Tối cao Pháp viện có quyết định kết quả bầu cử?

Dương Ngọc Thái

13-11-2020

H. nhắn tin hỏi, vậy Tối cao Pháp viện Mỹ có xử vụ bầu cử không. Nó nói ngày nào cũng vô blog này canh me canh chua tôi có viết cái gì mới không. Thiệt sự tôi cũng ngán cái món bầu cử này rồi, cả mấy tuần nay không làm ăn gì được cả, nhưng nghe nó nói vậy nên tôi viết tiếp.

Trump đang thưa kiện rất nhiều nơi, nhưng cho đến giờ chỉ mới có một vụ lên tới Tối cao Pháp viện. Trước khi nói về vụ kiện, cần phải làm rõ thế này:

* Kết quả vụ kiện không thay đổi kết quả bầu cử.

* Nếu Trump thắng kiện, Trump vẫn thua ở Pennsylvania.

* Phe của Trump không kiện vì cho rằng có gian lận phiếu bầu, mà kiện vì cho rằng luật bầu cử ở bang Pennsylvania vi phạm hiến pháp. Kể cả Trump thắng kiện, vẫn không có lý do hay bằng chứng để tin rằng đã có gian lận bầu cử. Jones Day, hãng luật sư đại diện đảng Cộng Hòa trong vụ kiện này, cũng nói rằng họ không đại diện cho Trump hay đảng Cộng Hòa trong bất kỳ vụ thưa kiện nào liên quan đến gian lận bầu cử.

* Tòa không quyết định ai sẽ là tổng thống, chỉ có kết quả bầu cử mới quyết định chuyện đó. Tòa cũng không quyết định bầu cử có gian lận hay không. Tòa chỉ quyết định luật bầu cử ở Pennsylvania có vi phạm hiến pháp hay không.

Trước đây luật của Pennsylvania bắt buộc phiếu bầu qua mail phải được gửi đến ủy ban bầu cử trước giờ đóng thùng phiếu (tức cuối ngày 3/11/2020). Sau đó Tòa tối cao Pennsylvania (không phải Tối cao Pháp viện Mỹ) ra phán quyết yêu cầu ủy ban bầu cử chấp nhận tất cả phiếu bầu qua mail nhận được trong vòng 3 ngày sau ngày bầu cử, miễn sao phiếu đó đã được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu.

Hồi cuối tháng 9, đảng Cộng Hòa đã kiện ra Tối cao Pháp viện một lần rồi. Họ nói rằng Tòa tối cao Pennsylvania không được quyền can thiệp vào luật bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang, vì luật này thuộc phạm trù liên bang, được điều chỉnh bởi luật liên bang và Hiến pháp Mỹ. Luật liên bang quy định chỉ có một ngày bầu cử, kéo dài thêm 3 ngày là phạm luật. Hiến pháp Mỹ giao quyền cho những nhà lập pháp bang Pennsylvania tạo ra luật bầu cử ở bang này, hiến pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó.

Lúc bấy giờ Tối cao Pháp viện, chỉ có 8 thẩm phán, vì bà RBG vừa qua đời, đã đưa ra phán quyết với tỉ số 4-4. Kết quả huề, nghĩa là nguyên đơn thua, tức là phiếu bầu qua mail gửi trễ 3 ngày vẫn được chấp thuận. Nhắc lại, những phiếu bầu này vẫn phải được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu. Đó là tình hình trước bầu cử.

Khi cuộc bầu cử bắt đầu, trong lúc bang Pennsylvania đang kiểm phiếu, nhắm thấy đã thua, đảng Cộng Hòa mở lại vụ kiện cũ. Trước khi Tòa ra quyết định có nhận xử hay không, đảng Cộng Hòa yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh, buộc các ủy ban bầu cử ở các hạt trong bang Pennsylvania phải tách những phiếu bầu qua mail gửi trễ ra riêng và không được đếm những phiếu bầu này. Thẩm phán tối cao Alito chấp thuận đề nghị đầu tiên, nhưng gạt đề nghị thứ hai.

Theo thống kê từ ủy ban bầu cử Pennsylvania thì từ ngày 4/11 đến ngày 6/11, họ chỉ nhận được khoảng 10.000 phiếu bầu qua mail. Trong khi đó, Biden đang dẫn hơn 53.000 phiếu rồi. Do đó có đếm hay không những phiếu này thì kết quả bầu cử cũng không thay đổi, Biden vẫn thắng.

Đây là một vụ kiện quan trọng, không phải vì nó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, không phải vì nó sẽ chứng minh có gian lận hay không, mà vì nó sẽ trả lời câu hỏi: ai được quyền quyết định luật bầu cử? Do đó, nhiều khả năng Tối cao Pháp viện sẽ chấp nhận xử. Tôi đoán Tòa sẽ xử thắng cho đảng Cộng Hòa, nhờ phiếu của thẩm phán Barrett mới thế chỗ RBG.

Lúc đó nhiều người sẽ vin vào kết quả vụ kiện này mà cho rằng Trump đã thắng, rằng đã có gian lận. Đây là cách Trump tìm kiếm sự ủng hộ, mặc dù đã biết rõ vụ kiện không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tôi hy vọng mọi người sẽ tỉnh táo.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Hiện nay Trump đang kêu gọi con chiên đóng góp để đài thọ cho việc kiện tụng. Thế nhưng nếu đọc kỹ những hàng chữ nhỏ của kêu gọi này người ta sẽ thấy 60% tiền đóng góp đó sẽ được chuyển vào ngân quỹ của “leadership PAC” được gọi là “Save America” và 40% sẽ vào ngân quỹ của “Republican National Committee campaign”. Đây được coi là sự lường gạt trắng trợn vì tiền đóng góp không được dùng vào mục đích kêu gọi.

    Hành vi trong quá khứ là yếu tố dự đoán tốt nhất về hành vi trong tương lai. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, chiến dịch tranh cử của Trump đã trả cho các doanh nghiệp của mình hơn 12 triệu đô la. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, chiến dịch tranh cử của Trump đã tiếp tục trả cho các doanh nghiệp của ông ấy thêm hàng triệu đô la mà các nhà tài trợ của ông ấy cùng với hàng triệu đô la đóng thuế được trả cho các doanh nghiệp của Trump. Mặc dù luật tài chính chiến dịch liên bang cấm ứng cử viên bỏ túi tiền của chiến dịch, hạn chế pháp lý này không áp dụng cho các ủy ban đảng như RNC hoặc các PAC lãnh đạo như Save America.

  2. Tối Cao Pháp Viện của Việt Nam sẽ quyết định ai là TT Mỹ. Chín thầm phán của TCPV Việt Nam là Trần Đình Thu, Luân Lê, Huýnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Già, Ngô Duy Quyền, Lê Công Định, Nguyễn Sỹ Bình, Huỳnh Quốc Bình đã bỏ phiếu công nhận Trump ngồi tiếp 4 năm trong Nhà Trắng.

  3. Đã rõ như ban ngày.

    Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.
    Thực sự là ông Trump đến một nửa sự thật cũng không có (vụ kiện không phải là gian lận bầu cử). Ông Trump đã dối trá và lợi dụng nó, tạo lên một cái bung xung và khuếch đại lên để tìm kiếm sự ủng hộ. Tìm mọi cách dối trá để người ta tin rằng ông không thua và ông luôn thắng.

  4. “Hồi cuối tháng 9, đảng Cộng Hòa đã kiện ra Tối cao Pháp viện một lần rồi. Họ nói rằng Tòa tối cao Pennsylvania không được quyền can thiệp vào luật bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang, vì luật này thuộc phạm trù liên bang, được điều chỉnh bởi luật liên bang và Hiến pháp Mỹ. Luật liên bang quy định chỉ có một ngày bầu cử, kéo dài thêm 3 ngày là phạm luật. Hiến pháp Mỹ giao quyền cho những nhà lập pháp bang Pennsylvania tạo ra luật bầu cử ở bang này, hiến pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó.”
    -Đồng ý với ý kiến nêu trên.
    -Tại sao ko tách phiếu bầu thành 02 phiếu: 01 phiếu bầu Tổng thống theo luật Liên bang, 01 phiếu bầu Thống đốc theo luật Tiểu bang?
    “phiếu bầu qua mail gửi trễ 3 ngày vẫn được chấp thuận. Nhắc lại, những phiếu bầu này vẫn phải được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu.”
    -Tôi chẳng cần biết đến ông bưu điện, vì nc Mỹ có quá nhiều ông bưu điện, ko biết ông nào tốt xấu thế nào & trong luật về bầu cử cũng ko thấy có nói ông bưu điện, ko thấy có ghi tên ông bưu điện nào trong đó cả???!!!
    “Đây là một vụ kiện quan trọng, không phải vì nó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, không phải vì nó sẽ chứng minh có gian lận hay không, mà vì nó sẽ trả lời câu hỏi: ai được quyền quyết định luật bầu cử? Do đó, nhiều khả năng Tối cao Pháp viện sẽ chấp nhận xử.”
    -Đồng ý với ý kiến nêu trên .

  5. Không biết tác giả dựa vào đâu mà nói SCOTUS không phân xử thắng thua bầu cử Mỹ?
    Effects on future elections and Supreme Court
    “A number of subsequent articles have characterized the election in 2000, and the Supreme Court’s decision in Bush v. Gore, as damaging the reputation of the Supreme Court…”
    Đây là câu cuối lấy từ https://en.wikipedia.org/wiki/2000_United_States_presidential_election liên quan đến 2 ứng viên G.Bush là Al Gore kỳ bầu cử năm 2000

Leave a Reply to Tuấn Linh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây