Mạc Văn Trang
Một nhà giáo bảo, Bộ GD&ĐT có Thông tư mới về kỷ luật học sinh (HS), trong đó không gọi là “đuổi học” mà là “dừng việc đến lớp” với HS phạm kỷ luật. Mà chỉ “dừng” 2 tuần chứ không đuổi một học kỳ hay một năm như trước…
Nhà giáo này bảo, Thông tư có nhiều điểm mới và mong được góp ý kiến… Thú thực mình chẳng muốn đọc các thứ văn bản quy định và bàn kỷ luật “nặng”, “nhẹ”, nên thế này, thế kia. Cái đó mỗi nhà giáo đứng lớp đều phải biết ứng xử sao cho phù hợp sư phạm, có tính giáo dục đối với HS, chứ không phải trông mong vào cái Thông tư này, quy định nọ một cách máy móc. Nhân đây xin chia sẻ vài điều.
1. Hãy từ bỏ quan niệm kỷ luật là trừng phạt, răn đe HS cho chừa, và dùng kỷ luật HS này để đe nẹt các HS khác. Đó là cách của Công an! Lâu nay nhiều giáo viên (GV) cũng học theo cách đó: Viết kiểm điểm, nhiếc mắng, xỉ vả; phê phán ở lớp, bêu ra trước toàn trường trong buổi chào cờ; đứng úp mặt vào tường, quỳ, đánh đòn; đuổi học, gọi cha mẹ HS lên răn đe… Có nơi còn gọi CA vào khám xét, điều tra, truy bức, đến nỗi có em HS bị oan ức phải tự tử… Hãy triệt để từ bỏ lối kỷ luật theo kiểu công an trị!
2. Phải quan niệm kỷ luật là để bảo đảm mọi hoạt động và các mối quan hệ trong môi trường giáo dục diễn ra bình thường, tự nhiên. Có hành vi nào bất thường thì cần uốn nắn hành vi đó sao cho khéo léo để trở lại không khí giáo dục bình thường.
HS nói sai, làm sai, có hành vi lệch lạc là tất yếu trong quá trình học hành, phát triển để trưởng thành. GV có nhiệm vụ uốn nắn, chỉnh sửa những cái sai của HS, như một quá trình giáo dục tất yếu: Học từ cái sai như một “tình huống có vấn đề”, cùng HS xử lý sao cho hợp lý, hợp tình, rút ra bài học hữu ích.
Nguyên tắc là, hành vi nào sai thì chỉnh sửa hành vi đó, để HS tự nhận thức, tự điều chỉnh lại để mình tốt hơn, chứ không quy kết, xúc phạm đến nhân phẩm, nhân cách HS.
3. HS thường có những hành vi sai nào?
3.1. Thực hiện nội quy học tập.
Phải cho HS thấy rõ, việc đi học đúng giờ, đi đều, tích cực học tập thể hiện ở KẾT QUẢ HỌC TẬP và THÁI ĐỘ HỌC TẬP chứ không đi vào bắt bẻ HS những tiểu tiết lẻ tẻ. Khi HS say sưa hướng vào học tập với mong muốn chiếm lĩnh được những điều mới mẻ, bổ ích, lý thú… thì mọi chuyện sẽ êm đẹp.
Có những hành vi sai sót của HS nào thì uốn nắn hành vi đó với mục đích để HS tự nhận thức, tự điều chỉnh… Chẳng hạn có HS hay nghịch trong lớp, trêu chọc bạn… thì cho ngồi riêng ra; có HS chưa làm bài, hay làm qua quýt thì yêu cầu làm lại; HS đi học muộn do bố mẹ đưa đi thì cần gặp bố mẹ HS để trao đổi, chứ không trút giận lên HS…
3.2. Ứng xử với GV
Để HS tôn trọng, tin tưởng, quý mến, GV phải dạy tốt, có lòng bao dung, công bằng với mọi HS. Trong trường hợp HS có những lời nói, hành vi không đúng với GV, không nên làm to chuyện. Hãy coi như em HS đó thiếu kiềm chế, lỡ lời, hành vi bột phát… Cần nói chuyện ân cần giúp HS nhận ra lỗi.
Nếu chuyện xảy ra chỉ có GV và HS đó biết với nhau thì chả cần công khai làm gì. Nhưng nếu lỗi của HS có nhiều em biết, thì sau khi đã xử lý xong sự việc, GV cần thông báo cho HS cả lớp biết, rằng có chuyện như vậy, nhưng đã xử lý rất tốt đẹp rồi, giúp HS có thêm bài học giáo dục về ứng xử… Biết xử lý tốt thì HS có lỗi với GV, sau lại quý GV hơn…
3.3. Ứng xử với bạn bè
Nếu va chạm xảy ra giữa 2 HS, GV cần họp với 2 em để hỏi rõ đầu đuôi và phân tích lỗi của mỗi em. Em nào có lỗi thì xin lỗi (có thể trước cả lớp). Cho HS thấy dám nhận lỗi, xin lỗi là người tử tế, đàng hoàng. Cần giáo dục cho HS không chi biết xin lỗi mà còn biết chuộc lỗi: Em đùa đẩy bạn ngã đau, em cùng bố mẹ nên mua quà đến thăm bạn và xin lỗi… Như vậy hai HS không giận nhau mà lại thân nhau hơn…
Những trường hợp mắc lỗi tập thể, như hai nhóm đánh nhau hay cả nhóm đánh một HS… cần họp những em liên quan để công khai nói ra mọi mâu thuẫn, xung đột, lý do từ đâu… Không phải bắt HS để truy bức, kết tội, lên án… như công an! Phải gợi cho HS nói ra sự việc, nguyên do từ đâu… giúp các em nhận thức rõ những sai lầm và chỉ ra cách, đáng lẽ có thể giải quyết êm đẹp… Qua đó dạy cho HS biết cách giải quyết những xung đột một cách “phi bạo lực”, văn minh…
Có những vụ việc chỉ công khai trong lớp để rút ra bài học cho HS của lớp; có việc phải đưa ra công khai trước toàn trường để có bài học chung. Có lần tôi đã đề nghị trường tổ chức Lễ tạ lỗi của nhóm HS đánh dã man một bạn gái trong lớp, có sự chứng kiến của HS toàn trường, của đông đảo cha mẹ HS. Cái nghi thức mới lạ như vậy có tác động mạnh đến xúc cảm và nhận thức của tất cả HS, GV, cha mẹ HS toàn trường. Tất cả phải đối mặt với sự thật: Gây ra tội lỗi phải biết nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi! Nạn nhân phải mạnh mẽ đứng thẳng lên, tha thứ cho các bạn và xoá đi nỗi mặc cảm sợ hãi! Chỉ có như vậy mới hy vọng sau những lỗi lầm, người ta lại có thể sống hoà thuận, thân thiện với nhau…
3.4. Giữ vệ sinh, an toàn trong không gian trường
Trường nào cũng có những quy định về giữ vệ sinh, an toàn trong không gian trường và HS cũng hay mắc những lỗi này, do nghịch ngợm hay vô ý. Việc này cần xử lý nghiêm hành vi có lỗi, nhưng không xúc phạm nhân cách HS. HS vứt rác sai, yêu cầu làm lại cho đúng; HS ném một cục đá vỡ cửa kính, lập biên bản chính xác, yêu cầu cha mẹ nộp tiền để sửa; HS bôi bẩn lên tường, lập biên bản, yêu cầu sơn lại như cũ (nếu HS nhỏ thì bố mẹ phải làm)… Những việc như vậy cần thông báo cho HS và cha mẹ HS biết để thấy “rất tiếc về hành vi không cố ý”, “nhưng đã khắc phục chu đáo” rồi.
3.5. Những vi phạm ngoài xã hội
HS Trung học có thể mắc những lỗi ngoài nhà trường: đánh nhau, mua – sử dụng chất gây nghiện, quậy phá… Khi Công an bắt các em HS tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) vì những hành vi “phi xã hội”, “lệch chuẩn” như vậy, cần sự có mặt của GV chủ nhiệm và người giám hộ. GV và người giám hộ có thể bảo lãnh để giáo dục các em, tránh để xảy ra những chuyện đáng tiếc với công an.
TÓM LẠI, kỷ luật không phải theo kiểu công an là truy bức, bắt nhận tội, bêu riếu làm nhục ra cộng đồng; trừng phạt để người đã mắc lỗi thì “cạch đến già”; còn chưa “phạm lỗi” thì “sợ xanh mắt”, phải sống “ngoan ngoãn”…
Kỷ luật đối với trẻ em và HS nói chung là giúp HS trải nghiệm một tình huống sai lầm để tự nhận thức, biết ân hận, biết nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi, giúp cho HS trưởng thành hơn trong cách ứng xử, cách sống ở đời.
Nhưng để làm được điều đó, các nhà quản lý giáo dục và mỗi GV phải tự thay đổi chính bản thân mình, chứ không phải thay đổi mỗi cái Thông tư!
Tỉa tót cành lá cho cây đảng xanh tươi
Theo tui cứ ” Cành bùm Nâu” mà học dẫu cánh bùm có rách tả tơi thì nhét định các cháu đều xẽ nà ” người lái đò vĩ đai”
Bác Mạc nên chuyển đổi nghề là tỉa cây, còn cái gốc kệ cha nó
Giáo sư tỉa tót cây đảng