Đinh Hoàng Thắng
14-10-2020
Tùy góc nhìn – là lãnh đạo, người dân hay cộng đồng doanh nghiệp – người Việt Nam đánh giá về BRI của Trung Quốc có khác nhau về cả mức độ lẫn sắc thái. Chính sách của Hà Nội đối với dự án thế kỷ này có thể là sự kết hợp linh hoạt giữa các lập trường hưởng ứng, chống lại hay giữ cân bằng.
***
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) được Trung Quốc ví như một chuyến tàu tốc hành mà đại quốc này muốn mời gọi các tiểu quốc cùng mua vé đi chung, nhằm xây dựng các mối quan hệ nhiều mặt trong tương lai. Để giải mã được phản ứng của Việt Nam đối với “đại dự án thế kỷ” này và ý đồ chiến lược thật sự của Bắc Kinh, giới nghiên cứu quốc tế và trong nước hiện đang thẩm định dự án từ nhiều góc độ khác nhau.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam vốn được định vị trong nhận thức rằng, nền tảng của bang giao Việt – Trung là hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, đa số trong giới này vẫn coi Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối tượng. Trừ một số trường hợp đặc biệt – mà tướng An ninh Trương Giang Long có lần nhắc đến – nhìn chung lãnh đạo Việt Nam ý thức được BRI là công cụ để Tàu bành trướng thế lực. Cứ quan sát quá trình kiềm chế Bắc Kinh giành lại quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của “Bộ Tứ” qua chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) từ tháng 11/2017 đến nay thì rõ. Các đại cường còn thế, huống chi là Việt Nam.
Đối với người dân, cảm quan chung về Trung Quốc, trước hết là về BRI khá tiêu cực. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW, 80% dân số Việt Nam coi sự mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe doạ hàng đầu đối với Hà Nội. Chẳng cần đi sâu vào lịch sử các đợt “chinh phạt” qua hàng ngàn năm, chỉ cần nhìn lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc 17/2/1979 và 10 năm xung đột dai dẳng do Trung Quốc khởi xướng cũng đủ để thấy mức độ tàn bạo của chủ nghĩa bá quyền.
Ngày nay, BRI được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng đại dịch Vũ Hán để làm mưa làm gió trên Biển Đông. Hẳn nhiên vào thời điểm kinh tế và xã hội Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19, nên Việt Nam đã buộc phải nhượng bộ. Bỏ ra trên 1 tỷ USD đền bù cho các đối tác nước ngoài, rút khỏi các các cơ sở làm ăn chính ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi bị Trung Quốc chèn ép và xua đuổi.
Riêng sự ức hiếp nói trên cũng đủ để những người có trọng trách ở Ba Đình phải suy nghĩ. Biển Đông ngày có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai, chủ quyền, an ninh và phát triển của đất nước. Không chỉ xuất phát từ kinh tế, Hà Nội còn có lý do chính trị và địa-chiến lược để cân nhắc và tính toán trước các khoản vay của Trung Quốc thông qua dự án BRI này. Thái độ đối với BRI sẽ còn là sự bảo đảm tính chính danh cho nhà cầm quyền trong con mắt dân chúng.
Tuy nhiên, những công ty xuất nhập khẩu làm ăn với các thương lái Tàu thì quan điểm đối với BRI lại “mềm” hơn. Đường bộ và đường sắt kết nối miền nam Trung Quốc với tiểu vùng sông Mekong mở rộng khiến cho chi phí và thời gian vận chuyển hàng hoá giảm, nên giới này hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng có một số nhà nhập khẩu không nghĩ như thế. Các doanh nghiệp lớn của Tàu tràn vào, với khả năng tài chính và công nghệ “trên cơ”, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh ngang bằng.
Chưa kể những tấm gương tiêu cực vẫn sừng sững. Cả doanh nghiệp lẫn người dân kinh hãi trước một số dự án Tàu trúng thầu như các cung đường Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội – Hải Phòng… Chúng gây ra vô số những vấn đề nghiêm trọng. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm trễ 5 lần, đội vốn 205%. Đây quả thật là “biểu tượng” của bang giao song phương, với hàng loạt mỹ từ dân gian: “khúc xương 13 km”, “vua chậm trễ”, “nhát dao chém ngang trên mặt cô gái”…
Các cấp độ nhận thức khác nhau nói trên dường như chứa đựng những quan điểm mâu thuẫn về BRI. Một mặt, nhà cầm quyền hy vọng dù mong manh, có thể tối đa hoá lợi ích mà Việt Nam mong đợi từ BRI. Mặt khác, Việt Nam không thể không đề phòng những rủi ro và các mối đe doạ tiềm tàng, nhất là trên Biển Đông, do BRI mang lại.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với BRI. Trên thực tế, “Hai hành lang, Một vành đai” đã được hai chính phủ thực hiện từ trước khi có BRI. Nhưng tới nay, hoạt động trong khuôn khổ hành lang Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng và hành lang Nam Ninh-Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa có kết quả khả quan.
Trên bối cảnh ấy, trong quá trình thúc đẩy BRI, phía Trung Quốc nhân tiện làm sống lại ý tưởng này và cũng gắn nó với “dự án thế kỷ”. Đây là cách Trung Quốc cho thế giới thấy, Việt Nam ủng hộ BRI. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2017 tới nay, chưa có những triển khai thực chất nhằm kết nối hai khuôn khổ này với nhau. Trên thực tế, ngoại trừ ba dự án về đặc khu đang bị người dân kịch liệt phản đối, BRI thực sự cũng chưa có tiến triển đáng kể nào ở Việt Nam.
“Đa dạng hoá các đối tác chiến lược và toàn diện” chính là một trong những lối ra hiện nay của Việt Nam. Nếu muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau, kể cả với BRI, chính quyền Việt Nam phải kiến tạo được nhiều khuôn khổ đối trọng khác nhau. Nếu tham gia được vào “Mạng lưới các quốc gia thịnh vượng” trong khuôn khổ FOIP thì quả là cơ hội kim cương cho Việt Nam.
Để hoàn chỉnh một chiến lược hội đủ các yếu tố chống lại BRI nhằm ngăn ngừa rủi ro, đề phòng âm mưu của Trung Quốc, nhưng vẫn tận dụng được quan hệ hợp tác để phát triển (hưởng ứng BRI có mức độ), thì bên cạnh tăng cường sức mạnh cứng, nền Ngoại giao Việt Nam phải thực sự có những đột phá về chính sách. Từ duy trì trạng thái “cân bằng động” đến tham gia “cấu trúc an ninh tập thể” sẽ là một quá trình tiến hoá.
Trong quá trình ấy, Việt Nam từ nay phải chéo lái giữa “hai dòng nước xoáy” BRI và FOIP. Mâu thuẫn đối kháng Trung – Mỹ từ nay không chỉ thể hiện qua sự cạnh tranh quyết liệt giữa BRI và FOIP. Chuỗi xung đột Mỹ – Trung còn bao trùm cả cuộc hoa sơn luận kiếm giữa một bên là “chủ nghĩa toàn trị số hoá”, còn bên kia là “không gian mạng sạch”.
Ngày 13/10, Ngoại trưởng Vương Nghị lên tiếng cảnh báo các nước ASEAN không nên ngả theo Mỹ, đặc biệt là phải cảnh giác trước chiến lược Ấn Thái Dương của Hoa Kỳ mà ông Vương cho sẽ là một nguy cơ về an ninh trong khu vực. Trước đó, trong cuộc họp với các bộ trưởng ASEAN ngày 10/9, Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi ASEAN xem xét lại việc làm ăn với các công ty Trung Quốc mà Washington liệt vào danh sách đen. Ông Pompeo thẳng thừng, quý vị không chỉ dừng làm ăn với Trung Quốc, mà phải hành động cụ thể.
“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” (Everything happens for a reason). Việt Nam và ASEAN rõ ràng dễ bị “kẹt cứng” giữa cả hai đại cường. Đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong cuộc đối đầu lịch sử này, chính sách của Hà Nội đối với BRI không thể chỉ đóng khung trong khuôn khổ bang giao Việt – Trung đầy trắc trở, mà còn phải bao hàm một tầm nhìn bao quát và rộng lớn hơn của ban lãnh đạo mới sau Đại hội 13. Hãy kiên nhẫn chờ xem!
______
Tham khảo bài cùng chủ đề trên:
– Việt Nam dè chừng Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc
– Ngày tàn của “Vành đai và Con đường”
– Việt Nam với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI)
– Thiếu tướng Trương Giang Long – Quan hệ Việt Nam với các nước lớn
Muốn cứu nước thì đừng qúa thân cận mà cần giữ một khoảng cách với Tàu công,
vì hiên thời thì VN.ta đang ở trong thế bị Tàu cộng bao vây ! Hãy dựa vào những
lời “gan ruột” chân thật của cựu tướng CA.Trương Giang Long để thoát Trung.
Không ăn nhằm gì khi người dân chỉ “kịch liệt phản đối” các đặc khu vì chính các
quan chức có quyền lực cao nhất mới đủ điều kiện và khả năng để bán nước !
Trừ khi các quan chức cộng sản Ba đình chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, chắc họ đủ khôn ngoan, đủ kiến thức để nhìn ra lợi hại khi hợp tác với Tàu.