Tâm tư ngày thành lập QĐND Việt Nam

Dương Quốc Chính

22-12-2020

VN là một nước sống trong chiến tranh quá lâu nên quân đội có sức ảnh hưởng khủng khiếp. Ngày thành lập QĐND mà hầu hết các cơ quan dân sự kỷ niệm.

Quân đội có một quốc gia riêng trong một quốc gia, có đầy đủ bộ máy từ trường học, doanh nghiệp, bệnh viện… cho đến sân golf. Giờ không thế lực nào, kể cả đảng, dám động đến quyền lợi của quân đội. Kể cả Tổng bí thư mà va chạm với họ là anh em em cũng tâm tư ngay.

Út “trọc” tương đối giống Vũ “nhôm” về việc lợi dụng tem nhãn lực lượng vũ trang để làm ăn, nhưng việc bắt, đánh án, báo chí đấu tố cho đến án đều nhẹ nhàng hơn Vũ “nhôm”. Đảng dám đốt lò bên Bộ công an chứ đố dám đốt bên Bộ quốc phòng. Anh em quân đội mà tâm tư là đảng cũng phải xoắn. Bên Liên Xô đã từng có xe tăng tham gia đảo chính Gorbachev rồi.

Về mặt tư tưởng, đa số anh em Cựu chiến binh thường có tư tưởng thủ cựu, siêu bảo thủ, bảo hoàng hơn vua. Chính quân đội đang là thế lực mạnh nhất chống lại sự hòa giải dân tộc và cải cách thể chế, chứ không phải đảng CS.

Vừa rồi có việc ông Hà, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử đảng (đại khái thế) tham gia biên soạn bộ sử VN, ông này mới chỉ nói là sẽ không dùng từ “Ngụy” nữa, thay bằng từ không mang tính miệt thị. Nhưng lập tức phe QĐ, đại diện bởi một ông tướng về hưu, đến gặp TƯ đảng, Phó Thủ tướng, để cảnh cáo, gây sức ép với giới chuyên môn lịch sử, yêu cầu vẫn phải dùng danh xưng “Ngụy” với chế độ cũ. Chừng nào còn dùng từ đó thì còn chưa thể hòa hợp dân tộc.

Buồn cười nữa là ông Vũ Đức Đam lẫn mấy ông sử gia cũng chả dám cãi ông tướng về hưu kia. Vẫn phải xoa dịu ông tướng là “bản chất đó vẫn là Ngụy mà”. Quân đội đè luôn sử gia, nhục không để đâu cho hết.

Quân đội ta đúng là kiêu binh mất rồi.

***

Ai làm anh cả toàn quân? (Stt đăng lại từ năm 2015)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: internet

Theo mình thì ông Giáp chưa phải là anh cả toàn quân đâu. Ông Chu Văn Tấn là Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của VNDCCH. Ông Chu Văn Tấn và ông Phùng Chí Kiên là hai người lãnh đạo Cứu quốc quân, sau sát nhập với Đội VN tuyên truyền giải phóng quân (do ông Võ Nguyên Giáp thành lập) để trở thành giải phóng quân, sau đổi tên thành QĐND VN. Phùng Chí Kiên bị chết sớm, nếu xét tuổi đời, tuổi quân và học vấn về quân sự thì Phùng Chí Kiên mới là anh cả, Chu Văn Tấn là anh hai, Võ Nguyên Giáp là anh ba thôi.

Ngày thành lập QĐND VN lấy theo ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là 22-12-1944, trong khi đó Cứu quốc quân thành lập ngày 14-2-1941. Cứu quốc quân và đội VNTTGPQ sát nhập ngày 15-5-1945 thành giải phóng quân. Lẽ ra ngày thành lập QĐND VN phải lấy theo ngày sát nhập nhưng lại lấy theo ngày thành lập đội quân đàn em sinh sau do ông Giáp thành lập. Như vậy, có thể hiểu là Đội VNTTGPQ của ông Giáp đã “thâu tóm” đội Cứu quốc quân của ông Chu Văn Tấn, bây giờ gọi là M&A! Hoặc phũ phàng hơn thì là mua với giá 0 đồng, theo cách mà Ngân hàng NN đã làm!

Tuy nhiên, éo le thay, sau vụ M&A thì ông Chu Văn Tấn lại là Tổng giám đốc đầu tiên, sau đó ông Giáp mới vượt lên làm TGĐ, ông Chu Văn Tấn chuyển sang làm TGĐ công ty khác, gọi là Công ty Việt Bắc, có con dấu và tài khoản riêng là công ty con của Tổng công ty VNDCCH!

Số phận “người anh cả” Chu Văn Tấn (Phùng Chí Kiên chết sớm nên không tính) cũng rất éo le. Bị vu cho là “tư thông” với Tàu nên bị thất sủng, bỏ tù đến chết, Công ty Việt Bắc bị giải thể.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Anh Cả toàn quân là tướng Trần Canh, quyền đủ để phân công nhiệm vụ cho ô Giáp trong chiến dịch Biên Giới & Điện Biên Phủ .

  2. Sau năm 1075 đến nay,Quân đội lập được CÔNG trạng gì không biết nhưng biết việc chiếm đất sân bay TSN làm nhà hàng,sân gôn thì thấy Quân đội không đáng tôn Trọng vì xem thường tính mạng mọi người,chỉ nghĩ đến lợi ích một nhóm nhỏ,thật đáng chê trách!

    • Mâm nào đĩa bát ấy, trong quân đội có tới mấy giai cấp, quân ủy, chính ủy, đảng ủy… rồi mới đến cu ly sàn sàn tù nhân lương tháng. Sĩ quan đảng viên chúng nó phàm ăn, tiền của không để đâu cho hết, chửi lính như con, sợ Tàu như cọp.

  3. Ai cũng hiểu được là 1 đứa con được chiều quá mức sẽ sinh hư và ở giác độ nhà nước lại có vũ khí, quân sỹ đông đảo thì đúng là quân đội có thể phản lại chính người sinh ra nó như kinh nghiệm nhiều nước, nên ở các nước các nguyên thủ quốc gia, đảng cầm quyền không muốn bị phản thì chọn cách nhẹ nhất, có lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích của mình là: tiếp tục chiều nó, vì tiền của nhà nước “tiền chùa”, chứ mình, tổ chức mình có sợ mất đồng nào mà sợ. Và cuối cùng chi phí đắt đỏ cho quân đội hay cả lực lượng cảnh sát thì chỉ có dân là è cổ ra gánh chịu. Ở nhà nước không độc tài thì có khả năng có phản biện đủ mạnh để cho không dễ dàng bỏ tiền vô lối chiều chuộng quân đội, cảnh sát, kể cả nhưng lí do khá chính đáng – tuy nhiên ở những nước độc tài thì làm việc đó dễ dàng, dù rất vô lý như lương bổng quá cao (còn do thời gian thăng quân hàm cứ theo niên hạn là lên – ví dụ VN 2, 3 năm – chứ không khó và chậm lên như bên dân sự). Còn quân số quá cao bên công an thì vừa rồi Quốc hội và báo chí Việt Nam đã nhắc nhiều. Để chống nạn kiêu bình thì ít nhất xã hội cần có sự phản biện với những cái dở do quân đội gây ra, chứ nhìn rộng dân chúng vẫn tín nhiệm quân đội quá cao, chứ chả riêng các ngành dân sự (thắng 2 đế quốc to, hy sinh ….), chứ hiểu và phản biện những cái dở quá ít – và đó là cơ sở quan trọng họ cho họ là những đối tượng xứng đáng được xã hội tôn trọng và cả “chiều chuộng”! Tóm lại ở VN nên đặt và đánh giá quân đội (kể cả công an) đúng vị trí của nó, không đề cao cũng không hạ thấp xét theo những cái làm tốt cho dân tộc, cho đất nước – có so sánh với các tiêu chuẩn tiến bộ thế giới (mức lương vừa phải, ưu tiên có mức độ trong thời chiến như nơi có ác liệt hay quân đội không làm kinh tế …) chứ quân đội các nước họ chả phục vụ cho nhóm lợi ích nào như họ không nói quân đội nhân dân – nhưng bản chất của họ lại chỉ phục vụ nhân dân nói chung trong đó tự động có đảng …, – và nếu lành mạnh được như vậy sẽ không còn, hay ít nhất bớt nạn kiêu binh!

Comments are closed.