Nguyễn Quang Dy
23-10-2020
“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. (Abutalip)
Như “đến hẹn lại lên” trong hai thập kỷ qua, cứ đến mùa mưa bão thì Miền Trung lại phải chịu ngập lụt tang thương, năm sau còn tệ hơn năm trước, như một định mệnh (Karma). Năm nay, hơn một trăm người đã thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị vùi lấp hay ngập sâu, thiệt hại còn lớn hơn cả đại dịch Covid-19. Nhưng điều đáng nói không chỉ là con số tử vong, gồm hai cấp tướng, hàng chục cấp tá, và một số cán bộ trung/cao cấp khác, mà là hiểm họa lâu dài về môi trường, kinh tế, và an ninh quốc phòng, tiếp theo đại dịch như “thảm họa kép”.
Dư luận đang bức xúc và ồn ào, nhưng sau đó chắc lại chìm xuống trước một thực tế mới (a new normal), để sang năm lặp lại “theo đúng quy trình”, mà chẳng thấy ai chịu trách nhiệm. Không đổi mới thể chế và tư duy, chắc cái vòng luẩn quẩn đó vẫn cứ tiếp diễn, và người dân luôn là “bên thua cuộc” (born loser). Hãy thử làm rõ nguyên nhân và hệ quả.
Làm rõ nguyên nhân
Khi nói đến nguyên nhân, người ta thường đổ cho “thiên tai” như biến đổi khí hậu. Điều đó tuy không sai, nhưng ngoài nguyên nhân khách quan (do “thiên tai”) còn có nguyên nhân chủ quan (do “nhân họa”) mà người ta hay né tránh. Muốn tránh thảm họa, phải làm rõ nguyên nhân. Trong khi loài người phải làm quen và chung sống với biến đổi khí hậu (phải đối phó nhưng không chống lại được) thì họ có thể tìm cách tránh được “nhân họa”.
Theo ông Nguyễn Văn Lung (Viện trưởng Viện Quản lý Rừng), Việt Nam là một trong sáu nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu trong bốn năm gần đây. Miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Việt Nam. Nhưng bên cạnh “thiên tai” (như biến đổi khí hậu), còn có “nhân họa” (do lòng tham và dân trí thấp).
Trong khi dư luận bức xúc vì đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu hệ quả khôn lường (như “vũ khí nước”) do họ làm quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn (chủ yếu là Trung Quốc) thì Miền Trung lại hồn nhiên làm hàng trăm “thủy điện cóc” (quy mô nhỏ dưới 10MW) mà không tính đến hệ quả do môi trường tự nhiên bị tàn phá. Khi chạy các dự án “thủy điện cóc”, mục tiêu của chủ đầu tư không phải là làm ra điện mà là khai thác gỗ.
Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có chủ trương “xã hội hóa” cho tư nhân làm “thủy điện cóc” (chẳng khác gì “hội chứng trạm BOT”). Theo chủ trương “phân cấp quản lý”, các dự án thủy điện công suất trên 10MW do Bộ TNMT thẩm định phê duyệt, còn các dự án thủy điện công suất dưới 10MW do cấp tỉnh phê duyệt. Nhưng chủ trương “xã hội hóa” và “phân cấp quản lý” đã bị các nhóm lợi ích thao túng, để “con voi chui lọt lỗ kim”.
Việc điều tiết thủy điện được “làm theo bản năng chứ không theo dòng chảy”. Các nhà máy “thủy điện cóc” thường hoạt động tự phát và tùy tiện, không chỉ góp phần phá hủy mội trường mà còn phá vỡ quy hoạch điện của nhà nước, dẫn đến hệ quả khôn lường. Các chuyên gia cho rằng “quả bom nước” thủy điện bậc thang ở Miền Trung có thể nhấn chìm phố cổ Hội An. Tuy các chuyên gia đã cảnh báo, nhưng dường như không ai lắng nghe.
Theo số liệu thống kê, Bộ Công thương đã duyệt 21 dự án thủy điện cỡ nhỏ (bình quân 21,4MW) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên (tổng công suất 450MW), gồm 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch. Theo Quyết định 1666/QĐ-UBND (23/7/2008), UBND tỉnh Thừa Thiên đã phê duyệt 11 dự án thủy điện cóc (dưới 10MW) với tổng công suất 105,8MW, được khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng.
Trên thực tế, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng đều nằm trong danh sách “chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”. Tính đến cuối năm 2017, hơn 60.000 ha diện tích đất rừng đã bị chuyển đổi, trong đó có 4 dự án thủy điện nhỏ ở Miền Trung gồm Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Đến nay, Miền Trung đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565MW); đang thi công 11 dự án bậc thang (704MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859MW).
Cả nước có 342 thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành phát điện (tổng công suất 3.582MW), có 158 dự án đang được tiếp tục thi công (tổng công suất 2.122MW), có khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 3.121MW), và có 69 dự án chưa nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 622MW). Muốn đầu tư làm dự án thủy điện nhỏ thường phải có quản trị tốt và giải trình minh bạch. Nhưng ở Việt Nam các yếu tố đó vẫn chưa có.
Theo thống kê, cứ 1MW thủy điện sẽ mất 10-14,5ha rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện nhỏ sẽ xóa sổ 125ha rừng tự nhiên. Với hơn 500 dự án thủy điện nhỏ được phê duyệt, phải đánh đổi 57.000ha rừng. Nếu bỏ được 463 dự án thủy điện nhỏ (dưới 30MW) sẽ cứu được 13.890ha rừng nguyên sinh. Mỗi ha rừng nguyên sinh không chỉ bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và làm chậm dòng chảy của nước về hạ lưu, mà còn hấp thụ được 640 tấn khí carbon.
Mỗi ha rừng nguyên sinh có trữ lượng cây khoảng 300m3 gỗ. Nếu đốn 13.890ha rừng nguyên sinh sẽ thu được 5.167.000m3 gỗ. Nếu giá một m3 gỗ (nhóm 1) là 50 triệu VND/m3, giá một m3 gỗ nhóm 4 là trên 8 triệu VND/m3, thì bình quân là 20 triệu VNĐ/m3. Nếu bán 5.167.000m3 gỗ người ta sẽ thu được 103.340 tỷ VNĐ. Đó chính là lý do người ta đua nhau làm thủy điện nhỏ. Nói cách khác, làm thủy điện cóc là cách “tay không bắt giặc”.
Hệ quả của thủy điện cóc
Người ta thường làm dự án thủy điện nhỏ ở sâu trong núi vì ba lý do chỉnh. Một là tránh xa được tai mắt của nhân dân. Hai là không tốn tiền đền bù và di dời nhà dân. Ba là có thể tự do khai thác rừng nguyên sinh có nhiều giá trị lâm sản, tạo ra nguồn tiền đủ để đầu tư làm thủy điện. Vì vậy, làm thủy điện cóc là kênh đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận, mà những yếu tố môi trường, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và vận hành hầu như không bị giám sát.
Có thể nói thủy điện cóc là các dự án nhỏ nhưng lại có nguồn lợi lớn và tác động môi trường không hề nhỏ. Các nhóm lợi ích đang tranh nhau làm thủy điện cóc và thao túng quy trình làm thủy điện, tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, và văn hóa của Việt Nam, với hệ quả khó lường. Tuy các chuyên gia đã cảnh báo về “quả bom nước” khi mùa lũ tới, nhưng các dự án thủy điện cóc vẫn đua nhau mọc lên. Hệ quả là các khu rừng nguyên sinh bị khai thác vô tội vạ, rất khó kiểm soát, vì kiểm lâm thường bị qua mặt hoặc bị mua chuộc.
Hệ thống đường giao thông Bắc-Nam thường cắt vuông góc với dòng chảy của các con sông ở Miền Trung. Đường càng cao thì chặn lũ càng nhiều, và hệ thống thoát nước được thiết kế và thi công không đáp ứng được lưu lượng nước vào mùa lũ, làm khả năng thoát nước càng chậm. Khi làm con đường HCM, chắc các chuyên gia không nghĩ đến việc làm con đường đó có chặn mất dòng nước lũ tràn xuống biển từ sườn phía Đông của dãy Trường Sơn.
Hầu hết địa hình Miền Trung là đồi núi, có độ dốc cao (từ 15-75 độ). Bộ Công thương cho biết đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội. Thủy điện Rào Trăng 3 (công suất 11MW) đã thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13MW. Dự án này đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019.
Ông Hà Công Tuấn (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) cho rằng một trong hai nguyên nhân cơ bản khiến rừng tự nhiên bị giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng, là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư khác. Theo ông Lê Việt Trường (cựu Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), cần làm rõ lũ lụt do thiên tai chiếm bao nhiêu phần trăm và lũ lụt do thủy điện chiếm bao nhiêu phần trăm. Việc cần phải làm ngay sau vụ Rào Trăng 3 là tạm dừng tất cả các dự án thủy điện đang triển khai và sắp triển khai để điều tra, đánh giá tổng thể.
Theo ông Lung, các dự án thủy điện cóc công suất tuy dưới 10 MW, nhưng vẫn chiếm diện tích lớn rừng được “chuyển đổi mục đích sử dụng”, trong khi các chủ doanh nghiệp tư nhân làm thủy điện cóc thường trốn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Lỗi không phải do làm thủy điện mà là do cách thức người ta quản trị và điều tiết như thế nào. Chúng ta đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt, hy sinh rừng tự nhiên để làm thủy điện, nhưng không biết cái giá phải trả lâu dài. Nói cách khác, người ta “đánh bạc với thiên nhiên”.
Theo các chuyên gia về môi trường, nếu mưa xuống khu vực rừng tự nhiên thì khoảng 90% lượng nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt đất, mà được thấm xuống thành nước ngầm. Hệ thống mạch nước ngầm chằng chịt dưới lòng đất, nên khoan giếng chỗ nào cũng hầu như thấy nước. Nhưng nếu mưa xuống khu vực đồi trọc hay rừng mới trồng này thì chỉ có 5% lượng nước được thấm xuống đất, còn 95 % lượng nước sẽ chảy tràn trên bề mặt, tạo thành lũ ống hay lũ quét. Nhưng hầu hết các chủ đầu tư thủy điện cóc không quan tâm đến vai trò của rừng tự nhiên trong hệ sinh thái, mà chỉ muốn phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ.
Thế giới đã khẳng định rừng tự nhiên là nhân tố tốt nhất để chống biến đổi khí hậu. Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 10 ha rừng trồng lại. Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại hồn nhiên phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Trong khi đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt lấy rủi ro môi trường lâu dài, thì chúng ta bỏ ngoài tai các khuyến cáo của các chuyên gia về môi trường.
Theo nhà báo Lưu Trong Văn, sự hy sinh của 13 sĩ quan trung/cao cấp tại trạm kiểm lâm 67 gần Thủy Điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền (13/10) là một bài học đau xót cho công tác cứu hộ. Nếu không coi công tác cứu hộ là công việc đầy nguy hiểm phải có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và phương tiện chuyên dụng, thì chính quyền còn phạm nhiều sai lầm khác. Tướng Man, đại tá Hùng và đại tá Quang từng chỉ huy lực lượng cứu hộ, nhưng lần này không có lực lượng cứu hộ và phương tiện cần thiết, thì làm sao có thể chỉ huy cứu hộ.
Ông Lưu Trọng Văn cho rằng: “Nếu không khẩn cấp điều tra hơn 700 thuỷ điện cóc đang bức tử các dòng sông và các cánh rừng, gây ra hệ quả ghê gớm này để dẹp hết đi thì sẽ là đồng lõa với tội ác”. Theo ông Văn, cũng như quan điểm của nhiều người khác, Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ và được trang bị đầy đủ, để khi có lệnh là lên đường ngay bằng phương tiện trực thăng, ca-nô hay xe chuyên dụng.
Tiếp theo vụ sạt lở đất tại trạm kiểm lâm 67 ở Phong Điền (13/10) làm thiệt mạng 13 sỹ quan, hầu hết là cán bộ trung/cao cấp, vụ sạt lở đất tại khu nhà của sư đoàn 337 làm kinh tế tại Hương Hóa (18/10) đã làm thiệt mạng 22 cán bộ và chiến sỹ. Tính đến 20/10, đã có 84 người chết, 38 người mất tích, 52.933 nhà bị ngập và 461.627 con gia súc/gia cầm bị chết. Ông Hoàng Đình Bá (cựu trưởng ty Lâm nghiệp ở Quảng Nam-Đà Nẵng) đã cảnh báo từ hơn hai thập kỷ trước rằng tần suất lũ lụt sẽ ngày càng tăng, và nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt. Nếu không phục hồi được rừng đầu nguồn thì phố cổ Hội An không lâu nữa sẽ chỉ còn là phế tích.
Theo kỹ sư Nguyễn Đức Thắng, một nguyên nhân khác làm lũ lụt Miền Trung gia tăng là do Tập đoàn Dầu khí (PVN) chủ trương làm xăng E5 (ethanol) và Bộ Giao Thông Vận Tải làm các tuyến đường Bắc Nam. PVN đã xây dựng 3 nhà máy ethanol (có tổng công suất là 3×100.000m3 ethanol/năm) đặt tại ba miền đất nước là Tam Nông (Phú Thọ), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Bình Phước (phía nam), để pha trộn với xăng RON 92 tạo thành xăng E5.
Quyết định 177/2007/QĐ-TTg cho chuyển đổi 0,73 triệu ha đất rừng thành đất trồng sắn và xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất ethanol. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong vòng 5 năm (2010-2014) diện tích rừng ở Tây Nguyên đã giảm tới hơn 0,3 triệu ha, độ che phủ của rừng đã giảm 6,1%. Nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng tự nhiên để xây thủy điện, hạ tầng giao thông, và trồng cây cao su… Rừng và thảm thực vật hoạt động như “một cái phanh để giảm lũ”, nhưng khi nhiều rừng tự nhiên bị tàn phá thì sẽ có lũ quét.
Câu chuyện cứu trợ
Thảo luận về “hiện tượng Thủy Tiên”, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng Việt Nam có Nghị định 64/2008/NĐ-CP không cho những cá nhân hay nhóm người (như Thủy Tiên) được tiếp nhận tiền cứu trợ và phân phối hàng cứu trợ. Ông luật sư và Báo Pháp Luật TP.HCM nhận xét rằng nghị định 64 ra đời cách đây 12 năm, nay đã lạc hậu, và đó là một văn bản dưới luật nên tự thân nó không đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp. Luật sư Ngô Ngọc Trai và Báo Pháp Luật TP. HCM kiến nghị “cần phải nhanh chóng hủy bỏ Nghị định 64/2008”.
Theo nhà báo Nguyễn Như Phong, “Làm từ thiện mà cứ giao khoán cho mấy tổ chức đoàn thể là khéo mất toi. Nói thật là tôi mất niềm tin vào các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… và không bao giờ tôi phối hợp với các tổ chức này”. Nhà báo Nguyễn Như Phong đã phản ánh khá đúng tâm trạng của công chúng, và một thực tế đáng buồn là người dân không còn tin vào các cơ quan đoàn thể, vì họ đã đánh mất chính danh. Một khi đã đánh mất lòng tin của người dân thì rất khó lấy lại, làm “khủng hoảng lòng tin”.
Người ta hay nói “lấy dân làm gốc” nhưng nhiều người quên rằng dân như nước, có thể “nâng thuyền hay lật thuyền”. Cách đây bốn năm, MC Phan Anh đã quyên góp được hơn 20 tỷ VNĐ trong vòng một tuần (như một hiện tượng). Nay ca sỹ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 100 tỷ VNĐ cũng trong vòng một tuần (gấp năm lần Phan Anh). Nhưng Thủy Tiên còn quyết liệt hơn Phan Anh khi khẳng định rằng cô sẽ làm việc “theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng” với nguyên tắc là “tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào cả”, và nhấn mạnh “cũng sẽ không tạo ra một tổ chức nào cả”.
Hiên tượng Thủy Tiên thúc đẩy các nghệ sỹ khác tham gia cứu trợ, như một xu hướng mới của xã hội dân sự. Hiên tượng này chứng tỏ người dân không còn tin vào các “cơ quan chức năng” của nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập Đỏ), mà chỉ tin vào các cá nhân nào đáp ứng được nguyện vọng thiện nguyện của họ. Tuy Thủy Tiên được dư luận chung ủng hộ, nhưng một số khác lại có ý kiến trái chiều, dựa vào các quy định lỗi thời để ngăn cản.
Thay lời kết
Tiếp theo đại dịch Covid-19, lũ lụt năm nay đang tạo ra “thảm họa kép”, với hiện tượng La Nina gây mưa lớn kéo dài, làm lũ lụt miền Trung vượt mức báo động 3, tới mức báo động 4 (là mức nguy hiểm nhất tại Việt Nam). Chủ trương “xã hội hóa” cho tư nhân làm “thủy điện cóc”, và “phân cấp” cho các tỉnh duyệt cấp phép, trong khi năng lực quản trị yếu và tham nhũng, đã tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng, làm quá nhiều “thủy điện cóc”, không chỉ chặn dòng chảy của các con sông, mà còn phá rừng tự nhiên làm đảo lộn hệ sinh thái.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần sản xuất thêm nhiều điện, nhưng không phải các dự án thủy điện phá hủy môi trường, hay các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm không khí. Đã đến lúc Việt Nam phải phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời để sử dụng năng lượng tái tạo, như các nước khác. Việt Nam cần hợp tác xây dựng các dự án điện khí hóa lỏng (LNG) như dự án “Chân Mây”. Với kết quả thăm dò thành công trữ lượng khí rất lớn, chất lượng rất tốt, vị trí thuận lợi tại “Kèn Bầu” (lô 114), Việt Nam có thể hợp tác phát triển các dự án điện khí lớn, nhằm “mục tiêu kép” về an ninh năng lượng và địa chiến lược tại Biển Đông.
“Cách đây bốn năm, MC Phan Anh đã quyên góp được hơn 20 tỷ VNĐ trong vòng một tuần (như một hiện tượng). Nay ca sỹ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 100 tỷ VNĐ cũng trong vòng một tuần (gấp năm lần Phan Anh).”; “Hiên tượng Thủy Tiên thúc đẩy các nghệ sỹ khác tham gia cứu trợ, như một xu hướng mới của xã hội dân sự. Hiên tượng này chứng tỏ người dân không còn tin vào các “cơ quan chức năng” của nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập Đỏ), mà chỉ tin vào các cá nhân nào đáp ứng được nguyện vọng thiện nguyện của họ.”
-Bác Nguyễn Quang Dy viết như trên làm “các “cơ quan chức năng” của nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập Đỏ)” lại nóng mặt sẽ làm khó cô Thủy Tiên nữa rồi?
-Cám ơn bác Nguyễn Quang Dy với bài viết có dẫn chứng nhiều số liệu cụ thể về thủy điện “cóc”. Từ “cóc” mang ý nghĩa quá chuẩn. “cóc” nhảy lung tung, ko theo qui hoạch, ko ai quản nổi. He…he…