Bản tin ngày 12-1-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Biển Đông giữa chiến lược hải quân ‘3 trong 1’ của Mỹ. TS Satoru Nagao, thuộc Viện Nghiên cứu Hudson, bình luận: “Vì Trung Quốc đang sử dụng hải cảnh và các tàu khảo sát ‘núp bóng’ nghiên cứu để phục vụ tham vọng bành trướng, nên việc Mỹ phối hợp hải quân với tuần duyên là rất quan trọng. Trung Quốc cũng đã tích hợp khi việc cải tổ gần đây đã thống nhất hoạt động của hải quân và hải cảnh nước này”.

Ông Carl O. Schuster, cựu GĐ bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói về chiến lược tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên, vừa được Mỹ công bố, “lực lượng tuần duyên phù hợp giải quyết thách thức về môi trường và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hàng hải như ngăn cản hành vi bắt nạt ngư dân, phá hoại môi trường, buôn lậu”.

Báo Người Việt có bài: Trung Quốc ‘đe dọa’ Việt Nam hãy ngừng ‘nhảy múa với Mỹ’. Hoàn Cầu Thời Báo cảnh cáo VN và Malaysia “hãy ngừng nhảy múa với Mỹ và kích động rắc rối, nếu không, sau cùng sẽ tự làm hại mình”. Còn Nhân Dân Nhật báo thì dùng chiêu xoa dịu: “Sẵn sàng cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực”. Kẻ đấm, người xoa, “bạn vàng” khó thoát ma trận này.

Mời đọc thêm: Video clip hé lộ máy bay ném bom tàng hình của Trung Quốc (TN). – Tàu sân bay Mỹ mất ưu thế do tên lửa mới nhất của Nga và Trung Quốc (DNVN). – Biển Đông: Có gì trong chiến lược mới của Mỹ chặn Trung Quốc? (PLTP). – Indonesia gắn pháo 30 ly cho tàu cảnh sát biển (VNE). 

Sáu Cang trong “lò”

Hôm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và các đồng phạm, VOV đưa tin. Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và các đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, do sai phạm tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). 

Theo kết luận điều tra, ông Cang phải chịu trách nhiệm về thiệt hại 157 tỉ đồng của Văn phòng Thành ủy TPHCM, tương ứng tỷ lệ sở hữu vốn 16,7% tại Sadeco. Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty Đầu tư xây dựng Tân Thuận, văn phòng Thành ủy TPHCM và các tổ chức khác. 

Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra. Ảnh: VOV

Báo Giao Thông có bài: Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang trong vụ gây thiệt hại 157 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2019, với cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, Sáu Cang có trách nhiệm giám sát thực hiện dự án ngân sách Đảng bộ TP HCM, thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, các công trình, chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ TP HCM. 

Ông Cang “đã phê vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy TP HCM với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim (cổ đông chiến lược) là sai theo quy định luật doanh nghiệp”. Sai phạm này đã khiến Sadeco bị Nguyễn Kim thu tóm, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Cơ quan điều tra đang tách nhiều vụ việc từ vụ ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bên cạnh Sáu Cang, CQĐT còn đề nghị truy tố ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng GĐ Công ty IPC kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO và bà Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng GĐ Công ty SADECO về hành vi tham ô tài sản hơn 1,7 tỉ đồng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Ông Dũng và bà Phúc có liên quan đến vụ “sử dụng tiền thù lao, quỹ khen thưởng Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) tại công ty SADECO, hành vi sử dụng tiền của công ty SADECO đi tham quan, nghỉ mát dưới danh nghĩa đi khảo sát, học tập trái quy định và hành vi thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Cựu Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM Tất Thành Cang khai gì với cơ quan điều tra? Tin cho biết, làm việc với cơ quan điều tra, ông Cang khai rằng, vụ “Văn phòng Thành ủy trình trực tiếp cho ông Tờ trình 1148 là đúng thẩm quyền”. Cang khẳng định, vụ ông có bút phê “đồng ý” với Tờ trình 1148, trong đó cho phép Sadeco phát hành cổ phần cho các cổ đông chiến lược, cùng với ý kiến chỉ đạo là “đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy chế, quy định”.

Cũng liên quan đến Tờ trình 1148, ông Cang kể, chỉ đồng ý cho đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy biểu quyết tại Đại hội cổ đông. Do vốn của Văn phòng Thành ủy đầu tư là 16,7% nên không thể biết được Đại hội cổ đông Cty SADECO năm 2017 sẽ chọn phương án nào. Người đại diện vốn phải báo cáo, xin ý kiến của Văn phòng Thành ủy.

Khẳng định bản thân đã làm đúng “chức trách, nhiệm vụ”, ông Tất Thành Cang đổ tội, cho rằng bị lừa bằng tài liệu giả, theo VietNamNet. Sáu Cang cho rằng, chính ông Huỳnh Phước Long và bà Phúc đã “làm giả, hợp thức hóa tờ trình 12 (chỉ nêu tiêu chí chọn cổ đông chiến lược, không nêu cụ thể cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim) thay cho tờ trình 13 (nêu cụ thể cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim)”, làm căn cứ đưa vào tờ trình 1148, trình cho Văn phòng Thành ủy xin ý kiến của ông Cang.

Bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng GĐ Sadeco và ông Tề Trí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco. Ảnh: VNN

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Nguyên chủ tịch HĐQT SADECO Tề Trí Dũng khai gì và đổi lời khai ra sao? Lúc đầu, ông Dũng thừa nhận đã nhận số tiền 1,7 tỉ đồng thông qua thư ký nhưng “vẽ” ra lời khai: “Sử dụng số tiền trên để hỗ trợ bà con nghèo nhân dịp khánh thành cầu Tắc Cạn (tỉnh Long An), hỗ trợ thăm người ốm, hỗ trợ đoàn công tác của UBND TP…” Có lẽ vì nhận ra độ trơ trẽn của câu chuyện, nên gần đây ông Dũng đổi lời khai, cho rằng không nhận bất kỳ khoản tiền từ quỹ hoạt động của HĐQT, BKS và tiền thù lao từ Công ty Sadeco.

Mời đọc thêm: Hoàn tất điều tra ông Tất Thành Cang vụ gây thiệt hại 157 tỉ đồng (TT). – Chuyển hồ sơ vụ án liên quan Tất Thành Cang sang Viện Kiểm sát để truy tố (LĐ). – Đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm (TN). – Ông Tất Thành Cang ‘gây thiệt hại 157 tỷ đồng’ (VNE). – Những phi vụ “dẫn lối” ông Tất Thành Cang vào vòng lao lý (GDTĐ). – Nguyên chủ tịch HĐQT SADECO Tề Trí Dũng khai báo quanh co, đối phó, né tránh trách nhiệm (NLĐ). Mời đọc lại: Ai tiếp tay thâu tóm Sadeco gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng? (TN). 

Hệ thống mục ruỗng

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao. Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí phát biểu khá cởi mở, thừa nhận những mặt tối trong hệ thống tư pháp VN. Báo Thanh Niên dẫn lời ông Trí: ‘Viện kiểm sát mà nói mạnh về chủ tịch tỉnh thì mai mốt không xin đất được’.

Ông Trí kể: “Một kiểm sát viên công tác ở VKSND cấp huyện, tỉnh ra tòa mà buộc anh phát biểu mạnh về ông chủ tịch tỉnh thì chắc mai mốt không xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm”. Vậy thì “quan hệ” đảng phái mới là luật thật sự ở VN, chỉ có một số quan chức lỡ chọn sai phe nhóm, trở thành “vật tế thần” trong các màn kịch “chống tham nhũng”. 

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Lê Minh Trí: Ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể. Theo đó, “ngay cả Viện trưởng VKSND Tối cao cũng phải dùng thuyết phục là nhiều chứ không phải lúc nào cũng nói thẳng đuột ra được”. Lẽ ra nên căn cứ pháp luật mà làm, đối với quan chức hay dân thường đều phải bị xử như nhau, nhưng ở VN thì luật pháp bị bẻ cong bởi chế độ đảng trị, kiểm soát cả 3 nhánh quyền lực.

Ông Trí kể thêm: “Vì ngay Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể. Tất nhiên, kiêng nể có nguyên tắc chứ không phải không có nguyên tắc. Vấn đề gì thuộc về lòng tin, về trách nhiệm đối với công việc chung là tôi bảo vệ”. Đã kiêng nể, nghĩa là cán cân luật pháp bị lệch, sao lại có chuyện phân biệt kiêng nể “có nguyên tắc” và “không có nguyên tắc”?

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu trong Hội trường QH sáng nay. Ảnh: Hoàng Hải/PLTP

Trong khi ông Trí có phần cởi mở thì Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn nói dối không biết ngượng. Báo Tiền Phong dẫn lời Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự. Phiên tòa sơ thẩm 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập VN và phiên tòa phúc thẩm nhóm Hiến pháp đều là bằng chứng cho thấy hệ thống TAND chỉ là công cụ của đảng, sẵn sàng tuyên án những người phản biện, nhằm bưng bít dư luận bất lợi cho chế độ.

Chiều nay, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ thông báo, thanh tra phát hiện sai phạm trong nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, VTC đưa tin. TTCP điểm lại một số vụ “đại án”, như vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, vụ cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, các dự án, gói thầu liên quan đến cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…  

Mời đọc thêm: Viện trưởng Lê Minh Trí: “Có những việc tôi biết bị ghét nhưng vẫn phải làm” (VNN). – Viện trưởng Viện Kiểm sát: Cần luật đăng ký tài sản, triệt đường giấu tiền tham nhũng (VOA). – Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng ngành tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (TT). – Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội (VTC). – Ngành Thanh tra cần chú ý thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu (PLVN). – Bị can đồng ý khắc phục 500 tỷ nhưng lại thay đổi sau khi gặp vợ (TP). – Đang yêu cầu bồi thường oan, 2 người bị khởi tố tiếp (PLTP). Mời đọc lại: Những vụ án oan chấn động ở Việt Nam (Zing). 

Tin giáo dục

Infonet đặt câu hỏi về hiện tượng trường tư đào tạo ngành y ‘tràn lan’: Bộ GD&ĐT nói gì? Trong mùa tuyển sinh 2021, ĐH Văn Lang dự kiến mở các ngành mới Y đa khoa, Y học cổ truyền. ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo dự kiến mở mới ngành Vật lý y khoa, Kỹ thuật y sinh. Mới đây nhất là ĐH Hoa Sen cũng dự kiến mở 4 ngành mới liên quan khối khoa học sức khỏe: Răng – Hàm – Mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh.

Một số chuyên gia lo ngại, “các ngành đào tạo về sức khỏe sẽ liên quan trực tiếp sinh mạng con người. Do đó, tất cả yếu tố từ chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở bệnh viện thực hành, kỹ năng thực hành đều quan trọng như nhau và phải được chú trọng”. Còn Bộ GD&ĐT chỉ đáp, “các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật”.

Báo Giáo Dục VN có bài: “Ma trận” lớp dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1 năm học 2021-2022. Ở Hà Nội hiện đang tràn lan các lớp học “chui”, do các phụ huynh muốn con em phải biết chữ trước cả khi vào lớp 1. Bài mô tả “lớp học” như sau: “Bên ngoài lớp học này là một căn hộ tập thể bình thường nhưng bên trong lại được tận dụng để mở lớp học. Hơn nữa, bên ngoài cũng không hề gắn biển lớp nên nếu không được giới thiệu cũng khó biết đây là lớp dạy cho trẻ sắp bước vào lớp 1 năm học tới đây”

Mời đọc thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc các trường tư thục mở ngành đào tạo sức khỏe (PLVN). – Hàng loạt trường ĐH mở ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe: Bộ GD&ĐT lên tiếng (TP). – Quan ngại cuộc đua mở ngành y, dược của trường tư thục (Zing). – Đánh giá các vấn đề của Đại học Tôn Đức Thắng cần tổng kết Đề án 158 (GDVN). – Trường THPT công lập được tự chủ biên chế: Hiệu trưởng có dễ lộng quyền? (VNN). – TP HCM: Danh sách hàng trăm trung tâm ngoại ngữ hết hạn (ĐĐK).  

***

Thêm một số tin: Tạm dừng xem xét điều chỉnh địa giới hành chính đến sau bầu cử Quốc hội khóa XV (VOV). – Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực ngày thứ 50, gia đình gửi thư khẩn (VOA). – Covid-19: Một năm sau khi bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, nguồn gốc virus vẫn chưa rõ ràng (RFI).

Báo chí Mỹ: Nhiều nhóm vũ trang đến Washington trước lễ nhậm chức của Biden (BBC). – Mỹ lo ngại an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden (TTXVN). Các gã công nghệ lớn đẩy Chủ nghĩa Trump ra khỏi mạng thế nào?Nhiều công ty ngưng tài trợ chính trị sau bạo động ở Điện Capitol — Bạo loạn Điện Capitol: ‘Nếu chúng tôi là người da đen thì đã bị giết’ (BBC).

Bình Luận từ Facebook