Sáu người chết ở nghị viện Hoa Kỳ – hậu quả thiệt của tin giả

Blog VOA

Nguyễn Hùng

11-1-2021

Người biểu tình ở bên trong tòa nhà Quốc Hội hôm 6 tháng Giêng. Nguồn: AP

Trong biến cố hy hữu trong lịch sử nền dân chủ Hoa Kỳ, sáu người trong đó có hai cảnh sát đã thiệt mạng khi đám đông xông vào toà nhà nghị viện Hoa Kỳ ở Capitol Hill. Đây là hậu quả phần nào không đáng ngạc nhiên của nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tung tin thất thiệt của Tổng thống Trump và số đông ủng hộ ông.

Trong những cố gắng cuối cùng nhằm thực hiện điều có thể coi là cuộc đảo chính để tiếp tục giữ ghế, Tổng thống Trump thúc giục các dân biểu Cộng hoà và những người ủng hộ ông tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử mà cho tới nay toà án ở mọi cấp, kể cả Toà Tối cao, đã kết luận rằng hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.

Vị tổng thống thứ 45 kêu gọi người biểu tình tiến tới Capitol và thúc giục họ hãy “mạnh mẽ” và “hoang dại”. Ngay cả khi họ đã xô cửa xông vào gây cảnh náo loạn và dẫn tới thương vong, ông Trump vẫn nói trong video mà sau đó Twitter đã gỡ bỏ rằng họ là những người “rất đặc biệt”.

Trong cùng video ông nhắc lại rằng đó là cuộc bầu cử “gian lận” và chiến thắng của ông bị đánh cắp, điều không hề được chứng minh tại toà án ở mọi cấp. Nhưng đối với các ủng hộ viên của ông, trong đó có cả những luật sư ở Việt Nam vốn vẫn thường ca ngợi nền pháp lý Hoa Kỳ, những gì ông Trump nói là sự thật.

Nhưng nếu những gì ông Trump nói là thật thì toàn bộ nền tư pháp Hoa Kỳ là đồ bỏ đi và rất nhiều trong số trên 81 triệu phiếu bỏ cho ông Joe Biden là không có thực. Nếu vậy cũng không loại trừ nhiều trong số 74 triệu phiếu ủng hộ chính ông Trump cũng không hợp pháp. Như vậy ông Trump nói Hoa Kỳ là một “quốc gia củ chuối” mà tại đó gian lận bầu cử rộng khắp và toà án tiểu bang cũng như liên bang đều thông đồng với đảng đối lập để chống lại ông.

Cần nhắc lại rằng, ông Trump thắng bà Hillary Clinton hồi năm 2016 về số phiếu đại cử tri nhưng vẫn thua về tổng số phiếu tới gần ba triệu. Khi đó ông không hề phàn nàn gì về cả hệ thống bầu cử lẫn nền tư pháp Hoa Kỳ mà trong mấy năm qua chính ông đã thành công trong việc bổ nhiệm hơn 200 vị trí trong hệ thống toà án ở mọi cấp, nhất là tại Toà Tối cao.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump tìm mọi cách để tại vị vì ông có thể đối mặt với nhiều vụ kiện một khi rời ghế tổng thống, cũng như vì sự cám dỗ lớn của quyền lực. Và chuyện vị tổng thống có hàng chục tuyên bố sai sự thật mỗi ngày trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống cũng đã được truyền thông nói tới.

Sự tấn công truyền thông chính thống bên cạnh việc lan toả tin giả của ông Trump phần nào khiến niềm tin vào truyền thông trong số ủng hộ viên của ông chỉ là 13%, giảm một nửa so với năm 2015. Điều này tương phản với con số 39% những người ủng hộ ông Biden tin vào truyền thông, tăng 4% so với hồi năm 2015.

Theo dõi những ủng hộ viên của ông Trump trên mạng xã hội có thể thấy họ hoàn toàn sống trong một thế giới khác do ông Trump tạo ra. Lúc đầu họ tin Tòa Tối cao sẽ đảo ngược kết quả bầu cử. Rồi họ tin nhiều đại cử tri sẽ chuyển sang bầu cho ông Trump. Và cuối cùng họ hy vọng các nghị sỹ Cộng hoà và Phó Tổng thống Mike Pence có thể đảo ngược kết quả bầu cử trong cuộc kiểm phiếu đại cử tri vốn thường chỉ mang tính chiếu lệ hôm 6/1. Đó chính là ngày đã đi vào lịch sử như một vết nhơ trong nền dân chủ Hoa Kỳ.

Điều ông Trump đã thành công trong nhiệm kỳ tổng thống là khiến nhiều triệu người sẵn sàng tin vào “thông tấn xã vỉa hè”. Họ chỉ đọc những nguồn họ thích, thay vì đối chiếu nhiều nguồn để xác thực thông tin. Họ cũng chỉ tin vào công lý khi công lý đứng về phía họ. Và họ sẵn sàng tin những gì tổng thống nói, kể cả khi ông nói những chuyện hoang đường.

Bình Luận từ Facebook