Kỳ thị “Taxi công nghệ” ở Tân Sơn Nhất: Là tiêu cực chứ không phải là bệnh đãng trí bác học

Huy Đức

25-11-2020

Nhà chức trách hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa cho phân thành 4 làn xe đón, đưa. Theo đó, làn A, gần với sảnh sân bay nhất, dành cho việc đưa khách đến sân bay; làn B và C, đón khách không kinh doanh, ví dụ như xe gia đình, xe công ty…; làn D, dành cho xe taxi.

Tại sao lại phân biệt xe nhà với grab, taxi.

Thoạt nghe cứ tưởng các nhà quản lý sân bay mắc bệnh đãng trí của Einstein [đã khoét một lỗ to cho chó rồi còn khoét một lỗ nhỏ cho mèo]. Nhưng xem kỹ thì đây là vấn đề lợi ích riêng của sân bay và có dấu hiệu dung túng cho các kiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Đành rằng, Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoạt động như một công ty. Nhưng, giao thông công cộng là dịch vụ công. Phần hạ tầng được đầu tư chủ yếu từ ngân sách này là nhằm phục vụ tốt hơn cho hành khách chứ không phải cho những hãng taxi “đã đăng kí nhượng quyền với cảng”. Buộc “taxi công nghệ” phải trả phí 25 nghìn đậu xe trên bãi đỗ tầng Tư là đánh vào tính minh bạch quốc gia và đánh vào hành khách.

Ngay cả nếu phương thức này được áp dụng tạm thời để gây áp lực “đàm phán” với “taxi công nghệ” thì đó cũng là cách kiểm soát của “Khánh Trắng, Năm Cam…” chứ không phải của những nhà chức trách hàng không; không phải của những nhà cung cấp dịch vụ công đặt lợi ích chung lên trước nhất.

Tôi không rõ, mục tiêu quản lý của ACV là “có thu” hay nhằm giải phóng khách ra khỏi sân bay nhanh nhất. Lẽ ra, sân bay nên phân luồng cho xe trên 7 chỗ ở ngoài cùng, khách ra vào sân bay có thể đi cầu vượt thấp (cao hơn xe dưới 7 chỗ) hoặc hầm để vào nhà ga; xe dưới 7 chỗ (linh hoạt) ở các làn trong cùng, chứ không phải phân làn theo loại xe kinh doanh hay không kinh doanh.

Lẽ ra các phương tiện giao thông công cộng (taxi truyền thống và taxi công nghệ) phải được ưu tiên, vì nó không phải phục vụ một người mà phục vụ nhiều người. Lẽ ra các loại xe đón khách không kinh doanh (như xe gia đình, xe công ty…) càng không được ưu tiên vì những loại xe này thường kéo theo một lượng người đưa đón và đôi khi đỗ lại lâu hơn ở sân bay không cần thiết.

Các loại phí thu ở sân bay phải là thống nhất, xe 4 chỗ giá riêng, 7 chỗ giá riêng… bất kể có kinh doanh hay không kinh doanh; bất kể taxi công nghệ hay taxi truyền thống. Một cơ quan quản lý, kinh doanh dịch vụ công mà âm thầm đàm phán để có “giá riêng”, để ưu tiên cho hãng này hơn hãng kia không chỉ vi phạm nguyên tắc quản trị công mà còn vi phạm các nguyên tắc căn bản về đạo đức.

Các hãng taxi công nghệ và kể cả các hãng taxi chịu “nhượng quyền” với giá cao hơn cần kiện hành chính hoặc đưa ACV ra tòa kinh tế. Trước hết, Bộ trưởng Bộ Giao Thông nên cách chức những ai dung túng cho cung cách quản lý nơi công cộng như cách các băng nhóm nắm quyền lực theo kiểu chợ búa này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đây mới chính là lối chơi của chính phủ KIẾN TẠO, đưa bóng cho chỗ khác làm bàn, ăn huê hồng còn hơn là ăn mảnh dễ hóc xương.
    Tiêu cực bây giờ không tính điểm lỗi trong hệ thống, thực tế những hành vi tiêu cực đồng hạng với ăn cướp của người khác, mà ăn cướp là hành vi rất hợp pháp.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây