Bình dân Học vụ
9-8-2020
Khi một nghệ sĩ, người làm văn hóa, hay nói rộng ra, một cá nhân nổi tiếng, người của công chúng như Duy Mạnh tung ra những phát biểu vô văn hóa, mạ lị khán giả, thậm chí sai trái, động chạm đến chủ quyền đất nước, công chúng có thể làm gì? Yêu cầu “cơ quan chức năng vào cuộc xử lý” có phải là việc làm đúng?
Về khía cạnh “xúc phạm nhân phẩm người khác“
Nếu coi rằng tự do ngôn luận là một quyền tuyệt đối, thì tự do chửi nhau cũng là quyền. Duy Mạnh chửi một khán giả, khán giả đó có thể huy động bè bạn chửi lại Duy Mạnh, và rồi các fan của Duy Mạnh lại tham gia để bảo vệ thần tượng. Đôi bên cứ thế chửi rủa nhau đến… chán thì thôi.
Dĩ nhiên, đây là điều không tốt; ngôn từ thù địch (hate speech) là một thứ làm bẩn môi trường mạng, tạo ra năng lượng tiêu cực làm tổn hại tất cả mọi người. (Mà thật ra, tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối. Người ta có quyền có quan điểm và giữ quan điểm đó cho riêng mình, chứ không phải luôn luôn có quyền phát biểu quan điểm đó ra).
Chửi nhau là không tốt, vậy còn lựa chọn nào khác cho những người bị Duy Mạnh xúc phạm? Họ có thể khởi kiện. Luật pháp ở quốc gia nào cũng đều không cho phép việc mạ lị, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Tuy nhiên, việc xử lý những cá nhân mạ lị, xúc phạm người khác, trên thực tế sẽ rất phức tạp. Cùng bị “chửi” như nhau nhưng có người cảm thấy bị nhục mạ, tổn thương, người khác lại thấy bình thường. Ngay cả Duy Mạnh cũng vậy, anh ta tỉnh bơ… chửi lại độc giả trên facebook của mình.
Về khía cạnh chủ quyền quốc gia
Duy Mạnh nói (comment với một độc giả): “Nó (Trung Quốc) có chiếm thì nó chiếm hai cái đảo đ. có người, chứ nó chiếm nước mày để nó phải nuôi 90 triệu dân của mày hả? (…) Một tháng đi làm đã chắc kiếm được 100 củ chưa mà đòi bàn chuyện chính trị hả?”.
Nhìn vào phát ngôn của Duy Mạnh, nhiều người khẳng định anh ta là người thiếu ý thức cộng đồng, không hiểu biết về chính trị, thậm chí không yêu nước.
Nhưng… không yêu nước thì rất nhiều người khác cũng không yêu nước chứ đâu riêng gì Duy Mạnh. Và không yêu nước không bị coi là vi phạm pháp luật. Yêu nước là một tình cảm cá nhân, giống như yêu gia đình, yêu trai/gái, yêu làng xóm, yêu đội tuyển quốc gia, yêu Hồ Chí Minh, yêu Donald Trump, v.v. Ta là ai mà bắt một người phải yêu một cái gì đó, một ai đó?
Thế nhà nước làm gì?
Việc tốt nhất nhà nước làm là… không làm gì cả.
Quan hệ giữa Duy Mạnh và khán giả, độc giả là quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự là quan hệ ngang hàng trong các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản, mà cốt lõi của nó nằm ở nguyên tắc tự do thỏa thuận. Chuyện mua bán, lấy vợ lấy chồng, làm công ăn lương, và cả chuyện xúc phạm danh dự của nhau đều nằm trong các quan hệ dân sự.
Khi có tranh chấp dân sự, người ta giải quyết theo con đường dân sự (tự thỏa thuận với nhau, nhờ trung gian hòa giải, kiện ra tòa dân sự, v.v.)
Duy Mạnh có xúc phạm ai thì cũng vẫn là trong khuôn khổ quan hệ dân sự, do đó:
– Nhà nước không được tự ý can thiệp, trừ phi nạn nhân có đơn kiện; và
– Nếu kiện, thì nạn nhân phải đâm đơn kiện ra tòa án dân sự, chứ không phải ra bộ này, cục kia.
Có nghĩa là, việc kiến nghị Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch hay Cục Quản lý Nghệ thuật Biểu diễn, hay Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử… hay bất kỳ bộ, cục nào khác, nhằm xử phạt phát ngôn của Duy Mạnh và cấm Duy Mạnh biểu diễn đều vô hình trung trao cho nhà nước những quyền hạn mà nó không nên có.
Nay nhà nước xử phạt Duy Mạnh, mai họ có thể xử phạt một nhà báo, một blogger, một nhà hoạt động vì lý do tương tự. Nói đơn giản, người dân Việt Nam chửi bới thô tục các quan chức nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp và người nổi tiếng rất nhiều, nếu xử phạt Duy Mạnh được thì cũng xử phạt những người chửi bới đó được.
Theo lẽ thường, ai thấy bị Duy Mạnh xúc phạm thì phải đâm đơn kiện ra tòa, nhờ tòa phân xử.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa xử phạt hành chính và xét xử ở tòa dân sự.
Xử phạt hành chính mang tính đơn phương, cưỡng bức từ phía công quyền, và có giá trị áp dụng chung cho mọi vi phạm tương tự, nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng. Nghĩa là nếu xử lý Duy Mạnh vì nói bậy thì phải xử lý tất cả những hành vi nói bậy khác, giống như xử lý người vượt đèn đỏ. Xử lý hình sự cũng có tính chất tương tự, nhưng áp dụng cho những hành vi có độ nguy hiểm cao hơn.
Xét xử dân sự chỉ phát sinh khi có đơn kiện, nghĩa là người dân tự nguyện nhờ tòa phân xử, chứ tòa không tự nhiên nhúng tay vào vụ việc. Nguyên lý ở đây là vụ việc chỉ liên quan tới lợi ích của cá nhân, tổ chức, chứ không phải là lợi ích công cộng. Nói nôm na là thân ai người nấy lo, nhà nước không lo. Trong quá trình xét xử, nguyên đơn có thể rút đơn kiện, tòa dừng xét xử; các bên cũng có thể chủ động thỏa thuận ngoài tòa và đề nghị tòa công nhận thỏa thuận đó. Một người xúc phạm người khác có thể bị phạt cả tỷ đồng, nhưng trong một vụ khác, một người chửi ba đời người khác ra nhưng không bị kiện thì cũng không tòa nào đụng đến.
Tóm lại, không bộ, không cục nào có thể làm thay việc của tòa án trong trường hợp này.
Không nên cổ xúy cho sự can thiệp bất hợp lý của chính quyền
Nếu Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch hoặc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử muốn nhân cơ hội này lấy lòng dân, tỏ ra yêu nước và tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, đây là thời điểm lý tưởng để họ xử phạt Duy Mạnh, ví dụ bằng cách ra quyết định cấm Duy Mạnh biểu diễn.
Đáng tiếc, đó lại là một quyết định dân túy (nịnh dân) và cũng là tiền lệ xấu: Từ nay về sau, bất cứ nghệ sĩ nào có phát ngôn bị một bộ phận dư luận coi là thiếu văn hóa, xúc phạm người khác, không yêu nước, không đạo đức, không hợp thuần phong mỹ tục, v.v. thì các cục, bộ có liên quan đều có thể dựa vào “tiền lệ Duy Mạnh” để xử phạt nghệ sĩ đó ngay.
Nếu là người ủng hộ tinh thần pháp luật, nhà nước pháp quyền, chúng ta không nên tạo cơ hội (đồng nghĩa với mặc nhiên đồng tình) cho các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính “quản lý” nghệ sĩ, tùy tiện xử phạt nghệ sĩ “theo ý kiến số đông”, thậm chí có thể xâm phạm tự do ngôn luận. Việc này, vô hình trung, củng cố cho chế độ kiểm duyệt ngôn luận vốn đang phổ biến ở nước ta dưới rất nhiều hình thức: xử phạt hành chính, bỏ tù, cấm báo chí tư nhân, đình bản, v.v.
Vậy nên làm gì? Như trên đã nói, hoặc là các nạn nhân khởi kiện Duy Mạnh, hoặc là dùng sức mạnh công luận.
Việc khởi kiện không hứa hẹn hiệu quả, vì quá trình xét xử, chứng minh hành vi tội phạm rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, ngay cả ở những nước phát triển. Cho nên, chỉ có công luận là mạnh hơn cả. Sức mạnh của công luận nằm ở khả năng tẩy chay Duy Mạnh: Tẩy chay tất cả sản phẩm băng đĩa của Duy Mạnh, tất cả các sô diễn của Duy Mạnh, tất cả các chương trình âm nhạc có mời Duy Mạnh, tất cả các hãng băng đĩa, bầu sô nào hợp tác với Duy Mạnh. Đó là cách mà công luận, hay là xã hội dân sự, có thể làm tốt nhất và văn minh nhất.
Bài viêt có nhận định rât đúng đắng.Dân trí có tiến bộ hay không là mọi người phải ý thức quyền và nghĩa vụ của mình.Một số báo kêu gọi nhà nước can thiệp là tạo tiền lệ xấu cho công cuộc đấu tranh dân chủ
Cái người ít yêu nước nhất có lẽ là người khen trà Tàu ngon hơn trà Việt.
Xin lỗi là tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả. Thượng bất chính hạ tắc loạn. Cái thứ luật pháp CS ban hành chỉ là trò hề bảo vệ tiền và quyền của bọn họ CS, vậy nên không thành ý tưởng gì nếu ngồi phân tích và thảo luận tính chính đáng của luật và thực thi luật CS. Cần thảo luận là khi nào thì CS phải từ bỏ áo CS để trở lại là người việt chân chính biết chia xẻ và sống thân ái trong nghĩa đồng bào với mọi người.