20.11: Giáo dục XHCN hay phong kiến?

Chu Mộng Long

20-11-2020

Một Hội Cựu giáo chức của một trường đại học nọ tổ chức lễ 20.11 để vinh danh… nhà giáo đã nghỉ hưu. Nhiều người dự lễ xong kháo nhau rằng, trong buổi lễ toàn những người nghỉ hưu mà cũng có biển đề chức danh đặt trước từng ghế: Nguyên Bí thư đảng uỷ, Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Hiệu phó, Nguyên Trưởng khoa. Không ai vinh danh công trạng thì tự vinh danh mình bằng cái bảng tên cho cái ghế mỗi năm đến ngày 20.11 được ngồi một lần?

Nghe kháo như vậy, tôi phải bật cười và hỏi: Giáo dục cộng sản hay giáo dục phong kiến vậy? Nghỉ hưu rồi mà chức vẫn còn nguyên? Thời phong kiến gọi là bậc tiên chỉ đấy! Nói hỗn với các cụ, lần sau mỗi khi được ngồi mâm trên thì nhớ thó cái đôi móng giò cho vào túi mang về cho đúng phong cách bậc tiên chỉ của làng Vũ Đại nhé!

Thảo nào, một lần đương kim Hiệu trưởng giao Trưởng phòng Tổ chức cán bộ in giấy mời, mời “nguyên Hiệu trưởng” vào dự liên hoan cuối năm. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ bị vị “nguyên” Hiệu trưởng điện thoại mắng te tát vì giấy mời ghi thiếu “nguyên” nhiều chức danh: “Bí thư Đảng uỷ, Nhà giáo ưu tú…”. Rồi dỗi, quyết không vào dự. Vậy là một suất ăn phải đổ… cho chó.

Mà cũng lạ. Có ghi vào giấy mời đủ nguyên cả ba chức thì cũng ăn chỉ được một suất chứ chẳng nhẽ ăn hết ba suất như phụ cấp lúc đương chức?

Thì ra cái chức “nguyên” nó quan trọng đến vậy, cho nên Anh Cả mới có sáng kiến “cách chức nguyên” lãnh đạo vi phạm. Dư luận cười chứ tôi thấy rất thâm. Mất “nguyên” cái chức là mất cái đôi móng giò mỗi khi ra đình ăn cỗ đấy chứ!

Đấy, Việt Nam còn lâu mới có nền giáo dục khai phóng hay chí ít là cộng sản đúng nghĩa. Vẫn là giáo dục phong kiến đặc sệt từ trong máu của lãnh đạo cộng sản. Họ tự lấy họ làm trung tâm chứ không có chuyện lấy người học hay người dân làm trung tâm. Họ tuyên bố lấy chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam cho hành động: đấu tranh chống phong kiến, chống tư sản, đến mức một thời từng “đào tận gốc, trốc tận rễ” những gì hủ bại của chế độ phong kiến để lại, nhưng cái đầu của họ còn phong kiến hơn cả phong kiến.

Vẫn cái bệnh có chức thì cứ đòi phải được trọng vọng, được ăn trên ngồi trốc, quyết không chịu đối xử bình đẳng với nhau. George Orwell mà còn sống cũng phải bật cười lần nữa khi đọc lại tiểu thuyết Trại súc vật của mình, rằng mọi con vật sinh ra đều bình đẳng, nhưng có những con vật được đối xử bình đẳng hơn.

Truy lại 15 điều trong Hiến chương nhà giáo mà các lãnh đạo công đoàn cộng sản đưa ra tại Hội nghị Warszawa (1949), có điều nào nói khôi phục tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của giáo dục phong kiến, tức tôn cái ghế “nguyên” đâu hè?

Hiệp ước này đòi tự do, bình đẳng giữa nhà giáo với nhà giáo, giữa nhà giáo với người học, và đặc biệt chỉ đề cao trách nhiệm của chính quyền đối với nhà giáo, của nhà giáo đối với sự phát triển cá tính của trẻ em.

Xa hơn, chủ nghĩa Marx còn đòi lật đổ hoàn toàn tôn ti luận phong kiến, đánh bật gốc thói háo danh và hám lợi của kẻ thống trị chứ có chỗ nào nói “nguyên” lãnh đạo thì được suy tôn thành bậc tiên chỉ để được ăn trên ngồi trốc?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Chữ NGUYÊN dành cho các quan chức đã nghỉ, chim mỏi cánh rồi, căn bệnh dùng sai chức danh lây lan từ Đảng từ Chính phủ sang các ban ngành, như bên GD mà t/g Chu mộng Long đang đề cập.
    Theo tôi đây không liên quan gì đến GD mà trọng tâm là cách dùng chữ để chỉ cho một chức vụ vô chức vụ.
    Trước 1975, sinh viên Học viện Quốc gia hành chánh học ra để làm quận trưởng, tỉnh trưởng. Sau 1975 được đổi tên ngược thành Học viện Hành chính Quốc gia, sự ngược đời dẫn đến sinh viên học ra là để trở thành thường dân (ngoại trừ các hạt giống đỏ)
    Đó là trường Hành chính cọng sản đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý để rồi không định nghĩa được một chữ NGUYÊN.
    Và cái trò hề cách chức nguyên đồng chí nọ đồng chí kia chỉ là một trong những đặc sản không đụng hàng.
    Còn về chuyện phong kiến hay xhcn thì đã là một chuyện khác. Không dám bình bàn sâu.

  3. “… tôi phải bật cười và hỏi: Giáo dục cộng sản hay giáo dục phong kiến vậy?…
    …Nói hỗn với các cụ, lần sau mỗi khi được ngồi mâm trên thì nhớ thó cái đôi móng giò cho vào túi mang về cho đúng phong cách bậc tiên chỉ của làng Vũ Đại nhé!”

    *
    Xem ra họ Chu tại đây đã quá định kiến, khinh miệt loài người thời đại Phong kiến nói chung, và Phong kiến nói riêng của dòng giống Lạc Hồng…
    …chỉ vì muốn chửi cộng sản mà đay nghiến tổ tiên quá tay một cách bất công đấy!

    Nói thật, đem csVN đi so với thời đại Phong kiến qua các Vương Triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần là một xúc phạm trầm trọng Bàn Thờ Tổ Quốc và Mồ Mả Tổ Tiên.

    Thằng người Việt Nam nào hiện nay dám lăng mạ…

    Ngô Quyền dẹp quân Nam Hán năm 938
    Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn từ loạn 12 sứ quân thuở đất nước còn hỗn mang rối bời.
    Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống năm 981 giữ yên bờ cõi nước Nam.
    Lý Công Uẩn đặt nền móng vững chắc cho chế độ Phong kiến kéo dài trên 200 năm (1010-1225), xác lập kinh đô muôn đời Thăng Long và tư cách pháp nhân với Tàu phong kiến hùng mạnh.
    Trần Hưng Đạo tại sao đang hiển thánh trong hồn nước đến tận thế kỷ 21?
    Ai mười năm nếm mật nằm gai kháng chiến chống giặc Minh? Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần nghĩa là gì? Ai được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” ?

    Và Khổng Mạnh Lão Trang…và vô số những nhà tư tưởng lớn của nhân loại; những danh tướng, đại đế của thời cổ La Hy và khắp thế giới…cũng đều xuất thân từ Phong Kiến. Tất cả họ đã làm nên nền văn minh rực rỡ của nhân loại, và không hề là nổi nhục nhã ân hận như những gì nước Nga của Lê nin hay chnd Trung hoa của Mao đã gây ra hiện nay.
    Chống phong kiến chỉ là chiêu bài giả trá mị dân trong chuỗi lý luận triết học Mác Lê về Duy vật Sử quan; và tại VN năm 1945 là để cướp chính quyền, trong bối cảnh nước mất nhà tan. Không phải là cớ để xỉ vả, phủ nhận vai trò lịch sử của Phong kiến. Họ choings phong kiến nhưng họ còn tệ mạt hơn phong kiến hàng nghìn lần. Họ cùng bản chất với cặn bã phong kiến, phần tiêu cực của chế độ phong kiến.

    Phong kiến đã nằm yên dưới nấm mồ lịch sử, là tất yếu theo giòng chảy các niên đại.
    Nhưng cái thay thế nó chưa hẳn đã ưu việt hơn, khi mang virus mác lê- một tai hoạ của nhân loại.
    Phong kiến thời mạt Nguyễn, dưới ách đô hộ thực dân, đã sản sinh ra thực trạng xã hội nhếch nhác thể hiện trong một bộ phim…
    …nó không phản ánh toàn bộ chế độ Phong Kiến…để họ Chu được phép xỉ vả Tổ Tiên!

    ***

    “Đấy, Việt Nam còn lâu mới có nền giáo dục khai phóng hay chí ít là cộng sản đúng nghĩa. Vẫn là giáo dục phong kiến đặc sệt từ trong máu của lãnh đạo cộng sản”
    *
    Đáng lẽ tác giả nên nói rõ hơn khái niệm “nền giáo dục khai phóng”. Nội dung vắn tắt nó là gì, nó từng hiện hữu trong nền giáo dục nào tại một miền của VN trước 1975.
    Đã không dám nói rõ, thì đừng thập thò khêu nó ra. Thiên hạ không hiểu ông định nói gì thế bằng từ “khai phóng”
    Khai có phải là khai trương, khai mạc, khai giảng… hay mùi của ure thiên nhiên?
    Phóng có phải phóng thích, phóng đại, phóng đãng hay, eo ôi, giải phóng?

    “Cộng sản đúng nghĩa”!
    *
    Có ư? Có không? Ở đâu? Lúc nào? Giờ còn không? Đã áp dụng trên thực tế xã hội hay chỉ không tưởng trên lý thuyết?

    Hố to đấy nhé!

Comments are closed.