BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Vũ khí Trung Quốc tại Biển Đông và các điểm nóng. Từ tháng 8/2020 tới nay, TQ liên tục “khoe cơ bắp” ở Biển Đông, từ vụ điều động máy bay chiến đấu J-10 và J-11 tới đảo Phú Lâm, vụ điều động máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 đến bãi đá Chữ Thập, tới vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B tới Biển Đông và mới đây là vụ máy bay tập trận phóng tên lửa ở gần Vịnh Bắc Bộ.
Mỹ có đối sách để đáp lại sự hiếu chiến của TQ, VOV có bài: Mìn Hammerhead – Vũ khí không thể xem thường trong chiến tranh trên biển. Đây là loại vũ khí được nghiên cứu từ năm 2018, có thể dùng cho độ sâu từ trung bình đến sâu, được bí mật đặt dưới đáy biển bằng tàu ngầm robot, có khả năng phát hiện, phân loại và tiêu diệt các tàu ngầm đối phương.
Tin cho biết, “theo báo chí Mỹ, để phục vụ chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, các khu vực của Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương…, sẽ trao hợp đồng thiết kế và thử nghiệm cho tối đa 30 nguyên mẫu vào năm tài chính 2021 và các nguyên mẫu sẽ được chọn vào cuối năm tài chính 2023”.
Kênh US Defense News có clip: Tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại Biển Đông vì các hoạt động an ninh và ổn định khu vực.
Mời đọc thêm: Chuyên gia: Mỹ đẩy mạnh do thám Trung Quốc, để ý eo biển Luzon (PLTP). – Indonesia quan tâm các hệ thống vũ khí phòng không tối tân của Mỹ (NLĐ). – Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông (VTC). – Biển Đông sẽ thế nào nếu Manila điều dân quân? (PLTP).
Sai phạm trong dự án cao tốc Trung Lương
VKSND Tối cao công bố cáo trạng truy tố cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, báo Pháp Luật VN đưa tin. Đây là vụ sai phạm lớn, có liên quan đến ít nhất 3 nhân vật của Bộ GTVT: Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Văn Thể, trong vụ đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Trong vụ này, VKS truy tố các bị can Thăng, Trường và Đinh Ngọc Hệ, tức thượng tá quân đội Út “trọc”, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu tổng GĐ Công ty Thái Sơn cùng 17 bị can khác. Bị can Thăng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Thăng và Trường đã tạo điều kiện để Út “trọc” và đồng phạm thực hiện hành vi gian dối, gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng.
Kênh Tin Tức 24h có clip: Ông Đinh La Thăng ‘chịu trách nhiệm chính’ về thiệt hại 725 tỷ đồng.
Zing có bài: Ông Nguyễn Văn Thể có một phần trách nhiệm trong vụ Út ‘Trọc’. Theo cáo trạng nói trên, giai đoạn 2013-2015, ông Thể là thứ trưởng Bộ GTVT đã được phân công quản lý Tổng công ty Cửu Long. Đến tháng 6/2015, Thể được Thăng giao chỉ đạo, đôn đốc Công ty Yên Khánh của Út “trọc” thực hiện hợp đồng mua bán quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Về trách nhiệm, VKS cáo buộc ông Thể “có một phần trách nhiệm trong việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Yên Khánh”. Lúc Công ty Yên Khánh không thanh toán đúng hạn hợp đồng, ông Thể đã yêu cầu các đơn vị đôn đốc công ty này nộp tiền theo cam kết nhưng không có chuyển biến gì.
Vai trò của ông Thể như vậy, nhưng VKS vẫn không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự ông Nguyễn Văn Thể trong vụ Út ‘trọc’, theo VietNamNet. Cụ thể, “trách nhiệm chính thuộc về ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường. Việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thể, nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại trong vụ án này. Do vậy, VKSND Tối cao cho rằng, không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thể”.
Liên quan tới vụ thoát hiểm của ông Thể, VTC đặt câu hỏi: Vì sao người liên quan tới án tham nhũng trốn được cơ quan điều tra dày đặc? Bài báo dẫn lại chất vấn của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: “Đề nghị Chính phủ cho biết có hay không tình trạng một số lãnh đạo quản lý cấp cao đứng sau các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên kết không minh bạch với các ngân hàng để phục vụ lợi ích nhóm, khi bị xem xét xử lý thì tạo thuận lợi, cơ hội cho họ trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”.
Cũng liên quan đến sai phạm cao tốc TP HCM – Trung Lương, Bộ Công an kiến nghị xử lý cá nhân liên quan thuộc Bộ Tài chính, báo Tiền Phong đưa tin. VKS chỉ ra, trong quá trình xây dựng đề án bán bản quyền thu phí dự án trên, “Bộ Tài chính có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ GTVT. Trong 3 văn bản liên quan này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí ký 2, còn Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký văn bản còn lại”. Nhưng Bộ Công an cho rằng, không cần xử lý mấy người bên Bộ Tài chính về mặt hình sự, chỉ cần kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
Mời đọc thêm: Truy tố ông Đinh La Thăng trong vụ Út “trọc” lừa đảo hơn 700 tỷ đồng (ANTĐ). – Vụ thất thoát 725 tỷ đồng đường cao tốc Trung Lương: Doanh thu bị “giấu” như thế nào? (ĐTCK). – Ông Đinh La Thăng chỉ đạo Út trọc mua quyền thu phí (ĐV). – Không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự ông Nguyễn Văn Thể trong vụ Út ‘trọc’ (VTC). – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có trách nhiệm gì trong vụ án liên quan Đinh La Thăng, Út “trọc”? (NLĐ). – Ông Nguyễn Văn Thể và vụ cao tốc Trung Lương (PLTP). – Nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị tạm đình chỉ phục vụ điều tra (TP).
Vụ xử Trần Bắc Hà và BIDV
Hôm nay, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử đại án gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời triệu tập hơn 100 người tới phiên xử đại án BIDV, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Có 12 bị cáo bị truy tố, trong đó có Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa, đều là cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Nhưng kẻ cầm trịch thật sự trong vụ này là Trần Bắc Hà thì đã qua đời trong trại tạm giam quân đội Sóc Sơn vào ngày 18/7/2019.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Xét xử đại án Ngân hàng BIDV thất thoát 1.700 tỉ đồng. Bài báo tóm tắt cáo trạng, “ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch HĐQT BIDV) được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Tuy nhiên trong thời gian tạm giam, ông Hà chết do bệnh lý nên cơ quan điều tra đã đình chỉ bị can đối với ông Hà”. Trong giai đoạn 2011-2016, Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, cùng chi nhánh Hà Thành cho các công ty sân sau vay trái quy định, gây thất thoát số tiền 1.672 tỉ đồng.
Báo Thanh Niên có clip: An ninh siết chặt tại phiên xét xử cựu lãnh đạo BIDV gây thất thoát ngàn tỉ.
Liên quan đến Trần Duy Tùng, là con trai đã bỏ trốn của Trần Bắc Hà, VnExpress đưa tin: Con trai ông Trần Bắc Hà bị điều tra dấu hiệu rửa tiền. Theo cáo trạng, tập đoàn An Phú của Tùng đã nhờ Trần Quang Anh và Thái Thành Vinh đứng tên tham gia góp vốn. Tùng đã dùng 10 triệu Mỹ kim từ tài khoản của Vinh chuyển sang Công ty Outhid Houng Heang, nhằm qua mặt cơ quan chức năng, đến ngày 23/12/2015, Tập đoàn An Phú đã chuyển sang Lào 4 triệu Mỹ kim.
VKS Tối cao xác định, hành vi chuyển hơn chục triệu Mỹ kim trái phép của Tùng và Vinh có dấu hiệu của tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” hoặc “rửa tiền”, nhưng 2 bị can này vẫn đang ngoài vòng pháp luật. Về một trong các “sân sau” quan trọng nhất của Trần Bắc Hà là Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà, tin cho biết, Tùng chính là ông chủ thứ 2, trực tiếp điều hành chỉ đạo mọi hoạt động của “sân sau” này.
VietNamNet có bài: Người đàn ông ‘bí ẩn’ vắng mặt ở phiên xử vụ Trần Bắc Hà. Người “bí ẩn” đó là Nguyễn Gia Thiều, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà thời điểm xảy ra vụ án. “Thiều từng khai, ông có quan hệ với con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng vào khoảng đầu quý II năm 2015. Tùng liên lạc, giao cho ông Thiều giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà để thực hiện dự án”.
Báo Người Lao Động dẫn lời nguyên phó tổng BIDV: Bị cáo thấy dự án rủi do nhưng ông Trần Bắc Hà đe dọa cách chức. Trong phiên tòa chiều nay, bị cáo Trần Lục Lang khai: “Bị cáo còn thấy thiếu 4 rủi ro nữa nên bị cáo yêu cầu cần phải có thêm tài sản đảm bảo cho dự án này. Tuy nhiên, khi bị cáo trình lên, ông Trần Bắc Hà đã không đồng ý, còn đe dọa và yêu cầu bị cáo nếu còn ý kiến về việc này sẽ cách chức bị cáo. Ông Hà còn nói rất rõ quyền quyết định dự án này còn vượt qua tầm HĐQT chứ không phải trách nhiệm của bị cáo”.
Đoàn Ánh Sáng cũng khai tương tự: Cựu Phó tổng giám đốc BIDV khai bị ép làm sai, theo Zing. Bị cáo Sáng thừa nhận nội dung truy tố trong cáo trạng, nhưng “cho rằng bản thân bị cấp trên ép buộc trong việc đồng ý với đề xuất cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Theo lời khai, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo việc thẩm định phê duyệt cho vay. Còn quyền quyết định thuộc về HĐQT”.
Mời đọc thêm: Hôm nay, xét xử vụ Trần Bắc Hà (VNN). – Triệu tập hơn 100 người liên quan trong vụ xét xử đại án tại BIDV (DS). – Doanh nghiệp gia đình chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của BIDV (ANTĐ). – Con trai ông Trần Bắc Hà ‘rửa’ 10,4 triệu USD như thế nào? (TT). – Xét xử đại án BIDV thất thoát nghìn tỉ: Luật sư cung cấp chứng cứ mới (LĐ). – Đại án BIDV: Sức ép quyền lực từ ông Trần Bắc Hà (PLTP). – Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: Sợ cách chức, lãnh đạo ngân hàng phải giải ngân (ĐTCK). – Xét xử đại án BIDV: Khi dự án “bò vàng” của ông Trần Bắc Hà đổ bể? (NĐT).
Tin môi trường
Trong tình hình bão Molave đã vào Biển Đông, tiến tới đất liền VN, VTV có clip tổng hợp về trận mưa lũ chưa từng có tiền lệ ở miền Trung vừa qua: Mưa lũ lịch sử miền Trung, cái nhìn tổng quan diễn biến bất thường mưa lũ:
Clip cung cấp các số liệu so sánh “trận đại hồng thủy” vừa qua ở miền Trung với trận lũ năm 1999, qua đó cho thấy, trận mưa lũ kéo dài 15 ngày vừa qua đã hoàn toàn vượt qua trận lũ lịch sử năm 1999 trên hầu hết các chỉ số liên quan đến lượng mưa và nước dâng. Từ khóa “chưa từng có” xuất hiện thường xuyên trong clip.
Ở phút 4:39, phát thanh viên VTV cho biết: “Đó là đợt mưa lũ dị thường, nước trên các sông đều đồng loạt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999”. Trong clip có cả đồ họa 3D mô tả lại cảnh sạt lở đã chôn vùi đoàn cứu hộ 13 người vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có Phó Tư lệnh và một số sĩ quan quân khu 4, cùng với vụ sạt lở đã chôn vùi dãy nhà của sư đoàn 337 ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Liên quan tới từ khóa “mưa lũ dị thường” trong clip nói trên, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Vì sao miền Trung mưa lũ khốc liệt, dị thường? Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: “Nguyên do ảnh hưởng của tổ hợp nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm tác động cùng một lúc, dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ, cùng với các xoáy thuận nhiệt đới liên tiếp hình thành hướng vào đất liền nước ta kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc liên tục được bổ sung cùng địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn”.
Thiên tai ngày càng phức tạp, nhưng còn có “nhân tai” là thủy điện góp phần: Lũ lụt, biến đổi khí hậu và thủy điện, bài trên báo Lao Động. TS Nguyễn Thành Sơn phân tích tác động của thủy điện đối với lũ lụt: “Lũ chồng lũ, chưa mưa đã ngập có trường hợp là do điều tiết. Hồ chưa đầy địa phương đã yêu cầu xả. Đáng nhẽ, địa phương nên nắm được đỉnh lũ là khi nào thì hãy cho xả, chưa đến đỉnh lũ mà cho xả thì không tránh khỏi ảnh hưởng đến hạ du”.
***
Liên quan đến vụ người dân ngoại thành Hà Nội chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, VnExpress đưa tin: Đường phố Hà Nội ngập rác thải. Theo đó, rác đã chất đống ở một số khu vực nội thành Hà Nội trong 3 ngày qua. Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, đến 14h hôm qua 25/10, “tại bốn quận đơn vị duy trì vệ sinh là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, lượng rác tồn đọng khoảng 2.400 tấn. Số rác này được lưu trữ trên xe thu gom, phủ bạt và rải vôi bột để ngăn mùi”.
Ở VN, người dân miền Trung chỉ mới bắt đầu gượng dậy sau trận mưa lũ chưa từng có tiền lệ, thì bão Molave đang tới gần. Còn ở bên kia bờ Thái Bình Dương, bờ Tây nước Mỹ vẫn chưa hết cháy rừng: Hàng trăm nghìn dân Mỹ mất điện vì cháy rừng bùng phát, theo báo Lao Động. Công ty Pacific Gas & Electric đã cắt điện khoảng 136.000 khách hàng vào đêm 25/10.
Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu của Đại học UCLA cho biết: “Đây là dự báo hỏa hoạn mà tôi hy vọng sẽ không xảy ra khi mà đã có nhiều điều tồi tệ đã xảy ra vào năm 2020”. Mùa cháy rừng ở bang California năm nay đã thiêu rụi hơn 4 triệu mẫu đất, khiến 31 người thiệt mạng, hơn 9.000 ngôi nhà bị hư hại.
Mời đọc thêm: Tin khẩn cấp cuồng phong bão số 9 (FB Huy Nguyễn). – Kịch bản chi tiết sức gió và lượng mưa khi siêu bão Molave đổ bộ miền Trung (FB Hành Tinh Titanic). – Học sinh miền Trung nghỉ học tránh bão Molave (VNE). – Miền Trung trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong 5 năm (TTXVN). – Liên Minh Châu âu hỗ trợ Việt Nam 1,5tr USD cứu trợ miền Trung (FB Kiểm Tin). – Khó khăn trong khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung (PLVN). – Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu với Đồng bằng sông Cửu Long (LĐ). – MTTQ khuyên Thủy Tiên nên giao 150 tỷ cho Mặt Trận “để dư luận khỏi hoài nghi” (RFA).
– Biến đổi khí hậu: Nỗi lo của châu Á (TG&VN). – PG&E cắt điện của hơn 100.000 khách hàng ở miền bắc bang California để tránh rủi ro từ cháy rừng (KTLA). – Hàng trăm ngàn người mất điện trong bối cảnh bang California tiếp tục đối mặt với cháy rừng (NBC). – Cảm nhận sức nóng trên băng biển Bắc Cực (The Guardian). – Ghi nhận dữ liệu có độ chính xác cao về lịch sử khí hậu Trái đất giúp làm rõ bối cảnh của biến đổi khí hậu hiện tại (Hành Tinh Titanic). – Rừng nhiệt đới biến đổi khiến loài động vật lớn và tông người tuyệt chủng (TS).
Cập nhật tin bầu cử Mỹ
Trang Thế Giới và VN đặt câu hỏi về bầu cử Tổng thống Mỹ: Châu Á sẽ ra sao nếu ông Biden đắc cử? Ông Joe Biden đã bày tỏ “mong muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực tập thể lên Bắc Kinh”. Còn về ông Trump, là người luôn tuyên bố chống TQ: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của ông Trump cũng xa rời các đồng minh và rút khỏi các hiệp định quốc tế như TPP, Thỏa thuận chung Paris (PA), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR), Thỏa thuận Hạt nhân Iran, đồng thời đe dọa rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.
Trên trang Youtube của mình, ông Biden mới có clip giới thiệu: Kế hoạch vận hành nền kinh tế.
Nhà báo Huy Đức bình luận về tình hình bầu cử Mỹ: “Lần này, người Mỹ không phải đi bầu tổng thống mà, với nhiều người, đang là nỗ lực phế truất một Tổng thống”. Ông Huy Đức trích dịch từ bài xã luận “Our choice is Joe Biden” của Ban biên tập báo The New Hampshire Union Leader: “Joe Biden có thể không phải là tổng thống mà chúng tôi muốn, nhưng năm 2020 ông ấy là tổng thống mà chúng tôi rất cần”. Đây là tờ báo bảo thủ nổi tiếng có hơn một thế kỷ liên tục ủng hộ đảng Cộng Hòa, nhưng hôm 25/10 đã lên tiếng ủng hộ ông Biden, ứng viên đảng Dân Chủ .
Liên quan đến vụ ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa quay lưng với Trump, báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bà Clinton nói nhiều đảng viên Cộng hòa muốn ông Trump thua. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong một chương trình podcast “Sway” của The New York Times: “Hầu hết đảng viên Cộng hòa sẽ muốn đóng trang (tức kết thúc – PV). Họ muốn thấy ông ấy ra đi y như chúng tôi, nhưng họ không thể nói điều đó một cách công khai”.
Mời đọc thêm: Báo New Hampshire ủng hộ Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ đầu tiên trong 100 năm (Fox News). – Tại sao người gốc Ấn là nhóm cử tri quan trọng trong bầu cử Mỹ? (Tin Tức). – Nhà Trắng bất ngờ thừa nhận Covid-19 phủ bóng chặng đua nước rút của ông Trump (VNN). – Ông Phúc nhắn với TT Donald Trump hỗ trợ Việt Nam “hướng tới thương mại cân bằng” (RFA).
***
Thêm một số tin: ‘Việc của dân thì đè ra xử, cơ quan nhà nước thì không ai chịu trách nhiệm’ (TN). – Vụ Thuận Phong: Chưa đủ căn cứ chứ không phải ‘chìm xuồng’ (PLTP). – Khu Đô thị mới Thủ Thiêm: Di sản ông Nhân và kỳ vọng trong nhiệm kỳ ông Nên (RFA). – Mỹ tiếp nhận và di lý tội phạm ‘nguy hiểm’ từ Việt Nam (VOA).