BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Nhà báo Đặng Sơn Duân đưa tin: Tàu sân bay Sơn Đông xuống Biển Đông. Tác giả dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, cho biết tối qua, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cùng 4 tàu hộ tống đã băng qua eo biển Đài Loan, tiến xuống Biển Đông trong cùng ngày. Phía Đài Loan đã cử 6 tàu hải quân và 8 máy bay theo dõi quá trình di chuyển của biên đội tàu TQ.
Ông Duân chia sẻ một số ảnh vệ tinh cho thấy, trước đó, tàu Sơn Đông đã rời cảng Đại Liên, rồi được phát hiện ở vị trí phía bắc Hoàng Hải trên đường hướng xuống phía nam. “Đây lần thứ hai tàu Sơn Đông trở lại Biển Đông, sau lần đầu tiên đến căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam để tổ chức lễ biên chế, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đến Biển Đông tập trận. Hải quân TQ thông báo, tàu sân bay Sơn Đông và các tàu hộ tống của TQ đã băng qua eo biển Đài Loan “một cách suôn sẻ”, trong tình hình Đài Loan huy động lực lượng theo dõi các tàu TQ.
Hải quân TQ cũng thông báo, tàu sân bay Sơn Đông tiến xuống Biển Đông để tham gia tập trận định kỳ, cuộc tập trận là một phần của “các thỏa thuận bình thường được thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự dựa trên nhu cầu đào tạo”.
Báo Dân Trí có bài: Chuyên gia dự báo Mỹ – Trung sẽ tiếp tục đối đầu ở Biển Đông. Còn đúng một tháng nữa là ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, chuyên gia người Philippines Richard Heydarian bình luận, khi chính quyền Mỹ chuyển giao từ ông Donald Trump sang ông Joe Biden, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ hay TQ sẽ xuống nước trong vấn đề Biển Đông.
Mời đọc thêm: Nhóm tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông tập trận (TP). – Trung Quốc lại cho tàu sân bay xuống Biển Đông tập trận (RFI). – Tàu sân bay Trung Quốc sắp diễn tập trên Biển Đông (VNE). – Đề phòng tàu sân bay trục trặc, Trung Quốc phải mang thêm tàu kéo hỗ trợ (ANTĐ). – Mỹ – Philippines bàn chuyện củng cố phán quyết về Biển Đông (TN).
Tin “đốt lò” Bắc – Nam
Ở miền Bắc, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã hoàn tất cáo trạng và chính thức truy tố 19 bị can vụ Cty Gang thép Thái Nguyên: Gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng, trang Pháp Luật VN đưa tin. Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến các sai phạm trong dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị có liên quan.
Dự án này ban đầu có tổng mức đầu tư được duyệt hơn 3.800 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim TQ (MCC) vào năm 2007, giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu Mỹ kim, nghĩa là hơn 3.500 tỉ đồng. Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng lại đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu Mỹ kim, tức hơn 3.000 tỉ đồng.
Báo Đất Việt đặt câu hỏi về thiệt hại trong vụ án Gang thép Thái Nguyên: Bãi rác giá… ngàn tỷ? Tin cho biết, sau khi MCC đưa ra đề nghị trên, ông Trần Văn Khâm, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TISCO đã ký văn bản gửi Tổng Công ty thép VN (VNS) xin ý kiến chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên đến 8.100 tỉ đồng.
Rõ ràng, đây là dự án “cúng” tiền cho TQ: Ban quản lý dự án “sẵn sàng thanh toán cho MCC – tổng thầu Trung Quốc trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành. Nói nôm na, họ quản lý theo kiểu dễ dãi đem tiền ngân sách ra trao cho phía tổng thầu”. Dự án này đã đánh đổi 8.100 tỉ đồng để lấy một đống phế liệu, để bây giờ cần ít nhất 2000 tỉ để “tái khởi động” đống phế liệu đó.
VTC có clip về diễn biến mới của vụ án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Đề nghị truy tố 19 bị can.
VietNamNet có bài: Vụ gang thép Thái Nguyên và lời khai của nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương. Lê Dương Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương khai nhận, giai đoạn 2007-2014, trong quá trình triển khai dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dựa trên đề xuất của Vụ Công nghiệp nặng, ông Quang “đã ký các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án này”.
Vụ điều tra sai phạm ở dự án gang thép Thái Nguyên là một trong các vụ “đốt lò” có diễn biến khó lường nhất ở miền Bắc thời gian tới. Có 2 lý do: 1. Một trong những người chịu trách nhiệm chính của vụ này là cựu Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải, chính là phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, thời 3X còn làm Thủ tướng.
2. Trong vụ này có trách nhiệm liên đới của cả Tập đoàn luyện kim TQ, một trong các doanh nghiệp quốc doanh chủ lực của “bạn vàng”. Nếu phe Tổng – Chủ không “làm màu” vụ này thì kiểu gì cũng đụng đến những “góc tối” rất nhạy cảm của chế độ.
Ở miền Nam, công an TP HCM đã tổ chức họp báo sáng nay, nói về quá trình điều tra ông Tất Thành Cang, Zing đưa tin. Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng PC03 thông báo, Công an thành Hồ đã giao phòng này thụ lý điều tra vụ án “Vi phạm quy định trong việc quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Tân Thuận (IPC) và Công ty Sadeco.
Thượng tá Thành nói: “Vụ án được chúng tôi tiếp nhận điều tra trên cơ sở kết luận thanh tra của TP. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Công an TP.HCM phối hợp chặt chẽ với VKSND, đánh giá tài liệu chứng cứ để xác định vai trò cá nhân liên quan đến sai phạm trong vụ bán 9 triệu cổ phiếu Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim không thông qua đấu giá”.
Báo Người Lao Động cho biết, theo Công an TP HCM thông tin: Ông Tất Thành Cang bị bắt cùng 18 đồng phạm. Phía công an chưa nói rõ danh sách các đồng phạm sắp ra tòa cùng với Sáu Cang, chỉ cho biết có tất cả 19 bị can trong vụ án này bị điều tra liên quan đến những sai phạm xảy ra trong vụ Công ty Tân Thuận bán rẻ “đất vàng” ở khu Phước Kiển và vụ Sadeco bị Nguyễn Kim thu tóm.
Cũng trong buổi họp báo, công an TP HCM nói về vụ ông Diệp Dũng – cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op gây thiệt hại 29 tỷ đồng, theo VOV. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói: “Cơ quan điều tra sẽ điều tra theo kiến nghị của Thanh tra TP HCM trong việc tăng vốn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thêm hành vi này”. Không rõ liệu cơ quan điều tra có đụng tới được các cá nhân đã từng che chở cho “đại gia” tư bản đỏ Diệp Dũng hay không.
BBC đặt câu hỏi về tình hình “đốt lò” ở Việt Nam: Công an nói gì về vụ bắt giữ Tất Thành Cang? Ngoài thông tin từ phía công an như đã dẫn ở trên, LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng QH, nói:
“Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt, làm chưa đến nơi đến chốn, thì chưa đạt. Đó cũng là một sự chờ đợi của nhân dân. Có những cán bộ, đảng viên lão thành đang cho rằng đã làm thì phải làm triệt để. Và ở đây còn chưa nói tới những sai phạm lâu dài, kéo dài liên quan tới vụ Thủ Thiêm và rõ ràng là có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ một, nhưng đã được xử lý không đến nơi đến chốn, nửa vời”.
Mời đọc thêm: Vụ Gang thép Thái Nguyên: 19 bị can gây thiệt hại 830 tỷ đồng (TP). – Vụ sai phạm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên: Gây thiệt hại 830 tỉ đồng, 19 bị can bị đề nghị truy tố (BVPL). – Cựu TGĐ Công ty Gang thép Thái Nguyên gây thiệt hại 830 tỷ đồng thế nào? (VTC). – Đại dự án 8.000 tỷ ‘đắp chiếu’: Ba đời Tổng giám đốc bị khởi tố (VNN). – Công an TP.HCM công bố thông tin vụ ông Tất Thành Cang (TN). – Công an TP.HCM nói về vụ bắt Tất Thành Cang (PLTP). – Công an TP.HCM thông tin vụ bắt ông Tất Thành Cang, ông Diệp Dũng (TT).
Ngày xử thứ 7 trong lần ra tòa thứ 4 của Đinh La Thăng
Phiên tòa xử vụ sai phạm trong dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương bước sang ngày làm việc thứ 7. Dù trước đó đại diện VKSND TP HCM công bố một số “bằng chứng” cho thấy, Đinh La Thăng không bị truy tố oan, hôm nay, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn tiếp tục cho rằng VKS tìm cách quy chụp, gán tội lên đầu ông.
VnExpress dẫn lời ông Đinh La Thăng: ‘VKS ném cục lửa vào chúng tôi’. Về cáo buộc nghiêm trọng nhất trong vụ này, nhắm vào số tiền 725 tỉ mà phía VKS cho rằng nhà nước chịu thiệt hại, ông Thăng phản biện, “VKS trích dẫn rất nhiều văn bản nhưng đã nhầm lẫn về quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản”. Trong trường hợp dự án chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc Nhà nước, còn quyền được thu phí đã được chuyển giao trong thời hạn 5 năm.
Bị cáo Thăng cho rằng, quan điểm luận tội của VKS giống như “ném cục lửa vào chúng tôi”. Ông Thăng tiếp tục gọi tên “đồng chí X”: “Khi Bộ GTVT làm dự án chuyển giao quyền thu phí cao tốc Trung Lương là thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao”. Thăng nói thêm: “Dự án này Ngân hàng BIDV không bán được mới trả lại cho Chính phủ. Chính phủ sau đó giao cho Bộ GTVT chứ không phải miếng béo bở mà chúng tôi tranh giành”.
Báo Tuổi Trẻ có clip, ghi lại diễn biến trên màn hình, truyền hình ảnh từ phòng xử án, có lời trực tiếp của ông Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa, ‘nếu tôi là vai trò chính thì vai phụ là ai’.
Đáp lại lời phản biện của ông Thăng, VKS tiếp tục khẳng định, bị cáo Đinh La Thăng trực tiếp liên quan đến sai phạm thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương, VOV đưa tin. Phía VKS lập luận, vụ bị cáo Thăng không chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Yên Khánh theo thẩm quyền Bộ trưởng Bộ GTVT là một trong các nguyên nhân để bị cáo Đinh Ngọc Hệ thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Phần tranh luận giữa HĐXX, VKS và các bị cáo đã kết thúc sáng nay.
Buổi chiều, các bị cáo được phép nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Báo Thanh Niên dẫn lời ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng: ‘Mong HĐXX có một bản án nhân văn’. Bị cáo Thăng gửi lời cảm ơn HĐXX vì đã để bị cáo và LS được trình bày, tranh luận nhiều lần tại tòa. Đây là tình tiết mà một số ý kiến trên các diễn đàn “lề trái” lưu ý, khác với các phiên xử trước, lần này báo chí “lề đảng” đưa tin khá thoải mái về những lời ông Thăng “phản đòn” VKS, cho rằng mình bị quy chụp.
Về những rủi ro của “nghề làm quan” ở VN trong thời đảng trị, báo Nông Nghiệp VN dẫn lời ông Đinh La Thăng: ‘Làm càng nhiều thì sai sót càng lớn’. Ông Thăng nói về “rừng luật” và “luật rừng” ở VN: “Việc thực hiện dự án hoàn toàn theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong quá trình triển khai dự án kéo dài, nhiều văn bản chồng chéo, cách hiểu khác nhau. Ngay cả cơ quan pháp luật cũng 4 lần thay đổi tội danh và phải mất 2 năm mới có kết luận, nên đây là vấn đề hết sức phức tạp”.
Ông Thăng nói thêm: “Vi phạm trình tự thủ tục là không thể tránh khỏi. Làm càng nhiều thì rủi ro, sai sót càng lớn. Ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh”. Về điểm này thì ông Thăng có lý, do “đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, nên đảng quyết định ai sai thì người đó sai. Ngay cả người đứng đầu đảng dù có sai bét nhè đi nữa, nhưng đảng bảo không sai thì cũng không ai được nói ngược lại.
Báo Thanh Niên có clip ghi lại toàn bộ lời ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng: “Làm nhiều sai nhiều, không làm không sai”.
Báo Tuổi Trẻ thuật lại lời ông Đinh La Thăng: ‘Xin miễn trách nhiệm cho anh Trường’. Ông Thăng tiếp tục diễn màn kịch “chịu trách nhiệm của người đứng đầu”, nhưng ông không quên lưu ý là ông chỉ nhận trách nhiệm hành chính – chính trị chứ không phải trách nhiệm hình sự. Theo ông Thăng, các cựu thuộc cấp của ông ở Bộ GTVT đều đã làm đúng theo quy định của pháp luật, ông xin HĐXX miễn tội cho cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, “là người được ông Thăng rất tin tưởng”.
Học theo ông Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường: ‘Mong HĐXX khoan hồng cho anh em của Bộ GTVT’, VTC đưa tin. Bị cáo Trường nói: “Tôi xin chân thành chấp nhận mọi hình phạt của phiên tòa, mong HĐXX khoan hồng cho toàn bộ anh em của bộ GTVT”. Phiên tòa bước vào phần nghị án, bản án sẽ được tuyên vào ngày mai 22/12, sớm hơn dự kiến 3 ngày so với thời gian xét xử dự kiến được thông báo vào ngày xử đầu tiên.
Mời đọc thêm: Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc sai phạm liên quan đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (ĐĐK). – Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Các bị cáo bị ném “cục lửa” quá lớn (KTĐ). – Luật sư: VKS hãy rút cáo buộc ông Thăng gây thiệt hại 725 tỉ (PLTP). – Bộ trưởng Đinh La Thăng ‘bút phê’ gửi Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đúng hay sai? (TP).
– Chờ tuyên án, bị cáo Đinh La Thăng nói lời gì sau cùng? (VNN). – Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng nói chỉ sai phạm về quy trình thủ tục hành chính (ĐT). – Nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng nhận mọi trách nhiệm về mình (VTC). – Ông Đinh La Thăng xin miễn tội cho cấp dưới ở Bộ GTVT (Zing).
***
Thêm một số tin: Giáo dục Việt Nam một năm với bao tai tiếng (RFA). – Năm 2020: Thời điểm mọi thứ thay đổi, thế giới không thể trở lại như trước (VOV). – Mỹ đóng cửa hai lãnh sự quán cuối cùng tại Nga (RFI). – Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công (VOA). – Covid-19: Nhiều nước EU đóng cửa với Anh do biến thể virus mới (BBC). – Covid-19: Châu Âu bấn loạn giữa vac-xin, tiêm chủng và virus đột biến (RFI). – Hiệp định đầu tư, Liên Âu lại sa bẫy Trung Quốc? (RFI).