Nguyễn Hùng
31-7-2020
Việt Nam không còn nằm trong số 20 nước đi đầu trên thế giới về khả năng phục hồi kinh tế sau dịch Covid nhưng vẫn còn trên nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Hoa Kỳ.
Chỉ số Phục hồi Covid Toàn cầu của Chính phủ Malaysia cho tới hôm 28/7 còn xếp Việt Nam ở vị trí thứ 20 nhưng sang ngày 30/7 đã đánh tụt Việt Nam xuống vị trí thứ 22. Thế chỗ Việt Nam là Myanmar.
Thái Lan vẫn tiếp tục ở vị trí dẫn đầu theo sau là Latvia ở vị trí thứ hai, Nam Hàn đứng thứ ba, Malaysia thứ tư và Đài Loan thứ năm.
Hoa Kỳ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 với trên 150.000 người thiệt mạng đứng thứ 119 về khả năng gượng dậy về kinh tế trong khi Philippines, nơi Tổng thống Duterte hay được coi là có nhiều điểm giống Tổng thống Trump, xếp ngay sau ở vị trí thứ 120.
Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ chung ý thức hệ của Việt Nam, đứng thứ 35, trên Nhật Bản một bậc. Quốc gia rộng lớn nhất thế giới, Nga, chỉ đứng thứ 95.
Điều ngạc nhiên là Singapore đứng tận thứ 44 trong khi Indonesia, một nước Asean khác, ở vị trí 59. Cam Pu Chia đứng thứ 85, Lào – 33 và Brunei – 46.
Việc rớt hạng của Việt Nam có thể liên quan tới đợt bùng phát Covid mới nhất ở miền trung sau ba tháng tạm yên ổn. Nhưng ngay cả trước diễn biến mới này, ảnh hưởng của Covid đối với kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là khá nghiêm trọng.
Các chuyên gia nói rằng khoảng 40% lực lượng lao động ở Việt Nam làm trong các ngành có sản lượng và lương bổng cùng giảm bên cạnh những đợt sa thải nhân viên. Trong số các ngành này có dịch vụ cho thuê phòng, ăn uống, sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Các ngành này được cho là có xu hướng sử dụng lao động di cư cũng như lao động không có tay nghề với các hợp đồng lao động mù mờ khiến người lao động không được hưởng các gói trợ giúp của chính quyền.
Mặc dù vậy Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nền kinh tế vẫn có tăng trưởng trong năm 2020 với mức tăng từ 3-5% tuỳ vào đánh giá của các tổ chức khác nhau và từ 6,8-7% trong năm 2021. Nhưng để có thể tăng trưởng cao trở lại, sức mua nội địa không thôi sẽ không đủ mà Việt Nam cần tới sự hồi phục trở lại của tăng trưởng kinh tế cũng như hồi phục sức mua trên thế giới, theo McKinsey.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như quan tâm tới chuyện giữ kỷ lục về chống Covid-19 hơn là có các chính sách táo bạo để khôi phục kinh tế nhằm tránh nhiều người chịu cảnh điêu đứng vì mất cơ hội làm ăn.
Trong năm ngay trước kỳ họp hệ trọng của Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương cho rằng, người dân sợ Covid hơn sợ suy thoái kinh tế. Điều này có thể đúng trong ngắn hạn nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ vẫn như vậy trong các tháng tới đây.