Thiên tai và hệ thống tham tàn

Blog VOA

Trân Văn

20-10-2020

Nhiều triệu người ở miền Trung – Việt Nam lại oằn mình gánh chịu hậu quả của mưa bão. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản do lũ lụt, sạt lở trong ba tuần vừa qua khiến thiên hạ lại nổi giận với… thủy điện nhưng sự giận dữ ấy dường như chưa đủ và hoàn toàn chưa đúng! Thủy điện chỉ là phần nổi của thảm họa, thảm nạn…

***

Hai vụ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã bày ra sự vô tâm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương: Tuy Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khảo sát, đã cảnh báo rằng Phong Điền là khu vực có nhiều đứt gãy, vật liệu bở rời, hỗn độn, liên kết kém, địa hình dốc, nguy cơ trượt lở đất sẽ diễn ra khi có mưa và cắt xẻ để làm đường, lấy mặt bằng xây dựng nhà ở khiến mất cân bằng (3),… nhưng giới hữu trách từ trung ương đến địa phương vẫn chia nhau cấp giấy phép đầu tư vào lưu vực Rào Trăng bốn công trình thủy điện (A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4)!

Rồi cũng vì không thèm bận tâm đến cảnh báo của các chuyên gia, không lưu tâm phòng ngừa – chuẩn bị ứng phó nên sau khi sạt lở xảy ra ở công trình xây dựng Thủy điện Rào Trăng 3, đại diện các cơ quan tìm kiếm – cứu nạn từ trung ương đến địa phương mới dắt nhau vào hiện trường tai nạn xem xét và 13 người trở thành nạn nhân của vụ sạt lở thứ hai…

Rào Trăng 3 không phải là công trình thủy điện đầu tiên và càng không phải công trình thủy điện cuối cùng sinh họa! Xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã trở thành phong trào tại Việt Nam vào thập niên 2000. Năm 2013, sau khi oán thán về thủy điện vang vọng khắp nơi, Quốc hội Việt Nam mới cử Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội thẩm tra các công trình thủy điện…

Sau khi thẩm tra, ủy ban vừa kể nhận định, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường: Khoảng 30% đập chắn nước chưa được kiểm định, 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ, 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão và… 160 dự án thực hiện từ 2006 đến 2012 đã hủy diệt 19.792 héc ta rừng (2).

Áp lực từ dân chúng đã buộc chính phủ Việt Nam tiến hành “rà soát quy hoạch thủy điện” và loại bỏ 424 dự án, không đưa vào quy hoạch 172 “vị trí tiềm năng”, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục đánh giá 158 dự án khác. Cho đến 2014, Việt Nam vẫn còn 815 dự án thủy điện phục vụ công cuộc “công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ở thời điểm ấy, giới hữu trách tại Việt Nam bắt đầu thú nhận, những dự án thủy điện là nguyên nhân tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số lún sâu vào bần cùng. Chưa kể, mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu. Hạn hán có xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Mừa mưa, xả lũ vô tội vạ làm hàng trăm người mất mạng, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng (3).

Tuy nhiên do thủy điện đã mọc lên như nấm, oán thán tiếp tục gia tăng. Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu gia tăng kiểm soát quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng.

Ngoài ra Bộ Công Thương phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt – giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì được yêu cầu buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế ngay lập tức (4) vì đến lúc đó, diện tích rừng được trồng để thay thế chỉ chừng 3,7%.

Song tới tháng 7 năm 2017, tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, gần như toàn bộ chính quyền 33 địa phương có tiềm năng (núi, rừng) khăng khăng xin thực hiện thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn Bộ Công Thương công khai tán thành (5). Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương lại chia nhau cấp giấy phép đầu tư như trường hợp bốn nhà máy thủy điện ở lưu vực Rào Trăng.

Vì sao? Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Nghệ An, vừa giải thích: Nhiều doanh nghiệp lao vào dự án thủy điện “cóc” (thủy điện có công suất nhỏ) vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn. Giống như nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng cảnh báo trong nhiều năm, ông Thành khẳng định: Đó là “lợi bất cập hại” vì địa hình miền Trung có độ dốc lớn, sông ngắn, địa chất phần lớn thuộc nhóm dễ sạt lở. Đầu tư vào thủy điện “cóc” là một kiểu phá rừng hợp pháp, chủ yếu là rừng đầu nguồn, góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du vì mùa khô, hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích (6).

Vô tâm không phải do vô tình. Vô tâm vì tham và sự tham lam vừa đạt đến đỉnh của tàn nhẫn, bất kể tính mạng, tài sản của đồng loại, tương lai của quốc gia, vừa phổ biến trong toàn hệ thống nên không có cá nhân nào bị xem là có tội, phải trừng phạt để làm gương.

Chẳng riêng người Việt ở miền Trung, người Việt ở nhiều vùng, miền khác đã cũng như đang tiếp tục khốn khổ mỗi khi mưa bão vì lũ lụt, sạt lở, hạn hán… Năm 2017, Việt Nam công bố kết quả một cuộc khảo sát mà theo đó, riêng mười tỉnh ở vùng núi phía Bắc có 10.266 địa điểm có thể xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào, 2.110 điểm mà nguy cơ đất chuồi được nhận định là “rất lớn” thậm chí “đặc biệt lớn”…

Trước mức độ thảm khốc càng lúc càng cao của thiên tai, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thường giải thích đó là hệ quả của… biến đổi khí hậu, thời tiết dị thường nhưng các chuyên gia của nhiều lĩnh vực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam khẳng định không phải, chính xác là không hoàn toàn như thế!

Tại hội thảo về lũ quét và sạt lở do Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Việt Nam tổ chức hồi tháng 10 năm 2017, ông Shinro Abe – một chuyên gia cao cấp về địa kỹ thuật của Nhật, cho rằng, lũ quét và sạt lở liên quan mật thiết đến phương thức thi công hệ thống hạ tầng giao thông. Không khảo sát kỹ và đào xới từ dưới lên trên (thay vì phải làm ngược lại) khi thi công mặt dốc dễ dẫn tới sạt lở, khó khắc phục hậu quả. Ông Vũ Mạnh Lợi, từng là Viện phó Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì khẳng định, lũ quét, sạt lở còn do phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản vô tội vạ, cho phép đào xới lung tung, không đánh giá tác động tiêu cực đến môi trường (7)…

Ông Lợi không phải người đầu tiên, càng không phải người cuối cùng nhận định như vậy. Trước đó bốn tháng, tại hội nghị về phòng chống thiên tai ở 18 tỉnh miền Bắc, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn từng thú nhận, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, hậu quả của thiên tai (lụt, lũ, sạt lở, hạn hán,…) trở thành khốc liệt còn vì “phát triển thiếu bền vững, khai thác quá mức tài nguyên” (8).

Thỉnh thoảng, “phát triển thiếu bền vững, khai thác quá mức tài nguyên” lại được các viên chức hữu trách đề cập khi thảo luận về các vấn nạn kinh tế – xã hội nhưng chưa có ai phân tích cặn kẽ xem đâu là nguyên nhân. “Phát triển thiếu bền vững, khai thác tài nguyên quá mức” khởi đầu từ lúc nào? Phải chăng là từ 1991 khi các đại biểu dự Đại hội Đảng CSVN lần thứ bảy thông qua cương lĩnh, xác định “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” và đỉnh của “phát triển thiếu bền vững, khai thác tài nguyên quá mức” có phải từ khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ chín (2001) đề ra chủ trương “công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?

Chú thích

(1) Thủy điện Rào Trăng 3 từng bị cảnh báo về nguy cơ trượt lở cao (PLTP)

(2) Quy hoạch XD thủy điện: Vấn đề “nóng” là hài hòa lợi ích (HNM)

(3) Bài 2: Nghịch lý dân nghèo vì thủy điện (CAND)

(4) CÔNG ĐIỆN VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, VẬN HÀNH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN (TVPL)

(5) Khai thác thủy điện vừa vào nhỏ: Hướng đi nào bền vững? (EVN)

(6) Giám đốc Sở KHCN Nghệ An cảnh báo thảm họa từ thủy điện “cóc” (LĐ)

(7) Sạt lở đất gây thiệt hại 3.300 tỉ đồng trong 15 năm (TT)

(8) Thách thức trong công tác phòng chống thiên tai ở khu vực miền núi (MT)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hồn tổ quốc ngụ trong rừng sâu thẳm
    Rừng điêu tàn là tổ quốc suy vong
    (thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm,mỗi cánh rừng ở miền Trung VN đều cắm bảng có câu thơ này)

  2. Mọi bất Trắc xã hội cũng như những hành vì CÔNG chức gây tác hại cho dân chúng sẽ ngày càng nhiều hơn do bản chất chế độ – Điều này không thể giải quyết nếu không thay đổi hệ thống chính trị!

Comments are closed.