Tác giả: Kimmy Yam
Dịch giả: Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
10-8-2020
(Và cho đến nay, ẩn dụ này vẫn bị kiểm duyệt tinh vi hơn bằng cỗ máy giải trí Hollywood)
“Godzilla, King of the Monsters!” Bộ phim do Ishiro Honda và Terry O. Morse đạo diễn, năm 1956 là một phép ẩn dụ về bom nguyên tử, tuy nhiên khi được phiên dịch bởi Hollywood, tất cả những ẩn dụ đầy tính chỉ trích về một con quái vật được tạo ra từ vụ nổ bom nguyên tử đó đều được tẩy rửa rất kỹ. Một bài xã luận của Kimmy Yam đăng trên NBC cách đây vài hôm.
Khi quái vật Godzilla, hay “Gojira”, xuất hiện trước khán giả điện ảnh Nhật Bản vào năm 1954, nhiều người đã rời rạp trong nước mắt. Sinh vật hư cấu, một con khủng long khổng lồ với lớp da hoặc vảy của nó bị nhăn nheo nặng nề được hình dung giống với những vết sẹo lồi của những người sống sót sau hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 9 năm trước đó để kết thúc Thế chiến thứ Hai….
Tuy nhiên, trong mắt người Mỹ, lại là phản ứng ngược lại, khi chỉ thấy cái giải trí mà nhiều người hiểu rằng đó chỉ một bộ phim quái vật sến súa. William Tsutsui, tác giả của “Godzilla on My Mind: Fifty Years of the King of Monsters”, nói với NBC Asian America: “Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng nếu bạn rời bộ phim trong nước mắt, đó chỉ là vì bạn đã cười quá nhiều”.
Các nhà phê bình cho rằng sự tương phản này phản ánh cách Hollywood tiếp nhận khái niệm Nhật Bản và làm sạch nó trong thông điệp chính trị của mình trước khi giới thiệu nó với khán giả Mỹ để làm giảm nhẹ quyết định thả bom của Mỹ.
Bộ phim như một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, đại diện cho những đau thương và lo lắng của người dân Nhật Bản trong thời đại mà chế độ kiểm duyệt rộng rãi ở Nhật Bản do Mỹ chiếm đóng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, Tsutsui nói. Màn hình đã mô tả những gì nhiều người không thể nói trắng ra. “Các nghệ sĩ sáng tạo, nhà làm phim, tiểu thuyết gia Nhật Bản, v.v. thực sự không thể nói về các vụ đánh bom nguyên tử. Đó là một chủ đề không thể thảo luận. Và người Nhật cũng rất kín tiếng trong việc thảo luận về thảm kịch này, bởi vì nó quá khủng khiếp và vì họ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về những sự kiện đó”.
Trong bộ phim gốc của Nhật Bản, sinh vật này được miêu tả là một con khủng long sống sót từ Kỷ Jura, đang bơi quanh Nam Thái Bình Dương. Tsutsui mô tả con quái vật là “hồn nhiên như những đứa trẻ trên sân chơi của chúng ở Hiroshima”. Sau một vụ thử bom H của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương, sinh vật này trở nên đau đớn và tức giận. Đó là cơn thịnh nộ đến từ một người nào đó, về cơ bản là vô tội, là nạn nhân của trải nghiệm này. Và mọi người có thể chứng kiến trong phim, Tokyo bị phá hủy một lần nữa khi nhìn thấy bức xạ mang hình dạng vật chất của một con quái vật. Cái kết, trong khi buồn vui lẫn lộn, là một kết thúc đầy hy vọng, trong đó nhân loại chiến thắng cái ác.
Tuy nhiên, khán giả Mỹ đã được xem một bộ phim khác khi nó được mang tên “Godzilla, King of the Monsters!” khoảng hai năm sau. Đó là một phiên bản đã bị chỉnh sửa, rất nhiều. Trong đó, nam diễn viên da trắng Raymond Burr vào trung tâm của bản chuyển thể. Học giả lưu ý rằng ước tính khoảng 20 phút của bộ phim gốc Nhật Bản, chủ yếu là các phần chính trị, đã bị cắt ra khỏi phiên bản Mỹ.
Trong số những cảnh bị cắt xén có một cảnh trong đó những người đi lại trên tàu tạo ra mối liên hệ giữa vụ đánh bom ở Hiroshima và cuộc tấn công của Godzilla, cũng như đoạn cuối sâu sắc trong nguyên tác nơi giáo sư sinh học Tiến sĩ Yamane cảnh báo rằng nếu thử nghiệm hạt nhân không dừng lại, một Godzilla khác có thể xuất hiện.
Một phần nhỏ thông điệp dự định của bộ phim gốc đã được khôi phục trong các bản chuyển thể sau này. Ví dụ, trong bộ phim “Godzilla” năm 1998 với sự tham gia của Matthew Broderick, sinh vật này được tạo ra từ một vụ thử bom nguyên tử của người… PHÁP chứ không phải người Mỹ ở Polynesia.
Còn trong các bộ phim Godzilla do công ty Legendary phát hành, con quái vật này được miêu tả là một loài khủng long thời tiền sử đã trồi lên từ Trái đất và phải bị tiêu diệt bằng hạt nhân (với mình, nó bị đảo 180 độ ý nghĩa gốc của phim).
Có thể thấy, động lực của Hoa Kỳ muốn phủ nhận lịch sử đau thương của mình ở Nhật Bản vẫn tồn tại.
Kazu Watanabe, người đứng đầu Japan Society, cũng có suy nghĩ tương tự, cho rằng bộ phim chuyển thể của Hoa Kỳ đã góp phần vào việc bóp méo quan điểm của khán giả Mỹ về Nhật Bản vào thời điểm đó. Tsutsui giải thích, cách mà bộ phim đã trải qua một lớp kiểm duyệt khác trước khi ra mắt khán giả Mỹ, cho thấy mức độ nhạy cảm của mọi người đối với sự phi nhân tính vốn có của các vụ đánh bom nguyên tử. “Họ đã làm việc chăm chỉ để bảo vệ công chúng Mỹ khỏi sự thật, và những người Mỹ sẽ không bao giờ có cơ hội cảm nhận nó theo đúng ý nghĩa mà đạo diễn truyền đạt”.