14-7-2020
Mấy hôm vừa rồi cộng đồng mạng ở Việt Nam lại ồn ào chung quanh một lá thư được cho là của Tổng Lãnh sự quán Anh gửi Bệnh viện Chợ Rẫy “trân trọng thông báo” nguyện vọng của ông Stephen George Gallagher Cameron, viên phi công người Anh được biết đến như là bệnh nhân thứ 91 bị nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vừa được điều trị thành công ở Bệnh viện Chợ Rẫy, về việc ông không muốn tiếp xúc với giới truyền thông trong nước vào ngày ông ra viện để trở về nước Anh theo kế hoạch.
Không biết có phải giới truyền thông Việt Nam tự cho rằng mình phải có đặc quyền tiếp xúc và đưa thông tin về cá nhân ông này vì ông ta đã được “Việt Nam cứu sống” hay không mà đã có những bài báo công kích nguyện vọng này của ông Cameron, thậm chí có bài báo còn dùng những từ ngữ không mấy hay ho là “chảnh” hay “rối loạn tâm lý” để lên án ông này.
Đặc biệt là có cả vị nguyên đại biểu quốc hội rất có uy tín trong công chúng lại bảo rằng ông cảm thấy “hụt hẫng” khi đọc bức thư này của Tổng Lãnh sự quán Anh mà ông cho là “trịch thượng” và ông lên án ông bệnh nhân này khi cho rằng viên phi công người Anh này có thể đã bán đặc quyền phỏng vấn mình cho một hãng tin nước ngoài nào đó nên mới có cách hành xử “vô ơn” như thế đối với báo chí Việt Nam?
Dù rất kính trọng vị nguyên đại biểu quốc hội nọ, rất tiếc là tôi không thể đồng ý với quan điểm này của ông.
Trước hết, nếu đúng đó là văn bản của Tổng Lãnh sự Anh thì tôi không thấy có gì là “trịch thượng” vì lời lẽ của nó khá chừng mực và lịch sự đúng theo phong cách ngoại giao của các cơ quan đại diện của nước ngoài. Nó chỉ chuyển tải đúng nguyện vọng của công dân nước họ về một vấn đề cụ thể là muốn quyền cá nhân của mình được tôn trọng. Đây là điều tối thiểu mà các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài phải làm để bảo hộ quyền lợi của công dân mình đang cư trú ở nước khác.
Tôi chỉ mong các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài cũng bảo hộ công dân Việt Nam một cách tỉ mỉ và chu đáo như vậy.
Thứ hai, việc viên phi công người Anh này có bán đặc quyền tiếp xúc hay phỏng vấn mình cho một hãng tin ở nước khác hay chưa mới chỉ là tin đồn, chưa được kiểm chứng. Nhưng nếu giả sử điều này là có thật thì cũng là chuyện bình thường. Vì ông ta có toàn quyền bán cái đặc quyền cá nhân đó của ông cho bất cứ hãng tin nào. Và nếu một hãng tin nước ngoài nào đó đã mua bản quyền từ trước thì người bán phải tôn trọng. Nếu làm ngược lại thì mới không đúng.
Vậy thì ai, ông Cameron với nguyện vọng chính đáng của mình, hay báo chí và những người đang lên án ông, mới đúng là đang có thái độ vô lý và trịch thượng?
Trong một xã hội dân chủ mà quyền cá nhân được tôn trọng tuyệt đối thì truyền thông cũng chỉ là một thực thể kinh doanh và phải trả tiền để có thông tin. Vả lại, nghe đâu ông phi công người Anh này cũng đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ Chợ Rẫy vì đã trực tiếp tận tình chăm sóc ông rồi thì phải. Thế là đủ, tại sao lại lên án ông ta một cách nặng nề khi ông ta không thể chiều lòng những người khác, trong đó có giới truyền thông Việt Nam?
Xin hãy bỏ cái lối tư duy “của người phúc ta” ấy đi !
Có thể những người lên án ông Cameron vì chỉ quen với nền văn hóa – chính trị Việt Nam thường đồng nhất mọi thứ, từ nhà nước – nhân dân – báo chí,… cho đến một cái bệnh viện cứu người, tất cả đều được gắn một cái nhãn chung trong một tập hợp có tên gọi là “hệ thống chính trị”. Vì thế bất cứ điều gì cũng có thể được chính trị hóa. Chắc vì thế nên mới có cách suy nghĩ rằng nếu ông Cameron đã được một bệnh viện Việt Nam cứu sống thì ông ta cũng có bổn phận phải biết ơn cả báo chí truyền thông Việt Nam và cũng phải biết ơn tất tần tật mọi cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Việt Nam, thậm chí phải biết ơn đến cả toàn thể “nhân dân Việt Nam anh hùng” từ già, trẻ, lớn, bé nữa chăng?
Nhưng giả sử ông người Anh ấy mà nói “cám ơn nhân dân VN” thật thì không biết các bạn sẽ cảm thấy thế nào, chứ cá nhân tôi thì xin được từ chối, không dám nhận lời cám ơn ấy vì tôi đâu có giúp được gì cho ông ta.
Nếu tất cả những người như tôi, đã chẳng làm được gì cho ông ta nhưng chỉ vì chúng tôi là người có cùng quốc tịch với những bác sĩ người Việt đã cứu sống ông ta nên chúng tôi cũng bắt chước giới truyền thông Việt Nam đặt ra các yêu cầu nọ kia để đòi cái ông bệnh nhân người Anh kia phải chiều theo ý của chúng tôi thì mới đúng là vô lý.
Và nếu chúng tôi, đã không làm gì cho ông ta, mà nhận lời cám ơn của ông ta thì đó cũng chỉ là… nhận vơ mà thôi.
Và nếu không nhận vơ thì cũng chẳng việc gì mà phải “hụt hẫng” như vị nguyên đại biểu quốc hội đáng kính kia, phải không các bạn?