Vụ cứu bé sơ sinh: Dân tố công an ‘Lý Thông cướp công Thạch Sanh’

BBC

Bùi Thư

20-8-2020

Công an tại Hà Nội cho biết họ vừa đục tường để giải cứu một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nhưng người dân chứng kiến nói rằng họ đã cứu cháu bé trước lúc lực lượng chức năng xuất hiện.

Anh Nguyễn Duy Tuân sống tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội kể anh là người đã cầm máy khoan đục tường cứu đứa trẻ ra vào chiều tối 18/8 và rằng anh không quan tâm việc lực lượng chức năng hay trên mạng nói gì.

“Quan trọng là cứu được đứa bé. Tôi làm việc thì trời biết, đất biết. Tôi không quan trọng việc đó”, anh Tuân nói với BBC News Tiếng Việt sáng 20/8.

Nhân chứng tố công an cướp công

Vụ việc xảy ra vào khoảng sau 17 giờ ngày 18/8 tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Lúc bấy giờ người dân phát hiện một trẻ sơ sinh bị mắc kẹt trong khe tường giữa hai ngôi nhà.

Trang Facebook chính thức của Công an TP Hà Nội vào đêm 18/8 đăng tải bài viết kèm hình ảnh về vụ việc. Cụ thể, trang thông tin này nói rằng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Gia Lâm cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã đục tường để giải cứu thành công đứa bé.

Facebook chính thức, Công an TP Hà Nội cho biết công an huyện Gia Lâm đã giải cứu thành công bé sơ sinh bị bỏ rơi.

Có một điểm lưu ý là trong bài viết xuất bản lúc 21 giờ 36 ngày 18/8 trên trang Facebook chính thức, Công an TP Hà Nội viết: “Do khe tường quá hẹp, lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài với nỗ lực bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu”. Câu này sau đó, vào lúc 23 giờ 46 cùng ngày, đã được sửa lại thành “lực lượng chức năng đã cùng nhân dân đục tường”.

Sau khi công an khẳng định họ đã cứu cháu bé, ngay lập tức trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo công an là “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”.

Theo đó, nhiều nhân chứng kể rằng các thanh niên địa phương đã tự dùng khoan giải cứu cháu bé trước khi lực lượng chức năng có mặt.

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 20/8, anh Phạm Thành Công, người đã tham gia giải cứu đứa bé, nói: “Đục tường gần xong rồi thì lực lượng chức năng mới đến. Công an với phòng cháy chữa cháy đứng nhìn thôi chứ lúc đó chúng tôi đang tập trung đục tường. Chúng tôi không quan tâm gì khác vì đợi người đến thì đã muộn, tôi còn không biết lúc đó đứa bé sống chết thế nào vì nó nằm im, không khóc gì. Khi tôi nhìn vào vách tường, tôi mới thấy tay đứa bé cử động, biết là còn sống”.

Một điểm vô lý trong bài viết trên Facebook của Công an, đó là thời điểm “người dân phát hiện cháu bé bị bỏ rơi” là 17 giờ 50 và thời điểm công an “giải cứu thành công là 18 giờ”. Chỉ mất 10 phút để công an tiếp nhận thông tin, đến hiện trường, đục tường và cứu cháu bé ra, đó là điều hầu như không thể.

Người tham gia cứu đứa bé nói gì?

Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 20/8, anh Nguyễn Duy Tuân, người cầm khoan đục tường cứu đứa bé ra kể lại:

“Hôm ấy tôi vừa đi làm về, khoảng 17 giờ 45 thì gặp một bé học sinh bảo tôi chạy sang giúp, có đứa bé bị vứt từ trên tầng xuống nhưng chưa chết. Thế là tôi vào nhìn, lúc đầu tôi tưởng là con búp bê, nhìn kĩ mới thấy đúng là đứa trẻ. Tôi mới lập tức chạy xung quanh tìm máy khoan để đục tường và gọi cho lực lượng chức năng để báo sự việc. Lúc đó khoảng 17 giờ 50”.

“Tình hình lúc đó rất hỗn loạn, có cả trăm người xung quanh. Tôi đi mượn khoan, đục trong khoảng hơn 10 phút thì cứu được đứa bé ra. Lúc đầu mũi khoan bé quá, tôi phải vừa đục vừa chờ anh Phạm Thành Công đi tìm mũi khoan to hơn. Đục xong thì tôi thấy đứa bé vẫn nằm im, tới lúc động vào người nó mới khóc lên”.

Thanh niên Nguyễn Duy Tuân, người đã cầm khoan đục tường cứu đứa bé sơ sinh hôm 18/8. Ảnh do nhân vật cung cấp

Duy Tuân là thợ thạch cao, anh kể: “Công việc tôi trước giờ cũng quen với máy khoan nên tôi có kinh nghiệm định vị, tính toán vị trí để đục bỏ mảnh tường làm sao để không rơi vào đứa bé. Có bạn Nguyễn Lương Bằng ở đó lấy chổi che chắn để bụi gạch vỡ không bắn vào em bé”.

“Đục xong thì có một bà có kinh nghiệm bế đứa bé ra là khoảng 18 giờ 5. Khi đó trạm y tế gần đấy đến đưa bé đi”.

Nhớ lại sự việc hôm đó, anh Tuân nói: “Lúc đó tôi chỉ tập trung đục tường và chỉ mong cứu được đứa bé ra. Lính cứu hỏa, công an đến lúc tôi gần khoan xong, nhưng họ chỉ đứng đó để tôi đục. Lúc đó dù mệt nhưng đầu tôi chỉ mong cứu được đứa bé ra. Khi bế bé ra, mọi người đều nhẹ nhõm”.

Về thông tin lực lượng chức năng đã đục tường cứu đứa bé ra, anh Tuân nói: “Tôi không quan trọng việc đó”.

Anh Phạm Thành Công và máy khoan được dùng để đục tường cứu đứa bé. Nguồn: Phạm Thành Công

Anh Phạm Thành Công, người cho mượn máy khoan và cũng tham gia giải cứu kể lại, với BBC:

“Lúc ấy tôi đang chuyển nhà, có anh hàng xóm chạy hớt hải sang hỏi máy khoan, tôi có nên chạy đem sang. Nhóm ba anh em, anh hàng xóm ấy trực tiếp khoan, tôi hỗ trợ lắp máy, luồn dây điện, đục tường. Chúng tôi dùng chổi nhựa chặn trước ở đầu cháu bé, ba anh em khoan lùi lại để mảnh vỡ vụn không bắn vào đầu cháu. Đục đủ một khoảng để thò tay với tới chỗ bé đưa ra”.

“Lúc đấy tôi rùng mình, những vụ này thường chỉ nghe trên đài báo, chưa từng chứng kiến nên cũng hãi vì thấy bé đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn. Nhưng khi đó chỉ nghĩ cách làm sao nhanh nhất cứu đứa bé. Khi cứu đứa bé ra được, tất cả mọi người vỡ òa, vỗ tay rồi đứa bé đi luôn. Cứu được một đứa trẻ bé bỏng thực sự rất xúc động”, anh Công thuật lại.

Anh Công cũng nói thêm, khi có bà bế ra, vợ anh cũng hỗ trợ quấn khăn cho đứa bé và nhân viên trạm y tế đã có mặt trước đó đợi để đưa bé đi.

Công an nói gì?

Cùng với lời khẳng định “lực lượng chức năng đã phải đục tường để đưa cháu ra ngoài”, trang Facebook của Công an TP Hà Nội còn đăng một tấm ảnh chụp cảnh các công an viên đang bế cháu bé tới bệnh viện và hình một nhân viên y tế đang chăm sóc cháu bé. Hai tấm ảnh còn lại cho thấy một khe tường hẹp và một lỗ thủng lớn do ai đó vừa mới đục.

Không có hình ảnh nào cho thấy công an đang thực hiện nghiệp vụ giải cứu cháu bé tại hiện trường.

Có nhiều ý kiến bình luận bên dưới bài viết trên Facebook của cơ quan công an bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí chỉ trích “công an cướp công”.

“Chào các đồng chí Lý Thông. Ảnh chụp đẹp đấy”, một người tên Hoàng Dũng bình luận. Với tấm hình chụp cảnh công an bế cháu bé vào bệnh viện, người này viết thêm: “…Bố cục ảnh do ai sắp xếp mà nghệ thuật vậy ạ? Hai đồng chí nhìn vào máy ảnh, 2 đồng chí nhìn vào cháu bé, tỏ vẻ trìu mến, lại còn xen kẽ màu áo. Tôi chấm 9,5”.

Cũng có các bình luận “hoan hô công an” và tố áo kẻ vứt bỏ cháu bé.

Cháu bé được chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế. Nguồn: Tư liệu công an

Sau khi bị tố cáo “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”, phía công an đã lên tiếng phản hồi. Trên báo Dân Việt, một đại diện cơ quan công an huyện Gia Lâm cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin tố cáo chuyện “cướp công”.

Vị này khẳng định thông tin chính xác, chính thống đã được đăng tải trên trang Facebook của Công an TP Hà Nội.

“Hiện có rất nhiều thông tin hằng ngày trên mạng xã hội không được kiểm chứng, nhiều thông tin trái chiều nhằm mục đích tăng tương tác, câu ‘like’. Về cháu bé mắc kẹt được đơn vị đưa vào viện chăm sóc, sức khỏe cháu đã ổn định. Hiện chưa xác định ai là người mẹ của cháu cũng như nguyên nhân vì sao cháu rơi giữa khe tường”, đại diện công an cho biết thêm.

Trên báo Lao Động, đội Cảnh sát PCCC cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ xác nhận đã đục tường giải cứu bé trai bị kẹt trong khe tường 10cm. Ảnh chụp màn hình

Trong vài năm trở lại đây, lực lượng công an rất chú trọng vào công tác truyền thông xây dựng hình ảnh. Trên báo chí và trên mạng xã hội thường xuất hiện các bài viết về thành tích và các việc làm tốt của công an cũng như hình ảnh công an khi thì trả lại tiền rơi cho người dân, khi thì đẩy xe giúp người dân qua đoạn đường ngập.

Có một dạo công an Việt Nam công bố nhiều bức hình cho thấy cán bộ, chiến sĩ giúp các cụ già nhặt cam rơi trên đường. Nhưng dư luận lúc đó cho rằng việc lặp đi lặp lại nội dung “giúp cụ già nhặt cam” làm dấy lên chỉ trích về sự nghèo nàn ý tưởng trong dàn dựng hình ảnh truyền thông cho công an.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ha Ha Ha !
    Trích: “CA VC là siêu diễn, sao không thấy tấm ảnh CA đục tường nào cả?”
    Anh bạn Dân Nhà Quê lẫn hay sao mà quên khuấy một kinh nghiệm đắng cay của CA hồi đầu năm 2020. Đó là vụ “tổng tấn công xã Đồng Tâm, HN” với gần 3000 (ba ngàn) CA, Bộ Đội, CSCĐ, vũ trang đầy mình (AK-47, lựu đạn, kính bảo hộ, chó nghiệp dư). Tuy nhiên thành công không được như mong đợi: ba anh CA cấp cao leo tường, vào nhà dân bị sụp hố và bị thiêu sống tại chỗ. Vì vụ này Đảng và Nhà Nước buồn lắm, học tập rút kinh nghiệm “sâu sắc” đưa đến lệnh cách chức anh Nguyễn Đức Chung tháng trước.
    Riêng tôi, quan sát tấm ảnh “Đội Cảnh sát PCCC cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ xác nhận đã đục tường giải cứu bé trai bị kẹt trong khe tường 10cm” đăng trên bài, nhận thấy quý anh ăn mặc rất tươm tất, sạch sẽ vô cùng, không dính một tý bụi bậm, mặt mày tươi sáng bảnh bao. Đúng là quý vị anh hùng xả thân chui rúc trong vách tường cứu thoát em bé, không hỗn danh “Còn Đảng còn ta”

    • Tôi chỉ muốn kiểm tra cho chắc thôi mà!
      – Nếu CA cứu em bé thì hình ảnh phải một đống. Cũng hơi lẫn thật. Lẫn tới mức mà tôi còn lo những người “tự nhận” đã đục tường cứu em bé bị phạt vì tôi “phao tin giả để câu view nữa cơ!
      – VC nó muốn làm gì mà chả được, thằng đại đồ tể lên làm cha già dân tộc. ĐM! là bồ tát thị hiện…v..v..

  2. CA VC là siêu diễn, sao không thấy tấm ảnh CA đục tường nào cả?

Comments are closed.