Quốc hội thông qua dự luật Bảo vệ môi trường 2020: Nỗi nhục đâu chỉ của riêng ai?

Trần Tuấn

20-11-2020

Dự luật này có hai đặc điểm cơ bản: (1) Mất cơ bản nền tảng khoa học xây dựng một luật bảo vệ môi trường theo chuẩn mực khoa học thập niên 3 thế kỷ 21; (2) Từ mục đích “Bảo vệ môi trường”, biến thái thành một dự luật nghiêng hẳn về “bảo vệ lợi ích của chủ dự án đầu tư“ khai thác môi trường (TLTK 1,2,3).

Nhưng dự luật vẫn được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp 10, phiên họp 17/11/2020, với tỷ lệ nhất trí cao: 443/466 phiếu (~ 95%).

TẠI SAO ĐỔ ĐỐN ĐẾN VẬY?

1. Tại sao, một dự luật liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của dân tộc, ảnh hưởng tới từng hơi thở, từng miếng ăn, từng ngụm nước uống hàng ngày của từng người dân sống trên nước Việt cả hiện tại và tương lai. Mà hàng chục ngàn nhà khoa học, hàng trăm ngàn cây bút truyền thông dòng chính, hàng chục triệu tài khoản mạng xã hội, lại chịu “im hơi lặng tiếng” để qua được các vòng thẩm định của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để rồi cuối cùng tới 95% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua với chất lượng như thế?

2. Tại sao, hai “đặc điểm chết người” của dự luật nêu ở trên, để đến mãi tọa đàm 2/11 mới được nêu lên, và phải đợi đến các thư kiến nghị ngày 9/11 (trước chỉ có 2 ngày phiên họp thông qua theo theo kế hoạch gốc của Quốc hội, 11/11/2020?) mới gửi đến các đại biểu Quốc hội?

3. Trong số 466 đại biểu tham gia bấm nút dự thảo luật này, bao nhiêu nhận được các thư kiến nghị ngừng thông qua gửi 4/11, 9/11, 16/11/2020 từ các liên minh NCDs-VN, EBHPD, VSEA, NVR, EJH? Bao nhiêu bài báo, bài viết (cả trên truyền thông dòng chính và mạng xã hội) lên tiếng thảo luận liên quan tới hai tồn tại lớn trên?

Đấy là 3 câu hỏi chính tôi đặt ra mong muốn ban tổ chức đưa vào nghị trình thảo luận “cuộc họp rút kinh nghiệm của các liên minh tham gia phản biện vận động dự luật Bảo vệ môi trường 2020” tổ chức vào sáng mai, 21/11/2020 tại Hà nội!

Và cũng là những câu hỏi tôi chủ ý khơi dậy sự quan tâm của những con dân nước Việt còn biết lo cho bản thân, cho con cháu mình, cả hiện tại và tương lại: Ô nhiễm, thoái hóa môi trường sống không trừ mình ra!

“NỖI NHỤC” ĐÂU CHỈ CỦA RIÊNG AI!

Chúng ta đã thất bại! Một thất bại đáng được mổ xẻ tới nơi tới chốn, nếu muốn đứng dậy đi tiếp!

than thở lúc này không giúp được gì! “Công việc chỉ cần kết quả, vui buồn với nó thảy đều vô nghĩa”!

Còn một năm phía trước cho hành động sửa đổi về măt pháp lý, cả nội dung dự luật và các văn bản dưới luật của chính phủ hướng dẫn sự thực thi, để giảm thiểu tối đa tác hại “tàn phá môi trường” của một dự luật mang tên “bảo vê môi trường”!

“Thất bại” là cơ sở để gây dựng thành công, nêu biết “nhìn ra đúng” nguyên nhân sâu xa, cốt lõi dẫn đến thất bại này!

“Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”! Câu dạy của người xưa rất đúng cho trận chiến trước các thế lực thủ lợị đang biến “luật bảo vệ môi trường” thành “luật bảo vệ lợi ích chủ dự án đầu tư khai thác môi trường”, trước khi dự luật này có hiệu lực thực thi 1/1/2022!

HÃY CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG!

Hy vọng một ngày mới đến, bắt đầu thời kỳ mới, với mục tiêu mới, phương thức làm việc mới, đội ngũ lâm trận mới với kiến thức mới, kỹ năng mới và ý chí mới!

Cho luật bảo vệ môi trường đích thực trở về với đất nước này, hãy ngày ngày tự nhắc nhở:

– Vì sự tồn tại của MÔI TRƯỜNG SINH THÁI cha ông để lại;

– Vì sự PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG đất nước;

– Vì QUYỀN BÌNH ĐẲNG CHO THẾ HỆ TƯƠNG LAI TRƯỚC DI SẢN CHA ÔNG ĐỂ LẠI cho con cháu bao đời;

– Vì sự ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÂN LỌAI cho một HÀNH TINH XANH AN TOÀN MÔI SINH cho con người cùng các sinh thể chung sống bền vững.

HÃY PHỐI HỢP LÊN TIẾNG ĐÒI HỎI CHỈNH SỬA DỰ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 CÙNG CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT ĐI THEO!

Lượng đổi chất đổi!

Khoa học khẳng định thế!

_____

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thư kiến nghị của NCDs-VN gửi Chủ tịch Quốc hội ngày 9/11/2020.

2. Dự luật Bảo vệ Môi trường (Sửa đổi): Đừng để nỗi xấu hổ của bộ phận những người làm luật trở thành nỗi nhục của cả Quốc hội khóa XIV kỳ họp 10!

3. “Mất cơ bản”- Lý do chính khiến dự thảo luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) không thể được thông qua!

4. Luật bảo vệ môi trường hay là luật bảo vệ ai khác đây?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây