Kim Anh
26-8-2020
Mùa Hè sắp hết. Mọi năm, cả guồng máy xã hội bắt đầu tăng tốc trở lại, xông vào làm việc, tăng gia sản xuất trở lại… đánh dấu bằng một ngày đặc biệt trong tuần đầu tháng 9: Ngày tựu trường.
Con cái bạn đang ở lứa tuổi nào, tiểu học, trung học hay đại học? Hay nếu bạn lớn tuổi một chút, các cháu nội, ngoại của bạn, chúng đang là thiếu nhi, thiếu niên, hay thanh niên?
Điều mà loài người chúng ta mong muốn nhất, thiết tha nhất, là con cháu chúng ta được hạnh phúc, phải không? Là cha mẹ, ông bà, chúng ta mong ước điều đó cho thế hệ sau hơn cả cho chính bản thân mình, đúng không?
Nếu bao nhiêu năm qua, thỉnh thoảng trong cuộc mưu sinh bận rộn, ta quên mất điều đó, thì mùa tựu trường năm nay thật vô cùng đặc biệt và vô cùng bất ngờ bắt chúng ta phải nhớ. Một tai họa chưa từng thấy trong thế hệ của chúng ta: Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu – đại dịch Covid-19.
Nghe tin tức thế giới, thật ngạc nhiên khi biết rằng, khắp nơi phải lock down chống dịch, mọi người ai ở đâu phải về đấy, phải đóng cửa ở lì trong nhà với người thân… thì nhiều gia đình lại bị stress!
Nhiều cặp vợ chồng cùng con cái của họ chịu không nổi vì phải thấy nhau, phải chung đụng, phải sống cạnh nhau 24/24 ngày qua ngày. Mà lạ nữa là những nước càng văn minh thịnh vượng, hay những gia đình càng giàu có, dư dả… thì cái stress đó lại càng có nguy cơ nặng thêm! Tôi hy vọng rằng điều đó không đúng với đa số gia đình Việt Nam chúng ta, dù sống trong hay nước ngoài.
Nhớ ai đó đã viết rất hay: “Lúc nhỏ, chỉ một niềm vui giản dị thôi cũng đủ làm ta thấy hạnh phúc. Khi đã là người lớn, muốn cảm thấy hạnh phúc, chúng ta cần học để trở nên giản dị“.
Có lẽ đối với người nghèo, những gia đình phải chạy ăn từng bữa hay sống bằng từng tháng lương, chỉ cần còn có nhau là đã thấy hạnh phúc rồi. Chết mà được chết trong vòng tay gia đình thì là một hạnh phúc. Và thậm chí nếu chết cùng nhau, cùng nhau đi về thế giới bên kia, thì vẫn là một điều an ủi. Từ bao giờ, việc gia đình được cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong cơn hoạn nạn lại trở thành gánh nặng, thành stress, thành bất hạnh nhỉ?
Nếu theo dõi tin tức, bạn sẽ giật mình khi biết rằng, người Mỹ nghĩ tới tự tử đang gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, những người đàn ông và nhất là những người sống ở vùng nông thôn dễ bị ảnh hưởng, thường nghĩ tới tự sát nhiều hơn trước đây.
Ngoài chuyện lo lắng dịch bệnh, sống cách ly, căng thẳng kinh tế và xung đột chính trị … là những yếu tố góp phần nảy sinh ý nghĩ tự tử. Hơn nữa, khi ai đó gặp bế tắt trong cuộc sống, những người xung quanh khó nhận ra hơn, bởi chính chúng ta cũng bận rộn và căng thẳng hơn trong đại dịch này, nên chúng ta quên mất, không kịp để ý xem những người xung quanh của chúng ta đang nghĩ gì.
Liệu loài người trong thế giới văn minh của chúng ta ngày nay đã đánh mất đức tính giản dị? Chúng ta phải làm giàu bằng mọi giá, phải phát triển kinh tế bằng mọi giá, phải tăng tổng thu nhập quốc gia bằng mọi giá, phải thành đạt bằng mọi giá, phải có được món thời trang này hay tiện nghi đời mới kia bằng mọi giá… nhưng bây giờ chúng ta phải giật mình nghĩ lại: những điều đó có làm ta hạnh phúc không? Hay chúng ta chỉ biết đâm đầu đi kiếm tiền rồi đâm đầu đi tiêu thụ mua sắm, chỉ để trốn chạy khỏi cái stress vì phải sống chung cận kề hàng ngày với người thân?
Bạn có quan sát con cháu bạn vào mùa tựu trường kỳ lạ này không? Chúng nghĩ gì nhỉ? Chúng vui hay buồn trước thử thách chưa từng có này? Những em tuổi thanh niên, vừa mới ra trường, phải đứng trước cánh cửa thị trường lao động, công ăn việc làm đang ngày càng khép lại, thậm chí đóng sập lại trước mặt chúng. Những em tuổi thiếu niên đang phải chôn chân trong nhà, không được đến trường, không được gặp thầy cô và bạn học như trước, không được gặp gỡ và chơi đùa với nhau mặt tận mặt, tay chạm tay nữa, chỉ thấy nhau online! Chúng ta đang nghĩ gì?
***
Có lẽ chúng ta phải học để trở nên giản dị trở lại. Chúng ta phải học lại, để cảm thấy hạnh phúc khi vợ chồng có nhau, cha mẹ con cái có nhau, dù bên ngoài cửa nhà chúng ta, đại dịch đang hoành hành, kinh tế đang đi xuống, tương lai trước mắt đang ảm đạm.
Hôm qua nghe tin một cặp vợ chồng Mỹ, cả hai đều là chính khách khá nổi tiếng của đảng Cộng Hòa, mỗi tội vợ một đường, chồng một ngả. Bà vợ là một cố vấn cao cấp trong chính phủ ông Trump và là một trong những cánh tay mặt của tổng thống. Ông chồng trái lại, là một người phản đối ông Trump cật lực và cố vận động hết sức để “mời” ông Trump ra khỏi Nhà Trắng sau nhiệm kỳ bốn năm.
Hai người có 4 đứa con, cô con gái tuổi 15 đang hết sức buồn bã và khổ sở vì cô bé bất đồng với cha mẹ và vì tình cảnh rạn nứt của gia đình. Tin mừng, là cả hai ông bà bất thần quyết định cùng rút lui khỏi hoạt động chính trị để quay về mái nhà mình, dư luận hiểu rằng đó là vì họ nghĩ đến những đứa con của họ.
Tôi thấy hai ông bà ấy đã làm rất đúng! Cơn đại dịch kinh khủng không biết bao giờ mới chấm dứt này làm tất cả chúng ta phải nghĩ lại: Còn sống ngày nào, sao không chọn niềm vui giản dị là yêu thương, là có nhau trong mái ấm của mình, là trước hết làm cho những người thân cận gần gũi mình nhất được vui, được hạnh phúc?
Cuộc bầu tổng thống Mỹ bốn năm một lần thì cũng… kệ nó đi! Thế giới có chiến tranh hay hòa bình thì cũng để đó đã! Kinh tế có đi lên hay đi xuống, chỉ số thị trường chứng khoán có up hay down… nói cho cùng, chúng ta có làm được gì vĩ đại to tát đâu mà đòi dời non lấp bể, nếu cái điều giản dị nhất mà ta làm cũng không xong: Làm cho những người gần gũi ruột thịt của ta được vui và hạnh phúc?
Và giả như dịch Covid-19 ập vào nhà chúng ta, lấy đi tuổi thọ của chúng ta hay của người thân chúng ta, thì có lẽ chúng ta cũng đã ít nhiều học được bài học mà thiên nhiên đang ra tay dạy dỗ cho loài người: Bài học giản dị.
Tôi viết bài này không phải vì nghĩ đến chúng ta, nhưng vì đặc biệt nghĩ đến thế hệ con cháu đang chuẩn bị tiếp nối chúng ta mà cáng đáng trách nhiệm với nhân loại này. Đức tính giản dị mới chỉ là điều thứ nhất cần cho chúng. Còn nữa. Biết là chưa hết đâu, nhưng tôi nghĩ đó là một trong những đức tính tối cần cho thời đại đang tới của chúng. Và chúng ta cần làm gương.
Tau muốn có cái nhà Sàn giản dị như BACHO.