Chờ xem Tổng bí thư và Thủ tướng nói thiệt hay nói… cho vui!

Blog VOA

Trân Văn

10-11-2020

– Tháng 6 năm 2015, khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN (nay kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Nhà nước), kêu gọi: Các nhà khoa học cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước… Đó cũng là lý do ông Trọng đề nghị VUSTA phải tập hợp đội ngũ tham mưu cho đảng và nhà nước, thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước (1)…

– Tháng 12 năm 2019, trước khi tuyên bố bế mạc Hội nghị giữa chính phủ với chính quyền các địa phương, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh: Chính phủ phải tiếp thu “bốn bài học, năm nhiệm vụ” mà Tổng Bí thư – Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu. Không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật. Giải phóng mọi năng lực sản xuất. Đồng thời không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tếCấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội (2)…

– Tháng 8 năm 2015, Hội nghị thành lập Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) diễn ra tại Hà Nội. NCDs-VN là thành viên của NCDs toàn cầu và việc ra đời của NCDs-VN được quảng bá là bước tiến quan trọng mà tổ chức xã hội dân sự đã làm nhằm hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực y tế. Tại hội nghị vừa kể, các tổ chức xã hội dân sự tham gia NCDs-VN cùng soạn – giới thiệu Kế hoạch hành động, Quy chế hoạt động có đại diện quốc hội, chính phủ, Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) góp ý (3)…

Phải giới thiệu như thế để thấy NCDs-VN là của… “ta”, không phải của… “địch” và NCDs-VN hội đủ các… tiêu chuẩn nhằm đáp ứng sự… mong mỏi, đề nghị của Tổng Bí thư – Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng về tham mưu, phản biện, bảo vệ môi trường…

***

16 hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học và ba cá nhân thuộc NCDs-VN vừa gửi một kiến nghị cho tập thể lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đề nghị hoãn phiên họp thông qua Dự luật Bảo vệ môi trường mới (Dự luật Môi trường) mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 11, khi Quốc hội Việt Nam Khóa 14 họp kỳ thứ 10… Trong trường hợp, phiên họp vẫn diễn ra theo… lịch, NCDs-VN đề nghị các đại biểu Quốc hội hành động để ngăn chặn nguy cơ môi trường thoái hóa, ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn dân, sức khoẻ môi trường sinh thái, đe dọa phát triển bền vững.

NCDs-VN nhận định: Dự luật Môi trường thiếu logic trong cấu trúc, không rõ ràng về tầm nhìn và mục tiêu phát triển môi trường bền vững. Không cụ thể những điểm có thể và phải cụ thể về quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong bảo vệ môi trường,

NCDs-VN nhấn mạnh sự lo ngại đặc biệt khi nội dung thể hiện vai trò của cộng đồng trong dự luật rất yếu, thiếu minh bạch, gây chồng chéo và khó buộc các tổ chức nhà nước giải trình trách nhiệm trong tổ chức đánh giá tác động môi trường từ các dự án can thiệp cộng đồng. Không luật hóa vai trò giám sát và phản biện độc lập của các tổ chức khoa học ngoài Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT).

Nguyên tắc bồi hoàn tổn hại môi trường của người gây ô nhiễm không được luật hóa rõ ràng như chiến lược căn bản phòng ngừa hành vi xâm hại môi trường. Hoàn toàn không thể hiện nguyên lý bảo vệ môi trường, an toàn môi sinh cho các chủ thể con người – động, thực vật có trong môi trường trong chiến lược lồng ghép – hiệp đồng “Một sức khoẻ” đã được đưa vào chương trình của Bộ TNMT cách nay hơn một thập kỷ.

Dự luật Môi trường không làm rõ được cơ chế xử lý việc cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ TNMT không hoàn thành trách nhiệm tuân thủ các chiến lược bảo đảm sự ổn định phát triển của hệ thống môi trường sinh thái trước những dự án can thiệp môi trường.

Đây có lẽ là lần đầu tiên, một liên minh nhiều hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học, cá nhân đề nghị tập thể lãnh đạo cao nhất của nhà nước đánh giá và loại ngay ra khỏi hệ thống lãnh đạo các Bộ TNMT, Bộ Tư Pháp, Vụ Pháp luật – Văn phòng chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội những nhân sự yếu kém về đạo đức công vụ đã tạo ra Báo cáo số 599 /BC-UBTVQH14 (22/10/2020) “Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự luật Môi trường”, bởi đó là đầu mối che đậy những thủ đoạn tinh vi, tạo ra một dự luật không tuân thủ nguyên lý làm luật môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

NCDs-VN giới thiệu chín nguyên lý cơ bản cho luật môi trường trong thế kỷ 21: Minh bạch và giải trình trách nhiệm (the accountability and transparency principle). Cảnh giác an toàn là tiêu chí hàng đầu (the precautionary principle). Dự phòng xuyên suốt (prevention principles). Người gây ô nhiễm phải bổi hoàn tổn hại môi trường (“the Polluter Pays” principle). Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa (the integration principle). Phát triển bền vững (the environmental sustainability principle). Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia (the public participation principle). Trách nhiệm xuyên biên giới (cross-border responsibility principle). Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau (equity and equality principle).

NCDs-VN cũng nhắc lại Chương trình “Một sức khỏe” (phối hợp, lồng ghép chăm sóc và bảo vệ giữa sức khoẻ con người – sức khoẻ động vật – sức khoẻ môi trường) mà các bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, TNMT, Y tế khởi động từ 2005, với sự hỗ trợ của USAID, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (UNDP, UNEF, WHO…) và sự tham gia đông đảo của các tổ chức phi chính phủ cả trong lẫn ngoài Việt Nam để từ đó kêu gọi các đại biểu Quốc hội phê phán những vi phạm nặng nề cả về khoa học, đạo đức tồn tại trong cấu trúc và nội dung của dự thảo hiện nay.

Đối chiếu dự thảo hiện nay với chín nguyên lý cơ bản cho luật môi trường trong thế kỷ 21Chương trình “Một sức khỏe” sẽ thấy đề nghị của NCDs-VN -, loại bỏ những nhân sự kém phẩm chất mới bảo đảm dự thảo trình Quốc hội trong kỳ họp tới (5/2021) tuân thủ các nguyên lý khoa học môi trường sinh thái và phát triển bền vững, làm cơ sở pháp lý cho toàn xã hội hợp tác giải quyết tốt những thử thách thực tế đang gây thoái hóa nghiêm trọng môi trường tự nhiên của Việt Nam – là đáng ngẫm.

***

Ngày mai (11/11/2020) Quốc hội có hoãn phiên họp thông qua Dự luật Môi trường? Những đề nghị của NCDs-VN có được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam quan tâm và Dự luật Môi trường hiện nay sẽ phải soạn lại hay vẫn được nhất trí biến thành… luật? Liệu những cá nhân liên quan đến việc bất chấp nguyên lý, thực tế, nguyện vọng của cả giới chuyên môn về môi trường, sinh thái lẫn dân chúng, soạn một bộ luật khiến NCDs-VN phải phản ứng quyết liệt như thế sẽ bị loại bỏ hay vẫn yên vị?

Không ai biết! Thôi thì ráng chờ thêm một khoảng thời gian rất ngắn nữa để có thêm cơ sở xác định, những điều ông Trọng, ông Phúc thường xuyên lặp đi, lặp lại về trí thức, tham mưu, phản biện, môi trường, phát triển bền vững là thiệt hay… nói cho vui.

Chú thích

(1) https://plo.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-doi-ngu-tri-thuc-can-tich-cuc-phan-bien-559707.html

(2) http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Thu-tuong-Khong-danh-doi-moi-truong-van-hoa-van-minh-xa-hoi-de-lay-kinh-te/383913.vgp

(3) https://suckhoedoisong.vn/thanh-lap-lien-minh-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-o-viet-nam-n103575.html

(4) https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219249537004226

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Soạn thảo được một bộ luật đúng đắn về môi trường là chuyện tốt và nên làm. Nhưng, nhà nước có thành tâm triệt để thi hành những bộ luật đó hay không mới là chuyện quan trọng trong cái xã hội xhcn hiện nay ! Bằng chứng là chúng ta có cả một rừng luật đã được soạn thảo và ban hành, nhưng người ta chỉ thích sài luật rừng !

  2. -Bác Trân Văn ơi, QH khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 sắp mãn nhiệm, tranh thủ cuối nhiệm kỳ này ra luật sớm, vì qua QH khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 chưa biết thế nào?

  3. NCDs Vn tập trung ưu tiên phòng chống ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
    Hai ông đỉnh cao trí tuệ này nói rât thiệt, QH chắc chắn sẽ thông qua như luật an ninh mạng. Không có kiến nghị và thư ngỏ gì sất, VN chiến thắng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây