23-8-2020
Cộng đồng mạng đã tham gia một cách hữu hiệu trong việc loan tải thông tin về vụ bắt cóc, qua đó đã giúp cơ quan công an phá án nhanh chóng để đưa cháu nhỏ trở về an toàn.
Ơn trời, cháu đã trở về an toàn. Khi vụ bắt cóc bắt đầu lên mạng, tôi quan sát vừa phấp phỏng hy vọng thông tin lan toả sẽ sớm mang cháu về nhưng cũng vừa lo sợ. Lo sợ vì với sự săn tìm dữ dội của cộng đồng mạng có thể khiến cho những kẻ bắt cóc hoảng loạn rồi thủ tiêu cháu bé để trốn tội. May mắn thay, điều xấu nhất ấy đã không xảy ra.
Tôi bỏ một buổi chiều đọc trên mạng, vào những trang của các tổ chức bảo vệ trẻ em của nước ngoài để tìm xem lời khuyên cho cha mẹ khi có con trẻ bị bắt cóc. Luôn luôn là lời khuyên báo ngay lập tức cho cảnh sát địa phương với thông tin và hình ảnh của trẻ. Không có lời khuyên nào là đưa hình ảnh và thông tin vụ bắt cóc lên mạng để săn tìm kẻ bắt cóc. Ngược lại, đó là lời khuyên không nên gây cho kẻ bắt cóc sự đe doạ và săn lùng gắt gao vì sẽ khiến cho chúng hoảng loạn rồi thủ tiêu nạn nhân để chạy trốn. Chưa kể, áp lực của cộng đồng lên bộ máy điều tra của cảnh sát hoàn toàn có thể dẫn tới những quyết định sai lầm của cơ quan này.
Tất nhiên, mọi lời khuyên đều có giá trị tương đối và có tác dụng nhất định trong mỗi xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, trong trường hợp cụ thể vừa qua, cộng đồng mạng đã chứng tỏ sự hữu hiệu trong việc lan toả thông tin. Nhưng, tính mạng của một cháu bé quả thật khó mà đem ra đánh cược.
Vậy, sự tham gia của cộng đồng mạng là đúng hay sai? Đó dường như là câu hỏi mang tính “Phải – Trái, Đúng – Sai” của tác giả Micheal Sandel. Câu trả lời đành phải giao cho từng cá nhân với hoàn cảnh cụ thể của mình.
Ở một diễn biến khác, khi cộng đồng mạng một lần nữa “dậy sóng” khi thông tin gia đình của nữ nghi phạm xuất hiện. Việc có người thân trong gia đình từng chịu án vì tội bắt cóc càng khiến nhiều người muốn tự tay thi hành án tử cho nghi phạm.
Báo chí khi đưa những thông tin kiểu như vậy, thật ra đã sai một lỗi về nghiệp vụ đó là gây ra định kiến về nghi phạm. Bởi, về mặt pháp lý, việc làm của cá nhân nữ nghi phạm này hoàn toàn không liên quan đến những tiền án hay tiền sự của người thân trong gia đình. Định kiến về nhân thân càng khiến tội ác, như lời khai của nghi phạm, trở nên trầm trọng. Và, chẳng có quan toà nào lại không thấy gánh nặng của dư luận khi đưa vụ án ra xét xử.
Sau bài viết đầu tiên của tôi trên Báo Sạch về vụ bắt cóc, có bạn đọc nhắn riêng với tôi hỏi tại sao gọi họ là “nghi phạm” khi bằng chứng và lời khai đã có đủ. Thâm tâm tôi tin rằng họ thật sự là thủ phạm, nhưng tôi chỉ có thể trả lời: “Hãy nhớ Hồ Duy Hải bị kết án tử cũng chỉ bởi lời khai nhận tội”.
Cám ơn bạn Trung Bảo,
Xin phép góp ý thêm với tác giả về một nghi vấn ít ai thắc mắc: đó là tốc độ điều tra và giải cứu em bé hai tuổi khỏi tay bà “mẹ mìn, chỉ trong vòng 28 tiếng đồng hồ và CA tới tận nơi cư ngụ của nghi phạm (Tuyên Quang) để đem em bé về cho bế mẹ em (Bắc Ninh). Tôi thầm nghĩ có nhiều yếu tố chính trong vụ này:
1)- Từ lâu, nhà cầm quyền đã cho gắn camera khắp nơi công cộng (công viên, dọc đường, xa lộ, nhà ga xe lửa, trạm xe buýt, bến xe đò vv…) vì thế khi nghe báo động là họ mở lại hệ thống màn hình ngay tại công viên thời điểm đó và tức khắc nhìn thấy ngay cảnh nghi phạm vẫy tay gọi và dẫn em bé đi;
2)- Khi mở lại hồ sơ của những can phạm từng dính líu vụ án bắt cóc trong quá khứ, CA sẽ tìm ra ngay nhiều khuôn mặt cần để ý, từ đó họ quyết định thủ phạm là ai, rồi lần mò ra được địa chỉ cư ngụ;
3)- Trên đường nghi phạm chở em bé thế nào không có camera theo dõi thu lại hình ảnh;
4)- Liên lạc thêm với nhiều khách sạn, nhà hàng, trạm xăng họ phăng dần ra đường đi nước bước của nghi phạm;
5)- Cũng may đến giờ này “bà mẹ mìn” có vẻ lương thiện nên đối xử nhẹ nhàng với em bé, chưa nghe nói gì về hành xử thô bạo, tàn nhẫn trong hai ngày đó. Và có lẽ bà không nằm trong tổ chức “xã hội đen chuyên nghiệp” được huấn luyện đủ mọi mánh khóe để không bị theo dõi;
6)- Nhờ hệ thống Internet (FaceBook), cellphone mà mọi người dân quan tâm có thể nắm bắt tình hình chú tâm theo dõi và giúp đỡ CA
TB: Tuy vậy, có một mâu thuẫn đến nay tôi vẫn còn lay hoay không hiểu vì lý do gì mà CA không đủ khả năng để truy ra thủ phạm chính trong vụ án bưu điện Cầu Voi (Long An), để đến nỗi anh Hồ Duy Hải bị một bản án tử hình treo lủng lẳng trên đầu suốt 12 năm trời. Đảng, Nhà Nước và Quốc Hội đành ngậm miệng chịu thua, lạ thật?