Đại bàng chúa

Nguyễn Đan Quế

24-9-2020

Xem tranh cử tổng thống ở Mỹ 2020, người ta nghĩ đến tranh hùng trong giới giang hồ. Sau 30-4, dưới thời quân quản, giang hồ Saigon không chạy hay vượt biên. Ở lại, hoạt động dữ dằn hơn với hảo hớn Hải Phòng và Hà Nội vào.

Xe chở tù, đa số hình sự án nặng, chạy đến chợ Hoà Hưng, là tôi biết ngay vô khám Chí Hòa rồi.

Chí Hòa do người Pháp xây. Hình bát giác, một trệt ba tầng lầu. Bê tông cốt sắt, trông nặng nề, câm nín, lạnh lùng đến ớn xương sống. Giữa là kiến trúc hình ống có lỗ châu mai chung quanh. Trên là bồn chứa nước cung cấp cho cả trại. Tám cạnh của bát giác là 8 khu riêng biệt. Mỗi khu với sức chứa 1 000 đến 1500 người.

Tất cả các khu đều châu về kiến trúc hình ống ở giữa – qua một cái sân rộng – bằng tường cao, có công kênh nhau lên cũng không trèo qua được. Ngầm bên dưới chân bức tường là đường hầm chạy thẳng ra hình ống giữa. Tiếp liền có bậc thang, bên trong hình ống, đưa vào vị trí các lỗ châu mai. Từ lỗ châu mai có thể chĩa súng ra tứ phía, khống chế bao quát khắp trại. Tù nổi loạn, chỉ cần một lực lượng vũ trang nhỏ triển khai nhanh, có khả năng làm chủ tình thế toàn thể bát quái trận đồ.

Đến nơi, những anh em tù hình sự được chia tách ra thành nhiều tốp, cho đi dần vào các phòng trong các khu. Còn tôi đứng trơ trọi một mình ngoài nắng gắt. Sáng đến giờ chưa ăn gì, nên vừa đói vừa mệt. Mãi sau mới có người đến nhận dẫn đi riêng.

Lần theo lưng chu vi vòng ngoài của bát giác là cả một hệ thống đường hẹp, tối, ngoắt ngéo, tối tăm, ẩm thấp, đầy âm khí. Đây là đường di chuyển tù từ khu này sang khu khác, phía đằng trước trại hoàn toàn không hay biết gì. Nếu bị bỏ rơi giữa đường chưa chắc tìm được lối ra, nói chi trốn.

Đi hoài. Chân tay mỏi rời. Không cho nghỉ. Bụng đói, mắt hoa nhưng vẫn bắt đi. Đi chậm không được, cai tù luôn luôn đi sau tù, không bao giờ đi trước vì sợ tù từ đằng sau đánh tới, luôn giữ khoảng cách an toàn vài thước và tuyệt đối không cho gạ nói chuyện.

Tôi bị tống vào phòng tập thể lớn ở dưới đất. Phòng kỳ quá, chỉ có 5 người: chấn bốn góc là bốn ông hộ pháp, đen đủi, mặt mũi dữ dằn và một nhỏ thó nằm gần cửa ra vào. Quản giáo bắt tôi nằm chính giữa phòng.

Buổi sáng có tí nắng vô. Trong phòng có nước máy.

Mấy ngày đầu không ai nói với tôi, ngoài chuyện gọi lấy cơm, lấy nước uống. Nghe họ tán gẫu mới biết tất cả đều là công an, đã có án, kháng cáo, đang chờ xử phúc thẩm. Chọn từ các phòng, quản giáo làm việc, hăm: “Bố trí các anh trước, rồi sẽ đưa vào một tên tù tối nguy hiểm. Đang đêm có gì cứ la lên, bên ngoài chúng tôi sẽ xông vào tiếp cứu“.

Tội phạm công an thứ dữ nghe vậy cũng phải chờn. Đến khi thấy đi vào một tù ốm nhom ốm nhắt, trói gà không chặt, da xanh lướt, đeo kính trắng. Chắc lạ lắm!

Cộng sản luôn sử dụng đòn ngón bịa đặt làm người khác sợ, không dám gần, để dễ bề cô lập tù chính trị.

Nằm chấn gần cửa sắt là trưởng phòng, vốn bên ngoài làm chủ tịch UBND phường Cầu Kho – quận 1 – Saigon, cấp hộ khẩu ‘sai nguyên tắc’, bị xử 10 năm tù.

Cả tuần sau, nghe ngóng hoàn toàn không thấy có gì, mọi chuyện vui vẻ, dần dần mọi người mới dám lại gần bắt chuyện với tôi. Trưởng phòng tên Hùng tâm sự: Vừa vào tù bị ma cũ bắt nạt ức hiếp, hạ nhục, vớ được dùi sắt lụi đám đại bàng, tên cầm đầu chết ngắc, bốn đàn em lòi ruột đi cấp cứu. Bây giờ chờ xử tiếp tội giết người. Tù nói tôi nghe, chuyện tù cứ nghe cho qua thời giờ, thực hư chả ai để ý làm chi cho mệt óc.

Hùng còn trẻ, khoảng 25-30 tuổi, nói chuyện rất vui: “Anh biết không? Xong tụi nó tôn em làm đại bàng Chúa, đồn cả trại là em có võ. Trong nháy mắt đánh gục 4 tên to khỏe“. Bị áp chế, mình chống lại. Có thế thôi. Bỗng thành cái còn Chúa hơn! Giang hồ các phòng khác tự dưng qui phục, nghe răm rắp. Trại giam thấy uy thế vậy mới móc em ra chuyển sang đây, chừng 1 tuần trước anh.

Thanh niên Hà Nội, vô Nam đi ‘giải phóng’, hút chết, may chỉ bị thương. Từ Campuchia chạy về tiếp quản Saigon. Đại úy nên được làm coi một phường. Thấy dễ thương, ‘chịu chơi’, giúp đỡ bà con cô bác trong phường, có gia đình trong phường quí mới gả con gái cho, nên thăm nuôi đầy đủ, mặc dầu gia đình ở ngoài Bắc hết. Vừa lên đại học, trình độ hiểu biết khá, thơ văn thuộc nhiều, nhạc hát lai rai, biết nhiều chuyện tiếu lâm, kể chuyện đi bộ đội hay đọc vè diễu của dân Hà nội nghe cũng vui lắm, như:

Đồng tiền là Tiên là Phật

Là sức bật của tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Là cái đà của danh vọng

Là cái lọng để che thân

Là cán cân của công lý

Đồng tiền thật là hết ý!

Tất cả học sinh ngoài Bắc bắt buộc phải học thuộc lòng nhiều bài thơ của Tố Hữu, là người được tôn vinh là nhà thơ lớn của Việt Nam, kèm theo câu ‘nhưng vẫn đứng sau thơ Bác’ (vì Bác là Thánh!). Ngoài giờ học trong lớp, học sinh nói diễu với nhau: Thơ Tố Hữu giống như bát tiết canh (ý nói giọng sắt máu).

Một hôm tôi với Hùng đứng bên song sắt chơi. Một đám tù cả trăm mạng tuổi đôi mươi xuống tắm. Ào ào, bát nháo. Đứng ngoài trông mà còn rối mắt, tối tăm mặt mũi. Vừa trông thấy Hùng, giang hồ nhao nhao chào đại ca, hết sức nhiệt thành như lâu lắm mới được gặp lại người anh cả thân thương trong gia đình.

Chuyện hắn kể tưởng là phịa, nhưng đàn em tôn kính là có thật. Một tay nhỏ con, trông hiền lành, trí thức, ăn nói nhỏ nhẹ, mà điều hành đàn em nghe răm rắp.

Ra lệnh kiếm báo hay mẩu viết chì chẳng hạn. Chỉ vài hôm sau xuống tắm, tự nhiên có hòn đá ném vô phòng. Ai ném, ném cho ai, không thể biết được. Không ai chịu trách nhiệm. Mấy tháng trót lọt, không ‘phi vụ’ nào bị ‘dính’.

Thế là từ các khu khác, hàng ngày giang hồ báo cáo đều đều tin tức trong trại về cho đại bàng Chúa biết: Mới bắt vô mấy người, nhóm nào mới bị hốt, vụ vượt biên bị bắt ở đâu, những ai đi toà, mấy án tử hình, mấy án chung thân…

Đàn em dùng quạt đánh ký hiệu liên lạc từ khu này sang khu khác cách nhau cả mấy trăm thước, ngon lành, dễ như trở bàn tay. Xuống tắm, gần nên không cần quạt, chỉ vài ngón của hai bàn tay. Đánh rất nhanh. Tôi học mãi cũng không đọc hiểu, chứ đừng nói đánh đi.

Nhờ vậy, tôi biết nhiều nhân vật nổi tiếng hiện có mặt trong Chí Hòa, như Hồ Hữu Tường, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ… Có tin cưu Thủ tướng Phan Huy Quát, nhà thơ Vũ Hoàng Chương chết, nhờ kiểm chứng chết khi nào, ở khu nào, chết vì gì; nhưng giang hồ trẻ ít biết nên không làm được; chỉ cho hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nằm bệnh xá, sức yếu lắm. Nhất là trong tù, ở thời điểm vô cùng khó khăn đó mà tôi có được tin tức giao tranh năm 1979 ở biên giới VN – TQ, tin VN tiến công sang Campuchia. Nhiều tin chép có lớp lang và đôi khi có cả tin của BBC và VOA nữa.

Giang hồ truyền miệng nhiều chuyện về thần tượng nghe như tiểu thuyết, Hùng kể: Tướng cướp Điền Khắc Kim, rất anh hùng, xuát quỉ nhập thần, lấy của nhà giầu, kể cả ngoại kiều, phát cho dân nghèo, cảnh sát Saigon trước năm 1975 chịu thua.

Sau 1975, đột nhập nhà quan tham, vào vi-la các cán bộ cao cấp, lấy bộn tiền chia cho người nghèo khốn khổ, công an thả trinh sát theo mà không ăn thua gì, phải mất mấy năm ròng mới vồ được đại ca đang ăn sáng với người yêu vừa từ Hồng Kông qua; di chuyển trên đường ‘phe ta’ đánh tháo cho đại ca trốn thoát được; sau công an phải phối hợp với quân đội mở hành quân trong cả một khu vực rộng ở Chợ Lớn mới bắt lại được, đem về Chí Hòa biệt giam. Đại ca bó muối song sắt biệt giam, đàn em bên ngoài gửi cưa nhỏ giấu trong tuýp kem đánh răng, lợi dụng một đêm mưa to gió lớn, tắt điện, cưa song sắt chớp nhoáng, chuyền qua lan can, đu người nhẩy xuống sân, qua đường ống cống thoát ra ngoài.

Nhưng xui quá! vừa chui lên gặp xe tuần cảnh trờ tới. Mang về kiên giam, còng cả hai chân, tháng mới tắm một lần, tắm vẫn còng, mang theo cả thanh sắt to bằng cườm tay. Khi tắm gần tiểu đội công an gác, lao động bị đuổi đi hết. “Hôm nào xuống, em chỉ cho anh coi. Anh để ý nhìn hai con mắt, trông liều kinh khủng“. Hùng nói với lòng thán phục.

Tôi nghĩ tụi công an cộng sản biểu diễn cho cả trại nhìn thấy mà sợ, đừng hòng trốn, rồi cho lao động tung tin, ra cái điều chỉ có chúng mới trị được, còn Saigon trước đây chịu thua. Tướng cướp Phước Tám Ngón cũng anh hùng, ghê gớm không kém. Quay thành phim chiếu trong đại học đào tạo công an… Và nhiều chuyện nữa trong chốn giang hồ, anh chị.

Nhưng rồi chuyện thông tin qua quạt cũng bị tụi an ninh chìm của trại phát hiện, để ý theo dõi. Lao động ‘máy’ cho đại bàng Chúa biết phải cẩn thận. Giữa giang hồ thì không sao. Nhưng phòng này có tù chính trị, tin tức trong trại tập trung về đây để phân tích thì nguy hiểm lắm.

Giải tán phòng tức khắc.

Trong nhà tù cộng sản, chuyện chuyển trại, chuyển khu, chuyển phòng là thường xuyên. Chúng luôn luôn tạo ra xáo trộn. Tù mãi hoá quen. Chỉ năm phút sửa soạn, Không biết đổi đi đâu đây?

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh (Kiều – Nguyễn Du).

Tháng 9/2020 – Bs Nguyễn Đan Quế

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. @ Thân thăm Anh Nguyễn Đan Quế !

    Thân chúc Anh khoẻ mạnh sáng tác khoẻ ….

    Bác sĩ Nguyễn Đan Quế : Cánh chim Đại Bàng không mỏi …
    ***************************************

    https://www.youtube.com/watch?time_continue=95&v=UDdP5z4TSpc&feature=emb_logo
    The Flight of the Eagle music by Ennio Morricone

    “Đứng thẳng người hiên ngang tuyên bố: Tự Do hay Sống nhục !”
    Bác sĩ Nguyễn Đan Quế

    Bao lần tù gần bốn Thập kỷ
    Anh vẫn tin vào sức mạnh thần kỳ
    Vẫn quyết tin vào Đường Dân chủ
    Thời đại lại thôi thúc Dân ta đi !
    Mùa Xuân Tự do trên Khối Ả Rập
    Cùng bước Lòai Người tiến bộ ni
    Toàn Dân vùng dậy Giờ Việt sử
    Xuống đường biểu tình thân tiếc chi !

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    BẤM VÀO xem tiếp CÁNH ĐẠI BÀNG VỪA GÃY CÁNH
    Our dear Black Eagle died ! But his Spirit does linger forever in millions of Free Vietnamese’s Minds and Hearts
    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=28&idpoeme=12325

Comments are closed.