Đỗ Thành Nhân
4-1-2021
I. Tù tội
Nhiều người hay nói đến “tù tội” như là một từ ghép có quan hệ logic, nhân quả là “có tội phải vào tù” (thường hiểu theo trào lưu 4T là “tình – tiền – tù – tội”). Tuy nhiên, không phải ai “vào tù” cũng “có tội”, chính vì vậy mà có “Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”[*]. Và thực tế cũng không ít người không có tội mà phải vào tù với án rất nặng như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long…
Theo dõi vụ Đồng Tâm [*], chắc là cho đến lúc chết ông Lê Đình Kình [1.1] không biết chết vì tội gì, bởi ông vẫn cố giữ cho mình là một đảng viên trung kiên, một cán bộ hưu mẫu mực, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Chính phủ trong công cuộc chống tham nhũng.
Không riêng Việt Nam, lịch sử tư pháp thế giới cũng vậy, không phải cứ có tội là vào tù, và những người ở tù chưa chắc đã có tội. Vì vậy mà ở Việt Nam, từ ghép “tù tội” còn được hiểu là những người bị “tù đày” là “tội nghiệp, đáng thương”, trong số những người tù, có người tự hào và được xã hội tôn trọng. Lịch sử hiện đại Việt Nam không ít người bị tống vào tù vì thể hiện lòng yêu nước, chống xâm lược, phản biện chính sách với trách nhiệm của công dân; lên tiếng đòi tự do, công lý, quyền con người…
Đặc biệt với các tội liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia thì những người tù bị quy chụp theo cảm tính của nhà cầm quyền. Cùng một hành vi nhưng người này có tội, người khác thì không sao; địa phương này buộc tội, địa phương khác không quan tâm; thời điểm này có tội, thời điểm khác không sao v.v… đến nỗi người bị buộc tội không biết mình bị tội gì, có người vào tù rồi nhưng vẫn không ký nhận tội!
Quay lại thời hiện tại, quá nhiều người bị bắt và bị kết án tù vì những tội danh liên quan đến “chính quyền nhân dân”, “tự do dân chủ”, … chúng ta hãy xem họ có tội không, trên nguyên tắc “không thể tác động vào cái không tồn tại”, nguyên tắc này làm cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
II.- Chính quyền nhân dân là gì?
Tôi tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài, tìm hiểu quy mô dự án rồi tôi trao đổi với họ các thủ tục phải thực hiện với chính quyền; từ giấy phép đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng đến PCCC, ĐTM, giấy phép vận hành …; trong đó thủ tục nào phải làm việc với chính quyền địa phương, thủ tục nào phải làm việc với chính quyền trung ương.
Nghe xong nhà đầu tư hỏi: Có thủ tục nào phải làm việc với chính quyền nhân dân?
Tôi nói với họ: Chính quyền nhân dân là một khái niệm, không phải là một thực thể.
Nhà đầu tư hỏi tiếp: vậy tại sao lại có tội danh liên quan đến chính quyền nhân dân?
Người đã mang tiền ra nước ngoài đầu tư, tìm hiểu luật pháp sở tại, câu hỏi của họ không phải là ngớ ngẩn. Tôi cố gắng trả lời câu hỏi của nhà đầu tư.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra: “Chính quyền nhân dân là gì?”
1. Hợp hiến và hợp pháp?
Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, về các tên gọi tổ chức gắn với từ “NHÂN DÂN” được định danh, định nghĩa trong hệ thống tổ chức nhà nước: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (Chương VIII); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (Chương IX); Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (Chương IV). Gắn với từ “CHÍNH QUYỀN”, có “Chính quyền địa phương” (Chương IX).
Ngoài ra còn có các luật làm rõ các khái niệm, tên gọi các tổ chức ghi trong Hiến pháp: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật về sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, .v.v…
Tra cứu các từ điển online Tiếng Việt: có định nghĩa “chính quyền”, đều không có định nghĩa “chính quyền nhân dân” (hình 1.1)
Như vậy, xem xét dưới nhiều góc độ: Hiến pháp, Luật, Ngôn ngữ thì không tồn tại một tổ chức nào mang tên “chính quyền nhân dân”.
2. Tội danh liên quan “chính quyền nhân dân”
Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, cụm từ “chính quyền nhân dân” lặp lại 17 lần trong 11 tội danh, gồm:
(1) Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
(2) Điều 112. Tội bạo loạn;
(3) Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;
(4) Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
(5) Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội;
(6) Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết;
(7) Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
(8) Điều 118. Tội phá rối an ninh;
(9) Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ;
(10) Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân;
(11) Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Theo Bộ luật hình sự hiện hành, các tội danh có liên quan tới “chính quyền nhân dân” với mức án khá cao; có trường hợp lên đến chung thân, tử hình.
Tuy nhiên, trong cả hai văn bản luật hình sự lại không thấy điều khoản nào định nghĩa “chính quyền nhân dân” là gì? Còn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có 35 từ “chính quyền” nhưng không có cụm từ “chính quyền nhân dân”.
III. Đi tìm câu trả lời
Mỗi khi có điều kiện gặp những người am hiểu về luật là tôi nhờ họ giải thích “chính quyền nhân dân” là gì? Thường thì không ai muốn trả lời. Một số ít người có vẻ am hiểu, nhưng mỗi người giải thích một kiểu, đại loại như:
– “Chính quyền nhân dân là chính quyền do người dân bầu ra”;
– “Chính quyền nhân dân là chính quyền của dân, do dân, vì dân”;
– “Chính quyền nhân dân được hiểu là hệ thống các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội thực hiện quyền lực của nhân dân” v.v…
Nói chung, các câu trả lời là cảm tính, hoàn toàn không mang tính khoa học và cơ sở pháp lý. Nếu hỏi sâu vào định nghĩa của họ và vặn lại thì người trả lời bế tắt, ví dụ: “Chính quyền nhân dân” khác với “Chính quyền” như thế nào?
Với hy vọng cuối cùng, tôi gửi email đến các cơ quan có khả năng giải đáp pháp luật [2.1] để mong có được câu trả lời thỏa đáng, như: Bộ Tư pháp, Hội Luật gia, Văn phòng Quốc hội, … (xem hình 2: Email và hình 3: Nội dung).
Cho đến nay vẫn không có bất kỳ một cơ quan nào trả lời câu hỏi: “Chính quyền nhân dân là gì?” Tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu để trả lời cho nhà đầu tư nước ngoài, vẫn chưa xong!
Nói thêm: Theo số liệu thống kê của người viết bài, ít nhất cũng 99% số người đã gặp, không thể hiểu được khái niệm “chính quyền nhân dân là gì?”. Mục đích của bài viết là làm rõ các khái niệm pháp lý để nhiều người, ít ra những người có trình độ đại học, cao đẳng (ngoài chuyên ngành luật) hiểu được, mang tính phổ thông.
Các vị an ninh, tuyên giáo chớ vội chụp mũ là lợi dụng này nọ; nếu muốn thì cứ tranh luận một cách văn minh, tôn trọng.
(Còn tiếp)
______
Ghi chú:
[*] Tra Google nội dung trong ngoặc kép (“”)
[1.1] Lê Đình Kình: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_%C4%90%C3%ACnh_K%C3%ACnh
[2.1] Website có khả năng giải đáp pháp luật
Bộ Tư pháp: Email banbientap@moj.gov.vn, hoidapphapluat@moj.gov.vn; Website https://hdpl.moj.gov.vn/Pages/home.aspx
Hội Luật gia: Email hoiluatgiavn@gmail.com, Website http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/hoi-dap-pl-c38/
Văn phòng Quốc hội: Email thuvienquochoi@qh.gov.vn
” Chính quyền nhân dân ” chỉ là sáo ngữ để qua đó chính quyền tạo cho mình tính chính danh để cai trị.
Có lẽ 1 câu trọng tâm của tác giả đòi hỏi được trả lời trong phần 2 điểm 1 „Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951)“: Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính quyền dân chủ của nhân dân nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ. Những tầng lớp nhân dân ấy chuyên chính đối với đế quốc xâm lược và bọn phản quốc. Cho nên nội dung chính quyền đó là nhân dân dân chủ chuyên chính.
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ii/chinh-cuong-dang-lao-dong-viet-nam-1448