điều tra, xử lý sau. Trong vụ này, đã có 11 bị can bị khởi tố, gồm ông Nguyễn Văn Tứ, cựu GĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh văn phòng của Sở.
Trong vụ án sai phạm ở Sở KH&ĐT TP Hà Nội, các bị can đã “phê duyệt một số gói thầu cho Công ty Nhật Cường và Công ty Nhật Cường Software trái quy định, gây thiệt hại lớn cho nhà nước”. Vì là “sân sau” của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Nhật Cường có thể trúng các gói thầu dịch vụ công ở thủ đô dễ dàng.
Mời đọc thêm: Vụ Nhật Cường: Mới làm rõ được ‘phân nửa’ tội danh? (BBC). – Đường dây buôn hàng lậu của Nhật Cường ‘khủng’ cỡ nào? (TT). – Nhật Cường tuồn lô hàng lậu trị giá trên 2.900 tỷ vào Việt Nam bằng cách nào? (DNVN). – Công ty Nhật Cường tuồn lô hàng lậu gần 900 tỉ đồng qua sân bay Nội Bài (NLĐ). – Bùi Quang Huy thông qua tiệm vàng để gửi hàng ngàn tỷ đồng ra nước ngoài như thế nào? (SGGP). – Ông chủ Nhật Cường và chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng (ANTT). – Các công ty “ma” giúp Nhật Cường buôn lậu số hàng gần 3.000 tỷ (GĐ).
Sai phạm ở thành Hồ
Sai phạm liên quan đến khu “đất vàng” ở gần trung tâm Sài Gòn: 6.300 m2 ‘đất vàng’ ở TP HCM rơi vào tay tư nhân, VnExpress đưa tin. Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng bản kết luận thanh tra sai phạm tại dự án bất động sản ở bốn lô đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1.
Năm 2010, UBND TP HCM giao cả 4 cơ sở nhà đất này cho Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) để lập thủ tục đầu tư dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, thời hạn giao đất 50 năm. Nhưng chỉ trong 5 năm, dự án đã không thể triển khai do khó khăn tài chính.
Trang Đầu tư Tài chính VN có bài: Quá trình đất vàng tại TP. HCM bị Vinafood 2 biến từ công thành tư. Theo đó, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện chuỗi dự án nói trên tại khu đất hơn 6.200m2. Quá trình hợp tác, đã xảy ra các vụ “chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước… trong quá trình hợp tác với nhà đầu tư tư nhân, chuyển đổi đất công thành đất tư, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.
Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất công, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới chịu báo cáo Bộ NN&PTNT chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Thủ thuật “làm giàu không khó” trong vụ 6.000m2 ‘đất vàng’ vào tay tư nhân: Lập dự án ‘khống” vay ngân hàng nghìn tỷ, theo báo Tiền Phong. TTCP chỉ ra, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng giấy tờ gắn liền với 4 lô đất, lập dự án khống để “thế chấp đảm bảo cho nhiều khoản vay vốn trực tiếp tại một số ngân hàng TMCP hoặc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các pháp nhân khác thực hiện dự án khác, không liên quan đến 4 cơ sở nhà đất này để vay vốn và giải ngân trái pháp luật hàng nghìn tỷ đồng”.
Báo Giáo Dục Thời Đại đặt câu hỏi về vụ Vinafood 2 “biếu” 6.000 m2 đất cho tư nhân: Đủ dấu hiệu khởi tố hình sự vụ án? TTCP chỉ ra sai phạm nhưng cơ quan điều tra chưa có động tĩnh, LS Lê Bá Thường nhận định: “Dấu hiệu của vi phạm đã có, nhưng khởi tố vụ án hay không còn tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an TPHCM. Cơ quan CSĐT có nhiệm vụ bóc tách các sai phạm ấy do lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hay do cố ý làm trái để kiếm chác, hình thành nhóm lợi ích”.
Báo Người Lao Động có bài: Công an TP HCM làm rõ việc Tề Trí Dũng đi du lịch ở châu Âu. Trong vụ sai phạm gây thất thoát, lãng phí ở Công ty Sadeco, ông Dũng và các cá nhân tại doanh nghiệp này đã lấy danh nghĩa đi “tham quan, khảo sát” nhưng “thực chất là tham quan du lịch những địa điểm nổi tiếng tại châu Âu với số tiền từ 180 triệu đồng/người đến 246 triệu đồng/người”.
Đến ngày 1/11/2017, bà Hồ Thị Thanh Phúc đã ký 2 Hợp đồng với Công ty Du lịch Bến Thành tổ chức 2 đoàn đi Châu Âu, tổng chi phí là 4,6 tỉ đồng, vượt quá 3,76 tỉ đồng so với số tiền được phép chi đã duyệt trước đó. Trong đoàn có nhiều người không phải là cán bộ, nhân viên SADECO, nhưng cũng đi “khảo sát”.
Mời đọc thêm: “Đất vàng” ở TPHCM đang nằm trong tay ai? (Sputnik). – Vinafood 2 ‘hô biến’ đất công thành đất tư thế nào? (TT). – Làm rõ, xử lý sai phạm trong việc Vinafood 2 thu hồi đất công giao cho doanh nghiệp tư nhân (Tin Tức). – Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi khu đất công đang bị Vinafood 2 thâu tóm (DS). – Ảnh: Cận cảnh khu ‘đất vàng’ 6.000m2 bị Vinafood 2 thâu tóm, chuyển cho tư nhân (VTC). – Gây thiệt hại 940 tỷ, ông Tất Thành Cang và đồng phạm có phải bồi thường? (VNN).
***
Thêm một số tin: HRW tố cáo chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm quyền công dân (RFI). – Nhân quyền VN 2020: ‘Tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’ (BBC). – Thông tin cập nhật về 2 người Việt Nam trên tàu bị Iran tịch thu (TP). – Thuyền viên Việt trên tàu bị Iran bắt có ‘sức khỏe tốt’ (VOA). – Mỹ phát hiện hai biến thể nCoV mới, lây nhanh hơn (VNE). – Covid-19 : Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên sau 8 tháng (RFI).
– Mỹ: Mười dân biểu Cộng Hòa cùng phe Dân Chủ tán đồng luận tội phế truất TT Trump lần 2 (RFI). – Ông Trump có thể bị cấm nắm chức vụ trong chính quyền Mỹ sau này? (VOA). – Vụ Capitol và luận tội Trump: ‘Tôi lo nhưng tin nước Mỹ sẽ vượt qua’ (BBC). – Tiến trình truất phế TT Trump lần II làm lộ rõ sự chia rẽ trong đảng Cộng Hòa — Chiếm Điện Capitol: D. Trump gieo rắc hỗn loạn trong đảng Cộng Hòa? (RFI). – Việc luận tội có ý nghĩa gì với Trump, Biden và người Mỹ? (BBC). – Ông chủ Twitter: Xóa tài khoản của Trump là ‘‘đúng’’, nhưng đây là một ‘‘thất bại’’ (RFI). – Cờ Việt Nam Cộng hòa và cuộc tấn công Đồi Capitol (VOA).