Bức điện tín làm thay đổi thế giới

Trần Trung Đạo

21-11-2020

Ngày 25 tháng 12, 1991 là ngày chính thức cáo chung của chế độ CS Liên Xô cũng như phong trào CS quốc tế. Hàng loạt cá nhân được ghi nhận đã tiên đoán sự sụp đổ của Liên Sô, trong số đó có nhà văn như George Orwell, nhà chính trị như Winston Churchill, có cả lãnh tụ CS bị Stalin trục xuất là Leon Trotsky, tuy nhiên, chính xác nhất về lý luận, chiến lược và tầm nhìn phải nhắc đến George Kennan.

George Kennan (1904-2005) qua Lý thuyết Ngăn Chặn (Containment Theory) khẳng định “Một khi chủ nghĩa CS không thể bành trướng được nữa, nó sẽ sụp đổ.”

Lịch sử đã diễn ra đúng như thế.

Tháng 2 năm 1946, George F. Kennan còn là một nhân viên ngoại giao trung cấp làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại Liên Sô. Để đáp lại câu hỏi của Bộ Tài Chánh Mỹ gởi tòa đại sứ tại sao Liên Xô lại chống lại việc thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, George F. Kennan gởi Bộ Ngoại giao Mỹ một bản phân tích qua hình thức một điện tín dài 5,500 chữ, trong đó ông trình bày một cách chi tiết quan điểm của Stalin về tương lai nhân loại, mục tiêu và chiến lược của Liên Xô sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới, điểm mạnh và điểm yếu của chế độ Cộng sản, đồng thời đề nghị một số biện pháp cần thiết phải được áp dụng để ngăn chặn làn sóng Cộng sản.

Bài phân tích của George Kennan không có tựa đề nên chỉ được biết ngày nay như “Bức Điện Tín Dài.”

Nếu bản phân tích được gởi đến Bộ Ngoại giao Mỹ một năm trước đó, có lẽ nó đã vào sọt rác hay đi thẳng vào phòng lưu trữ vì Mỹ và Liên Xô còn đang liên minh nhau tấn công Đức từ hai hướng Đông, Tây.

Nhưng tháng 2 năm 1946, văn kiện đã làm Bộ Ngoại giao chú ý. Chính tổng thống Harry S. Truman chỉ thị thành lập một nhóm nghiên cứu để phân tích bản tường trình của George Kennan và phác thảo một chính sách đối ngoại dựa trên các dữ kiện và lý luận mà ông đưa ra.

Bức điện tín của George Kennan được xem như một trong những văn kiện lịch sử bởi vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần nửa thế kỷ, từ sau Thế chiến thứ Hai cho đến khi hệ thống Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Chính sách đối ngoại chỉ đạo của Mỹ đặt cơ cở trên những phân tích của George Kennan được gọi là Chính sách Ngăn chặn (Containment Policy).

Hàng loạt các chủ thuyết như Domino, Nixon, Reagan; các kế hoạch kinh tế như Marshall Plan; các liên minh như Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (The North Atlantic Treaty Organization) gọi tắt là NATO tại châu Âu, Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization) gọi tắt là SEATO tại Đông Nam Á hay Hiệp ước Hỗ tương Liên Mỹ Châu (Inter‐American Treaty of Reciprocal Assistance) tại Mỹ Châu cũng đều phát xuất từ chính sách chỉ đạo ngăn chặn đó.

Suốt 9 đời tổng thống Mỹ từ Harry Truman đến George Herbert Walker Bush, tùy thuộc vào điều kiện chính trị quốc tế trong mỗi giai đoạn, các chiến lược chiến thuật cũng được thay đổi thích nghi nhưng đều không đi xa mục tiêu chính là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.

George Kennan được xem như là cha đẻ của Lý thuyết Ngăn Chặn.

Chính sách ngăn chặn đã diễn ra dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh cuộc chạy đua vũ trang, Star Wars, viện trợ và phản viện trợ, đảo chánh và phản đảo chánh, cách mạng và phản cách mạng, các cuộc giành dân chiếm đất bằng súng đạn cũng đã diễn ra tại một số quốc gia độn với nhiều mức độ khác nhau.

Sau chiến tranh Việt Nam, Chính sách Ngăn Chặn của Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và nhất là Ronald Reagan đã chuyển từ thế thủ sang thế công ở Afghanistan như Brzezinski kể lại “Nay chúng ta có cơ hội để tặng cho Liên Xô một Việt Nam riêng của họ”, bằng việc yểm trợ vũ khí cho phe Contras ở Nicaragua, giúp đỡ cho Liên minh Dân tộc Vì Độc lập Hoàn toàn của Angola (The National Union for the Total Independence of Angola, UNITA) ở Angola, đồng thời đẩy mạnh với kế hoạch chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém nhằm làm phá sản nền kinh tế Liên Sô. Cuối cùng hệ thống Liên Xô kiệt quệ và tan rã.

Một nhận xét của George Kennan về chính sách đối với Liên Xô lần nữa có thể áp dụng với Trung Cộng: “Rõ ràng là yếu tố chính của bất cứ chính sách nào của Hoa Kỳ đối với Liên Xô phải là chính sách ngăn chặn lâu dài, kiên nhẫn nhưng kiên quyết và cảnh giác trước các khuynh hướng bành trướng của Nga.” (It is clear that the main element of any United States policy toward the Soviet Union must be that of long-term, patient but firm and vigilant containment of Russian expansive tendencies.)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Để trả lời Howard ở phần bình luận từ Facebook phía trên…
    Tại Hội nghị Potsdam, Đồng Minh quyết định giao Anh và Trung Hoa Dân Quốc giải giới Nhật ở Việt Nam là một hành động để ngăn chặn người Pháp trở lại Việt Nam. Nguyên thủy “Đồng Minh” được thành lập vào ngày 1/9/1939 và chính thức được gọi là LHQ ở Washington DC vào ngày 16/6/1945. Người Anh đổ quân vào miền nam VN ba tháng sau đó, tức vào ngày 13/9/1945 và họ đã gặp rất nhiều khó khăn nên đã lập tức kêu gọi tiếp viện. Hội đồng Bảo An LHQ đã đáp ứng và cử quân Pháp sang Việt Nam vào ngày 5/10/1945 với mục đích hỗ trợ người Anh trong việc ổn đinh tình hình. Sau thế chiến thứ 2 người Pháp không được phép tùy tiện đem quân đi các nước khác như trước đó.

  2. Chi tiết về bức điện tín của George Kennan trong bài viết này có một giá trị rất cao để chúng ta nhìn lại và hiểu rõ thêm về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn sau thế chiến thứ 2. Nó giải thích cho chúng ta biết vì sao Tổng thống Harry Truman đã làm những gì ông ta đã làm, và dĩ nhiên vì sao ông ta không hồi đáp bức thư và điện tín của Hồ Chí Minh cầu cứu Mỹ giúp ngăn chặn “thực dân” Pháp đang tìm cách “xâm lược” Việt Nam. (Tôi để chữ “thực dân” và “xâm lược” trong ngoặc kép vì người Pháp lúc đó được cử đến VN với tư cách lực lượng Đồng Minh do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ định và đến VN với mục đích trợ giúp người Anh ổn định an ninh trật tự ở miền nam VN, chứ không phải họ là “thực dân” như những gì cộng sản VN gán ghép.)

    • Cũng xin được nói thêm là người Pháp chỉ thực sự trở lại vai trò “thực dân” ở Việt Nam lần thứ 2 sau khi Hồ Chí Minh ký hiệp ước Ho-Sainteny vào ngày 6 tháng 3 năm 1946, trải thảm đỏ đón thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Trong Hiệp Ước Ho-Sainteny, Hồ Chí Minh chấp nhận Việt Nam được trực thuộc “Liên bang Pháp” mà “Liên bang Pháp” chẳng qua là một thực thể chính trị được tạo ra bởi hiến pháp năm 1946 của Cộng hòa Pháp thứ IV, nó thay thế chế độ thực dân cũ bằng một chế độ thực dân mới bằng cách cho các nước thuộc địa có chút ít quyền tự trị với một số tiếng nói trong việc ra quyết định ở Paris.

      Người ta nói kẻ chiến thắng viết lại lịch sử, thế nhưng tôi cũng đã mạn phép viết lại lịch sử với tư cách của kẻ chiến bại để hậu thế soi xét và phán đoán, đâu là chính, đâu là tà và đâu sự thật. Nếu ai chưa đọc bài viết của tôi thì xin mời ghe thăm: https://lsvn101.blogspot.com/2019/12/viet-lai-nhung-dong-lich-su.html

Comments are closed.